Ông Bảy "khóm Cầu Đúc"

DƯƠNG THẾ HÙNG 17/11/2011 03:11 GMT+7

TTCT - “Gọi riết thành danh vì vùng này hổng ai trồng khóm được như ổng hết. Một mình dám ôm cả trăm hecta đất hoang, bỏ vô 3-4 tỉ đồng để khai phá, đứt vốn như chơi.

Mà thiệt ngộ, ai ở đây xuống khóm cũng bị văng ra, riêng ổng thì nó hít dính như nam châm”. Bà con nói vậy về ông Bảy Thanh (Dương Văn Thanh), 64 tuổi, ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh (Hậu Giang).

Phóng to
Ông Bảy “khóm Cầu Đúc” - Ảnh: D.T.H.

Giống khóm Cầu Đúc còn có biệt danh là “nữ hoàng”, xuất xứ từ Thái Lan, vị ngọt thanh, ít rát lưỡi. Những lão nông vùng Hỏa Lựu, Hỏa Tiến (Vị Thanh) kể rằng khóm Cầu Đúc đã có mặt ở đây từ những năm 1930, bên dòng sông Cái Lớn nối liền hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang.

Sở dĩ có tên Cầu Đúc vì ngày xưa người Pháp bắc cây cầu ximăng nối qua sông Cái Lớn, người dân quen gọi cầu Đúc. Vùng đất này trồng nhiều khóm, mùa thu hoạch ai cũng chở ghe nườm nượp ra bán, tập trung dưới dốc cầu Đúc nên quen miệng đặt tên khóm Cầu Đúc.

Từ cái ghe khóm

Những ngày cuối tháng 9, mực nước đã dâng lên khá cao do lũ thượng nguồn tràn về, triều cường dâng cao, trời lại mưa bão. Nhưng những liếp khóm của ông Bảy Thanh vẫn cao nghệu, cây khóm trái sai oằn tốt tươi. Ngay lúc này đây mới thấy người nông dân ít học này có tầm nhìn của người dày dạn kinh nghiệm trong ứng xử với thiên nhiên: làm liếp cao ngay từ đầu, thà chịu tốn một lần để đón đầu và thích nghi, chủ động ứng phó với nước lũ khi cần thiết.

Sau năm 1975, ông Bảy Thanh là một trong những “lái” khóm có mặt ở đây sớm nhất. Ông cũng có 1ha trồng khóm, nhưng bấy nhiêu không đủ nuôi mười miệng ăn trong nhà, ông cạy cục kiếm chiếc ghe nho nhỏ, hỏi thuê để chở khóm bán. Hồi đó người nghèo “rách” nhất còn có chiếc ghe bèo nhèo chở vài trăm ký khóm, còn ông “nát” hơn, phải thuê mới có ghe làm ăn.

Nhờ siêng năng chịu khó, năm năm sau ông dành dụm sắm được chiếc ghe 6 tấn. Cách mua bán của ông cũng đơn giản: mua tận gốc, bán tận ngọn. Ông chịu khó vô tận liếp mua, rồi chạy lên TP.HCM bán. Ông giải thích: “Lấy công làm lời mà, với lại phải giữ chữ tín hàng đầu, tiền bạc không thiếu ai, cân hàng chính xác. Vậy mới làm ăn lâu dài”. Khi kẹt tiền, ông chấp nhận vay nóng bạc mười phân để trả cho nông dân, không chiếm dụng vốn bà con. Vì vậy ai cũng thích bán khóm cho ông.

“Còn nhà máy chế biến thấy tui chất phác thật thà, họ nói “ông này dốt nên hổng ăn gian đâu” nên chọn tui làm mối giao hàng” - ông cười ha hả.

Cứ vậy, từ chiếc ghe mướn, ông “lên” dần ghe 6 tấn, 10 tấn, 20 tấn rồi “ra” cái cơ sở thu mua khóm ngay dưới dốc cầu Đúc.

Tự bỏ tiền đầu tư khai hoang

Sống ở đây từ nhỏ, ông biết rõ đất nhiễm phèn hoang hóa, chỉ có cây khóm là chịu được. Đầu năm 2006, ông xin thuê 100ha đất của tỉnh đang bỏ hoang để trồng khóm. Ông bỏ ra hơn 3 tỉ đồng mướn xe máy, xe cơ giới vô khai phá. Vợ ông khóc hết nước mắt, phần sợ đứt vốn, phần lo rủi ro bởi vùng đất đó được mệnh danh là “đi dễ khó về”. Có người khuyên ông đầu tư địa ốc dễ ăn hơn, bởi lúc đó đất đai rẻ rề. “Nếu nghe theo chắc giờ tui là triệu phú đôla rồi. Nhưng mà đời có cái số. Số của tui là sống chết gắn liền với cây khóm mà!” - ông Bảy Thanh nói.

Bên cạnh việc xác định cây khóm rất chịu đất phèn, ông cho rằng thị trường khóm không lo ế, từ trong nước tới nước ngoài lúc nào người ta cũng ăn khóm, giá khóm lúc thấp nhất 700-800 đồng/kg vẫn có lời. Ngoài ra, cây khóm còn góp phần tạo ra việc làm cho hàng ngàn lao động, từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đến nhà máy chế biến, xuất khẩu… Mặt khác, nhu cầu của các nhà máy là có số lượng lớn, có vùng nguyên liệu mà nông dân mình vẫn cứ quen sản xuất nhỏ lẻ, mỗi hộ có vài hecta thì sao gọi là làm ăn lớn!

Khi nhận đất, đó là cánh đồng hoang. Cỏ lác, lau sậy cao hơn đầu người, cây tạp, cây tràm gốc bự đâm tua tủa, đỉa, vắt lềnh như bánh canh, chưa kể muỗi, kiến hở cái là bu như… ruồi. Vượt qua nhọc nhằn, ông cùng nhóm thợ dàn hàng ngang một lúc 15 chiếc Kobe, chiếc thì bứng gốc cây, chiếc phạt cỏ sát rạt, đi tới đâu cây bụi lui dần tới đó. Kế đó là đào kênh mương thông thoáng, nước ra vô đều đặn, đặc biệt cao ráo hơn bình thường 3-5 tấc để tránh ngập nước.

Ông phân tích: “Vùng này đất thấp, nước cao, ai cũng ngán tiền nên lên liếp thấp. Trước đây bà con làm hổng “tới”. Chưa kể mình ở vùng dưới (hạ lưu), nước vùng trên năm nào cũng tràn về cao hơn năm trước, nếu không đón đầu, đất khóm dễ bị ngập mất năng suất”. Tính nhẩm vậy nên suốt 6km chiều dài khu đất, ông cho xẻ kênh ngang dọc như bàn cờ, liếp đất cơi cao, thêm mương nhỏ kế bên, thành ra phèn được xả, úng được tiêu.

Phóng to
Trang trại khóm của ông Bảy Thanh ở Vị Thanh (Hậu Giang) - Ảnh: D.T.H.

Trang trại khóm Cầu Đúc

Giữa năm 2006, công cuộc khai hoang, làm đất cơ bản hoàn thành. Ông Bảy Thanh bắt đầu xuống giống trồng khóm. Một vùng cây tạp hoang vu trước kia nay biến thành cánh đồng mênh mông khóm, “dòm mà thèm chảy nước miếng” - theo cách nói của nông dân. Trên bờ, từng liếp khóm đều đặn chạy hàng dài thẳng tắp; dưới mương, xuồng ghe đi dễ dàng, nhân công trên đó thoải mái làm cỏ, bón phân.

Cái hay của ông chủ trang trại này là xử lý cỏ hết sức triệt để. Ngay từ khi khai hoang cho tới nay đã sáu năm, khi chúng tôi vô đồng, điều ngạc nhiên hơn hết là khó tìm ra một cọng cỏ trên mỗi liếp khóm, dù nước còn trong, phèn còn nặng. Trong khi đó, ngó qua cánh đồng kế bên, cỏ dại, lau sậy hoang hóa mịt mù cao hơn đầu người. Ông Bảy Thanh nói rằng đất đó người ta đã khai phá trồng qua năm bảy mùa rồi, nhưng cỏ vẫn hoàn cỏ. Lý do là vì lúc làm cỏ không làm tận gốc.

Cuối năm 2007, khóm bắt đầu cho lứa thu hoạch đầu tiên. Đúng như ông dự đoán, khóm đặt xuống hạp đất là “hít” như nam châm. Tuy năng suất chưa cao nhưng cũng đạt mức 15 tấn/ha. Lúc này, vợ và các con ông thở phào nhẹ nhõm: cây khóm sống là mình sống, mà nó sống khỏe nữa chớ.

Ông nhẩm tính: “Một gốc khóm đặt xuống, 18 tháng sau thu hoạch thì cứ vậy mà thu đều đều. Nó cứ tiếp tục mọc trái trong nách ra rồi lớn, một năm ăn ba vụ làm tới, một gốc có thể ăn 7-10 năm. Ăn thua mình chăm sóc, siêng làm cỏ, bón phân. Một bụi khóm mà chịu tốt, vun cao lên như cái mâm xôi, trái bự chảng cả ký rưỡi”.

Qua năm 2009, ông tiếp tục thuê thêm 100ha đất của công an tỉnh để trồng khóm. Cũng y bài bản cũ, ông đầu tư vốn khai hoang ngay từ đầu, cũng thuê xe máy móc đất, làm cỏ, đốn cây, khai mương, đắp bờ bao, đặt cống bọng rồi lên liếp, xuống giống. Chỉ có khác là lần này vốn nặng hơn, gần 5 tỉ đồng vì xăng dầu tăng, giá nhân công, xe cơ giới cũng tăng.

Sau đó, năng suất khóm cũng tăng dần lên 16, 17 rồi 20 tấn/ha. Bình quân tháng nào ông cũng có 200 tấn khóm cung cấp cho nhà máy. Tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, ông trở thành mối quen của các nhà máy chế biến khóm xuất khẩu ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Giờ đây, cả mười người con của ông đều mỗi người một việc trên trang trại khóm. Hơn 20 nông dân quanh vùng có công ăn việc làm ổn định với thu nhập hằng tháng bình quân 2,4-3 triệu đồng/người. Ông thành lập hẳn doanh nghiệp mang tên Dương Thanh và đảm nhận hết các khâu từ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển cho tới bán thẳng vô nhà máy.

“Làm tận gốc, bán tận ngọn” như phương châm từ đầu. Ông mơ ước phải chi chính quyền tỉnh đầu tư luôn nhà máy chế biến khóm xuất khẩu ngay tại đây thì bà con còn khấm khá hơn gấp nhiều lần, bởi đất đai rất hạp, tiềm năng chưa khai phá hết, mà thị trường tiêu thụ khóm trên thế giới luôn rộng mở.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận