Ô tô của tương lai?

LÊ QUANG 23/03/2023 08:38 GMT+7

TTCT - Đức dễ hiểu là một nước đi trước trong nỗ lực "phổ cập xe điện" trên đường phố, nhưng ngay cả với Đức, đây vẫn là một nỗ lực đầy chông gai.

Hồi ở nước ngoài tôi có ông bạn vong niên cùng cơ quan, lão thợ già Kaczmarek. Trong chừng 2 năm, chúng tôi cùng đi tàu đến chỗ làm ở một thành phố khác. Trong 20 phút trên tàu mỗi sáng, tôi nghe từ ông nhiều chuyện, chép ra cả đời không hết. 

Nhân bàn chuyện ô tô điện, chợt nhớ ông kể về bố mình đã từng đi xe điện từ hồi - nói theo cách bây giờ - "Hitler còn mặc quần thủng đít". Chiếc ô tô điện đầu tiên được biết đến của Đức có tên Flocken Elektrowagen, được xưởng cơ khí A. Flocken ở Coburg xuất xưởng từ tận năm... 1888.

Số lượng ô tô điện ở Đức tăng nhanh gấp ba lần so với mạng lưới các trạm sạc công cộng. Ảnh: DW

Số lượng ô tô điện ở Đức tăng nhanh gấp ba lần so với mạng lưới các trạm sạc công cộng. Ảnh: DW

Xe chạy điện hay chính xác hơn là xe chạy ắc quy ngày càng trở nên phổ biến, kể cả trên quê hương của ô tô. Tính riêng năm ngoái, có chính xác 470.559 ô tô điện được đăng ký ở Đức, đánh dấu một kỷ lục về phương tiện chạy điện.

Đừng chỉ nhìn đồng hồ cây xăng

Ô tô điện không có động cơ đốt trong nên không thải khí độc hại ra môi trường qua ống xả. Ưu điểm nhãn tiền là lái xe không bị lên cơn loạn nhịp tim mỗi lần tạt vào cây xăng. 

Thay vào đó, xe sạc bằng điện, lý tưởng nhất là qua ổ cắm trên tường được nuôi bằng năng lượng mặt trời. Nhưng thực ra nên nhìn nhận chuyện này rộng hơn: Ngành giao thông vận tải là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. 

Chính phủ Đức dự định giảm 40-42% lượng khí thải vào năm 2030, chủ yếu bằng cách tạo điều kiện cho 7-10 triệu xe điện lăn bánh, kèm theo là 1 triệu điểm sạc trên cả nước.

Quay lại chuyện bố ông Kaczmarek: trước Thế chiến II, ông sống bằng nghề chở bia cho các quán ăn ở Leipzig bằng xe tải chạy điện. Ban ngày chiếc xe luồn lách qua những con phố hẹp. Đêm đến, khi giá điện giảm mạnh, họ nạp ắc quy đủ cho cả ngày hôm sau. 

Nay nhìn lại, tương lai của ô tô điện lẽ ra đã có thể là hiện tại, nếu Quốc hội Đức không thiển cận bóp chết nó bằng mức thuế mới vào năm 1955, tăng đến 570% vì đánh thuế theo trọng lượng ô tô.

Cũng có thể là bởi những tên tuổi như Opel, Audi hay Benz giỏi vận động hành lang? Như ta biết, Đức đến nay vẫn là nước duy nhất không giới hạn tốc độ trên đường cao tốc, cũng chỉ vì các chính trị gia được hậu thuẫn bởi công nghiệp ô tô. 

Giờ thì người Đức hối hận khi chỉ còn vài năm nữa là không được sản xuất xe động cơ đốt trong nữa, và nhà máy của Tesla mọc lên giữa đất Đức có ông chủ không phải người địa phương.

Về ưu điểm của ô tô điện, có lẽ đỡ phải tranh luận nhiều. Tuy chiếc mề đay này cũng có mặt trái mà ta sẽ bàn ở phần dưới.

"Nhử mồi"

Nhà nước Đức ngay từ đầu đã cắm một cọc tiêu khá ngạo nghễ: 1 triệu ô tô điện trên đường phố Đức vào năm 2020. Nhưng dân Đức ít hào hứng với phát minh khá mới mẻ này vì nhiều lý do, ngoài chuyện giá xe điện khá cao. 

Nói gì thì nói, lỗ thủng ozone không ai nhìn thấy, nhưng thủng hầu bao thì biết ngay. Do đó nhà nước phải bạo tay chi để khởi động tinh thần bảo vệ môi trường. 

Và vì chỉ có khoảng 25.000 ô tô chạy 100% bằng ắc quy vào đầu năm 2016, chính phủ vội quyết định bổ sung một chương trình chống lưng cho ô tô điện: Khoản tài trợ ban đầu để khuyến khích mua ô tô 100% chạy điện là 4.000 euro và 3.000 euro cho động cơ lai (nửa điện nửa xăng), tổng cộng 1,2 tỉ euro được chi ra, do nhà nước và nhà sản xuất ô tô cùng góp. 

Sau 2023, giá xe còn được giảm đến 6.750 euro, nhưng động cơ lai bị gạch khỏi danh sách khuyến khích. Khi đi xe mới, chủ xe còn được miễn các loại phí cầu đường 10 năm liền, và từ năm thứ 11 chỉ trả một nửa. Chủ lao động xây trạm nạp điện cho nhân viên sẽ được nhà nước hỗ trợ.

Kết quả, 1,76 triệu phương tiện được trợ giá với tổng số tiền 8,43 tỉ euro. Ngoài ra, khoảng 753.500 xe động cơ lai cũng được ưu ái. Các khoản tài trợ này đã chấm dứt vào cuối năm 2022. 

Từ tháng 1-2023, người mua ô tô điện vẫn có thể nhận được khoản tài trợ tối đa 4.500 euro nếu xe của họ nằm trong danh sách giá rẻ, tức dưới 40.000 euro. Với những chủ xe rủng rỉnh hơn, xe có giá lên tới 65.000 euro vẫn được hỗ trợ 3.000 euro. Từ năm 2024 trở đi tiền trợ cấp sẽ giảm dần, nhưng vẫn luôn là ngon hơn xe xăng.

Người Đức có tin xe điện?

Hãy xem thống kê quý 3-2022: trên đường phố Đức có 840.000 ô tô thuần điện và 745.000 xe động cơ lai, con số đáng nể ở một đất nước 84 triệu dân. Nhưng con số này chưa thể xua tan những hoài nghi dai dẳng.

Ô tô điện của bưu điện Đức sau Thế chiến II. Ảnh: Google Arts and Culture

Ô tô điện của bưu điện Đức sau Thế chiến II. Ảnh: Google Arts and Culture

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner muốn chấm dứt tài trợ ô tô điện càng sớm càng tốt, khi nền kinh tế còn nhiều mối lo khác, nhất là từ khi xảy ra cuộc chiến Ukraine. Ngành công nghiệp ô tô run rẩy, lo sụt giảm nhu cầu.

Hiện tại, ô tô điện không còn xa lạ trên đường phố Đức. Những Tesla 3, VW ID3 hay Audi e-tron không còn là của hiếm, dù vẫn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số xe. 

"Trong 48,5 triệu ô tô ở Đức đã được đăng ký vào ngày 1-1-2022, ô tô điện chỉ chiếm 1,3%. Cơ quan Giao thông cơ giới liên bang [KBA] ở Flensburg ghi nhận 618.460 ô tô chạy hoàn toàn bằng điện", tạp chí Auto Straßenverkehr (Giao thông cơ giới) thông báo.

Mục tiêu 1 triệu ô tô điện do cựu thủ tướng Angela Merkel đặt ra đạt được bằng một mẹo nhỏ là lén đếm thêm xe động cơ lai. Với 31 triệu xe chạy xăng (63,9%) và 14,8 triệu xe chạy dầu (30,5%), động cơ đốt trong đến nay vẫn là công nghệ truyền động phổ biến nhất. 

Trước thực tế là EU muốn cấm sản xuất mới tất cả các ô tô chạy xăng dầu trong 12 năm tới, nhà nước vẫn còn kha khá cơ hội để cải thiện tình hình. Mục tiêu hiện tại của chính phủ liên minh mới lên là 15 triệu ô tô điện ở Đức chậm nhất vào năm 2030.

Nhưng mục tiêu này thực tế đến mức nào?

Tạm ngừng tranh luận với các chuyên gia ô tô và các thầy bói đoán mò tương lai, một người dân bình thường có các nỗi lo sau đây: cây sạc điện gần nhất, xe đi được bao lâu với ắc quy đầy, và nạp ắc quy mất bao lâu. Đó cũng là các bệnh trẻ con của sản phẩm ô tô điện còn quá non trẻ.

Xét các ô tô điện đang bán ở Đức, một lần nạp đầy ắc quy đủ chạy trung bình 350 cây số. Đây là con số rất đáng mừng, vì đa số ô tô chỉ chạy quãng đường ngắn từ nhà đến cơ quan, tức dưới 60 km/ngày. 

Các loại ắc quy tốt như trong Mercedes EQS đi được tới 770km, hay Tesla S Long Range 640km. Nhưng ắc quy tốt thì có ích gì, khi phải tìm trạm sạc dọc đường, hoặc đến nơi thì đã có cả chục chiếc xe xếp hàng và mỗi chiếc nạp mất nửa tiếng hoặc hơn? 

Hiện tại nước Đức cần gấp rút đổi hướng phát triển: Theo số liệu từ KBA và Cơ quan Mạng lưới liên bang, số phương tiện chạy điện đã tăng gần gấp 6 lần vào năm 2021, trong khi số lượng điểm sạc chỉ tăng gần gấp đôi. Cụ thể là 23 ô tô điện đang chia nhau một điểm sạc thay vì 8 chiếc như mong muốn ở Đức (ở EU là 10).

Chính phủ đương nhiệm đặt mục tiêu 15 triệu xe điện vào năm 2030 và vì thế đang gia tăng áp lực đối với việc mở rộng cơ sở hạ tầng sạc điện, tức là cần xây lắp 2.000 trạm sạc mới mỗi tuần, để đến năm 2030 đạt mật độ 15 ô tô/ổ cắm. Hiện tại, mỗi tuần chỉ có khoảng 250 điểm sạc mới được xây lắp trên khắp nước Đức. ■

Không phải là tất cả

Trong cơn say ô tô điện, người ta cố tình lờ đi nhiều yếu tố khác: liệu ô tô điện có phải hướng đi duy nhất hay tốt nhất, hay chỉ vì nó đang vận động hành lang mạnh nhất?

Vì nói cho cùng, muốn lấy điện trong ổ cắm ra, người ta cũng nên biết là điện chủ yếu đến từ nguyên liệu hóa thạch bẩn thỉu, từ năng lượng nguyên tử tàng chứa nguy hiểm, và từ nguồn tái tạo còn khá nghèo nàn.

Các khoản tài trợ của Chính phủ Đức bao trùm cả một loạt giải pháp thay thế khác mà ở đây chỉ đề cập đến pin nhiên liệu.

Hiện tại ở Đức mới có khoảng 400 ô tô thí nghiệm chạy trên đường và được nhà nước tài trợ nghiên cứu, nhưng tương lai của nó không hề mù mịt như Tesla ra sức tuyên truyền. 100% năng lượng sạch, 0% vấn đề về số km hoạt động - đó là lời hứa vĩ đại của ô tô chạy bằng hydro hoặc pin nhiên liệu.

Trong các giải pháp thay thế, giải pháp này được coi là đặc biệt hứa hẹn, tuy từ quan điểm kỹ thuật cũng đặt ra nhiều thách thức nhất. Hydro được sử dụng làm nhiên liệu. Để có thể vận chuyển ở dạng lỏng, nó phải được bảo quản trong bể có áp suất 700-800 bar.

Bên trong pin nhiên liệu, hydro và oxy trong không khí phản ứng tạo thành nước. Năng lượng giải phóng được chuyển đổi thành điện năng, điều khiển một động cơ điện. Không hề có khí thải gây ô nhiễm, chỉ có nước và nhiệt.

Ô tô sử dụng hydro làm nhiên liệu thay thế do đó thuộc loại "không phát thải" - ước mơ lớn nhất của những ai quan tâm đến môi sinh.

Nhưng dù sao thì thời đại của các vua dầu mỏ cũng sắp qua, kể cả những kẻ móc dầu khí từ lòng đất ra để lũng đoạn thế giới và gián tiếp gây ra đủ loại chiến tranh nóng lạnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận