Phạt thật nặng khi không phân loại và bỏ rác đúng quy định

THANH HÀ THỰC HIỆN 19/06/2019 22:06 GMT+7

TTCT - Nhiều nước trên thế giới ngày càng ủng hộ việc sử dụng các sản phẩm nilông, nhựa có thể phân hủy được. Đây cũng là một hướng đi mà VN cần sớm lựa chọn để hạn chế các vấn nạn môi trường từ lượng nilông và chất thải nhựa mà chúng ta đang đổ ra môi trường hằng ngày.

Nguồn: Tổng hợp - Đồ họa: L.T.


Tuy nhiên, khi khuyến khích các sản phẩm tự phân hủy, tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không nên nhầm lẫn túi nilông và bao bì phân hủy sinh học với loại tự phân hủy để có chính sách và giải pháp đúng đắn, bảo vệ môi trường một cách bền vững, thay vì chỉ đối phó trước mắt và không thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Các sản phẩm “phân hủy sinh học” là loại được làm từ tinh bột hoặc các dạng cellulose mà sinh vật có thể phân hủy được, loại này rất thân thiện với môi trường nhưng nhược điểm là giá thành đắt. Loại “tự phân hủy” là loại nhựa PVC trộn lẫn các phụ gia, chủ yếu là CaCO3 (nôm na là vôi bột), loại túi này gặp nước hay ánh nắng mặt trời đều có thể phân hủy thành các mảnh nhỏ.

Nhưng thực chất, nó chỉ vụn ra thôi chứ không phân hủy thành các chất khác có lợi cho môi trường, do đó các mảnh nhựa nhỏ vẫn trở về đúng bản chất là plastic, PVC rất bền và tồn tại lâu trong môi trường. Còn loại túi, bao bì nhựa chúng ta đang dùng phổ biến thì quá trình phân hủy đòi hỏi vài trăm đến hàng nghìn năm.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong việc xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường từ túi nilông một cách lâu dài?

Lần đầu tiên đến Nhật Bản - đất nước vốn rất sạch sẽ, quy củ, tôi đã rất bất ngờ khi đi siêu thị thấy họ dùng túi nilông rất nhiều. Ở chỗ quầy thanh toán còn có một nhân viên lớn tuổi đứng phát túi nilông đựng thực phẩm hải sản, túi nilông to để đựng toàn bộ hàng hóa đã mua.

Trung bình mỗi lần tôi đi siêu thị về thì ít nhất phải mang 5 cái túi nilông về nhà. Các khay xốp đựng thức ăn sống và chín được sử dụng rất nhiều ở Nhật. Tôi có thể khẳng định đến bây giờ Nhật vẫn dùng nhiều túi nilông hơn VN. Đấy là nói chung ở các thành phố lớn, không kể đến các khu du lịch, các khu vực hạn chế túi bao bì nhựa.

Nhưng Nhật Bản vẫn giữ được môi trường sạch là vì họ làm rất tốt khâu thu gom, phân loại và tái sử dụng. Tất cả các loại khay xốp đựng thức ăn và túi đựng thức ăn trước khi vứt đi phải được rửa sạch. Từng loại được thu gom theo ngày, vứt sai ngày quy định họ không thu hoặc phạt tiền.

Họ coi túi nhựa bao bì thải là tài nguyên, nó được tái chế một cách triệt để, cộng với ý thức người dân không xả rác bừa bãi, tuân thủ việc phân loại rác. Ở đâu cũng có các thùng rác để phân loại, nên tuy sử dụng nhiều túi nilông nhưng Nhật Bản vẫn làm tốt công tác bảo vệ và gìn giữ môi trường.

Còn ở Ulsan, Hàn Quốc, nơi tôi đang công tác thì phân loại rác cũng tương tự Nhật Bản, rác thải tái chế như túi nilông, nhựa, bao bì phải được thu gom riêng và vứt vào đúng ngày quy định theo khu vực. Các loại rác thải khác thì phải mua túi đựng rác với giá rất đắt rồi mới được vứt. Ví dụ, một túi đựng rác thông thường cỡ 20 lít phải mua với giá 600 won, tương đương 12.000 đồng.

Họ lấy nguồn thu đó để xử lý và tái chế rác thải. Bắt đầu từ năm nay, Hàn Quốc xiết chặt tính tiền mua túi nilông, túi rất nhỏ như loại ở cửa hàng tiện lợi chỉ đựng vừa 2 hộp sữa 100ml cũng phải trả 20 won (400 đồng). Các cửa hàng đồ ăn nhanh và giải khát thì đương nhiên bị hạn chế sử dụng túi nilông.

Với mức độ sử dụng túi nilông, vật liệu không phân hủy như ở VN, ông thấy chúng ta cần có những giải pháp nào để từng bước giảm ô nhiễm môi trường chất thải nhựa?

Tôi thấy ý thức người dân VN giờ đã tốt hơn rồi. Nhiều người cũng muốn dùng túi đi chợ nhiều lần, muốn phân loại rác cho đúng. Nhưng nhiều khi người dân phân loại xong, đơn vị thu gom lại đổ cùng một chỗ, việc phân loại vì thế không mang lại hiệu quả gì.

Muốn hạn chế túi nilông, đồ nhựa không phân hủy và bảo vệ môi trường, VN cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp: Một là, phải tính tiền túi nilông để khuyến khích mang túi ở nhà đi, như kinh nghiệm ở Hàn Quốc sản xuất các túi dùng nhiều lần, gập lại gọn nhẹ chỉ bằng nắm tay, với đủ các hình rất đẹp mắt, khi bung ra có thể chứa đủ đồ đi chợ và rất bền để khuyến khích người dân sử dụng nhiều lần.

Giải pháp thứ hai mà tôi cho là quan trọng nhất là phân loại thu gom và tái sử dụng được loại rác thải này. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tái chế phát triển thông qua tạo điều kiện về mặt bằng, miễn thuế, vay vốn lãi suất thấp... Việc này phải triển khai ở tất cả các tỉnh thành để người ta không phải vận chuyển rác đi xa làm tăng chi phí.

Ba là, phải phạt thật nặng khi không vứt rác và phân loại đúng quy định. Ở Hàn Quốc, quy định này được áp dụng rất nghiêm. Quy định được in trên túi nilông, vỏ bao bì, mức phạt là 1 triệu won (20 triệu đồng) nếu phân loại rác không đúng.

Cuối cùng, chúng ta cần khuyến khích sản xuất, tuyên truyền để gia tăng sử dụng các loại túi bao bì an toàn dễ phân hủy sinh học hay dùng nhiều lần như ống hút tre, ống hút gạo, ống hút giấy...■

Gian nan với sản phẩm tự hủy sinh học

Đầu tháng 3 vừa qua, các sản phẩm cốc, thìa, dao, đĩa, ống hút, găng tay nhãn hiệu Aneco được làm từ nguyên liệu nhựa sinh học của Công ty cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát (AAA) đã có mặt trên các siêu thị ở VN.

Bà Đặng Thị Quỳnh Phương, phó tổng giám đốc phát triển kinh doanh Công ty AAA, cho biết đã mất gần 6 tháng để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm. Bởi không như sản phẩm túi tự hủy sinh học mà công ty đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất và đưa ra thị trường, xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản..., việc nghiên cứu và sản xuất sản phẩm cốc, thìa, đĩa, ống hút... phức tạp hơn.

”Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm tiêu dùng tự hủy phải mất nhiều thời gian, máy móc phải cải tiến cho phù hợp. Đặc biệt là giá thành sản phẩm rất cao, thường gấp 3-4 lần so với sản phẩm sử dụng nguyên liệu nhựa nên đây là rào cản lớn khi đưa ra thị trường.

Do nguyên liệu chiếm 70-80% giá thành nên hiện chúng tôi đang phối hợp với Công ty Basf (Đức) nghiên cứu nguyên liệu phù hợp để giảm giá thành” - bà Phương cho biết.

Tuy đã xuất khẩu nhưng hành trình trở lại sân nhà của doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn bởi đến nay VN chưa có tiêu chuẩn về túi vi sinh phân hủy hoàn toàn, chỉ có quy định về túi nhựa và túi nilông. Do giá thành rất cao nên giá bán cũng kém cạnh tranh hơn. Hiện nay, sản phẩm mới chỉ được phân phối chủ yếu tại các siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại, các kênh bán hàng truyền thống vẫn kén người mua.

Người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm tự hủy nên sản phẩm ra thị trường chưa thực sự được đón nhận. Lượng sản xuất của công ty với sản phẩm tự hủy sinh học vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 2 tấn hàng so với 30.000 tấn hàng mà doanh nghiệp này sản xuất trong một tháng.

“Chúng tôi sẽ cố gắng giảm giá thành để tăng lượng tiêu thụ nhưng chúng tôi rất kỳ vọng các chính sách về bảo vệ môi trường được thực thi, tạo cơ sở pháp lý để sản phẩm tự hủy sinh học được phổ biến rộng rãi ra thị trường, giảm áp lực sử dụng sản phẩm nhựa” - bà Phương kiến nghị.

NGỌC AN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận