TTCT - Thắng lợi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc bầu cử hạ viện hôm chủ nhật (22-10) được trông đợi sẽ bắt đầu cho những cải cách cần thiết ở một thời đại mới nhiều bất trắc hơn bao giờ hết với nền kinh tế lớn thứ hai châu Á. Giờ ông Abe là người giữ bóng.-Ảnh: Getty Images Giành được 313/465 ghế ở hạ viện sau cuộc bầu cử, một chiến thắng vang dội, vượt cả ngưỡng 2/3 số ghế cần thiết (310) để có thể thông qua ngay cả việc sửa đổi hiến pháp, liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ tự do (LDP) do ông Abe lãnh đạo, cùng Đảng Komeito (Đảng Công minh) đã nắm chắc quyền lập pháp trong tay. Giờ sự chú ý sẽ hướng về việc chính quyền mới có thực hiện việc tu chỉnh điều 9 “hiến pháp chủ hòa” của Nhật Bản hay không. Bản đồ chính trị mới LDP đã giành được 284 ghế, trong khi Komeito - đảng trung hữu với cương lĩnh “chính trị lấy con người làm trung tâm” - có 29 ghế. Kết quả này giúp liên minh của ông Abe nắm toàn quyền bổ nhiệm nội các và chiếm đa số tuyệt đối ở hạ viện. Một ngày sau cuộc bầu cử, 23-10, ông Abe, trong vai chủ tịch LDP, và ông Natsuo Yamaguchi, chủ tịch Đảng Komeito, đã tuyên bố duy trì liên minh. Điều này đồng nghĩa sau khi quốc hội khóa mới được triệu tập ngày 1-11, các nghị sĩ thuộc hai đảng sẽ bầu “tân” thủ tướng là ông Abe, rồi “tân” Thủ tướng Abe sẽ thành lập nội các thứ tư của mình mà theo dự kiến toàn bộ các bộ trưởng cũ sẽ được tái bổ nhiệm. Về phía đối lập, Đảng trung tả Dân chủ lập hiến (CDP) được 55 ghế, tăng đến 40 ghế so với cuộc bầu cử kỳ trước, trở thành đảng mạnh thứ nhì ở Nhật Bản và là đảng đối lập lớn nhất, tuy vẫn còn cách xa LDP. Trong khi đó, Đảng Hi vọng (Kibō no Tō) của nữ thống đốc vùng Tokyo, Yuriko Koike chỉ được 50 ghế, mất 57 ghế so với cuộc bầu cử kỳ trước, không đạt mục tiêu trở thành đảng mạnh thứ nhì ở Nhật Bản. Thất bại của Đảng Hi vọng càng nặng nề do lẽ một phó tướng của bà này là ông Masaru Wakasa mất ghế tại hạ viện vào tay ông Hayato Suzuki của LDP, trong khi bản thân bà Koike bị chê là không can đảm từ chức thống đốc vùng Tokyo để ra tranh cử một ghế hạ viện. Tệ nhất là Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) khi vẫn chỉ được 2 ghế và phải tuyên bố tự giải tán sau cuộc bầu cử. Đảng Cộng sản Nhật Bản của ông Kazuo Shii, ủng hộ hiến pháp “chủ hòa”, chỉ được 12 ghế, mất 9 ghế so với trước đó. Những lý do chủ yếu dẫn đến cuộc bầu cử sớm vừa rồi là bê bối liên quan gián tiếp đến phu nhân thủ tướng cùng cựu bộ trưởng quốc phòng, khiến uy tín ông Abe sút giảm nghiêm trọng, buộc ông phải “xóa bài làm lại” vào cuối tháng 9. Truyền thông cả trong nước và quốc tế gọi cuộc bầu cử này là “canh bạc của ông Abe”, và nay coi như ông đã thắng vụ cá cược. Chính vì ý thức được tổn hại từ các vụ bê bối trước bầu cử nên nay ông Abe, sau chiến thắng, đã phải thề thốt sẽ cầm quyền “một cách khiêm tốn”. Thiếu “khiêm tốn” là điều mà bà Koike đã gán cho ông Abe trong chiến dịch bầu cử hội đồng thành phố này hồi tháng 7, khi đảng của bà Koike chiến thắng áp đảo, một lý do nữa khiến ông Abe nghĩ tới việc giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Triều Tiên "giúp" Abe thắng cử? Thật tình cờ là quãng thời gian kể từ khi uy tín của ông Abe lung lay, nhất là từ cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo đầu tháng 7 đến trước cuộc bầu cử sớm hôm 22-10, cũng là giai đoạn CHDCND Triều Tiên thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dồn dập nhất, đe dọa Nhật Bản nhiều nhất. Bầu cử ở Tokyo vừa xong hôm 2-7 thì hôm 4-7, Bình Nhưỡng loan báo thử thành công tên lửa liên lục địa đầu tiên Hwasong-14, “có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới”. 24 ngày sau, 28-7, Triều Tiên bắn tiếp một tên lửa Hwasong-14 nữa. Cuối tháng 8, trong hai ngày 26 và 29, họ lại phóng hai tên lửa Scud Hwasong-12. Ngày 3-9, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ sáu, được cho là bom khinh khí; 15-9, phóng thêm một Hwasong-12. Tổng số từ đầu năm tới giờ là 22 tên lửa qua 15 lần phóng thử, hầu hết hướng về phía Nhật Bản, nhiều lần tên lửa bay qua cả lãnh thổ Nhật Bản. Vụ phóng ngày 15-9, chỉ hơn một tháng trước ngày bầu cử, là nghiêm trọng nhất. CNN tường thuật: “Trong một động thái thách thức ghê gớm với cộng đồng quốc tế..., Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua đảo Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản. Đây là vụ phóng tên lửa thứ nhì bay qua Nhật Bản trong vòng không đầy một tháng... Vụ thử tên lửa hôm thứ sáu tiếp theo một tuyên bố hôm thứ tư, trong đó Thông tấn xã KCNA của nhà nước Triều Tiên đe dọa “quần đảo Nhật Bản sẽ chìm xuống đáy biển bởi quả bom nguyên tử của tinh thần tự chủ”. Cứ thế, Triều Tiên càng phóng tên lửa, còi báo động càng vang lên nhiều (thường vào lúc trời chưa rạng sáng), người Nhật càng cảm thấy cần một chính phủ cứng rắn để bảo vệ an ninh quốc gia. Cho tới giờ, chính quyền Abe đã xử lý tốt việc bảo vệ người dân qua sự khôn khéo cân nhắc tình hình, liên kết phòng thủ và diễn tập quân sự với các đồng minh Mỹ và Hàn Quốc. Phòng vệ chắc chắn, không để xảy ra thảm họa, chủ động về ngoại giao, vận động các “ông lớn” Trung Quốc và Nga, đó là điều ông Abe đã và đang làm. Người dân Nhật, vốn rất ái ngại chiến tranh sau quá nhiều đau thương, cảm thấy yên tâm. Hôm thứ bảy 21-10, ngay trước ngày bầu cử, ông Abe còn lên tiếng với người dân Nhật: “Chúng ta không thể bị CHDCND Triều Tiên lừa dối nữa. Chúng ta không thể chịu đựng mãi những mối đe dọa của họ”. Thông điệp trấn an đó chỉ ông Abe mới đủ thẩm quyền phát đi. Nó cũng khác cơ bản với chương trình “12 không” của bà Koike và Đảng Hi vọng. “12 không” của bà Koike là: 1. Không năng lượng hạt nhân; 2. Không “che đậy” các công ty; 3. Không nhận hiến tặng của các công ty; 4. Không để trẻ em phải chờ đợi khám bệnh ở các cơ sở chăm sóc y tế; 5. Không hút thuốc thụ động; 6. Không nhét như cá mòi trên các tàu hỏa; 7. Không bỏ rơi thú nuôi; 8. Không phung phí thực phẩm; 9. Không vi phạm luật lao động; 10. Không cảm cúm; 11. Không bắt người tàn tật và người cao tuổi sử dụng phương tiện vận tải công cộng không thích hợp; và 12. Không còn cột điện sừng sững giữa trời. (Financial Times 5-10-2017). Quá nhiều điểm lặt vặt và lan man, chương trình “12 không” đó giống với một nghị trình tranh cử hội đồng thành phố hơn là hạ viện! Thành ra từ góc nhìn đó, cuộc bầu cử hạ viện vừa qua có thể được coi như một cuộc trưng cầu ý dân về tín nhiệm dành cho ông Abe trong nhiệm vụ bảo vệ nước Nhật, chứ không chỉ đơn thuần là các chính sách kinh tế như quá khứ, chẳng hạn việc tăng thuế tiêu thụ nhằm thu đủ 2.000 tỉ yen (17,6 tỉ USD) chi thêm cho phúc lợi xã hội. Tương tự, lập trường của chính phủ vừa thắng cử với điều 9 hiến pháp cũng gắn chặt với vấn đề an ninh quốc gia. Điều khoản đó hiện “trói tay” Nhật Bản trong việc mở rộng quốc phòng. Ngay cả “bộ quốc phòng” và “quân đội”, bởi điều 9 đó, cũng là những từ ngữ cấm kỵ, phải gọi trớ đi là “lực lượng phòng vệ”! Sau cuộc bầu cử với chiến thắng cho liên minh cầm quyền, Triều Tiên giận dữ lên tiếng đả kích. Trong một thông cáo hôm thứ hai, 23-10 từ KCNA, người phát ngôn “Ủy ban hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên” đã lên án: “Điều mà bọn phản động Nhật Bản mưu tính khi cố tình gắn việc giải tán hạ viện với (vấn đề) CHDCND Triều Tiên là nhằm thỏa mãn những tham vọng của chúng đối với việc giữ lại quyền lực và dọn đường cho việc tái xâm lược bán đảo Triều Tiên, thực hiện giấc mơ cũ “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á”” - tờ Japan Times ngày 23-10 bình thản trích dẫn do đã quen với “điệp khúc” của KCNA. Từ góc nhìn này, có thể giả định rằng Bình Nhưỡng đã nhận ra càng thử tên lửa, càng vô hình trung khiến người dân Nhật Bản xí xóa những bực dọc trước đó về chính quyền của ông Abe (cụ thể là vụ bê bối tình nghi bán rẻ đất cho dự án xây trường học của một nhóm “cực hữu”) để tiếp tục ủng hộ ông. Không biết có phải ngẫu nhiên không mà từ một tháng trước bầu cử ở Nhật Bản, không thấy quả tên lửa nào bay đi từ Triều Tiên nữa. Tình hình mới Với thế đại đa số ở hạ viện, ông Abe nay rộng đường cải cách cả hiến pháp lẫn kinh tế, xã hội. Ngay hôm sau ngày bầu cử, ông nói: “Tôi biết ơn công chúng Nhật đã mạnh mẽ cổ vũ chúng tôi bước tới trước”. Nhất thiết ông Abe sẽ phải tập trung các chính sách tạo thuận lợi cho tăng trưởng và kinh doanh, hầu tạo nên cảm giác hài lòng trong dân chúng, để bất cứ cuộc trưng cầu ý dân nào về việc sửa đổi hiến pháp được như ý, theo nhận định của The Diplomat. Một đồng yen yếu hơn, tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu cũng là cần thiết, trang web này dự báo. Để làm được điều đó, ông Abe được chờ đợi sẽ tái bổ nhiệm thống đốc ngân hàng nhà nước Haruhiko Kuroda vào tháng 4-2018 khi ông này hết nhiệm kỳ. Ngoài việc phải ra sức duy trì sức nặng kinh tế của đất nước 127 triệu dân này cả ở châu Á lẫn trên thế giới, ông Abe đồng thời cần tăng cường sức mạnh quốc phòng trước tình hình mới. Chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử ở Nhật Bản, Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc với bầu không khí hăm hở về một “Trung Quốc mộng” và vai trò “siêu cường trong kỷ nguyên mới”. Những cạnh tranh và tranh chấp giữa hai nước láng giềng, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á chắc chắn sẽ có vai trò lớn định hình tương lai khu vực và cả toàn cầu. Cho dù Nhật Bản đã có một đồng minh chiến lược - siêu cường Hoa Kỳ - từ sau Thế chiến thứ hai, song điều chính quyền Abe muốn là phải làm sao chủ động trong mối quan hệ đó, chứ không quá phụ thuộc và bị động như hiện giờ, nhất là khi tính khí đồng minh lại thất thường. Muốn thế, điều đầu tiên sẽ là tu sửa hiến pháp nhắm vào điều 9 “trói tay” quốc phòng. ■ Điều 9 hiến pháp Nhật Bản: (1) Thành thật khao khát hòa bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, nhân dân Nhật Bản từ bỏ vĩnh viễn chiến tranh như một quyền chủ quyền quốc gia cùng việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế; (2) Để đạt được mục tiêu ở đoạn trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm năng chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tuyên chiến và tham chiến của quốc gia sẽ không được công nhận. Tags: Nhật BảnThủ tướng Nhật BảnThủ tướng Abe
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.