Nước Anh: Câu chuyện dành cho người tò mò

THÚY NGA 10/11/2010 16:11 GMT+7

TTCT - Đến Vương quốc Anh vào mùa đẹp nhất trong năm, điều làm say mê người làm báo xứ Việt không chỉ là những công viên mênh mông thu vàng cổ thụ, những cung điện - pháo đài cổ kính nguy nga hay những tượng đài hàng trăm năm sống động... Chính những con số mới khiến người quan tâm phải ngạc nhiên.

Phóng to
Sắp đặt lại hiện trường một cuộc khai quật khảo cổ với đầy đủ dụng cụ chuyên dụng, thao tác làm việc và hiện vật tìm thấy. Tác phẩm nằm trong không gian của hội chợ nghệ thuật lớn nhất thế giới (Frieze Art Fair) diễn ra từ ngày 14 đến 17-10 tại London. Có giá vé 25 bảng Anh nhưng khán giả vẫn xếp từng hàng dài để mua - Ảnh: T.N.

Những con số tưởng đơn điệu hóa ra lại nói lên nhiều điều mới mẻ về một thế giới ngỡ rằng mình đã quen biết lâu rồi.

Một thế giới rất cũ từng lay động người đọc VN qua những câu chuyện ly kỳ của Hội chợ phù hoa, Đỉnh gió hú, Gulliver du ký... hay qua những nhân vật bí ẩn như Ivanho, Jane Eyre, David Copperfield, Robinson Crusoe... từng quyến rũ cả một tuổi thơ. Nước Anh sôi động bây giờ có nhiều lý lẽ và ví dụ để dẫn dụ du khách bốn phương.

1. Miễn phí lạc bước bảo tàng

Đến Bảo tàng quốc gia (Cardiff, Xứ Wales) thấy rất nhiều người xưa. Chỉ riêng việc đối diện với hàng trăm bức họa chân dung, ngắm nghía những gương mặt đến từ thế kỷ 13, 14, 15... đã đủ thấy bối rối. Rồi tự nhiên lại thấy ngậm ngùi khi nhìn người ta chi li đến từng nếp gấp áo quần, rõ nét đến từng chiếc mũ đội đầu, đến cả chiếc bao tay, đôi giày vải, cây gậy cũng như còn nguyên vẹn đó...

“Chứng cớ” rành rành, người làm phim nước Anh chắc là sướng lắm đây, khỏi tranh cãi đôi co về trang phục lịch sử.

Nếu muốn đi xa hơn, đến với những thiên niên kỷ trước thì Bảo tàng Anh là chọn lựa tối ưu. Được thành lập từ năm 1753, Bảo tàng Anh là bảo tàng công cộng quốc gia lâu đời nhất thế giới, mỗi năm đón tiếp 6 triệu khách tham quan và đang trưng bày 6-12 triệu hiện vật (nếu tính đến từng viên đá hay mảnh gốm).

Đến với thế giới tri thức này, thời gian bỏ ra bao nhiêu cũng là chưa đủ. Chỉ riêng khu trưng bày xác ướp Ai Cập, để xem cho hết từng xác ướp đủ kiểu dáng, lứa tuổi, với những lý do bị chết, bị giết khác nhau đã đủ rã rời chân cẳng... Nên phải biết giữ sức vì còn một khu mênh mông những bức tượng cổ đại Hi Lạp và La Mã khổng lồ, những vị thần, những quái thú từ vài ngàn năm trước Công nguyên.

Còn khu châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu và nước Anh cổ đại. Còn biết bao tượng Phật lớn nhỏ, đủ sắc thái, hình dạng, đa số trên ngàn năm tuổi. VN cũng có một tủ kính nhỏ ở đây với đồ gốm Chu Đậu, tượng cổ vũ nữ Chăm... Hơn ba tiếng chồn chân mỏi gối (vì được thoải mái chụp hình), được thu vào tầm mắt mình lịch sử mấy ngàn năm, mãn nhãn rồi lại nảy sinh thắc mắc.

Bảo vật từ Đông sang Tây, những di vật độc đáo nhất, quan trọng nhất của tất cả các nền văn hóa, chắc là bằng nhiều con đường khác nhau, đều có thể tìm thấy ở nơi này - nơi từng tự hào là mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh, nhiều đến thế có nên chăng?

Hỏi người bạn đồng hành, cô ấy cũng áy náy, nhưng rồi lại cùng nhau tự nhủ: họ thu về nhưng họ đã gìn giữ, bảo quản và chào đón bất kỳ ai có nhu cầu. Như chính bảo tàng này đã thực hiện từ ngày ra đời: mở cửa miễn phí cho tất cả “những người ham học hỏi và tò mò”. Đã nhận và đã cho, vậy cũng đã là làm được.

Nước Anh đi đâu cũng gặp bảo tàng (nhiều như gặp công viên) nên đây là câu chuyện kể không bao giờ hết. Bởi toàn Vương quốc Anh (61 triệu dân) có hơn 2.000 bảo tàng lớn nhỏ, riêng London (với 6 triệu dân) thì có 100 bảo tàng.

Phóng to
Cổ vật Việt Nam tại Bảo tàng Anh - Ảnh: T.N.

2. Trả tiền để nghe quảng cáo

Đó cũng là chuyện đáng kinh ngạc. Sau khi chẳng mất một xu để được ngây ngất từ bảo tàng này sang bảo tàng khác thì bỗng dưng lại mất tiền, những 8,5 bảng (khoảng 250.000 đồng) cho chưa đến một giờ chỉ để được nghe một cô sinh viên giới thiệu về ngôi trường của mình: Trường nghệ thuật Glasgow.

Trước khi tham quan, cô dặn dò không được chụp hình, không vào các lớp học, lại còn đề nghị du khách tự giới thiệu mình từ đâu tới. Từ Pháp, Đức, Canada, Úc, từ các thành phố của nước Anh và dĩ nhiên từ VN. Rắc rối vậy mà cứ vào ra nườm nượp. Hóa ra đây là ngôi trường rất nổi tiếng, đào tạo được nhiều người nổi tiếng về hội họa, kiến trúc, làm nữ trang, trang trí nội thất...

Nhưng điều đáng kể là trong bất cứ phòng trưng bày nào cũng thấy cô gái Anh xinh xắn hãnh diện kể về ông Charles Rennie Mackintosh (1868-1928) - người đã giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu xây dựng lại ngôi trường với giá 14.000 bảng Anh.

Đây là phòng họp của ban giám hiệu do ông sắp đặt, đây là thư viện nhà trường tuyệt đẹp với bàn gỗ thông cũ kỹ sứt mẻ do ông thiết kế, đây là không gian rộng mở dành cho sinh viên học vẽ, tầm mắt phóng rất xa (sau cả trăm năm, từ góc nhìn này ta vẫn có thể trông xa thấy rộng), đây là bàn ghế giường tủ của chính ông...

Trường xây dựng lại năm 1897 với giá rẻ, hơn 100 năm vẫn còn tốt, còn đẹp, còn tiện dụng đến tận bây giờ. Thậm chí mới đây còn được Viện Kiến trúc hoàng gia Anh bình chọn là “tòa nhà được yêu thích nhất 175 năm trở lại đây”.

Người bạn đồng hành sau khi dán mắt vào bàn ghế bỗng bảo ghế bàn đơn giản thế này thì quê mình thiếu gì. Có lẽ thế thật, quê mình nhiều thứ chẳng thiếu, chỉ thiếu người cất công tìm ra những giá trị vững bền, thu xếp lại, gìn giữ và vinh danh. Sau khi tiếc tiền, người đồng hành giờ lại bảo không đắt, “thôi cũng tốt, đóng góp để ngôi trường nghệ thuật này được bảo quản lâu dài”.

Tốt cho người nhiều khi cũng là tốt cho mình. Khi sự sáng tạo và người sáng tạo được tôn vinh nhiệt thành đến thế thì cũng là có lợi cho chính bản thân mình và cho nhiều người khác. Điều này hẳn những người cầm cân nẩy mực thấu hiểu hơn ai hết.

Phóng to

Phòng trưng bày tranh cổ động của Liên bang Xô viết tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate Modern - Ảnh: T.N.

3. Có ai cần hỗ trợ không?

Câu hỏi này là của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa. Sở hữu một tòa nhà lớn vốn là một chợ bán cá có cả trăm năm hoạt động (xây dựng năm 1873), trung tâm (ở Glasgow) hiện có ba tầng với 65 phòng cho thuê.

Sao lại cho thuê? Cô Deborah Keogh, giám đốc trung tâm, cho biết: “Chúng tôi cung cấp thông tin thị trường, tư vấn về kinh doanh và sáng tạo cho những doanh nghiệp sáng tạo, những nghệ sĩ đơn lẻ, những tổ chức phi lợi nhuận. Giúp doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển, giới thiệu họ gặp gỡ các ngành có liên quan, đào tạo kỹ năng trình bày dự án và tạo không gian sáng tạo cho các nghệ sĩ... đều là trách nhiệm của trung tâm”.

Phòng cho thuê là ở chỗ này đây, với giá 100 bảng Anh/tháng, tính cả chi phí điện nước, chỉ bằng 40-50% giá thị trường (tiền thu được dành để trang bị lại cơ sở vật chất).

Kể những ví dụ cụ thể về một nhà nhiếp ảnh cần tư vấn việc bán sản phẩm, một nhà thiết kế thời trang cần kết nối với đồng nghiệp, một nhạc sĩ viết nhạc phim cần sự hỗ trợ về luật pháp để đi ra thế giới... cô D. Keogh bảo đến trung tâm không chỉ những người mới khởi nghiệp, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng tìm thấy từ đây sự hỗ trợ hiệu quả. Bởi những chuyên gia đưa ra lời khuyên đều là những doanh nhân có tên tuổi trong lĩnh vực của mình, doanh nghiệp không phải trả bất cứ phí tổn nào, tư vấn miễn phí vì được chính phủ tài trợ.

Bằng nguồn tài trợ có hệ thống này, trung tâm đang thực hiện một dự án dành cho những người có ý tưởng nhưng chưa có tiền. Các ý tưởng đều đã được các chuyên gia xem xét, 27 người rất trẻ đã thắng cuộc và được cấp vốn kinh doanh. Gương mặt của họ, ý tưởng của họ và số tiền đầu tư cho từng lĩnh vực được in ấn rõ ràng, giám đốc trung tâm đặt sẵn trong tập tư liệu để giới thiệu với nhà báo VN.

Đến một nơi để thấy được nhiều nơi. Bởi chỉ riêng ở Scotland đã có 18 trung tâm tương tự. Còn cả Vương quốc Anh? Câu trả lời từ Hội đồng Anh là không có con số cụ thể vì mỗi vùng khác nhau nhà nước sẽ có những hình thức hỗ trợ khác nhau. Một số trung tâm giống như ở Glasgow được chính phủ tài trợ trực tiếp, một số khác thông qua các trường đại học hoặc các công ty tư vấn và doanh nghiệp tư nhân.

Nhiều điều đã được vỡ ra về đường đi nước bước của sự sáng tạo. Không có chuyện bỗng dưng thành tài ở đây. Ngay cả nước Anh cổ kính có bề dày văn hóa thì cái bỗng dưng mơ hồ đó cũng phải bắt đầu bằng những bước đi rất cụ thể để tìm kiếm một không gian, tạo ra những cơ hội cho cả người sáng tạo lẫn người thụ hưởng sự sáng tạo.

Phóng to
Trẻ em thường được thầy cô đưa đến các bảo tàng tham quan theo từng nhóm nhỏ. Học ở bảo tàng là cách học trực quan sinh động giúp tạo nên những con người biết cách thụ hưởng văn hóa và không xa lạ với sự sáng tạo - Ảnh: T.N.

Câu chuyện của chính phủ

Năm 1998, chính Anh quyết định làm một bảng thống kê các ngành công nghiệp sáng tạo ở Vương quốc Anh (gồm 13 lĩnh vực: điện ảnh, âm nhạc, xuất bản, kiến trúc, nghề thủ công, thiết kế, thiết kế thời trang, nghệ thuật trình diễn, phát thanh truyền hình, phần mềm, trò chơi...).

Cô Claire De Braekeleer - chuyên viên ban kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh London - cho biết: lúc thu thập số liệu, lập bản đồ, những người làm chính sách đã ngạc nhiên khi thấy con số mà ngành công nghiệp sáng tạo đã đóng góp cho nền kinh tế quốc dân nhiều hơn cả ngành tài chính.

Trong 10 năm (1997-2007), mỗi năm ngành này tăng trưởng 5% so với 3% các ngành kinh tế nói chung (riêng ngành xuất bản, trò chơi điện tử và phần mềm tăng trưởng 9%/năm) với 2 triệu công ăn việc làm.

Sự thịnh vượng của một quốc gia không chỉ căn cứ vào chỉ số kinh tế mà còn căn cứ vào chỉ số của sự sáng tạo. Niềm tin quyết liệt đó đã đưa đến những quyết sách:

1. Bảo hộ quyền tác giả (để sự sáng tạo được tôn trọng và phát huy).

2. Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (đường truyền tốc độ cao sẽ hỗ trợ tốt nhất cho những ý tưởng sáng tạo được liên thông và kết nối).

3. Tài chính: “Tất cả những gì có liên quan đến nền kinh tế toàn cầu là một con chó, một cái ghế và một máy vi tính. Con chó đánh thức bạn dậy mỗi sáng, cái ghế để bạn ngồi và máy vi tính để kết nối bạn với thế giới”. Chỉ cần vậy thôi, như cách nói của một người kinh doanh nổi tiếng, phần còn lại là ở cái đầu.

Một đặc điểm dễ nhận thấy của nhiều doanh nghiệp sáng tạo là họ chỉ cần một số vốn nhỏ để thành lập doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân tự bỏ tiền để bước đầu thiết lập công việc kinh doanh của họ.

Ở một góc độ nào đó, sự sáng tạo chính là nguồn vốn của họ, nhưng nếu họ thành công với những bước đầu tiên trong công cuộc kinh doanh đó và muốn phát triển lớn mạnh, họ sẽ cần đến nguồn tài chính và đây là những khó khăn họ có thể gặp phải. Tìm ra nguồn tài chính là vấn đề cho tất cả các doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ.

Những nhà đầu tư tài chính mạnh dạn đầu tư vào những doanh nghiệp sáng tạo không có nhiều, đó là lý do tại sao việc thu thập có hệ thống và phân tích số liệu là một trong những nhân tố có ý nghĩa quan trọng cho tương lai lâu dài của ngành kinh tế sáng tạo. Hiểu biết tốt thì mới hỗ trợ đúng nơi đúng chỗ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận