Ông đồ hiện đại

MA KẾT 22/09/2008 21:09 GMT+7

TTCT - Đó là một người khá lập dị. Thân hình gầy còm, dáng đi lững thững, hai tay cứng đờ. Bộ răng đen hạt huyền thi thoảng lại “xòe” như chìa một đống hạt na quăng vào mặt người đối diện. Đó là Lê Quốc Việt, trưởng nhóm “Zenei gang of five”. Nhóm thư pháp duy nhất ở VN hiện nay theo lối thư pháp tiền vệ từ Nhật Bản, với chủ thuyết là đưa tư tưởng Tiền Vệ vào VN.

Phóng to

Lê Quốc Việt với hàm răng nhuộm đen

TTCT - Đó là một người khá lập dị. Thân hình gầy còm, dáng đi lững thững, hai tay cứng đờ. Bộ răng đen hạt huyền thi thoảng lại “xòe” như chìa một đống hạt na quăng vào mặt người đối diện. Đó là Lê Quốc Việt, trưởng nhóm “Zenei gang of five”. Nhóm thư pháp duy nhất ở VN hiện nay theo lối thư pháp tiền vệ từ Nhật Bản, với chủ thuyết là đưa tư tưởng Tiền Vệ vào VN.

Những năm đầu thập niên 1990, sự đóng băng của thư pháp VN đã được làm ấm lại bằng hình ảnh thư pháp gia Lê Xuân Hòa râu tóc bạc như tiên, khí sắc tươi nhuận thảo chữ Hán tại Văn Miếu Quốc Tử giám. Nó khiến người ta nhớ lại Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân và Ông đồ già của nhà thơ Vũ Đình Liên. Một hình ảnh xưa cũ nhưng tươi tắn.

Mười năm ở chùa

Thư pháp Tiền Vệ không ra đời tại cái nôi của nó là Trung Quốc mà ở Nhật Bản, nơi những cọ xát Đông - Tây ở thế đỉnh điểm. Từ Thế chiến thứ 2, sự hợp hôn giữa hội họa trừu tượng và biểu hiện Âu Mỹ cộng hưởng với triết học phương Đông đã sản sinh một dòng thư pháp mới, khiến thư pháp Nhật Bản chuyển biến từ truyền thống sang hiện đại. Sự xuất hiện này đã làm thay đổi nhận thức trước kia về thư pháp khi Trung Quốc và VN chỉ coi thư pháp là biểu hiện nhân cách con người. Nhưng thư pháp Tiền Vệ không chỉ dừng lại ở đấy, nó giải phóng và buông bỏ mọi thứ, hướng tới cảnh giới tiêu dao tự do giải thoát về mặt tinh thần.

Dấu ấn của thư pháp gia Lê Xuân Hòa vào thời điểm ấy đã tác động nhiều đến những người say mê thư pháp, trong đó có Lê Quốc Việt. Cụ Lê Xuân Hòa sinh năm 1914, thế hệ khởi đầu của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, còn Lê Quốc Việt chào đời năm 1972, thế hệ giao thời giữa chiến tranh và hòa bình.

Lê Quốc Việt sinh ra ở Thanh Hóa nhưng được gửi nuôi theo người bác đã xuất gia ở Ninh Bình. Cơ duyên đến với thư pháp của Việt bắt đầu như thế.

Mười năm niên thiếu của Việt sống tại chùa. Ban ngày anh học chữ quốc ngữ, chiều học chữ Hán, ngước mặt nhìn lên là thấy tượng, là hoành phi câu đối, nhìn ngang là thấy bia đá. Việc học cũng khá nhọc nhằn. Một vài bạn học cùng Việt thời ấy sau này xuất gia và trở thành sư trụ trì, nhưng anh vẫn quyết là “người phàm”. Sau khi rời chùa và học phổ thông trung học, Việt thi vào Trường Mỹ thuật Hà Nội chuyên ngành đồ họa với ý tưởng ban đầu về điêu khắc gỗ.

Sự thật chẳng có mối liên quan nào giữa đồ họa và thư pháp. Nếu như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thư pháp được coi như một nghệ thuật tạo hình, bình đẳng với hội họa, điêu khắc, thì ở VN, điển hình là Trường Mỹ thuật Hà Nội, nó chỉ là một thứ lý luận để chiêm nghiệm, một thú chơi “trà dư tửu hậu” của những người trót mê văn hóa cổ. Nhưng nhờ sự dẫn dắt từ những quyển sách giáo lý Phật giáo, Việt có một góc nhìn khác về thư pháp so với những người được đào tạo bài bản về thư pháp. Đó là cái nhìn về mặt hình khối và thẩm mỹ của thư pháp, không phải là sự đào sâu ngữ nghĩa nội dung.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng là người có tác động lớn đến tư tưởng của Lê Quốc Việt. Nhờ ông, những kiến thức văn hóa dân gian sơ đẳng tích tụ từ tuổi thơ khá đặc biệt của Việt đã được qui chỉnh và hệ thống hóa lại. Sau khi tốt nghiệp đại học, Việt trở lại làng quê như một sự trả ơn những gì mình đã nhận được từ đấy. Ba năm ra trường lăn lộn khắp các tỉnh Bắc Bộ, được va đập, so sánh, đối chứng, quán chiếu trên nhiều diện khác nhau khiến Việt cảm nhận được nhiều điều. Cũng trong thời gian này, bút pháp của Việt được trau dồi và nở hoa. Anh rải giấy ra viết thư pháp bằng mực Tàu tặng các cụ già ở những địa phương anh đến.

Trong thâm tâm, Việt vẫn mơ ước một ngày được làm cuộc triển lãm độc quyền tại Văn Miếu như thư pháp gia Lê Xuân Hòa. Một mơ mộng... viển vông vào thời điểm ấy, vì vị trí và uy tín của cụ Hòa trong những cuộc triển lãm ở Văn Miếu được coi là bất biến. Thế rồi một ngày nọ, họa sĩ Phan Cẩm Thượng giới thiệu Việt với cụ Hòa.

Việt nhớ lại cuộc triển lãm đầu tiên của mình: “Đến năm 1999, tôi viết được gần 100 bức thư pháp, thầy tôi xem bèn tiến cử tôi ra gặp Nguyễn Quang Lộc - giám đốc Văn Miếu, Lộc bèn mời hội đồng giáo sư viện sĩ “bệnh viện” Hán Nôm đến khám, chẳng ai nói được gì vì trong tư duy của họ không có chuyên môn này, thế là tôi thoát. Triển lãm khai mạc xong, tôi về quê ăn Tết, Tết ra xem sổ lưu bút được người xem viết kín từ đầu đến cuối toàn những lời có cánh, vì không biết tôi còn trẻ nên ai cũng gọi bằng cụ”.

Thư pháp Tiền Vệ

Từ sau thành công của triển lãm đầu tiên, Lê Quốc Việt trở thành người có “danh” trong giới thư pháp. Anh được mời dự nhiều triển lãm cả trong lẫn ngoài nước, tham gia tổ chức nhiều cuộc hội tụ cho các thư pháp gia Hà Nội, làm giám tuyển cho những cuộc thi tìm kiếm tài năng thư pháp trẻ. Những thể nghiệm thư pháp của anh lúc này đã được khởi lộ nhưng chưa chín muồi. Phải sau chuyến đi Bắc Kinh, anh mới có được sự chuyển biến hoàn toàn với thư pháp truyền thống, tạo ra một cú đột phá mới trong thư pháp VN.

Phóng to
Thủ bút của Việt

Trước đây, thư pháp VN chỉ có hai trường phái: một là thư pháp cổ truyền từ xa xưa phát triển mạnh ở miền Bắc, hai là thư pháp chữ quốc ngữ phát triển mạnh ở miền Nam. Hai trường phái thư pháp này không chỉ gây nên nhiều tranh cãi giữa những người theo lối cổ và những người cách tân mà còn tốn khá nhiều bút mực của báo giới. Sự ưa chuộng thư pháp của người xem phần lớn cũng là thích cái đèm đẹp, tới tấp mua chữ mà không hiểu chữ.

Những năm 2001-2005, thư pháp VN quay trở về tình trạng đóng băng, tuy bên ngoài vẫn có vẻ rầm rộ “kẻ bán người mua”. Nó giống như một cái cây phát triển đột biến nhưng không ra quả do thiếu chất dinh dưỡng. Sự sáng tạo trong thư pháp gần như là số không, năm này qua năm khác rặt khuôn mặt đấy, kiểu ngồi đấy, kiểu viết đấy. Ngọn lửa thư pháp vừa được bùng lên nhưng đã tiềm ẩn nguy cơ tắt rụi.

Năm 2006, Lê Quốc Việt ly khai với lối thư pháp cổ truyền mà anh đã gắn bó tận máu thịt suốt mấy chục năm trời. Anh đã tìm được một con đường đi mới, không hẳn đẹp hơn, cao hơn nhưng chắc chắn, khác lạ hơn: thư pháp Tiền vệ. Công chúng lạ lẫm, sửng sốt với một lối thư pháp mới “không cần hiểu”, phá hoại cách đọc và xem rõ ngữ nghĩa của thư pháp truyền thống cả hàng ngàn năm nay. Sự cách tân đột phá này là thật sự là “ngòi nổ” của thư pháp VN, phần nào còn mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để hơn cả thư pháp quốc ngữ.

Hẳn nhiên khán giả nhiều người thích thú, cũng không ít người bài xích. Không thể phủ nhận những “hằng số đẹp” của văn hóa cổ truyền, nhưng đó không còn là chuẩn mực quy định những giá trị thẩm mỹ của xã hội hiện đại. Công chúng cần có những thước đo nghệ thuật mới, phong phú, đa diện và hợp thời hơn. Bởi về mặt bản chất, nghệ thuật chỉ đơn thuần là một món ăn tinh thần. Và món ăn đó có bổ dưỡng hay không, không phải là câu trả lời được ngay tức khắc. Nó cần thời gian chiêm nghiệm, vì nghệ thuật luôn “đỏng đảnh”.

Phóng to
Triển lãm thư pháp 1990 đầu tiên của Việt

Những người phản đối cho rằng trước hết thư pháp phải đọc được, phải có nội dung do chữ Hán đem lại, và rất có thể những người viết do hạn chế về Hán văn mà chỉ lạm dụng nó. Họ gọi đó là cách bịt tai trộm chuông, tức là do kém cỏi mà tự huyễn hoặc mình. Sự phê bình này chưa dành cho các thư pháp gia của ta mà ở Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, sự tiến đến trừu tượng đã trở thành một trào lưu lớn của thư pháp đương đại, nó quyết không chui vào cái lồng ngũ thể (năm kiểu chữ) nữa, để dẫu có viết đẹp cũng chẳng hơn cổ nhân.

Từ thư pháp tĩnh tại viết trên giấy thuần túy, tiến đến nghệ thuật hành vi, chỉ có một bước. Nhà nghệ thuật không quan trọng ở sản phẩm, mà quan trọng ở hành động sáng tạo, và sáng tạo ở bất cứ đâu, vật thể nào, mặt phẳng nào, cứ gì phải là bút nghiên mực giấy. Trò chơi này chỉ mới bắt đầu. Ở Nhật Bản và Trung Quốc, đã có một quá trình và những sân chơi lớn, còn ở nước ta mới là một hiện tượng non trẻ.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng

Triển lãm cá nhân của Lê Quốc Việt

- 2008: Triển lãm thư pháp Tiền Vệ và hội họa “Tôi nghe như thế này” tại Art Vietnam Gallery, Hà Nội, VN.

- Triển lãm và biểu diễn thư pháp Tiền Vệ “Vietnam charming” tại Genting Highland, Malaysia.

- Triển lãm và biểu diễn đồ họa và thư pháp Tiền Vệ nhân chuyên đề “Vietnam - from Myth to modernity” tại Asian Civilisations museum, Singapore.

- 2004: Triển lãm và biểu diễn “Tranh chữ” tại Viện Goethe, Hà Nội, VN.

- 2003: Triển lãm tại Vermont studio art centre, Vermont, USA.

- 2001: Triển lãm hội họa và sắp đặt tại My art prospects gallery, Manhatan, New York city, USA.

- 1999: Triển lãm “Thư pháp xuân” tại Văn Miếu, Hà Nội, VN.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận