Phát động Ngày bơi lội đô thị

ĐÔN LAI 10/11/2013 02:11 GMT+7

TTCT - Phong trào bơi lội phát triển vượt bậc tại một số đô thị lớn đang rất cần được quan tâm và quy hoạch đúng mức để hướng tới đóng góp cho thể thao thành tích cao nước nhà.

Vì vậy mới đây tại khu đô thị Đất Nổi đã diễn ra buổi lễ long trọng phát động Ngày bơi lội đô thị.

Phóng to

Tại buổi lễ, chủ tịch Liên đoàn bơi lội chợ Bến Tắc Yết Hầu, cháu nhiều đời của cụ Yết Kiêu, đã tuyên bố ông hoàn toàn tin tưởng một ngày nào đó trong năm sẽ trở thành Ngày bơi lội đô thị. “Ngày nào thì tôi còn chưa biết vì hệ thống máy tính đang trục trặc, sau đợt kiểm tra giấy phép cơ sở karaoke tới đây sẽ hoạt động bình thường trở lại. Nhưng cứ có là vui rồi” - ông Yết Hầu hồ hởi cho biết.

Nữ nhà văn Lũ Thị Phi, nổi tiếng với tác phẩm văn học Chuyện Thị Phi nổi tiếng ở các quán trà đá và cà phê vỉa hè từ nhiều năm qua, cũng có mặt tại buổi lễ. Bà cho biết môn bơi lội từ lâu nay đã thành môn truyền thống của thành phố mỗi khi mùa mưa tới, thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia cả bảy ngày trong tuần, nhưng chưa được quan tâm thích đáng.

“Sau nhiều năm liên tục đầu tư cho đời sống cán bộ ngành cấp thoát nước, hệ thống đường thủy của thành phố hiện đã trở nên vô cùng phát triển, hai chuyện vốn chẳng liên quan gì đến nhau nhưng nghĩ đến tôi vẫn thấy mừng rơi nước mắt” - bà Thị Phi xúc động.

Theo bà Thị Phi, nếu tăng lương cho lãnh đạo ngành cấp thoát nước lên 2 tỉ đồng/tháng thì thành phố chắc chắn sẽ thúc đẩy thêm được cả ngành nuôi thủy sản ở các phố trung tâm vốn đang bị bỏ ngỏ từ nhiều năm nay.

“Từ lúc tôi sinh ra đến nay đã chứng kiến người ta nuôi sư tử, khỉ, hươu cao cổ, chim cánh cụt trong Thảo cầm viên trong khi những con này chẳng có giá trị kinh tế gì. Cá ba sa và tôm sú thì lại không nuôi” - một người dân bức xúc góp ý.

Sự bất cập này đã nhanh chóng được một lãnh đạo ngành TDTT ghi nhận tại hiện trường và hứa sẽ chuyển cho Sở Nông nghiệp trong buổi đánh golf cuối tuần tới.

Quay lại với công tác phát triển ngành bơi lội, theo báo cáo nhanh tại buổi lễ, trong năm vừa qua ở thành phố đã diễn ra 2.538 cuộc thi bơi cấp địa phương, trung bình mỗi ngày người dân tự tổ chức hàng chục cuộc thi bơi lớn nhỏ trên khắp địa bàn. Đặc biệt, mỗi VĐV tham gia bơi còn mang theo vật nặng để tăng cường sức khỏe.

“Ngày xưa cụ Yết Kiêu khi bơi chỉ mang theo dùi và đục để đánh chìm thuyền địch. Hiện nay, mỗi người dân thành phố khi tham gia bơi đều mang theo xe Honda, Yamaha, Vespa và cá biệt có trường hợp vừa bơi vừa đẩy xe Land Cruiser, có thể nói là so với tiền nhân đã có sự tiến bộ vượt bậc” - ông Yết Hầu cho biết.

Theo ông, ngành TDTT đang có kế hoạch đề xuất đưa môn thi “bơi đẩy xe hơi” vào thi đấu tại hội khỏe toàn quốc, tiến tới đưa vào nội dung thi đấu quốc tế.

Phong trào “Mỗi nóc nhà là một đảo nổi” cũng được phát động để hưởng ứng Ngày đại dương thế giới, dự kiến diễn ra từ nay đến hết năm 2020. Trong hoạt động này, mỗi gia đình cam kết sẽ cho con em đi bơi tối thiểu năm ngày mỗi tuần qua các tuyến đường trên địa bàn thành phố để đến trường, bản thân mỗi phụ huynh sẽ bơi năm ngày/tuần để tới cơ quan và hai ngày cuối tuần sẽ là các buổi bơi tập thể đến lớp học thêm tại nhà thầy cô giáo để nâng cao tình đoàn kết gia đình.

“Nói chung tôi vẫn thấy có cái gì không hợp lý ở đây, nhưng dù sao nghĩ đến vẫn mừng rơi nước mắt” - bà Thị Phi lại phát biểu.

Cô Thị Hiếu, em gái bà Thị Phi, góp ý về vấn đề trang phục khi bơi. Theo cô, việc người dân thành phố hiện nay vẫn mặc đồ công sở khi đi bơi là điều rất bất cập.

“Theo thống kê của riêng tôi, 90% công chức thành phố hiện nay đến cơ quan để bật máy tính xem ảnh bikini” - cô Thị Hiếu cho biết. Vì chủ đề áo tắm hai mảnh hiện đang là mối quan tâm chính của các công sở nên cô cho rằng việc công chức mặc áo tắm khi bơi đến cơ quan là điều rất cần thiết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận