Phạm Nhuệ Giang: Những thước phim chạm đến tâm hồn

TUẤN NGỌC 20/11/2008 19:11 GMT+7

TTCT - Ai cũng biết Phạm Nhuệ Giang là con gái rượu của cố đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa - nổi tiếng với các bộ phim Lửa trung tuyến, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy... nhưng ít người biết rằng chính vì sự may mắn được sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật như thế, Giang đã phải đơn độc đi qua tuổi thơ của chính mình.

Phóng to
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang
TTCT - Ai cũng biết Phạm Nhuệ Giang là con gái rượu của cố đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa - nổi tiếng với các bộ phim Lửa trung tuyến, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy... nhưng ít người biết rằng chính vì sự may mắn được sinh trưởng trong một gia đình nghệ thuật như thế, Giang đã phải đơn độc đi qua tuổi thơ của chính mình.

Những thước phim có sức lôi cuốn kỳ lạ. Đạo diễn Phạm Văn Khoa yêu chúng đến mức thời gian và sự quan tâm dành cho gia đình, vợ con không còn nhiều. Cuộc hôn nhân của ông đổ vỡ là điều không thể tránh khỏi, mà người lãnh hậu quả nhiều nhất không ai khác chính là anh em Giang - những đứa trẻ lớn lên thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, dù được bù lại sự tự do tuyệt đối ngay từ lúc còn trẻ. Cả Giang và anh trai đều có được sự tự lập, sự bình đẳng với nhau và bình đẳng cả với cha họ. Tuổi thơ của Giang vùi mình vào sách và làm bạn với những bản nhạc để vơi đi cảm giác cô đơn, trống trải trong chính ngôi nhà của mình.

Giang nói rằng chính môi trường ấy đã khiến chị trở nên bản năng và hoang dại. Và tính cách này đã tạo nên những thước phim mang phong cách Phạm Nhuệ Giang.

Bản năng và tự do

Con đường đến với nghề đạo diễn của chị không theo môtip quen thuộc của các “con nhà nòi”: sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật - học trường nghệ thuật - làm nghệ thuật - nổi tiếng. Riêng chị, chị lập thân bằng cách thi vào Đại học Xây dựng. Sau khi tốt nghiệp, chị làm kỹ sư xây dựng cho Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội để rong ruổi theo những công trình. Giang cho biết chị đã tham gia xây dựng Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô.

Nhưng rồi sự khô khan của gạch đá, vôi vữa ximăng, sự thô cứng của những công trường nhanh chóng làm Giang chán. Nó không hòa hợp được với môi trường nghệ thuật mà chị đã từ đó lớn lên. Thế nên khi đã 25 tuổi, Giang chấp nhận làm lại từ đầu. Chị thi vào khóa đầu tiên của khoa đạo diễn Đại học Sân khấu - điện ảnh. Quyết định này đưa chị đến gặp đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, người bạn đời sau này của chị, và hơn cả nó giúp chị được sống với tình yêu nghệ thuật gần như bản năng của chính mình.

Ra trường, Giang về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam và trở thành nữ đạo diễn duy nhất của hãng cho đến thời điểm này. Thời gian ấy điện ảnh Việt Nam gặp nhiều khó khăn nên suốt mấy năm đầu Giang chỉ theo người khác để làm phó đạo diễn, chỉ đạo diễn xuất.

Năm 1996, chị làm phim nhựa đầu tay của mình từ truyện dài Bỏ trốn của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể về một em bé bỏ trốn khỏi nhà, sống vô gia cư trên đường phố. Giải B của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1996, giải của ban giám khảo LHP quốc gia lần thứ 12 năm 1999 dành cho Bỏ trốn đã ghi nhận sự thành công của đạo diễn trẻ Nhuệ Giang.

Bộ phim đánh dấu bước ngoặt trong cá tính sáng tạo của Giang chính là Thung lũng hoang vắng nói về cuộc sống của những giáo viên vùng rẻo cao. Phim rất gợi với những cơn mưa rừng triền miên, tĩnh lặng đến buồn tẻ, rợn người. Ba con người, dũng cảm hay tự nguyện đã chung lưng gánh vác nhiệm vụ gieo chữ một cách trầy trật và khó nhọc. Họ bấu víu vào nhau để tồn tại, để cầm phấn, cầm cả sự cô đơn và những niềm cay đắng. Những thước phim bình yên nhưng để lại nhiều dông bão trong lòng khán giả khi nó khép lại.

Trong mỗi bộ phim của mình Giang đều cố gắng mang lại cho khán giả những dư vị day dứt khiến họ không thể không nhớ. Để có được những điều ấy, Giang không ngại học hỏi, không ngại khó, không ngại khổ và quan trọng nhất chị luôn làm việc với thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp. Chị thường được đồng nghiệp trong đoàn làm phim nhận xét là người “chịu khó nhưng cũng rất khó chịu”.

Những bộ phim điện ảnh và truyền hình của hai vợ chồng Giang liên tục giành những giải thưởng lớn của điện ảnh Việt Nam như Bông sen vàng, Cánh diều vàng và ở nhiều liên hoan phim quốc tế. Nhiều người bạn đùa rằng vợ chồng họ làm phim để đua nhau giành giải thưởng, nhưng Giang bảo giải thưởng không phải là mục đích cuối cùng mà lớn hơn cả là những đóng góp nghệ thuật do giá trị của những bộ phim mang lại cho khán giả.

Cũng giống như Trần Anh Hùng, đạo diễn Nhật Bản Yasujiro Ozu là thần tượng của Giang. Trong phim của Ozu, ông chẳng cần dùng đến nhiều kỹ thuật, thủ pháp, chẳng cần đến chuyển động, sự đan xen giữa không gian và thời gian, không cả những thứ như kỹ xảo hoặc sự hoành tráng, Ozu vẫn chạm được đến phần sâu nhất trong tâm hồn con người. Giang cho rằng những thứ đó không thể có được bằng bản năng giống như cách điện ảnh Việt Nam đã làm trong thời gian vừa qua, mà cần đến sự học hành bài bản bên cạnh niềm đam mê điện ảnh đến tận cùng, quyết liệt.

Muốn độc đáo thì phải học

Phóng to

Poster phim Thung lũng hoang văng

Giang là một trong số ít nghệ sĩ đề cao sự học hành, bởi chị tự nhận ra sự khiếm khuyết từ bản năng trong những bộ phim của chính mình. Giang tận dụng mọi cơ hội để được học mặc dù đã khá thành danh trong nghề điện ảnh.

Năm 2003, Giang gác lại mọi công việc để bắt tay vào học tiếng Anh khi nhận được suất học bổng master về nghệ thuật của Quỹ Ford. Quãng thời gian quá ngắn ngủi không đủ để chị vượt qua rào cản ngôn ngữ và buộc phải bỏ lỡ khóa học. Giang vẫn tiếc khi để vuột mất cơ hội học tập này.

Ở tuổi của Giang, nhiều bạn bè trong giới nghệ thuật đến với thiền để tự cân bằng bản thân. Quỹ thời gian của Giang không đủ để chị làm những điều đó. Những dự án làm phim nhựa không khả thi do thiếu kinh phí và không đúng với “định hướng” của Cục Điện ảnh ít nhiều khiến chị không vui. Nhưng không vì thế mà Giang bỏ làm phim.

Chị nhận lời mời làm đạo diễn những kịch bản phim truyền hình “có vấn đề” để được tiếp tục sống với niềm đam mê điện ảnh. Sau bộ phim truyền hình Hậu họa đoạt giải Cánh diều vàng cho phim truyền hình dài tập năm ngoái, Giang tiếp tục làm phần 2 của bộ phim truyền hình cho giới trẻ có cái tên khá lãng mạn Lập trình cho trái tim.

Thời gian rỗi, Giang ít ra ngoài. Chị thu mình trên chiếc ghế bành tô bọc da đỏ trong căn phòng nhỏ của anh chị ở ngõ Phan Chu Trinh để trầm mình trong những cuốn sách yêu thích. Căn phòng nhỏ trở nên thênh thang khi chị chỉ có một mình.

Có lần Giang gặp một đạo diễn người nước ngoài, người phiên dịch giới thiệu: “Đây là Giang, một đạo diễn nổi tiếng, bố cô ấy là một đạo diễn nổi tiếng, bố chồng cô ấy (đạo diễn, NSND Hải Ninh) là một đạo diễn nổi tiếng, chồng cô ấy cũng là một đạo diễn nổi tiếng”. Bà đạo diễn kia đùa lại: “Thế thì tôi sẽ chờ xem phim của con bạn”. Câu đùa vô tình chạm vào sự cô đơn, phần nhạy cảm nhất đối với Giang mà chị ít khi muốn nói tới.

Như duyên tiền định, sau bộ phim Thung lũng hoang vắng về cuộc đời của những người gieo chữ, Giang trở thành giáo viên. Ba năm nay, Giang làm giảng viên cho lớp điện ảnh của Quỹ Ford ở Trường ĐH KHXH&NV. Công việc này gây nhiều hứng thú cho chị. Chị vui vì những kinh nghiệm và tình yêu nghề của mình trở nên có ý nghĩa hơn với sinh viên. Căn phòng nhỏ của hai vợ chồng cũng đỡ trống trải khi có tiếng nói cười của đám học trò những giờ chị không lên lớp.

Yêu nghề nên Giang luôn cổ vũ những cái mới, cổ vũ lớp trẻ. Chị tin sinh viên của chị sẽ làm được nhiều hơn cho điện ảnh nếu như họ dám quyết liệt với nghề giống như chị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận