Pháp: 20 năm không chịu chữ "chư hầu"

DANH ĐỨC 23/04/2023 09:44 GMT+7

TTCT - Tuần rồi, ông Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây sốc một số thủ đô với phát biểu "là đồng minh không có nghĩa là chư hầu" sau chuyến thăm Trung Quốc và Hà Lan.

Tất cả bắt đầu từ bài phỏng vấn của tờ Les Echos đăng hôm 9-4. Khi trả lời câu hỏi "Có phải là lợi ích của chúng ta khi tăng tốc về vấn đề Đài Loan?", ông Macron đã phát biểu: 

"Không. Điều tồi tệ nhất là nghĩ rằng người châu Âu chúng ta nên theo đuôi [tạm dịch từ être suivistes (tiếng Pháp) và become followers (tiếng Anh)] trong chủ đề này và thích ứng với nhịp điệu của Mỹ cùng phản ứng thái quá của Trung Quốc".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu vào ngày 7-4-2023. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu vào ngày 7-4-2023. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 12-4, trả lời tiếp một câu hỏi khác về lập trường của Pháp về vai trò đồng minh, ông Macron nói: "Là đồng minh không có nghĩa là chư hầu, không có nghĩa là không thể tự mình suy nghĩ".

Báo chí quốc tế nhất loạt đưa tin, từ Deutsche Welle (DW) của Đức đến NHK (Nhật), thậm chí cả SCMP (Hong Kong). SCMP còn diễn nôm hộ: "Macron khẳng định Pháp sẽ không là chư hầu của Mỹ về vấn đề Đài Loan".

Ghét không chỉ vì chữ "chư hầu"!

Thiệt ra, ý "là đồng minh không có nghĩa là chư hầu" không mới mẻ gì, nhất là đối với những ai 20 năm trước từng đọc bài xã luận của tổng biên tập báo Thế giới ngoại giao (Le Monde Diplomatique) của Pháp là Ignacio Ramonet đăng trên số báo ra tháng 10-2002 (năm đó sinh viên Emmanuel Macron vừa nhập học Quốc gia Hành chánh bậc cao học).

Lúc đó, trước những sức ép tham gia lật đổ Saddam Hussein ở Iraq, ông Ignacio Ramonet, viết trong bài xã luận có tựa đề "Tính chư hầu": "Một đế chế không có đồng minh, chỉ có chư hầu. 

Hầu hết các quốc gia của Liên minh châu Âu dường như đã quên thực tế lịch sử này. Trước mắt chúng ta, và dưới áp lực từ Washington, vốn đang buộc họ phải tham gia cuộc chiến chống Iraq, các quốc gia về nguyên tắc là có chủ quyền đang để mình rơi vào tình trạng đáng buồn của các vệ tinh".

Lần đó, công luận thế giới, trong đó Ramonet, không đồng tình tham gia chiến tranh Iraq với Tổng thống George W. Bush là do ông Bush "con" chủ trương "thay đổi chế độ" ở Iraq, khác với cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 - 1991 của Tổng thống George H. W. Bush (Bush "bố"). 

Mục tiêu mà Bush "bố" đề ra năm 1990 - 1991 là để "giải phóng" Kuwait khỏi sự xâm chiếm của Iraq, còn mục tiêu của Bush "con" là để lật đổ Saddam Hussein.

Thiệt ra, tất cả bắt đầu từ những phát biểu và thái độ của ông Macron trong chuyến đi Trung Quốc, cả trong những lời nói về cuộc chiến tranh ở Ukraine, song lại nhân danh châu Âu, cứ như thể Pháp đang là "đầu tàu" của châu Âu. 

Sự "cầm nhầm" vai trò này thể hiện rất rõ trong bài phỏng vấn của tờ Les Echos nêu trên, cả từ phía tờ báo qua các câu hỏi lẫn phía ông Macron khi trả lời, mà ai cũng rõ là hỏi theo ý của Điện Elysée.

Suốt bài phỏng vấn, tờ báo này chủ ý đặt câu hỏi sao cho ông tổng thống Pháp đóng vai lãnh đạo của châu Âu để giải thích, giải quyết các vấn đề của châu Âu với các cường quốc. 

Thậm chí có những câu hỏi phê phán chọn lựa của các nước khác, tỉ như "Do ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu quay sang Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh của họ, liệu quyền tự chủ chiến lược của châu Âu có còn ý nghĩa?", để rồi ông tổng thống phô diễn trí lực của mình: 

"Kể từ bài diễn văn ở Sorbonne về chủ đề này 5 năm trước (xem box), gần như mọi thứ đã được thực hiện... Cách đây 5 năm, một số người nói rằng chủ quyền châu Âu không tồn tại. Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng về phòng thủ châu Âu, về một châu Âu thống nhất hơn... Cách đây 5 năm, tự chủ chiến lược là một giấc mơ viển vông. Ngày nay, mọi người đang nói về nó. Đây là một sự thay đổi lớn. Chúng ta đã trang bị cho chúng ta các công cụ về chính sách quốc phòng và công nghiệp". 

Quả là một câu hỏi "tung" để ông tổng thống "hứng" cái màn tung hô.

Pháp từng quyết liệt phản đối cuộc chiến tranh vùng Vịnh dưới thời Bush con, nhưng vô hiệu. Ảnh: Getty Images

Pháp từng quyết liệt phản đối cuộc chiến tranh vùng Vịnh dưới thời Bush con, nhưng vô hiệu. Ảnh: Getty Images

Vào tháng 4-2023, nhắc lại bài diễn văn 2017 ở Sorbonne trên tờ Les Echos không khác gì tái đánh bóng ao ước trở thành "minh chủ" của châu Âu. 

Song màn tự tung hô mà tờ Les Echos bày ra cũng chưa khiến "chúng ghét" cho bằng những câu hỏi phỏng vấn nêu đích danh nước khác để cho ông chủ Điện Elysee trả lời, như "Hiện nay, một số người lập luận rằng ở châu Âu người ta chú trọng nhiều hơn đến quan hệ Pháp - Đức và ít tập trung hơn vào Ba Lan..."! 

Cứ như thể cặp bài trùng Đức - Pháp từ thời Helmut Schmidt (thủ tướng Tây Đức) - Valéry Giscard d'Estaing (tổng thống Pháp) từ năm 1974, giữa Chiến tranh lạnh, nay đã thiếu mất "đầu tàu" Đức (sau khi bà Angela Merkel về hưu sau 16 năm giữ ghế thủ tướng) bên cạnh "đầu tàu" Pháp là ông Macron.

Báo hại báo chí Đức ào ào phản kích, bới chuyến đi Bắc Kinh của Macron ra mà dập. Tờ The Berlin Tagesspiegel gọi đây là "sự khùng điên hám danh của tổng thống Pháp" và đặt câu hỏi: "Macron có thành thật tin rằng ông ta nói chuyện đồng đẳng với ông Tập không? Và rằng ông ta đã đạt được gì cho nước Pháp và châu Âu?". Nhiều tờ báo Đức khác cũng la ó.

Không chỉ chọc giận Đức, mà cả Ý. Tờ La Stampa 12-4 chạy tít : "[Macron] gây phương hại cho chính mình" rồi nghiêm khắc bình phẩm: 

"Nhà lãnh đạo Pháp thường xuyên mắc sai lầm về thời điểm, chiến thuật và chính sách không chỉ khiến lập trường của ông trở nên vô giá trị mà còn gây ra một vòng luẩn quẩn chỉ trích và chống chỉ trích, mà cuối cùng trở nên bất lợi cho Liên minh châu Âu, mà ông tự cho mình là người cổ xúy". 

Tùy viên báo chí Điện Elyese chắc phải nghiền ngẫm phê phán của tờ La Stampa - "Cơn bão truyền thông và chính trị, mà cuộc phỏng vấn sau chuyến thăm Trung Quốc đã gây ra, là minh chứng rõ ràng nhất về điều này" - để đừng tái diễn màn phỏng vấn tung hứng nữa! Nhìn chung, hầu khắp làng báo châu Âu phẫn nộ.

Câu chuyện lạ ở Bắc Kinh và La Haye

Chuyến công du Trung Quốc của ông Macron là một vấn đề nhiều mặt song cơ bản vẫn là về phương diện đối ngoại. Nhiều ý kiến cho rằng ông Macron muốn tìm kiếm một thắng lợi ngoại giao để phủ lấp những tổn thất đối nội của ông từ làn sóng phản đối đạo luật hưu trí.

Nhưng chuyến thăm Hà Lan của ông Macron cũng không êm ả. Những cuộc biểu tình chống ông Macron cùng luật hưu trí rượt ông này đến tận Hà Lan trong suốt hai ngày công du, hô khẩu hiệu phản đối, "Nền dân chủ Pháp đâu rồi?".

Trong họp báo chung với ông Thủ tướng Hà Lan Rotte, ông Macron đã tỉnh bơ nói với ông Rotte và cử tọa: "Đôi khi ở Pháp, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi là nước duy nhất nếm mùi phản kháng. Quý vị sống ở đây nên cũng biết rất rõ rằng ở đây cũng có một phong trào phản kháng sâu sắc". 

Ông Thủ tướng Hà Lan Rotte cũng không vừa gì, đáp trả: "Chúng tôi là chủ nhà, chúng tôi biết quý vị không thích điều đó". (AP 13-4)

Bruno Philip của tờ Le Monde đánh giá chuyến đi Bắc Kinh của ông tổng thống Cộng hòa Pháp bằng một chê bai thẳng thừng: 

"Sau phát biểu của Emmanuel Macron về sự "chết não" của NATO vào cuối năm 2019, rồi nỗ lực đối thoại chiến lược với Nga mà không tham khảo ý kiến của các đối tác châu Âu, tổng thống Pháp một lần nữa gây bức xúc chung ở Mỹ và giữa các nước láng giềng trên lục địa của ông ta" (Le Monde 11-4). 

Theo Philip, lần nào ông Macron cũng gây ngộ nhận, song khi cứ gây ngộ nhận hoài như qua các vụ nêu trên thì việc thực thi chính sách đối ngoại bị xét lại.

Có hai chuyện làm các đối tác châu Âu, và Mỹ tất nhiên, chưng hửng: (1) Pháp không cảm kích gì việc Mỹ đã dốc tiền của đầu tư cực nhiều cho nền an ninh của châu Âu, thông qua viện trợ cho Ukraine, (2) khác biệt chính sách với các đồng minh đối với Trung Quốc và Đài Loan.

Theo thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh, một số thỏa thuận đã được ký kết, đặc biệt xác nhận việc bán 150 chiếc Airbus và trên hết là việc lắp đặt dây chuyền lắp ráp thứ hai tại Trung Quốc".

Từ đó, có thể hiểu tại sao Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã trách "Người châu Âu thiển cận hướng về Trung Quốc nhằm có thể bán hàng hóa châu Âu bằng một cái giá địa chính trị khổng lồ, làm tăng thêm sự lệ thuộc vào Trung Quốc thay vì làm giảm đi". 

Không nêu tên ông Macron, song thủ tướng Ba Lan rõ ràng tranh luận: "Quyền tự trị của châu Âu, nghe thật sang trọng phải không? 

Nhưng điều đó có nghĩa là chuyển trọng tâm của châu Âu về phía Trung Quốc và cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ. Tôi thực sự không thể hiểu khái niệm tự chủ chiến lược nếu trên thực tế nó có nghĩa là tự bắn vào chân mình"! - Le Monde 13-4.

Ảnh: Daily Sabah

Ảnh: Daily Sabah

Làm chư hầu năm 2023 khác làm chư hầu năm 2003

Năm 2003 , Pháp đã không tham gia chiến tranh Iraq của ông Bush "con" vì không chịu làm chư hầu. Nay ông Macron cũng không muốn làm chư hầu, song tình hình có khác. 

Tổng thống Chirac khi đó nói với phía Mỹ "Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc trước khi hành động không cần thiết !". Lần này thì ông Macron khuyên không làm chư hầu, song cũng không giấu giếm mình thích cường quốc này hơn cường quốc kia.

Frédéric Lemaître của RFI đóng tại Bắc Kinh đã thấy rõ hơn: "Bắc Kinh đâu có lắng nghe Macron nhiều hơn ai khác, mà chỉ tìm cách cô lập Hoa Kỳ, mà, từ sau vụ khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị Washington bắn hạ hồi đầu tháng Hai, hầu hết các kênh liên lạc đã bị cắt đứt; từ quan điểm này, người châu Âu rõ ràng là những người đối thoại đặc quyền".

20 năm qua, từ thời ông Chirac tới thời ông Macron, vấn đề "tính chư hầu" lại được đặt ra. Song bối cảnh hoàn toàn khác. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, cho dù là dòng sông ngôn ngữ!■

Bài diễn văn ở Đại học Sorbonne hôm 26-9-2017 mà ông Macron nay nhắc lại là màn "ra mắt trí lực" của tân tổng thống 40 tuổi vừa nhậm chức tháng 5 trước đó. Ông bắt đầu bằng câu hỏi: Châu Âu liệu có thể tự mỗi nước giải quyết các vấn nạn quốc phòng, an ninh, di dân, biến đổi khí hậu, cách mạng số, điều hòa nền kinh tế toàn cầu hóa? Hỏi xong, ông Macron trả lời giùm: "Chúng ta không thể giữ nguyên các chính sách, thói quen, thủ tục, ngân sách như cũ. Chúng ta cũng không thể chọn con đường thối lui từng nước". Và đưa ra giải pháp chung: "Con đường duy nhất đảm bảo cho tương lai của chúng ta, đó là sự tái lập của một châu Âu có chủ quyền, thống nhất và dân chủ".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận