Ông Sanders tạm ngưng tranh cử: Người đi, lý tưởng ở lại

SÁNG ÁNH 19/04/2020 18:04 GMT+7

TTCT - Ngày 8-4, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ, ông Bernie Sanders, tuyên bố ông (tạm) ngưng hay “treo lại” việc tranh cử. Đảng Dân chủ giờ chỉ còn lại một ứng viên tổng thống vẫn đua trong mùa sơ cử này là ông Joe Biden.

Bernie Sanders (phải) và Joe Biden. Ảnh: AP
Bernie Sanders (phải) và Joe Biden. Ảnh: AP

Trước hết, việc chỉ định ứng viên của đảng là tại đại hội vào tháng 8, trong tình hình bệnh dịch sẽ còn khó lường. Các bang còn lại chưa sơ cử sẽ tiếp tục bỏ phiếu, nên ứng viên Sanders vẫn có mặt trên lá phiếu và tiếp tục có thêm phiếu đại biểu. Thí dụ, hôm 11-4 bang Alaska vẫn tổ chức sơ cử, Biden thắng (với 55,3%) và Sanders thua (44,7%). 

Như vậy ông Biden có thêm 9 đại biểu và ông Sanders được 8. Vào ngày 12-4, trên tổng số đại biểu là 3.979, Biden có 1.228 và Sanders 918. Tại đại hội, ông Sanders sẽ dùng số đại biểu (đã có rồi và sẽ có thêm) để thương lượng với ông Biden về chính sách hay nhân sự của chính quyền sắp tới.

Người bình dân trong Quốc hội

Nếu có sự cố gì, như ông Biden gặp vấn đề sức khỏe hay gặp “phốt” lớn, đại hội toàn quyền chỉ định ứng viên khác. Đây không bắt buộc là ứng viên về nhì là ông Sanders, mà có thể là một người khác được mời ra cứu đảng, cứu nước, cứu thế giới.

Hiện đang có phong trào ủng hộ thống đốc bang New York Andrew Cuomo. Ông này không hề tham gia sơ cử và đang đình đám nhờ thành tích chống dịch, được coi là gương sáng bên cạnh gương lem nhem của Tổng thống Donald Trump.

Nếu đại hội thích thì đại hội vẫn có thể chỉ định ông Cuomo làm ứng viên của đảng, hay bất kỳ ai khác, như bà Hillary Clinton nếu cần đến và bà vẫn sẵn sàng hi sinh. Tóm lại, hiện ông Sanders chỉ ngưng vận động chứ không rút lui. Đại hội sẽ là nơi và lúc quyết định bằng lá phiếu của các đại biểu và siêu đại biểu.

Đó là về nguyên tắc. Trên thực tế, cuộc tranh cử tổng thống lần thứ nhì của ông Sanders kể như đã xong, trừ phép lạ nhiệm mầu nào đó. Năm nay khác năm 2016 là ông không ở lại đôi co đến phút chót với ông Biden như với bà Clinton. Đây là điều có lợi hơn cho Đảng Dân chủ vì có thêm thì giờ để gắn bó hơn, đoàn kết lại hay là bớt sứt mẻ.

Ta còn nhớ, sau đụng độ tại đại hội đảng năm 2016, mặc dù ông Sanders đích thân kêu gọi và tham gia các mittinh ủng hộ đối thủ cũ, bà Clinton vẫn đắng cay đến giờ này là bà không làm tổng thống được là tại ông chứ không phải tại Đảng Cộng hòa, tại ông Trump, tại trời định, tại gì khác, hoặc chính là tại bà.

Hồi năm 2015, thành phần cấp tiến tại Mỹ cả trong và ngoài Đảng Dân chủ đi tìm một ứng viên vừa mắt họ vì sau hai nhiệm kỳ đầy hứa hẹn của tổng thống “Hope and Change” (hi vọng và thay đổi) Barack Obama thì họ không thấy thay đổi và hết hi vọng.

Ứng viên này là thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont, ông Sanders. Ông này thuộc dạng “ông già Ba Tri”, 25 năm qua tại Quốc hội được coi là gàn dở không giống ai và một mình múa may toàn những chuyện thiên tả trên trời.

Khi được thăm dò làm ứng viên tổng thống tiến bộ, chính ông cũng không tin tưởng và ngần ngừ, từ chối. Để chống lại bà Clinton là con bài sáng chói của guồng máy đảng, ông đề nghị bà Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ bang Massachusetts và là ngôi sao tiến bộ đang lên.

Đây mới là đối thủ bà Clinton gờm, và cựu ngoại trưởng Mỹ thương thuyết với Warren để bà này không ra tranh cử, hứa hẹn cả đến vấn đề nhân sự của nội các tương lai. Bà Warren hài lòng với những hứa hẹn này và từ chối không ra tranh cử. Cực chẳng đã, ông Sanders phải lãnh vai trò làm đối thủ cấp tiến của bà Clinton.

Để ứng cử tại Mỹ, cần rất nhiều tiền tranh cử, chức vụ càng cao thì tiền cũng cao theo. Quỹ tranh cử của bà Clinton năm 2016 là 770 triệu đôla, quỹ của ông Sanders là 230 triệu đôla. Đã đành là chênh lệch nhưng chuyện không ai ngờ trước là phong trào cấp tiến tại Hoa Kỳ lại được ủng hộ đông đảo như vậy. Bà Clinton nhận tiền từ các thế lực và tổ chức, tập đoàn.

Thí dụ, dạ tiệc ủng hộ bà tại tư gia diễn viên George Clooney giá vé lên đến 353.000 đôla một cặp. Ông Sanders không nhận loại tiền này mà gây quỹ thẳng từ quần chúng, phần lớn là thanh niên, với mức ủng hộ trung bình là 27 đôla mỗi lượt.

Tại đại hội đảng vào cuối tháng 7, dùng phiếu của các siêu đại biểu (chức sắc và dân cử của đảng), bà Clinton đánh bại ông Sanders 60-40%. Tuy vậy, chương trình tranh cử của đảng được coi là cấp tiến nhất từ trước đến giờ, hơn cả những hứa hẹn thay đổi của ông Obama 8 năm về trước.

Đối thủ chính của ông Obama “cấp tiến” năm 2008 cũng chính là bà Clinton “bảo thủ”. Lý do năm 2016 chương trình của đảng do bà Clinton lãnh đạo lại tiến bộ hơn 2008 là vì hiện tượng bất ngờ Sanders khiến đảng phải nhân nhượng.

Nhóm Tiểu đội với bốn nghị sĩ nữ da màu đại diện cho xu thế tiến bộ trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP
Nhóm Tiểu đội với bốn nghị sĩ nữ da màu đại diện cho xu thế tiến bộ trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Thủ lĩnh tinh thần cho phe cánh tả

Sau năm 2016, ông Sanders không rơi vào bóng tối mà tiếp tục là “thủ lĩnh tinh thần” của cuộc bầu cử 2018 mang lại đa số cho Dân chủ tại Quốc hội. Một đợt đại biểu mới mang danh “dân chủ xã hội”, vốn trước chỉ có mình ông Sanders tự nhận, xuất hiện.

Điển hình cho làn sóng mới là bà Alexandria Occasio-Cortez (AOC), nhân viên phục vụ nhà hàng 30 tuổi tại quận Bronx, thành phố New York. Tại Hạ viện, nhóm “Tiểu đội” (The Squad) đình đám là bốn phụ nữ trẻ da màu cấp tiến. Bà Ilhan Omar là phụ nữ đầu tiên sinh tại châu Phi (Somalia), Hồi giáo và tị nạn tại Mỹ (1992, lúc lên 10 tuổi) vào Quốc hội.

Thành phần này, dù ông Sanders có ngưng tranh cử và tuy ít ỏi (chỉ có 9 người tại Hạ viện) sẽ tiếp tục ở lại chính trường Mỹ, dù kết quả bầu cử tổng thống 2020 có ra sao, và còn có thể tăng thêm nữa trong tương lai. Trong đó bà AOC là sáng giá nhất, vì hiện bà còn chưa đủ tuổi để làm tổng thống hay phó tổng thống (35 tuổi).

Đến nay, ông Sanders vẫn là người gây được nhiều quỹ nhất, 182 triệu đôla, với mỗi bận đóng góp trung bình là 18 đôla. Ông là người duy nhất không nhận tiền của các nhóm thế lực mà trực tiếp từ quần chúng.

Ông Biden hiện mới gây được có 88 triệu đôla, phần vì cho tới gần đây ông còn không được các nhóm thế lực tin tưởng và họ còn đổ tiền vào các ứng viên bảo thủ khác của Đảng Dân chủ. Dẫu quần chúng của ông Sanders lợi tức thấp, nhưng họ dưới 35 tuổi, nghĩa là họ cũng như bà AOC, sẽ không đi đâu hết mà còn đi bỏ phiếu dài dài trong những thập niên tới.

Từ “xã hội chủ nghĩa” phe bảo thủ gán ghép cho họ cũng dần không còn là một từ kiêng kỵ tại Mỹ, và chương trình ứng cử của ông Biden hiện đã phải cấp tiến hơn ngay cả so với ông Obama năm 2008.

Những đề nghị của ông Sanders, như lương tối thiểu toàn quốc 15 đôla/giờ, bảo hiểm y tế phổ thông, làm sạch môi trường, đại học miễn phí, xóa nợ học phí của sinh viên… cũng sẽ tiếp tục là những chủ đề tranh luận chính, và sau đại hội đảng, ứng viên Biden sẽ phải ít nhiều ở mức độ nào đó chấp nhận.

Ông Sanders có ra đi thì phong trào vẫn còn, chí ít những lý tưởng của ông, dù có thất bại cũng là lý tưởng của 1/3 Đảng Dân chủ. Do vậy đảng cần cân nhắc tiếng nói của họ để được ủng hộ. Trước hết, ngoài chương trình nghị sự, khi được đảng bổ nhiệm tại đại hội này, ở tuổi 77, ông Biden sẽ phải chọn một phó tổng thống cấp tiến hơn ông mới mong được phiếu của họ.

“Đánh bại Trump” là chiêu bài chính của ứng viên Biden, nhưng đánh bại ông Trump ắt cần tới lực lượng thiên tả ngày càng đông đúc ở Mỹ!

Năm 2016, ông Trump, một tỉ phú địa ốc nổi tiếng nhờ dẫn chương trình truyền hình, đánh bại xụi 16 ứng viên gạo cội của Đảng Cộng hòa, toàn những người đầy thành tích, đủ kinh nghiệm và thừa gia thế, tên tuổi.

Mới đầu, ngay chính các ứng viên Cộng hòa đấy cũng tưởng đại gia địa ốc chỉ là ứng viên giỡn chơi, không ngờ giờ ông đã làm tổng thống. Cử tri của Đảng Cộng hòa, vốn chán ngấy các nhà chính trị mực thước của đảng, đã có một lựa chọn táo bạo.

Nhiệm kỳ đầu của ông Trump đang thay đổi xã hội và chính trị Hoa Kỳ ở mức mà cử tri hay lãnh đạo bảo thủ bên Cộng hòa như các ông John McCain (ứng viên Cộng hòa 2008), Mitt Romney (ứng viên Cộng hòa 2012) hay Jeb Bush (ứng viên Cộng hòa hụt 2016) không chờ đợi và không thể nào ngờ.

Ba năm qua, chính trị ở Mỹ ngày càng hữu khuynh. Đây mới là hiện tượng cần phải ghi nhận và đang thay đổi sâu xa sinh hoạt chính trị tại Mỹ, các tiền bối Cộng hòa như Ronald Reagan, Dwight Eisenhower có sống dậy cũng không nhận ra.

Ở phía ngược lại, nghĩa là phía Dân chủ, các thay đổi tả khuynh vẫn còn ở mức trừu tượng và ý niệm. Trong khi ông Trump nắm được 1/3 của cử tri cả nước và o ép Đảng Cộng hòa thì ông Sanders chỉ mới được có 1/3 của Đảng Dân chủ và bị đảng ông o ép. Điều chắc chắn là chính trường Mỹ đang đi vào một giai đoạn phân hóa tả hữu rõ rệt và ngày càng gay gắt.

Trước đây, lựa chọn của cử tri là từ trung tả sang trung hữu, có khi mờ nhạt rất là trung - trung (hay chung chung), chẳng mất lòng ai như Bill Clinton và như vậy mới ăn tiền (hay ăn phiếu). Từ ông Trump trở đi, Đảng Cộng hòa mạnh dạn thay đổi, nhưng Đảng Dân chủ vẫn còn ngồi bên song cửa vén rèm nhìn ra ngoài.■

Một trong những món đồ lưu niệm gây quỹ vận động tranh cử bán chạy nhất trên trang chủ của chiến dịch tranh cử Bernie Sanders (bernisanders.com) là chiếc áo phông màu đen giá 27 đôla với bốn hàng chữ: “đại học cho tất cả mọi người”, “bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người”, “công ăn việc làm cho tất cả mọi người”, và “công lý cho tất cả”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận