TTCT - Tin cựu HLV trưởng đội tuyển judo VN Lê Thanh Vĩnh chuyển sang làm mảng truyền thông cho CLB bóng đá Cao Su Đồng Tháp khiến không ít người ngạc nhiên. Không chỉ làm tốt vai trò cầu nối giữa đội bóng và giới truyền thông, ông còn cho ra đời cuốn sách viết về bóng đá Đồng Tháp. Phóng to Ông Vĩnh (giữa) chung vui với đội tuyển judo VN khi đoạt 6 HCV tại SEA Games 22 trên sân nhà - Ảnh: N.K. Lê Thanh Vĩnh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất tại SEA Games 22 trên sân nhà năm 2003. Bởi ông thầy 58 tuổi khi đó với vóc người khá nhỏ lại làm chuyện chấn động: đưa judo VN lần đầu tiên lên ngôi đầu ở Đông Nam Á khi đoạt đến 6 HCV. Một kỳ tích đáng nể bởi ở SEA Games 21 tại Malaysia năm 2001, judo VN chỉ đoạt 1 HCB và 8 HCĐ. Chia tay judo khi đang ở đỉnh cao Không chỉ đưa các học trò lên đỉnh vinh quang bằng những phương pháp tập luyện đặc biệt cùng những chỉ đạo chiến thuật chuẩn xác, ông Vĩnh còn được người ta nói nhiều về khả năng phát hiện và mài giũa ngọc thô tỏa sáng. Chính những nhà vô địch SEA Games sau đó như Văn Ngọc Tú, Như Ý, Nguyễn Thị Kiệu là những võ sĩ được ông đào tạo khi dẫn dắt đội tuyển judo VN năm 2003. Khi đang ở đỉnh cao, HLV Lê Thanh Vĩnh bất ngờ xin từ chức vào đầu năm 2004. Những người quý trọng tài năng của ông thấy tiếc bởi giấc mơ xây dựng một học viện judo VN đào tạo nên những võ sĩ có khả năng lấy HCV SEA Games mà ông Vĩnh từng tâm đắc trở nên dang dở. Hai năm 2005-2006, ông Vĩnh về Bình Dương nhằm giúp phát triển phong trào judo tại đây nhưng không thành công. Ông trở về Đồng Tháp nghỉ ngơi và theo học thư pháp, vẽ tranh thủy mặc vui chơi tuổi già. Cũng từ đó, ông Vĩnh judo vắng bóng hẳn dù vẫn đều đặn viết sách dạy về kỹ thuật judo như một thói quen ưa thích. Năm 2011, ông Vĩnh xuất hiện trở lại. Nhưng lần này là chức danh mới: cán bộ truyền thông của CLB bóng đá Cao Su Đồng Tháp. Giới phóng viên đưa tin về V-League từng quen biết ông Vĩnh không khỏi ngạc nhiên, nhưng ông cười xòa: “Các anh ngạc nhiên chứ gì? Tôi không chỉ là một HLV judo mà còn từng làm công tác tuyên truyền cho bóng đá Đồng Tháp cả chục năm rồi. Cho nên giờ trở lại với công việc mới mà cũ này cũng là bình thường thôi mà”. Trở lại vì nhớ bóng đá Đó là thời điểm năm 1985, khi ông Phạm Ngọc Thành về làm giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp và mời ông Vĩnh về giúp phát triển phong trào võ thuật của tỉnh. Khi đó, người dân Đồng Tháp mê bóng đá quá nên ông được lãnh đạo động viên tạm gác chuyện dạy võ và làm công tác tuyên truyền cho bóng đá tỉnh nhà trước. Vậy là ông thầy judo Lê Thanh Vĩnh tập tành làm bình luận viên bóng đá cho đài truyền hình hay cộng tác với các báo đưa tin về bóng đá. Có lúc ông còn là chủ biên của tờ Bóng Đá Đồng Tháp. Không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, ông Vĩnh còn có đóng góp quan trọng khác cho bóng đá Đồng Tháp. Đó là sau khi quan sát đội trẻ Đồng Tháp thi đấu, ông thấy các cầu thủ trẻ dễ bị chấn thương khi té ngã không đúng cách trong lúc tranh chấp, ông đề xuất lãnh đạo đội cho cầu thủ tập các thế té an toàn lấy từ môn judo. Kết quả là các ca chấn thương ở CLB Đồng Tháp giảm dần. Năm 1993, ông Vĩnh bắt tay đào tạo các võ sĩ judo cho tỉnh nhà song song với việc làm tuyên truyền bóng đá. Nhưng đến năm 2000 ông xin thôi hẳn mảng bóng đá để chuyên tâm cho công tác huấn luyện đội tuyển judo tỉnh chuẩn bị vòng chung kết Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần 5 tổ chức ở Đồng Tháp. Kết quả judo Đồng Tháp xếp hạng nhì toàn đoàn, sau đó HLV Vĩnh được tín nhiệm gọi lên dẫn dắt đội tuyển judo VN tại SEA Games 2003. Hỏi vì sao trở lại với bóng đá nhiều khắc nghiệt và không thích hợp với người có tuổi đã cao, ông trả lời ngắn gọn là vì nhớ bóng đá. Nhất là khi chứng kiến bóng đá Đồng Tháp chơi tưng bừng trong hai mùa qua dù luôn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau về kinh tế và lực lượng do bị chảy máu tài năng, ông muốn làm điều gì đó cho bóng đá tỉnh nhà. Vì thế, khi lãnh đạo ngỏ lời mời về làm cán bộ truyền thông cho CLB Cao Su Đồng Tháp hồi đầu năm nay, ông đã gật đầu ngay. Phóng to Ông Vĩnh và tiền đạo Felix trên sân tập - Ảnh: CTV Việc nhiều đòi hỏi ý tưởng mới Khi đó, giám đốc điều hành CLB Lê Ngọc Chức yêu cầu ông Vĩnh giúp đội thực hiện ba việc chính sau đây: làm công tác truyền thông cho CLB vốn khá yếu trong thời gian qua, chấn chỉnh và phát triển hội cổ động viên, đề xuất những ý tưởng kinh doanh để kiếm thêm tiền cho đội bóng. Trong vòng chưa đầy hai tháng, ông Vĩnh đã hoàn thành 2/3 công việc được giao. Ở công việc đầu tiên, ông mạnh dạn đề xuất CLB xây dựng phòng truyền thông ngay tại sân Cao Lãnh khá tiện nghi dù kinh phí hoạt động của CLB không hề dư dả. Phòng truyền thông khánh thành hôm 20-3 được đánh giá cao nhờ phục vụ tốt việc tác nghiệp của phóng viên. Trong căn phòng này, hình ảnh về các cầu thủ Đồng Tháp qua các thời kỳ được giới thiệu trang trọng như để “nói” với giới truyền thông về một quá khứ hào hùng của bóng đá Đồng Tháp. Ở công việc thứ hai, ông Vĩnh đang dần hợp nhất Hội cổ động viên Đồng Tháp có nhiều chi hội cũng như hướng họ đến một phong cách cổ vũ chuyên nghiệp. Các cổ động viên hết lòng thương mến ông với những gì ông đã làm cho họ. Như khi CLB Cao Su Đồng Tháp phải đá hai trận trên sân nhà đầu tiên ở V-League 2011 tận Long Xuyên (An Giang) do sân Cao Lãnh chưa kịp lắp giàn đèn, chính ông Vĩnh đã thuyết phục ban lãnh đạo CLB bỏ tiền thuê hai xe 55 chỗ chở các cổ động viên đi cổ vũ thay vì để họ phải tự túc di chuyển khá xa và đi về khá nguy hiểm do đường tối. Công việc thứ ba thì đang dang dở vì kinh doanh không phải là điểm mạnh của ông. Quầy bán đồ lưu niệm và quần áo thi đấu của đội bóng được mở ngay mặt trước sân Cao Lãnh để người hâm mộ có thể mua làm kỷ niệm hoặc mặc vào sân cổ vũ đội nhà. Ông Vĩnh thừa nhận vẫn chưa biết phải đầu tư thêm thế nào cho quầy bán đồ lưu niệm để thu hút khách, hay sắp tới sẽ nghĩ thêm cách gì để giúp đội bóng tăng thu nhập. Nhưng cái được lớn nhất của ông Vĩnh đến thời điểm này chính là việc cho ra đời cuốn sách 66 năm bóng đá Đồng Tháp được các cựu tuyển thủ và giới chuyên môn tỉnh nhà đánh giá cao. In 700 cuốn và chỉ lưu hành nội bộ, nhưng đến giờ sách đã không còn bao nhiêu do quá nhiều người muốn sở hữu vì có nhiều tư liệu quý. Để làm được điều đó, ông Vĩnh đã mất bảy tháng trời đi khắp nơi sưu tầm hình ảnh và bài viết cũ, cùng tư liệu bóng đá hơn mười năm trời làm công tác truyền thông của mình trước kia để sắp xếp lại thành một câu chuyện bóng đá đáng tự hào của người Đồng Tháp. Tuổi 66 dường như vẫn không làm nguội đi bầu nhiệt huyết của ông Vĩnh judo. Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp Phạm Duy Tiến đánh giá khá cao những gì ông Lê Thanh Vĩnh đã và đang làm cho bóng đá Đồng Tháp. Ông Tiến nói: “Những năm 1980, khi tôi làm HLV trưởng, chính những thế té ngã ở môn judo được anh Vĩnh đưa vào bổ trợ trong các bài tập bóng đá đã giúp cầu thủ ít nhiều tránh được chấn thương. Họ biết khi va chạm té xuống thì chống tay thế nào, ngã vai ra sao. Còn hiện tại, anh Vĩnh không chỉ làm tốt mảng truyền thông mà còn là cầu nối hữu ích giữa lãnh đạo đội bóng với giới truyền thông. Cuốn sách 66 năm bóng đá Đồng Tháp do anh biên soạn dù chưa thật sự xuất sắc nhưng phác họa được những cột mốc quan trọng của bóng đá tỉnh nhà cũng như sưu tầm được những hình ảnh, tư liệu quý”.
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Trực tiếp: Bắn pháo hoa và trình diễn 10.500 drone mừng đại lễ 30-4 tại TP.HCM 30/04/2025 Tối 30-4, TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa khoảng 30 điểm, nhiều nhất từ trước đến nay, mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dấu ấn vũ khí, xe chỉ huy ‘made in Việt Nam’ tại 'concert quốc gia' ngày 30-4 CHÂU TUẤN 30/04/2025 Nhiều loại vũ khí, xe VF9… "made in Việt Nam" tại lễ diễu binh, diễu hành ngày 30-4 đã tạo ấn tượng với người dân.
21h20 tối nay, TP.HCM trình diễn chính thức 10.500 drone THẢO LÊ 30/04/2025 TP.HCM trình diễn chính thức 10.500 chiếc drone vào lúc 21h20 tối nay, 30-4, tại Công viên Bờ sông Sài Gòn.
Hướng dẫn chi tiết cách tính chế độ với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy THÀNH CHUNG 30/04/2025 Hướng dẫn chi tiết cách tính chế độ với cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc khi sắp xếp bộ máy theo quy định tại nghị định 178 và 67.