TTCT - LTS: Cục diện cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng viên Cộng hòa Mitt Romney trước ngày bỏ phiếu 6-11 đã có những biến chuyển gì? Ghi nhận của TTCT từ New York. Phóng to Ảnh: elections.nytimes.com Big Bang là “những lời nói dối từ địa ngục”, còn Trái đất “hình thành trong sáu ngày”. Đây là những tuyên bố của một triết gia Trung cổ? Xin thưa, đó là phát biểu của hạ nghị sĩ phe Cộng hòa Paul Broun, đại diện bang Georgia, hồi cuối tháng 9 tại một buổi tiệc. Hạ nghị sĩ Cộng hòa này nói: “Tôi đã nhận thức ra rằng tất cả những điều tôi học về tiến hóa, về phôi học và thuyết Big Bang đều là những lời nói dối thẳng từ địa ngục. Và những lời nói dối này muốn cản tôi và những người khác hiểu một điều rằng: chúng ta cần một vị cứu thế”. Paul Broun không phải là người hiếm hoi có quan điểm kiểu “Trái đất mới 9.000 năm tuổi và thế giới hình thành trong sáu ngày” này. Đây là quan điểm mà phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa công khai bảo vệ. Ông Broun có bằng tiến sĩ y dược, thậm chí còn là thành viên Ủy ban Hạ viện về khoa học, vũ trụ và công nghệ. Khó ai tưởng tượng ở đất nước với nhiều trường đại học hàng đầu và chiếm nhiều giải Nobel khoa học như nước Mỹ, các chính trị gia vẫn có những phát ngôn kiểu này. Nhưng những đối lập giữa khoa học - phản khoa học, bảo thủ xã hội - tự do... là thực tế của nền chính trị Mỹ. Obama - Romney: sự đối lập của các nhóm lợi ích Sau ba cuộc tranh luận tổng thống, ứng viên Romney giành chiến thắng tại cuộc tranh luận đầu, ưu thế cho Tổng thống Obama ở cuộc tranh luận thứ hai và chiến thắng rõ ràng cho Obama ở cuộc tranh luận thứ ba (22-10). Theo các thăm dò mới nhất, Romney hiện đã rút ngắn được khoảng cách với Tổng thống Obama ở một số bang tranh chấp. Trang theo dõi các cuộc thăm dò FiveThirtyEight của New York Times hiện vẫn đánh giá Tổng thống Obama có nhiều cơ hội thắng cử hơn với tỉ lệ thắng cử hôm 22-10 là 69,3%. (xem thêm biểu đồ)Ngày 6-11 tới, dù cử tri Mỹ có chọn ai tiếp quản Nhà Trắng, chính trường Mỹ sẽ không thoát được cảnh chia rẽ giữa hai dòng tư tưởng, hai quan điểm đối lập. Hai đảng có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau với các vấn đề nước Mỹ đang đương đầu xuất phát vừa từ lịch sử, vừa bởi những nhóm lợi ích mà Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đại diện. Đảng Cộng hòa được coi là đại diện cho các tập đoàn lớn, ngân hàng và giới quân sự. Quan điểm của đảng nhìn chung bị coi là bảo thủ, chống lại tăng thuế, chống sự can thiệp của chính quyền đối với điều hành kinh tế - xã hội; chống các thay đổi xã hội mới như hôn nhân đồng tính, nghiên cứu tế bào thai, phủ nhận biến đổi khí hậu... Phe Dân chủ được coi có quan điểm tự do hơn. Họ ủng hộ nông dân, người lao động, nghiệp đoàn, các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số. Phe Dân chủ chủ trương sự điều hành của chính quyền liên bang và ủng hộ thuế lũy tiến. Về các vấn đề xã hội, phe Dân chủ ủng hộ hôn nhân đồng tính, tích cực trong các vấn đề môi trường... Nhìn vào cuộc vận động của hai ứng viên có thể thấy rõ sự khác biệt. Một trong những vấn đề gai góc nhất của kinh tế Mỹ hiện tại là khoản nợ khổng lồ 16.000 tỉ USD (xấp xỉ 110% GDP nước Mỹ) và thâm hụt ngân sách trung bình hằng năm hiện vượt quá 1.000 tỉ USD. Tính trung bình, mỗi người dân Mỹ phải gánh 51.469 USD tiền nợ. Với ông Mitt Romney, để giải quyết nợ thì nên giảm thuế và cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Chính sách của ông Obama là giảm thuế cho dân thu nhập thấp nhưng tăng thuế với người giàu và các tập đoàn, giảm hạn chế chi tiêu chính phủ và duy trì các chương trình phúc lợi xã hội. Lập luận của ông Romney là việc giảm thuế sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm vốn làm ăn, tạo thêm việc làm. Còn ông Obama cho rằng chỉ có tăng nguồn thu từ thuế mới giải quyết được quả bom hẹn giờ ngân sách. Điều phe Cộng hòa làm kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức là nói không với tất cả những gì chính quyền đưa ra, thậm chí nói không với cả gói kích thích kinh tế khi nước Mỹ đang lặn ngụp trong cuộc suy thoái lớn nhất kể từ thời Đại khủng hoảng những năm 1930. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là khiến Tổng thống Obama chỉ trụ một nhiệm kỳ” - tuyên bố năm 2010 của lãnh đạo thượng viện phe Cộng hòa Mitch McConnell tổng quát tất cả chính sách của phe này suốt bốn năm qua, chặn đứng mọi cơ may cải cách của nước Mỹ. ông Mitt Romney điều chỉnh như thế nào? Nhưng chính chính sách nói không của Đảng Cộng hòa đang trở thành thế khó cho ứng viên Romney. Đa số dân Mỹ chỉ trích lãnh đạo phe Cộng hòa cho những bế tắc ở Quốc hội Mỹ từ năm 2009 tới nay. Mới mười tháng trước, dân Mỹ từng nổi đóa về chuyện nước này suýt rơi vào khủng hoảng khi hai phe Cộng hòa và Dân chủ đối đầu về việc nâng trần nợ chính phủ - để chính quyền có thể hoạt động. Chuyện này vốn thông thường chỉ mang tính thủ tục nhưng phe Cộng hòa đã vin vào đó đòi chính quyền cắt chi tiêu ngân sách, đẩy đàm phán tới bế tắc và chính quyền liên bang suýt phải đóng cửa. Một thăm dò tháng trước của CBS-New York Times cho thấy 49% cử tri có thiện cảm với phe Dân chủ, 36% không thiện cảm. Tỉ lệ này với phe Cộng hòa là 36% thiện cảm và 55% không thiện cảm. Chính bởi những lý do này, ứng viên Romney đã có một loạt thay đổi theo hướng tự tách mình ra khỏi một số quan điểm cực đoan của phe Cộng hòa trong giai đoạn nước rút. Trong cuộc tranh luận đầu tiên, cựu thống đốc bang Massachusetts bắt đầu chối bỏ kế hoạch giảm 5.000 tỉ USD thuế, bao gồm cả phần thuế giảm cho những người giàu. Trước đó ông Romney liên tục quảng bá chương trình này và đây là một trong những chính sách tranh cãi và khiến nhiều người chỉ trích ông chỉ bênh người giàu. Suốt quá trình tranh cử trước đó, ông Romney thường xuyên chỉ trích và tuyên bố sẽ bãi bỏ luật cải cách y tế của Tổng thống Obama, dù luật này rất giống đạo luật y tế ông Romney ký hồi còn là thống đốc bang Massachusetts. Trong cuộc tranh luận lần đầu, ông Romney chuyển hướng nói sẽ duy trì một phần luật của Tổng thống Obama. Sau cuộc tranh luận thứ hai, khi quan điểm về phụ nữ với vấn đề tránh thai của ông Romney bị chỉ trích, cựu thống đốc này một lần nữa tìm cách thay đổi quan điểm. Rồi nếu như trước đó ông Romney không thèm xin lỗi về tuyên bố nói 47% cử tri ăn bám vào chính quyền thì sau cuộc tranh luận đầu, Romney bắt đầu nói xin lỗi rằng quan điểm đó là “hoàn toàn sai”. Phó tổng thống Biden từng nói mỉa ông Romney hẳn “đã quên hoặc thay đổi hết quan điểm” của bản thân. Mà ông Mitt Romney không chỉ thay đổi quan điểm trong chiến dịch tranh cử. Khi còn ở vòng sơ bộ, để lấy được phiếu của cử tri Cộng hòa, ông Romney liên tục đưa ra các quan điểm cực đoan, khiến các đối thủ khi đó gọi ông là “Etch-A-Sketch” (cái bảng có thể viết rồi xóa đi). Nhưng liệu những điều chỉnh của ông Romney có thuyết phục dân Mỹ? Ron Thomas, một cử tri độc lập, đánh giá rất thấp phe Cộng hòa. “Ai sẽ là người giúp người lao động nhiều hơn? Đương nhiên sẽ là Barack” - Thomas, người làm cho một công ty cho thuê xe ở Charlotte, nói. Thomas, dù ủng hộ ứng viên Cộng hòa trong cuộc đua thống đốc bang, nói anh thất vọng về ông Romney sau tuyên bố của ông về 47% cử tri Mỹ vô trách nhiệm và không nộp thuế cho chính quyền. “Tôi chính là một phần của 47% đó. Tôi có bằng đại học và phải làm hai việc nhưng cuộc sống vẫn luôn khó khăn”. Tags: Barack ObamaTổng thống MỹBầu cửMitt RomneyNhóm lợi ích
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.