TTCT - Thứ ba (28-3), 2 triệu người Pháp đã xuống đường chống Đạo luật cải tổ hưu trí của chính phủ. Trước đó, thứ hai (20-3), chỉ thiếu có chín phiếu là Thủ tướng Pháp Elizabeth Borne đã bị bất tín nhiệm và bãi chức. Làn sóng phản đối Tổng thống Emmanuel Macron và luật hưu trí của ông có thể được xem là những động loạn lớn nhất từ khi bắt đầu Đệ ngũ Cộng hòa Pháp.Thật vậy, suốt thời Cộng hòa thứ năm từ 1958 tới nay ở Pháp, chỉ một lần kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua vào năm 1962. Song do sau đó tướng De Gaulle giải tán Quốc hội, bầu lên một đa số cầm quyền mới, nên phải đợi đến tháng 5-1968, sau khi sinh viên Pháp xuống đường khắp nơi, rồi thu hút cả công nhân, tổng đình công mới nổ ra, cùng khẩu hiệu "De Gaulle, 8 năm đủ rồi, 10 năm là quá đáng!", đánh đổ tướng De Gaulle vào năm sau.Biểu tình ở Pháp đã bùng phát thành bạo lực ở nhiều nơi. Ảnh: APCải cách hưu trí: Vì lợi ích của ai?Từ bài học lịch sử với tướng De Gaulle, có thể thấy nếu chỉ phản đối nghị trường mà thôi thì chưa đủ, dân chúng phải xuống đường nữa. Đó là điều đang diễn ra tại Pháp hiện giờ, khi bà Thủ tướng Borne hôm 20-3 vừa thoát cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do bị cáo buộc lạm dụng điều 49.3 Hiến pháp cho phép chính phủ ban hành luật mà không cần thông qua Quốc hội biểu quyết. Sau đó, bà và ông Tổng thống Macron hể hả với thắng lợi "49.3" khiến dân Pháp nổi giận lôi đình và ào ào xuống đường còn hơn trước.Luật cải cách hưu trí được chính phủ tự thông qua không cần Quốc hội chấp thuận hôm thứ hai 20-3, thì ba ngày sau, thứ năm 23-3, đã có đến 3,5 triệu người xuống đường trên toàn quốc (theo các công đoàn), hoặc hơn 1 triệu người (theo Bộ Nội vụ Pháp). Trên bề nổi, cuộc khủng hoảng hiện tại là do dân chúng phản đối dự thảo Luật cải cách hưu trí.Khách quan mà nói, nhiều nước đang trải qua những biến động dân số nói chung và dân số lao động nói riêng. Có nước đứng trước thực tế kép là dân số già đi đông lên, tuổi thọ kỳ vọng dài hơn, nên vấn đề cải cách hưu trí ngày càng thúc bách. Công bằng mà nói, chuyện ông Macron bị ám ảnh bởi bài toán quỹ lương hưu là rất thật: "Khi tôi mới vào đời, lúc đó có 10 triệu người lĩnh lương hưu, giờ thì tới 17 triệu người".Bài toán quỹ hưu trí đó đòi hỏi phải được giải quyết khéo léo, không chỉ bằng thống kê và số học. Đây là cách ông Macron đã chọn từ khi ra tranh cử lần đầu năm 2017: "Tôi không thay đổi tuổi nghỉ hưu trong nhiệm kỳ 5 năm, tôi cũng không thay đổi quy định với những người còn 5 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng dần dần, tôi sẽ thiết lập một hệ thống công bằng và minh bạch hơn nhiều. Mỗi đồng euro đóng góp sẽ tương đương với các lợi ích sòng phẳng, dù là nhà báo, công chức, thương nhân, thợ thủ công, hay nông dân".Qua nhiệm kỳ hai, bắt đầu từ tháng 5-2022, ông Macron đã tỏ ra "tính toán" hơn. Kế hoạch được ông trình cho Quốc hội và dư luận năm ngoái đã bị những phản đối đó đây. Cải cách hưu trí của ông Macron đại thể sẽ là nâng tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 lên 64, trong lộ trình từ đây tới 2030. Song song, thời gian đóng góp để được hưởng lương hưu toàn phần sẽ tăng lên thành xấp xỉ 43 năm .Thực ra dự thảo luật gây tranh cãi này chỉ là bản sao của cải cách hưu trí năm 2014 mang tên Marisol Touraine (bộ trưởng xã hội dưới trào tổng thống Francois Hollande), có hiệu lực từ 2020 và đang hiện hành. Khác biệt giữa cải cách 2023 với cải cách 2014 là ở chỗ đẩy nhanh thời điểm: cải cách Touraine dự kiến cán mốc đóng góp đủ 43 năm vào năm 2035, còn cải cách hiện tại xác định mốc đấy là năm 2027 (Journal du Dimanche 22-9-2022). Cũng cùng nội dung song cải cách năm nay lại "dục tốc", sớm tới 8 năm. Thế là tất cả nghiệp đoàn lao động, bất luận phe nào, tả hữu cùng phản kháng, thậm chí hợp lực hành động từ một cơ cấu chung là Liên nghiệp đoàn.Ảnh: The New York TimesĐiều 49.3 và nền dân chủ kiểu PhápTại sao tất cả các nghiệp đoàn Pháp cùng chung lòng, chung sức? Do lẽ họ đều cáo buộc chính quyền Macron đã không màng tới quyền lợi của người lao động nói chung. Song từ bất bình trở thành bất mãn, rồi biểu tình và cả bạo lực, còn là do cách thức dự thảo luật được thông qua. Thủ tướng Borne nhất mực viện dẫn điều 49.3 Hiến pháp để ban hành cho bằng được Đạo luật cải cách hưu trí - điều khoản này cho phép chính phủ ban hành luật mà không cần thông qua biểu quyết bởi Quốc hội.Trong quá khứ, cũng đã có những thủ tướng sử dụng điều này để thông qua các đạo luật gây tranh cãi, như ông Michel Rocard trong giai đoạn 1988 - 1991 với Đạo luật CSA quản lý các phương tiện nghe nhìn. Trong mắt công chúng, trò lách luật bằng điều 49.3 này là khó chấp nhận, nhất là khi bà Borne có vẻ "nghiện" điều 49.3.Tháng 12-2022, sau khi Thượng viện Pháp - mà đa số là cánh hữu - bác dự luật tài chính năm 2023 do chính phủ trình, bà Borne đã đứng trước Quốc hội, viện dẫn điều 49.3, tuyên bố chịu trách nhiệm về dự luật tài chính và vẫn ban hành luật. Bà còn nói Quốc hội khỏi bỏ phiếu chi cho mất công và "rách việc". Báo Le Monde 15-12 thuật lại: "Đây là lần thứ 10 và cũng là lần gần nhất điều 49.3 được bên hành pháp sử dụng để thông qua luật ngân sách do gặp trở ngại khi chính phủ chỉ là đa số tương đối ở Hạ viện và thiểu số tại Thượng viện".Cũng Le Monde cho biết ngay sáng 15-12 đó, Thượng viện Pháp đã thông qua kiến nghị đưa bà Borne ra bỏ phiếu bất tín nhiệm với đa số áp đảo, 260 - 54. Cần nói rõ thêm, pháp luật Pháp quy định khi chính phủ sử dụng điều 49.3 để ban hành luật, thì trong vòng 24 giờ, phe đối lập phải nộp đề xuất bất tín nhiệm. Nếu được Quốc hội bỏ phiếu thông qua, đạo luật của chính phủ trở nên vô hiệu, phải làm lại thủ tục từ đầu. Đó là lý do bà Thủ tướng Borne đã phải 10 lần giở điều 49.3, sau khi bị các nghị sĩ kiến nghị bất tín nhiệm 10 lần.Nghị sĩ Raquel Garrido, của liên minh LFI-NUPES, gọi việc sử dụng điều khoản này của chính phủ là "trò gian lận" và "tấn kịch phản dân chủ". Dân biểu Hạ viện Damien Roussel của Đảng Cộng sản Pháp thì tuyên bố: "Về bản chất, điều khoản này là một quái thai của nền dân chủ, được trao cho hành pháp để bịt miệng lập pháp". Chuyên gia luật hiến pháp Pháp Jean Philippe Derosier ngao ngán: "Đó là sự phủ nhận nền dân chủ".Ảnh: Left VoiceKhi quần chúng thịnh nộVấn đề không chỉ là nội dung, mà còn là thái độ của những người ban hành luật. Thái độ này được ông Macron tỏ rõ trong phỏng vấn truyền hình TF1 và France 2 ngày 22-3: "Đám đông, bất kể nó là gì, không có tính hợp pháp khi đối mặt với người dân thể hiện một cách đầy chủ quyền thông qua các đại diện được bầu lên của họ". Hiếm khi nghe phân biệt giữa "đám đông" (đi biểu tình) với "người dân" một cách miệt thị như thế, như thể biểu tình không phải là một quyền chính đáng ở nước Pháp, nhất là khi sự miệt thị này đến từ ông tổng thống của nền cộng hòa!Phải chăng ông Macron đồng hóa tất cả những người biểu tình hôm 20-3 với những kẻ gây bạo loạn: "Khi các nhóm sử dụng bạo lực cực đoan để tấn công các dân biểu của nền cộng hòa, vì họ không hài lòng với điều gì đó, thì đó là điều không thể chấp nhận". Nếu phân biệt như thế thì hóa ra cuộc Cách mạng Pháp 1789 là vô nghĩa trước một quốc hội lập hiến trước đó sao?Cao điểm là tuyên bố "bất cần đời" của ông Macron: "Nếu phải chấp nhận không được lòng dân, tôi sẽ làm điều đó… Giữa các cuộc thăm dò, [lợi ích] ngắn hạn và lợi ích chung của đất nước, tôi chọn lợi ích chung". Ông cũng không quên bảo vệ bà thủ tướng của mình: "Tôi đã bổ nhiệm Elisabeth Borne, bà ấy phải được Quốc hội tin tưởng". Được biết, theo kết quả hai cuộc thăm dò công bố hôm thứ hai 27-3 của công ty chuyên lấy ý kiến dư luận Odoxa, chỉ 30% người được hỏi nói họ đánh giá ông Macron là "một tổng thống tốt".■ Để sẵn sàng đối đầu cuộc tổng biểu tình hôm thứ ba (28-3) - mà các liên đoàn gọi là "Ngày hành động thứ 10", Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin đã huy động 13.000 cảnh sát và hiến binh (trực thuộc quân đội). Ông Darmanin không giấu giếm nỗi lo: "Có những rủi ro rất đáng kể với trật tự công cộng… Các cá nhân này đến để đập phá, giết cảnh sát và hiến binh… để gây bất ổn cho các định chế và nhấn nước Pháp chìm trong máu lửa".Theo ông, có hơn 1.000 phần tử cực đoan cánh tả và cánh hữu, một số đến từ nước ngoài được tập hợp để ra tay tại Lyon, Rennes, Nantes, Dijon và Bordeaux. Ông cho biết trong tuần rồi họ đã đập phá 128 tòa công thự, gây ra 2.179 vụ hỏa hoạn, khiến 891 cảnh sát và hiến binh bị thương. Cuối tuần qua, bạo động còn nổ ra tại thị trấn Sainte-Soline, vùng Deux-Sèvres, miền tây nước Pháp - nơi đang xây các hồ chứa nước ngọt lớn. Bộ Nội vụ cho biết đã đếm được "200 người thuộc các nhóm cực đoan có trong sổ đen của cơ quan an ninh, những người có hồ sơ mang ký hiệu S (an ninh quốc gia)". Tags: Bất tín nhiệmBan hành luậtQuỹ hưu tríĐảng Cộng sản PhápNgười biểu tìnhPhần tử cực đoanPhápTuổi nghỉ hưuCách mạng Pháp
Bão số 8 có ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam? CHÍ TUỆ 12/11/2024 Sau khi vào Biển Đông, bão số 8 (Toraji) đang hướng về khu vực phía bắc của bắc Biển Đông và duy trì cường độ mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12.
Bí thư Nam Định Phạm Gia Túc làm phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng THÀNH CHUNG 12/11/2024 Bộ Chính trị vừa quyết định điều động, bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc giữ chức phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Sau gần 2 tháng kiểm tra, Công an TP.HCM khởi tố 31 bị can, thu giữ 9,7 tấn xyanua ĐAN THUẦN 12/11/2024 Sau gần 2 tháng thực hiện tổng kiểm tra, cơ quan điều tra 2 cấp Công an TP.HCM đã khởi tố 6 vụ án/31 bị can, thu giữ hơn 9,7 tấn xyanua và thu hồi 313,5kg xyanua được mua bán trái phép tại nhiều tỉnh, thành.
Song Jae Rim của Mặt trăng ôm mặt trời bất ngờ qua đời ở tuổi 39, cảnh sát thấy thư tuyệt mệnh THÙY LINH 12/11/2024 Chiều 12-11, tờ Newsen đưa tin nam diễn viên Song Jae Rim được phát hiện đã qua đời ở tuổi 39, nguyên nhân hiện đang được cảnh sát điều tra làm rõ.