Nước Mỹ chèo chống lạm phát

HỮU NGHỊ 21/07/2011 05:07 GMT+7

TTCT - Ở Mỹ, cuộc đôi co mức trần nợ công giữa hành pháp và lập pháp tiếp tục bế tắc, chưa nhất trí được với nhau chi cho cái gì, cắt cái gì.

Cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ đòi hỏi những biện pháp, chính sách thuần túy “kỹ thuật tài chính”, mà ngày càng đòi hỏi “kinh bang tế thế” hơn, tức đảm bảo an sinh xã hội hơn nữa để dân bớt vất vả.

Phóng to

Busker Katie (30 tuổi) và con trai Austin Spiker (6 tuổi) ăn tối khi bé gái 14 tháng tuổi Johnnalyn Gibbs được cha em giữ. Trong gia đình sống ở Independence (bang Iowa, Mỹ) này, Busker nhận phiếu thực phẩm và thất nghiệp. Cô ở nhà trông coi bọn trẻ trong khi chị gái và anh rể đi làm. Cách sống không mấy truyền thống Mỹ này đang giúp họ có được thức ăn trên bàn mỗi bữa - Ảnh: Reuters

Nhật báo Los Angeles Times sáng thứ bảy 9-7-2011 chạy hai tít cạnh nhau: “Số liệu công ăn việc làm giảm khiến niềm tin bị sốc nặng” và “Obama buộc phải thu nhỏ mục tiêu”. Cũng nhắm vào sự kiện “nóng” của tháng 6 vừa qua ở Mỹ là chỉ có 18.000 chỗ làm mới so với 239.146 chỗ có được hồi tháng 4 năm nay, một tờ báo khác cùng ngày - The Columbus Dispatch - đã chạy tít nặng nề hơn: “Tương lai của Obama tan nát trong các số liệu việc làm”.

Tỉ lệ lạm phát ở Mỹ đã bị “đứt thắng” từ tháng 2 năm nay, đều đều tăng từ 2,11% lên 3,57% vào tháng 5 trước, sau khi đã ở dưới ngưỡng 2% từ tháng 6 năm ngoái đến tận tháng 1 năm nay.

Công sở sa thải

Chẳng phải tờ báo này “ý đồ” gì với ông Obama khi đặt tựa như trên, mà là chính thực tế công ăn việc làm trong hai tháng 5 và 6 liên tiếp đã “đen đủi” như thế. Và hơn ai hết, ông Obama đang tự “vò đầu bứt tai” tìm câu trả lời cho câu hỏi: làm sao đùng một cái từ tháng 5 đến giờ, chỉ trong hai tháng, mà nước Mỹ hầu như không tạo ra thêm việc làm mới?

Nhà nước cứu đói là một thực tế mà chính quyền Mỹ đang làm. Họ không coi đó là một sự nhục nhã phải che giấu mà là một nghĩa vụ được công khai.

Bộ trưởng Lao động Hilda L. Solis giải thích như sau: “Khu vực tư tạo thêm 57.000 chỗ làm, song các cơ quan chính phủ liên bang và địa phương thì cắt giảm 39.000 chỗ làm, thành ra chỉ còn tăng có 18.000 chỗ làm phi nông nghiệp trong tháng trước. Tỉ lệ lạm phát toàn quốc là 9,2%”.

Cho “về vườn” những 39.000 công chức nội trong tháng 6, tình hình công sở ở Mỹ điêu đứng không khác gì tình hình giảm biên chế ở các nước đang chuyển đổi kinh tế. Từ bao giờ, ở Mỹ đi làm công chức thôi không còn là “yên thân cho tới già” nữa? Đây là giải thích của tờ U.S.News & World Report 8-7-2011: “Gần trăm ngàn công chức địa phương đã mất việc trong năm nay, và từ đỉnh cao thải việc tháng 9-2008 đến giờ đã có 464.000 người thôi việc”. Nghĩa là ngay từ những tháng cuối cùng dưới trào cựu tổng thống Bush, cùng lúc với gói giải cứu “bong bóng” đầu tiên, công chức Mỹ đã được mời “thắt lưng buộc bụng” ngay.

Tất nhiên ở Mỹ, lĩnh vực công đâu có “tham gia sản xuất, kinh doanh” thậm chí “quản lý kinh doanh” như ở nơi khác, mà chỉ đảm trách các dịch vụ hành chính công. Thành ra, khi công sở giảm biên chế thì “tư” sở chính là cỗ máy tạo công ăn việc làm. Bộ trưởng Lao động Hilda L. Solis cho biết: “16 tháng qua, lĩnh vực tư nhân tăng liên tục việc làm và góp thêm 2,2 triệu chỗ làm. Sự khôi phục kinh tế của chúng ta là do lĩnh vực tư nhân thực hiện”.

Người Mỹ đói?

Giá lương thực, thực phẩm ở Mỹ hiện nay không đến nỗi nào, thậm chí tương đương và có cái rẻ hơn VN (thịt bò là 3-4 USD/pound - khoảng 200.000 đồng/kg, cam California 1 USD/3 pound) nên tưởng dân Mỹ chả bao giờ... chết đói. Thế nhưng, theo Tổ chức từ thiện Feeding America, tại nước có nền kinh tế vẫn còn là số 1 thế giới này, cứ sáu người Mỹ lại có một người đang phải chống chọi với cái đói. Tổ chức này đang hô hào quyên góp: mỗi USD có thể được biến thành bảy bữa ăn cho người nghèo!

Nhà nước cứu đói là một thực tế mà chính quyền Mỹ đang làm. Họ không coi đó là một sự nhục nhã phải che giấu mà là một nghĩa vụ được công khai. Tờ Los Angeles Times ra ngày 8-7 cho biết số người cần được giúp đỡ ở khu vực Los Angeles và quận Cam tiếp tục tăng cho dù nền kinh tế đang bắt đầu ổn định.

Theo các công bố chính thức bởi “Ngân hàng thực phẩm khu vực”, có đến 330.000 cư dân khu vực này đang được cung cấp thực phẩm hằng tháng - một con số kỷ lục từ trước đến giờ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cùng các tổ chức tư nhân góp phần cho “Ngân hàng thực phẩm” này. Đáng nói là 73% số người gặp khó khăn cực kỳ đó mới chỉ xuất hiện từ cuộc suy thoái năm 2008.

Những người nghèo đói đó là ai? Những người vô gia cư? Không, người vô gia cư chỉ chiếm 10%. Họ thuộc những gia đình thất nghiệp kinh niên? Cũng không hẳn: 36% người được Feeding America giúp đỡ có một thân nhân trong gia đình đang có công ăn việc làm. Tức có một thực tế cần phải nhìn thấy là: không hẳn trong gia đình có người có việc làm là gia đình đó sẽ đủ ăn.

Cũng theo Feeding America, có đến 17% trẻ em đang sống trong những gia đình mà tình hình ăn uống bấp bênh, được bao ăn trưa trong trường, còn bữa tối thì chưa chắc. Không chỉ những người ít học, không bằng cấp mới đói khổ, mà có đến 17% số “khách hàng” của tổ chức này khai là có học đại học.

Đầu tư công hơn nữa

“16 tháng qua” mà Bộ trưởng Solis nhắc đến ở trên chính là từ tháng 3-2010, khi lần đầu tiên kể từ lúc bắt đầu khủng hoảng dưới trào tổng thống Bush, lĩnh vực tư ở Mỹ tạo ra thêm công ăn việc làm. Thế nhưng theo Bộ trưởng Solis, việc làm vẫn tắc tị là do tư nhân không xông xáo mở rộng kinh doanh hơn nữa: “Nhiều công ty đã có một năm thành đạt và đang ngồi trên cả núi tiền. Thành ra, các công ty ấy cần biến lợi nhuận của mình thành việc làm cho công chúng Mỹ”.

Từ đó, cần phải có cái gì đó để “mồi” cho các công ty này “nhúc nhích” hơn nữa. Đến đây, Bộ trưởng Solis “ca bài ca con cá sống vì nước” giùm Tổng thống Obama: “Chúng ta cần quay trở lại với những gì đã hoạt động tốt. Tổng thống Obama đã biện minh cho những đầu tư hợp lẽ thông thường như trong các lĩnh vực hạ tầng, chuyên chở, sản xuất, chế biến... sẽ làm tăng mạnh sự khôi phục kinh tế của chúng ta, cho phép chúng ta đeo đuổi các giải pháp lâu dài sao cho người Mỹ được đi làm trở lại.

Phải đầu tư vào đường sá, cầu cống, và đặc biệt hơn cả là giáo dục và đào tạo dân chúng. Quốc hội cần phát đi đến các thị trường một tín hiệu cho thấy rằng Đảng Cộng hòa và Dân chủ có thể gạt sang bên các dị biệt để hành động vì người lao động Mỹ. Các nghị sĩ cần nhanh chóng hợp tác với nhau để phê chuẩn một kế hoạch nâng trần nợ công. Chúng ta cần tháo gỡ những bất an khiến các nhà đầu tư không rõ tương lai như thế nào”.

Trái với các nước khác đang chủ trương giảm đầu tư công, ở Mỹ, chính phủ lại đòi tăng đầu tư công để tạo công ăn việc làm! Mỹ khác các nước chính ở chỗ đó. Tất nhiên, họ không phải lo sợ sẽ “đồng rụng, đồng rơi, gà ăn cỗ” vì tư nhân sẽ thực hiện các dự án đầu tư đó, và không có chỗ cho thầu “phết phẩy” hoặc “xin - cho”. Trên tất cả, người lao động Mỹ làm việc trên các công trường, trong các dự án đó chứ không phải người lao động nước ngoài.

Mở kho dự trữ xăng dầu

Lễ Độc lập năm nay của người Mỹ (4-7), dân chúng nhẹ nhõm “ăn” lễ. Ở một nước mà xe hơi là “cái chân cái cẳng” đi làm, đi mua sắm, đi đón con... và các khoảng cách di chuyển thì lớn, giá xăng chính là một mối quan tâm thường nhật. Quan tâm đến mức khi mua xe, không thể thiếu câu hỏi: mpg (miles per gallon) xe này là bao nhiêu (tức đổ một gallon xăng chạy được bao nhiêu dặm)?

Trong một xã hội mà xăng là thiết yếu như vậy, việc chính quyền Obama cho mở kho dự trữ chiến lược xuất ra 30 triệu thùng dầu (một số nước công nghiệp khác cũng xuất 30 triệu thùng), giúp giá xăng xuống còn 3,7 USD/gallon chính là món quà cụ thể nhất đối với mọi người dân ở Mỹ.

Quyết định này được êkip của Tổng thống Obama bắt đầu bàn đến hôm 2-5 khi giá dầu thô lên đến xấp xỉ 115 USD/thùng do bị “làm giá” từ sự cố chiến sự ở Libya (làm giảm nguồn dầu từ đây). Đến ngày 23-6, quyết định này được Tổng thống Obama ban hành. Giá dầu thô thế giới cũng từ đó giảm 5,71 USD/thùng (từ 95,41 USD xuống 89,70 USD/thùng).

Quyết định đó còn có tác dụng “làm giá” với OPEC đang căng giá dầu do cảm thấy uy tín đồng USD xuống thấp, răn đe rằng Chính phủ Mỹ sẵn sàng can thiệp mở van...

Những động thái ấy ít nhất cũng khiến dân chúng Mỹ - nhất là người nghèo - thở phào và nhen nhóm hi vọng rằng chỉ số CPI (tập trung chú ý trên tám mặt hàng và dịch vụ thiết yếu là thực phẩm, nhà ở, quần áo, nhiên liệu, giao thông, y tế, giải trí, tiền học) cũng sẽ nhờ đó mà giảm theo.

__________

http://www.dol.gov/opa/media/press/opa/OPA20111043.htm
Public Sector Job Cuts Threaten Recovery, By BEN BADEN, U.S.News and World Reports, July 8, 2011
The Strategic Oil Reserves Explained,Tim Parker, Sfgate Friday, July 8, 2011
Is Releasing the Strategic Oil Reserve About Strategy or Pure Politics? The Atlantic, JUL 7 2011.
http://wallstcheatsheet.com/stocks/does-the-us-treasury-have-a-contingency-plan-to-avert-debt-default.html/
http://www.fintrend.com/inflation/Inflation_Rate/CurrentInflation.asp

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận