Ông Bộ trưởng "có duyên" với báo Tuổi Trẻ

MINH THƯ 14/01/2012 03:01 GMT+7

TTCT - Nhân giỗ đầu cố giáo sư bộ trưởng Vũ Đình Hòe, người nhà của ông lại kể thêm những “cái duyên” với Tuổi Trẻ đầy xúc động.

Phóng to
Cố giáo sư Vũ Đình Hòe với tờ Tuổi Trẻ - Ảnh gia đình cung cấp

Sáng sớm 28-1-2011, nghĩa là một ngày trước khi vĩnh biệt cõi trần, với tờ Tuổi Trẻ trên tay ông vẫn “điểm báo”. Bài nào đáng chú ý ông lại nhờ cụ bà đọc nghe toàn văn.

Con trai cụ kể rằng bức ảnh cầm tờ báo với nền đề "Tuổi Trẻ" cụ đọc hồi đầu năm ngoái, tình cờ ngồi ngay dưới bức trướng "Hạc thọ" của mấy cháu Hán học trẻ tuổi ở Viện Nghiên cứu Hán - Nôm Hà Nội gửi vào kính mừng, hóa ra là bức ảnh cuối cùng của cụ.

Vị bộ trưởng quan tâm giới trẻ

Không phải đến khi gần đất xa trời giáo sư Vũ Ðình Hòe, bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhà nước cách mạng VN, mới quan tâm thế hệ trẻ và báo chí cho thanh thiếu niên.

Theo hồi ký Nguyễn Hiến Lê và hồi ký Vũ Ðình Hòe, viết hoàn toàn độc lập với nhau, hồi còn học lớp nhất (1925-1926) Trường tiểu học Pháp - Việt ở đình làng Yên Phụ, Hà Nội, ba cậu học trò Lê, Hòe, Vân (Lê Huy) đã ra một số báo "thủ công", tự tay viết và vẽ, chép lại cả bài vè "Học là học có nghề có nghiệp" của Trường Ðông Kinh Nghĩa Thục vừa mới bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp mươi năm trước.

Số báo độc nhất vô nhị ấy được thầy giáo phụ trách lớp khen, nhưng cũng ôn tồn khuyên bảo: "Hãy để hết tâm trí vào việc học cái đã. Làm báo ở trong trường lúc này không hợp đâu. Chắc các con hiểu ý thầy". Số báo đầu tiên Vũ Ðình Hòe xuất bản với tư cách chủ nhiệm báo Thanh Nghị lại là tờ Thanh Nghị Trẻ Em, ra số đầu tiên ngày 15-5-1941.

Bài báo đầu tiên của ông đăng trên những trang đầu của số 1 báo Thanh Nghị cho người lớn, ra sau cả một tháng, nhan đề: "Một số vấn đề cấp bách trong gia đình giáo dục", tức cũng là về thế hệ trẻ.

Và trong 300 chữ của bài báo cuối cùng nhà giáo dục Vũ Ðình Hòe để lại 18 ngày trước khi giã từ cõi đời thì những dòng đầu tiên cũng về trẻ em: "Một, mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ cộng hòa đầy khó khăn gian khổ, đó là: nền sơ học (tức tiểu học - BT) cưỡng bách và không học phí...".

Kiến thức chỉ là phương tiện

Có ai đó đã nói: cứ xem trẻ em được chăm sóc ra sao thì biết ngay xã hội đó thế nào. Một vị giáo sư nước ngoài khẳng định mọi sự giáo dục tốt nhất là làm trước năm 13 tuổi. Dân ta thì nhắc nhau từ xa xưa: dạy con từ thuở còn thơ... Nỗi trăn trở thường trực suốt đời của nhà giáo dục Vũ Ðình Hòe chứng tỏ ông nhận thức rất sâu sắc chân lý đó.

Bởi vậy, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách bộ trưởng quốc gia giáo dục, tuy chỉ đảm nhiệm trong sáu tháng rồi phải chuyển sang làm bộ trưởng tư pháp, nhưng trong những việc ông thực thi mà bây giờ được đánh giá là "mang tính tạo nền" cho hệ thống giáo dục mới, có việc lo sao để "trên con đường học vấn, các trẻ em sẽ không vì cha mẹ giàu sang hay nghèo hèn mà hơn kém nhau, nhưng chỉ hơn kém nhau vì trí tuệ cao hay thấp...Một trẻ em nghèo mà thông minh cũng có thể học đến nơi đến chốn...".

Ðáp lại nỗi lo của Hồ Chủ tịch là Chính phủ còn nghèo quá, chưa thể cấp học bổng cho học sinh nghèo, ông "vội trình với Cụ" là đã đến gặp nhà đại tư sản Ðỗ Ðình Thiện và vận động được nhà doanh nghiệp yêu nước ấy nhận đỡ đầu Hội giúp đỡ học sinh nghèo.

Nhưng không một chính sách xã hội nào, không một sự đỡ đầu nào của các nhà hảo tâm giàu sang có thể giúp học sinh nghèo thông minh học "đến nơi đến chốn" nếu bản thân hệ thống giáo dục không nhằm phục vụ cuộc sống, chỉ cốt nhồi nhét đủ thứ kiến thức lý thuyết suông.

Từ trước 1945, trên trang báo Thanh Nghị giáo sư Vũ Ðình Hòe đã viết rằng kiến thức chỉ là phương tiện, không phải là mục tiêu của giáo dục.

"Cứu cánh (tức mục đích cuối cùng) của giáo dục là nhân sinh". Vậy giáo dục phải rèn cho thanh niên một "tính khí" (ngày nay ta nói nhân cách), qua kiến thức mà dạy cho họ biết suy nghĩ, có kỹ năng học hành và hoạt động để họ có thể mưu sinh có lợi cho mình và cho xã hội. Ông gọi đó là "giáo dục vì nhân sinh" và sau Cách mạng Tháng Tám đã cùng hội đồng cố vấn học chính trình bày chủ trương này trong đề án cải cách giáo dục trình Hồ Chủ tịch.

Không phải ai khác mà lại chính báo Tuổi Trẻ sau hơn nửa thế kỷ trong số báo ngày 9-9-2010 đã gọi giáo sư Vũ Ðình Hòe là "Bộ trưởnggiáo dục vì nhân sinh".

Duyên với báo Tuổi Trẻ là như vậy!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận