Nước Mỹ có trở lại bình thường cũ?

DANH ĐỨC 09/01/2023 08:40 GMT+7

TTCT - Sau những năm tháng hỗn loạn và chia rẽ thời tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đang dần ổn định lại dưới thời Joe Biden, nhưng tình đoàn kết lưỡng đảng thì vẫn là điều hết sức xa vời.

Nước Mỹ có trở lại bình thường cũ? - Ảnh 1.

Ảnh: USA Today

Ngày đầu năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden tweet chúc mừng dân chúng: "Tôi nghĩ đây sẽ là một năm tuyệt vời. Bởi vì chúng ta bắt đầu thực hiện rất nhiều việc mà chúng ta đã nhất trí năm ngoái". 

Tất nhiên, không phải người Mỹ nào cũng nhất trí: Đảng Cộng hòa nay đang nắm Hạ viện, dù bầu bán mãi mới ra được chủ tịch.

Ở thời đại mà Twitter đang là phương tiện truyền thông đại chúng nhất nhì ở Mỹ, Nhà Trắng triệt để sử dụng kênh này để kết nối ông Biden với người dân. Thế là ông cứ thế mà "tranh thủ" dư luận bằng một bản liệt kê những công to việc lớn mà ông sẽ bắt đầu làm trong năm mới 2023.

Những hứa hẹn "sát mặt đất"

Đầu tiên, ngay sau lời chúc năm mới, là dòng tweet: "Kể từ giờ, chi phí insulin cho một tháng [điều trị tiểu đường] tối đa sẽ chỉ là 35 đô la cho bất kỳ ai tham gia Medicare. 35 đô nhé!". 

Ở một nước mà 11,3% dân số (37,3 triệu người) mắc bệnh tiểu đường và chi phí y tế vượt mức liên quan đến tiểu đường là 9.601 đô la mỗi người, theo Báo cáo Thống kê bệnh tiểu đường quốc gia 2022, thì con số trần 35 đô la hằng tháng để mua insulin mà ông tổng thống hứa hẹn, quả là lô an ủi cho một số đông cử tri Mỹ, bất luận đảng nào.

Tất nhiên, đó cũng là một quyết định giúp ông Biden và đảng của ông hy vọng kiếm được nhiều phiếu hơn trong những kỳ bầu cử sắp tới. 

Tính cả 81,2 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông Biden và 74,2 triệu người bỏ phiếu cho ông Donald Trump ở cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, thì 37,3 triệu người có bệnh tiểu đường đã chiếm 1/4. 

Ông Biden coi như "bắn trúng đích" khi khống chế mức trần mua insulin - tất nhiên phải đủ điều kiện theo Medicare.

Ở những xã hội tới hạn thì bầu cử, tối thiểu các chính đảng lớn phải chăm chút những gì liên quan thiết thực đến đời sống người dân, bằng không thì cầm chắc là rớt đài. 

Ở Mỹ, một xứ mà bảo hiểm y tế các loại nhiều như quân Nguyên, không phải ai cũng đủ thu nhập để đóng bảo hiểm loại tốt. Điều khoản về giá insulin nói trên vốn nằm trong Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act, tức IRA 2022), có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.

Không dừng ở đó, ông Biden còn cho thấy chuyến này ông "gan cùng mình" khi tuyên chiến với các "đại gia" ngành dược qua dòng tweet: 

"Chúng tôi đang hạn chế việc các tập đoàn dược lớn [Big Pharma] có thể tăng giá thuốc... Bắt đầu từ bây giờ, nếu họ tăng giá nhanh hơn lạm phát, họ sẽ phải đối mặt với những hình phạt nặng nề".

Khi khoe rằng đã có sẵn hình phạt cho các đại gia ngành dược, ông Biden đứng về phía người dân Mỹ (hoặc ít nhất là tỏ ra như vậy) đối đầu các thế lực kim tiền mà từ 2015 đã bị gọi là "mafia mới ở Mỹ" (Daily Beast 21-2-2015), là "tội ác có tổ chức", khiến "dân chúng Mỹ đang trả giá, nhiều khi bằng chính mạng sống".

Ác cảm với các hãng dược lớn là dễ hiểu. Jetsettimes.com 29-9-2020 giải thích: các Big Pharma đã lạm dụng hệ thống bằng sáng chế, vẽ ra đủ kiểu bằng sáng chế cho các thuốc thiết yếu, đẩy giá thuốc lên cao ngất ngưởng với những người không có bảo hiểm y tế đầy đủ, chủ yếu là các hộ gia đình thu nhập thấp. 

Một trong những hậu quả là cả triệu người Mỹ phải "tiết kiệm" insulin: nghiên cứu công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine rất uy tín cho thấy trong năm 2021, gần 1/5 những người trưởng thành ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường không được chích, trì hoãn hoặc phải dùng insulin ít hơn mức cần thiết do tài chính.

Trong làn sóng phản ứng với Big Pharma đó, IRA 2022, được ông Biden tung ra tháng 8 năm ngoái, gồm điều khoản "yêu cầu các công ty dược phẩm trả lại tiền cho Medicare nếu họ tăng giá thuốc nhanh hơn lạm phát" là rất đậm màu xã hội chủ nghĩa (The Guardian 21-9-2022). 

Trong một cuộc gặp cử tri ở Portland giữa tháng 10-2022, ông Biden giải thích thêm rằng IRA 2022 nhắm tới hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng do giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng nhanh nhất trong bốn thập niên. 

Cụ thể, giá cả hàng hóa và dịch vụ tháng 11-2022 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái (Cục Nghiên cứu thống kê Mỹ 14-12-2022). Tính cả năm 2022, lạm phát ở Mỹ được ước tính là 8,3%. Ông Biden tất nhiên phải xử lý ngay, khi mà dân tình bức xúc, và bầu cử thì diễn ra dồn dập.

Nước Mỹ có trở lại bình thường cũ? - Ảnh 2.

Phúc lợi và bảo hiểm y tế là vấn đề gây tranh cãi dữ dội ở Mỹ. Ảnh: CNN

Đầu tư hạ tầng

Sau những hứa hẹn bảo vệ người dân, nhất là người trên 65 tuổi và người ít tiền, ông Biden hứa tiếp trên Twitter: 

"Trên khắp đất nước, quý vị sẽ thấy chúng tôi xây dựng những cây cầu mới, làm sạch đường ống dẫn và đưa mọi người lên mạng. Quý vị sẽ thấy vô số công ăn việc làm trong ngành sản xuất và xây dựng được trả lương cao xuất hiện. Và đó mới là bắt đầu thôi".

Cụ thể những chuyện đó ra sao?

Lấy thí dụ chuyện hứa xây thêm cầu đường là rất sát với thực tế ở Mỹ, nơi mà công tác đánh giá chất lượng đường sá được chính Hiệp hội Các nhà xây dựng đường bộ và vận tải Hoa Kỳ (ARTBA) đảm đương. ARTBA, có trụ sở tại Washington, D.C., hằng năm đều công bố phúc trình về tình trạng đường sá rất chi tiết.

Tỉ như "Phúc trình về cầu năm 2022" của TS Alison Premo Black, kinh tế trưởng tổ chức này, cho biết 36% các cây cầu ở Mỹ - tương đương gần 224.000 nhịp cầu - cần được sửa chữa. 78.800 cây cầu cần thay thế, gồm hơn 43.500 cây cầu "ở tình trạng tồi tệ" được phân loại "hư hỏng về kết cấu". 

Phúc trình cũng nói nếu không có thêm các khoản đầu tư cho hạ tầng, với tốc độ sửa chữa, thay thế hiện tại, sẽ mất gần 30 năm để làm xong khối lượng công việc cần thiết, trong khi mỗi ngày vẫn đang có đến 167,5 triệu lượt xe cộ qua lại những cây cầu ọp ẹp kia.

Bản phúc trình khái toán: "Dựa trên dữ liệu chi phí sửa chữa và thay thế trung bình do Cục Quản lý đường cao tốc liên bang công bố và các chủ sở hữu cầu đệ trình, ARTBA ước tính chi phí sửa chữa tất cả 224.000 cây cầu, bao gồm 43.578 cây cầu đã hư cả kết cấu, là 260 tỉ USD". 

Tất nhiên, chính quyền nào cũng nhận được những phúc trình kiểu đó, vấn đề là họ bận tâm và có quyết tâm chính trị tới đâu mà thôi!

2022 cũng là năm mà xe hơi điện nổi lên như một thế lực mới. Ông Biden tất nhiên không ngoài cuộc. 

Ông tweet lời nhắn gửi để tranh thủ các công dân Mỹ đang muốn mua xe điện, không khác gì một tay bán xe chuyên nghiệp: "Bây giờ quý vị có thể nhận được khoản tín dụng thuế để mua một chiếc xe hơi điện mới hoặc đã qua sử dụng... Dưới đây là các mẫu xe đủ điều kiện nhận tín dụng". 

Ông vừa quảng cáo: "Nếu bạn mua xe điện, bạn có thể quên luôn các bài đăng trên mạng xã hội của tôi về giá xăng", vừa tranh thủ phiếu bầu: "Đây là một năm được xác định là năm hành động vì các gia đình thuộc tầng lớp lao động và trung lưu".

Nước Mỹ có trở lại bình thường cũ? - Ảnh 3.

Đầu tư cho hạ tầng là ưu tiên chính sách hàng đầu của chính quyền Biden. Ảnh: The Salt Lake Tribune

Về lại bình thường cũ

Từ lâu đã xuất hiện những chỉ trích rằng Đảng Dân chủ Mỹ không quan tâm đến tầng lớp lao động và trung lưu trụ cột quốc gia, cũng được giới phân tích cho là nguyên nhân quan trọng khiến họ thất cử năm 2016 dưới tay ông Trump.

Ví dụ, hồi tháng 4-2022, chính trị gia Ray Haynes của phe Cộng hòa đặt câu hỏi: "Tại sao Đảng Dân chủ lại thù ghét giai cấp lao động trung lưu?", và tự trả lời: 

"Tầng lớp lao động trung lưu lái xe đi làm mỗi ngày, thường là hơn 30 dặm [48km] một chiều... Họ không có lựa chọn nào khác để nuôi sống gia đình. Hai năm trước tại California, họ trả trung bình 40 - 50 USD/tuần tiền xăng để đi lại làm việc". 

"Giờ đây chi phí đó đã tăng lên 80 - 100 USD/tuần. Trong tiền xăng đó, có tiền thuế mà họ phải đóng. Vấn đề ở chỗ những người nhận trợ cấp chính phủ thì không phải đóng thuế đánh trên giá xăng, vì họ không phải lái xe đi làm hằng ngày".

Ông Haynes nhấn mạnh rằng giá xăng tăng bất quá chỉ gây chút khó chịu cho người giàu, nhưng lại có nguy cơ hủy diệt tầng lớp lao động. 

Ông tính toán: xăng tăng giá thêm 40 - 50 USD/tuần tức là tước mất của người lao động 2.000 - 3.000 đô la mỗi năm. Số tiền đó tương đương một kỳ nghỉ gia đình, những chuyến đi biển cuối tuần, hoặc một món quà Giáng sinh đáng giá "bị đánh cắp theo đúng nghĩa đen bởi chính sách của nhà nước đã trực tiếp dẫn đến bùng nổ giá xăng".

Không biết có phải vì vậy không, mà vào tối 30-12, khi một ký giả hỏi: "Tổng thống có nói với gia đình về việc tái tranh cử chưa?", ông đã trả lời giả tảng: "Tới đây sẽ có bầu cử à?... Vậy mà tôi không biết!". 

Có lẽ ông vẫn đang cân nhắc vì thấy khả năng thắng cử chưa có gì chắc chắn. Một thăm dò dư luận hôm thứ ba 3-1 của Hãng Rasmussen cho thấy chỉ 33% cử tri Hoa Kỳ cho rằng ông Biden nên tái tranh cử vào năm 2024, 55% nói ông không nên tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai, 11% khác không chắc chắn. 

Cũng theo cuộc thăm dò, cả bà Phó tổng thống Kamala Harris và ông Trump cũng không nên ra tranh cử.

Xem ra ở Mỹ, chính khách dù hứa hẹn ngon ngọt ra sao, (ra vẻ) vì dân vì nước cỡ nào, vẫn khó mà ngồi lâu được.■

Ông Trump thì sao?

Tổng thống thứ 46 còn đang cân nhắc, vậy tổng thống thứ 45 Donald Trump thì sao? American Spectator 3-1 đánh giá rằng 2022 không phải là năm tốt đẹp gì với ông Trump và phong trào của ông, từ những kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ đáng thất vọng đến các rắc rối pháp lý chồng chất.

Untitled trump nha trang the hill

Con đường trở lại Nhà Trắng của ông Trump giờ phức tạp hơn nhiều. Ảnh: The Hill

Hậu quả là con đường đến Nhà Trắng của ông giờ phức tạp hơn nhiều.

Theo một thăm dò gần đây của Đại học Quinnipiac, tỉ lệ ủng hộ ông Trump đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 7 năm: chỉ 31% cử tri bày tỏ quan điểm tích cực. Đáng lo ngại hơn, ông hiện đã kém ông Biden trung bình hai điểm phần trăm trong một số cuộc thăm dò quốc gia của RealClearPolitics.

Đó là chưa nói tới khả năng ông Trump giành được đề cử của Đảng Cộng hòa cũng đang giảm dần khi những lực lượng phản đối ông bên trong đảng ngày một lớn mạnh.

Bên cạnh đó, việc Tòa Tối cao Mỹ hôm 30-12 quyết định công khai hồ sơ thuế của ông cựu tổng thống, ai muốn biết cứ việc tải về, cho thấy hình ảnh một tay nhà giàu "xấu xí" tìm đủ cách để giảm thiểu nghĩa vụ nộp thuế.

Từ sau vụ bê bối Watergate của cựu tổng thống Richard Nixon, tất cả tổng thống và ứng viên tổng thống Mỹ đều tự nguyện công khai ít nhất là bản tóm tắt hồ sơ thuế, điều mà ông Trump đã tìm mọi cách lẩn tránh cho tới nay.

Còn may cho ông là ngay trước khi bắt đầu năm mới 2023, ủy ban đặc biệt của Hạ viện điều tra vụ tấn công Điện Capitol ngày 6-1-2022 đã chính thức rút trát đòi hầu tòa với ông.

Cuộc điều tra coi như khép lại, cũng là dễ hiểu do Hạ viện đã "đổi chủ" từ ngày 3-1: Đảng Cộng hòa có 222 ghế, so với 212 ghế của Đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, Đảng Dân chủ vẫn nắm Thượng viện, "tiếng nói cuối cùng" để ban hành các đạo luật. Đảng Cộng hòa giữ vai trò thiểu số, với thủ lĩnh vẫn là nghị sĩ Mitch McConnell (tiểu bang Kentucky).

Bởi thế hôm 2-1, một ký giả cắc cớ hỏi ông Biden: "Có chuyện gì quan trọng mà ông đi tới Kentucky với ông Mitch McConnell vậy?". Ông Biden trả lời rằng ông đến đó để dự lễ khởi công một cây cầu lớn, và ông McConnell có mặt vì đấy là tiểu bang ông đại diện.

Cây cầu được nói tới ở đây, Brent Spence, trị giá hơn 1,6 tỉ USD, được phê chuẩn theo tinh thần đạo luật lưỡng đảng về hạ tầng mà ông Biden ký duyệt hồi năm 2021, tức một sự cộng tác giữa hai đảng.

Chỉ có điều, những cây cầu kiểu đó đang ngày càng hiếm hoi trong nền chính trị Mỹ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận