TTCT - Nói về số liệu kinh tế, nhà Nobel kinh tế Paul Krugman gọi đó là một “dạng tiểu thuyết khoa học”. Nhưng khi kinh tế Trung Quốc liên tục phát triển chậm lại trong mấy quý gần đây thì ông nói rằng số liệu của Trung Quốc là “tiểu thuyết bậc nhất”. Phóng to Chỉ số chứng khoán Trung Quốc hôm 24-6 chịu mức giảm lớn nhất kể từ năm 2009 giữa những lo ngại Ngân hàng Trung ương siết chặt tín dụng, tăng trưởng sẽ giảm đột ngột - Ảnh: Reuters Theo lời Krugman trên tờ New York Times hôm 18-7, không thể nào biết “chuyện gì đang thật sự diễn ra với nền kinh tế Trung Quốc”. Điều rõ ràng nhất, theo ông, là “Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn”. Bất cân xứng giữa chi tiêu - đầu tư “Chúng ta không nói chuyện một vài trục trặc nhỏ trên đường [phát triển], mà là những vấn đề nghiêm trọng. Cách làm kinh tế của đất nước này, hệ thống kinh tế từng tạo tăng trưởng kinh hoàng trong ba thập kỷ qua đã đụng giới hạn - ông viết - Bạn có thể nói mô hình Trung Quốc đã đụng vào Vạn lý trường thành của chính mình và câu hỏi duy nhất lúc này là tình hình tồi tệ đến mức nào”. Để chứng minh luận điểm của mình, Paul Krugman đã bắt đầu với con số “dù là nó không đáng tin cậy”. Khi so sánh Trung Quốc với bất cứ nền kinh tế nào, ông nói có thể nhận thấy ngay sự mất quân bình giữa chi tiêu và đầu tư. Tất cả các nền kinh tế thành công đều dành phần lớn nguồn thu của mình vào đầu tư hơn là chi tiêu - để tăng khả năng chi tiêu trong tương lai. Trong khi đó, theo ông, Trung Quốc phát triển theo kiểu khác khi dành phần lớn cho đầu tư nhưng dường như chỉ để tiếp tục “mở rộng khả năng đầu tư trong tương lai”. Nước Mỹ là trường hợp dành tương đối nhiều cho chi tiêu, tới 70% GDP. Với Trung Quốc, con số đó chỉ bằng một nửa trong khi đến xấp xỉ 50% GDP được dành cho đầu tư. Krugman đặt câu hỏi làm thế nào Trung Quốc có thể làm được điều này: giữ chi tiêu quá thấp và để người dân đầu tư rất nhiều mà (cho đến giờ) không gặp vấn đề chuyện hiệu suất đầu tư giảm (quy luật lợi ích cận biên giảm dần cơ bản của kinh tế học)? Cách giải thích có lý nhất theo Krugman là lý thuyết của W. Arthur Lewis, người lập luận rằng các nước trong giai đoạn phát triển ban đầu thường chỉ có một bộ phận nhỏ của nền kinh tế là hiện đại, bộ phận lớn còn lại là khu vực truyền thống, sử dụng lượng lớn “lao động dư thừa” như nông dân, lao động nhàn rỗi. Sự tồn tại của lao động dư thừa này có hai hiệu ứng. Thứ nhất, các nước có thể đầu tư nhiều vào các nhà máy mới, các công trình xây dựng… mà không bị ảnh hưởng tới lợi nhuận thu hồi được vì luôn có lao động dôi dư mới từ nông thôn. Thứ hai, cạnh tranh từ chính lực lượng lao động dôi dư này giúp đảm bảo giá nhân công giữ ở mức thấp dù nền kinh tế giàu hơn. Điểm “Lewis” Theo Krugman, “nguyên nhân chính giúp giữ mức chi tiêu thấp ở Trung Quốc là các gia đình không bao giờ được hưởng phần lớn nguồn thu nhập tạo ra từ tăng trưởng của nền kinh tế”. Các nguồn thu nhập đó một phần chảy vào các nhóm thân hữu, một phần lớn khác tiếp tục mắc kẹt trong khối doanh nghiệp - phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước. Đây là đặc trưng của kinh tế Trung Quốc và theo Krugman, giờ thì Trung Quốc đã chạm “điểm Lewis”, hay nói đơn giản là họ đã hết nông dân nhàn rỗi. Krugman nhận định đây đúng ra là một điều đáng mừng. Thu nhập của người lao động đang tăng, dân Trung Quốc bắt đầu được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế. Nhưng mặt khác, theo ông, “kinh tế Trung Quốc đột nhiên đối mặt với việc phải “tái cân bằng” cơ cấu quyết liệt”. Nguyên nhân là tỉ lệ lợi nhuận từ đầu tư giờ ngày càng giảm, bất chấp chính phủ có làm cách gì. Trong khi chi tiêu giờ buộc phải tăng đột biến để thay thế tỉ lệ đầu tư giảm đi. Và câu hỏi với Trung Quốc là liệu điều này có thực hiện đủ nhanh hay không? Câu trả lời dường như là “không”. Trong khi nhu cầu tái cân bằng, tái cơ cấu đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục trì hoãn các thay đổi cần thiết. Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế bằng cách giữ đồng nhân dân tệ giá thấp và bơm tiền vào thị trường bằng tín dụng giá rẻ. Những biện pháp này giúp Bắc Kinh không phải đối mặt với các vấn đề ngay lập tức, nhưng quả bom hậu quả thì vẫn âm ỉ nằm đó và ngày càng phình to hơn. Giờ có vẻ Trung Quốc phải đối mặt với hậu quả của nó. Nguy cơ của nó đến mức nào? Theo giá trị thị trường hiện nay, quy mô kinh tế Trung Quốc nhỉnh hơn của Nhật Bản một chút, tương đương một nửa của Mỹ hay của EU. Theo lời của Krugman thì quy mô đó là “lớn nhưng không phải quá khổng lồ và thông thường thế giới sẽ dễ dàng đối phó”. “Nhưng tiếc thay, giờ không phải lúc thông thường: Trung Quốc đụng “điểm Lewis” cùng lúc các nền kinh tế phương Tây đang trải qua giai đoạn nguy khốn của mình”. Theo ông, những vấn đề mới của Trung Quốc là “thứ cuối cùng mà thế giới muốn”. Kết luận của Krugman là: “Mới ngày nào chúng ta đang sợ người Trung Quốc. Giờ thì chúng ta lo lắng cho họ. Mà tình hình của chúng ta thì không hề cải thiện”. Những dấu hiệu bất ổn Con số từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy kinh tế Trung Quốc suy giảm quý thứ hai liên tiếp với mức tăng trưởng 7,5% trong quý 2-2013. Tăng trưởng sản xuất trong tháng 6 cũng ở mức thấp nhất kể từ suy thoái toàn cầu hồi năm 2009. Sản xuất công nghiệp, đầu tàu của nền kinh tế, trong tháng 6 cũng chỉ tăng 8,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 tới nay. Mức tăng trưởng từ 6-7,5% dự kiến của năm nay sẽ là mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Hạ Bân, cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong một bài bình luận trên trang China Business News thậm chí nói: “Có dấu hiệu thực tế của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc”. Chương trình Money Watch của kênh CBS đặt dấu hỏi phải chăng nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại vì chính sách của Bắc Kinh, hay đó là dấu hiệu ban đầu của sự sụp đổ nền kinh tế? Trước đó, nhờ chính sách tín dụng dễ dãi của chính quyền, các nhà máy cứ tiếp tục sản xuất bất chấp chuyện thị trường có nhu cầu hay không. Đây được coi là cách để chính quyền trung ương tránh các vấn đề xã hội nảy sinh nếu thất nghiệp gia tăng. Hậu quả của chính sách này giờ hiển hiện. Đầu tháng 7, Tân Hoa xã đưa tin sản lượng thép của nước này tiếp tục tăng dù giá thị trường tiếp tục rớt. Trên tờ South China Morning Post hôm 9-7, Trương Mạc Nam viết về núi nợ công mà các chính quyền địa phương đang đối mặt. Một trong những hiểm họa trung và dài hạn nhất, theo nghiên cứu sinh của Trung tâm Thông tin Trung Quốc và Viện Nghiên cứu vĩ mô này, là việc trung ương bảo lãnh cho các khoản vay của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương trong khi đó thi nhau vay tiền từ ngân hàng theo gói kích thích kinh tế, số tiền vay tới cuối năm 2010 lên tới xấp xỉ 9,3 ngàn tỉ nhân dân tệ (1,61 ngàn tỉ USD). ____________ Nguồn tham khảo:http://www.nytimes.com/2013/07/19/opinion/krugman-hitting-chinas-wall.html?ref=paulkrugmanhttp://www.scmp.com/comment/insight-opinion/article/1278094/chinas-growing-mountain-debthttp://www.cbsnews.com/8301-505123_162-57591985/is-china-slowdown-government-policy-or-impending-crash/http://www.bloomberg.com/news/print/2013-07-15/china-s-economy-grew-7-5-in-second-quarter-matching-estimates.html Tags: Trung QuốcThanh TuấnĐầu tưChỉ tiêuKinh tế Trung QuốcPaul Krugman
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Lào Cai 'chốt' địa điểm xây khu tái định cư Làng Nủ, ngày mai bắt đầu triển khai THÀNH CHUNG 15/09/2024 Khu tái định cư mới được chọn xây dựng tại khu vực đồi sim, cách Nhà văn hóa thôn Làng Nủ (Lào Cai) khoảng 2km.
Giá bán lẻ cao, doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu lãi lớn? NGUYỄN TRÍ 15/09/2024 Phản hồi về quan điểm "bán bánh trung thu lãi đậm", nhiều công ty sản xuất khẳng định "không thơm" như nhiều người nghĩ.
VAR không có 'cơ hội' trên sân Thống Nhất NGUYÊN KHÔI 15/09/2024 Lần đầu tiên có công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), nhưng sân Thống Nhất không có dịp dùng đến vì trận đấu giữa CLB TP.HCM và Thể Công - Viettel hòa 0-0 khá tẻ nhạt.
Lộ diện doanh nhân kín tiếng nắm vốn Ngân hàng ACB BÌNH KHÁNH 15/09/2024 Toàn bộ nhóm cổ đông liên quan tới Công ty Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB. Ước tính theo thị giá hiện tại, cổ phần này trị giá hơn 4.000 tỉ đồng.