Philippines: Qua hình ảnh hai tổng thống

DANH ĐỨC 06/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Ngày 30-6 vừa qua là tròn 5 năm cầm quyền của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Thật tình cờ, cựu tổng thống Benigno Aquino III qua đời trước đó 6 ngày. Hai sự kiện này làm nổi lên một sự so sánh hai phong cách làm tổng thống khác nhau hoàn toàn khi còn gần một năm nữa là Philippines lại bầu tổng thống. Cùng lúc, đang có tin đồn con gái ông Duterte sẽ ra tranh cử tổng thống, còn ông sẽ là phó tổng thống liên danh...

 
 Ảnh: Inquirer.net

Cựu tổng thống Aquino nổi tiếng trên trường quốc tế bởi vụ kiện và thắng kiện Trung Quốc ở tòa trọng tài về Biển Đông. 

Ông qua đời tuần rồi ở tuổi 61, một tin khá bất ngờ. Bài điếu văn của Hãng tin Rappler viết về ông lâm ly và vén ra nhiều bí ẩn: “Benigno Simeon “Noynoy” Aquino III chết vì thận hư, thói thèm ngọt, và vì đau lòng - tâm hồn ông tan nát mỗi sáng thức dậy trước một quốc gia đẫm máu, nghẹn ngào vì tức giận, tê liệt vì sợ hãi. Và hầu như không ai nhớ đến ông”.

Cho tới khi qua đời, ông Aquino quả thật ít nhiều chìm trong quên lãng, nhất là nếu biết thông thường các tổng thống Philippines, sau khi rời dinh Malacanang, đều còn hoạt động tích cực, cả trên chính trường lẫn ngoài xã hội - hay cũng quen thuộc không kém, phải ra tòa vì tai tiếng tham nhũng.

Hai tổng thống

Tại sao ông Aquino “mất tăm” sau khi rời nhiệm sở? 

Rappler đưa ra một giải thích sâu sắc: “Trong 5 năm kể từ khi rời nhiệm sở, Noynoy Aquino đã phải chịu đựng điều còn tồi tệ hơn việc bị quản thúc tại gia (giống như những gì mà hai người tiền nhiệm của ông đã trải qua). Di sản dân chủ của gia tộc Aquino đã bị bộ máy “xét lại chủ nghĩa” đầy hiệu quả của cánh Duterte - Marcos làm lu mờ. Đảng chính trị của ông bị thổi bay thành từng mảnh”.

Giải thích của Rappler phần nào cho thấy vị trí của ông Duterte trong dư luận ở Philippines, ông vẫn được ủng hộ, trái với những tố cáo ồn ào về “lạm sát” hay hậu quả chống dịch thua nặng nề trên báo chí phương Tây.

Rappler ghi nhận thêm hai lý do khiến ông Aquino từng đau khổ khôn nguôi: “Dự án về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đầy tham vọng của chính quyền ông đã bị chôn vùi bởi các lãnh địa đói khổ miền Nam. Và Biển Tây Philippines [Biển Đông], mà vì đó ông đã đưa Trung Quốc ra tòa, bị một đội quân hung hãn bao vây”.

Tóm lại, mọi thành quả của ông Aquino hầu như đã bị xóa sạch, song dư luận trong nước vẫn không hề cho rằng người kế nhiệm Duterte của ông đã thất bại - quả là một nỗi đau lớn! 

“Người kế nhiệm ông đã xóa sổ các thể chế mà ông từng tìm cách củng cố, các quy trình mà đội ngũ của ông từng cố gắng sửa chữa..., chế nhạo những hy sinh của thế hệ và gia đình ông cho nền tự do của đất nước này, tràn ngập bộ máy hành chánh bằng sự luộm thuộm và tầm thường, gia tăng tuyên truyền và bôi bác sự thật... Và gọi ông ấy là... “gago” [thằng ngốc]” - Rappler giãi bày.

Ở đây, ta thấy có một độ chênh quen thuộc giữa những giá trị “phổ quát” mà phương Tây vẫn đòi hỏi - ông Aquino là một tổng thống rất được lòng đồng minh chiến lược Hoa Kỳ, với hiện tình ở thực địa các nước Đông Nam Á, vốn có tâm lý chung luôn khao khát một nhà lãnh đạo mạnh tay, quyết đoán, hay đúng hơn, biết cách tạo dựng hình ảnh đó.

Thật vậy, do phần nào bị che khuất bởi tình hình Biển Đông mà hơn một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ (6 năm duy nhất theo Hiến pháp Philippines), ở bên ngoài ít ai ngờ uy tín ông Aquino đã sụt giảm đáng kể. 

Tháng 3-2015, tỉ lệ tín nhiệm ông rớt xuống mức thấp nhất kể từ khi lên cầm quyền năm 2010: thăm dò của Pulse Asia cho thấy chỉ còn 36% cử tri đồng ý với ông.

Kết luận từ cuộc thăm dò làm chưng hửng nhiều người vẫn quý mến ông Aquino vì thái độ quả cảm trên trường quốc tế: “Đây là lần đầu tiên công bố xếp hạng tín nhiệm và tán thành cho thấy tổng thống không còn được sự ủng hộ của đa số người dân”. 

Phải nói cho rõ, phán quyết của Tòa trọng tài The Hague tháng 6-2016, sau khi ông Aquino đã rời ghế, không có ý nghĩa gì với sự nghiệp chính trị cá nhân của ông - điều phủ nhận dư luận xỏ xiên rằng ông chống Trung Quốc để “vận động” cho bản thân hay con cái - ông Aquino độc thân và không có con.

 
 Ông Benigno Aquino qua đời khá đột ngột, để lại một di sản lịch sử sẽ còn tác động lâu dài không chỉ tới đất nước Philippines. Ảnh: time.com

Tương lai với ông Duterte

Ông Duterte lên thay ông Aquino vào tháng 6-2016 sau khi đè bẹp các đối thủ khác với 16,6 triệu phiếu bầu, bỏ xa những người về nhì và ba là Mar Roxas (9,9 triệu phiếu) và Grace Poe (9,1 triệu phiếu). 

Hai ứng viên đáng kể còn lại, Binay (nguyên phó tổng thống trào Aquino) và Santiago, chỉ được 5,4 và 1,4 triệu phiếu, thảy đều “đóng” tại thủ đô Manila. Tóm lại: dân tỉnh thắng dân thủ đô!

The Economist 4-5-2016 giải thích thắng lợi của ông Duterte: “Mặc dù trong thời gian tổng thống Benigno Aquino nắm quyền, Philippines đã tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, sự phát triển kinh tế đã không mang lại lợi ích nhiều cho tầng lớp dưới của xã hội”.

Jonathan Head, phóng viên Đông Nam Á của BBC, đưa ra một nhận xét khác: “Việc cử tri thể hiện sự nhiệt tình với ông Duterte cho thấy người Philippines đã mệt mỏi với những gương mặt chính khách quen thuộc, những người đem lại cải cách kinh tế nhưng ít thay đổi thực sự về nạn nghèo đói và tham nhũng”. 

Thành ra, khi ông Duterte lên cầm quyền, thẳng tay lao vào chống tội phạm ma túy, dân chúng nức lòng cũng không khó hiểu.

Ngay cả bây giờ, trong một đại dịch đầy tổn thất, dư luận vẫn khen ông. Tính tới 28-6, Philippines đã ghi nhận gần 1,4 triệu ca COVID-19, số tử vong là hơn 24.000 người, theo Worldometers. 

Song, tỉ lệ tán thành ông Duterte vẫn là 65% và tỉ lệ tín nhiệm 55%, hai tỉ lệ được hãng thăm dò Publicus Asia đánh giá là rất khá với một tổng thống chỉ còn 15 tháng cuối nhiệm kỳ.

Về chuyện đối phó COVID-19 thì ở đâu cũng thế, vinh quang hay thất bại đều bởi giới lãnh đạo quốc gia. Ông Duterte có phần trong đó, song ít ai ở nước ngoài biết chính quyền Duterte đang làm gì. 

Các cuộc họp báo được kênh Phủ tổng thống truyền hình do đích thân ông chủ trì - theo kiểu rất “Tây” - luôn gồm đầy đủ bộ sậu chuyên trách về dịch tễ, y tế công cộng, truyền thông, kinh tế... 

Trong đó, ông Duterte đóng vai trò điều phối, hỏi người này việc này, người kia việc kia, tỏ ra nắm hồ sơ, không chỉ đạo chung chung...

Cuộc họp báo hôm thứ hai 28-6 của phát ngôn viên tổng thống Harry Roque cho thấy những gì đang được làm. 

Trong họp báo có mặt đại sứ Philippines tại Canada Rodlofo Robbles, người cho biết Philippines đã đăng ký danh sách quan tâm tới lượng vaccine thừa của Canada, nước có hợp đồng mua vaccine lên đến 180 triệu liều, nhưng sẽ chỉ dùng hết khoảng 40 triệu. 

Việc các đại sứ chạy đôn chạy đáo, hay tỏ ra như vậy, để tìm nguồn vaccine, dễ hiểu là ghi điểm được với cử tri.

Công thức thành công

Forbes 31-5 cho rằng 22 năm làm thị trưởng Davao đã tạo cho ông Duterte một công thức để trở thành người hùng quần chúng: tăng trưởng GDP nhanh, ít tội phạm hơn và bớt quan liêu hành chánh. 

Bình dân ai không khoái khi cảm thấy được an ninh, bớt băng đảng hoành hành, nhìn thấy bóng dáng cảnh sát.

Trong buổi xuất quân của các nhóm bài trừ tham nhũng hôm 25-6, ông Duterte hô hào: “Khi đi bắt người, nhiệm vụ của ta là khống chế sự kháng cự. Thành ra, nếu họ chọn dùng súng để đối đầu, các bạn hoàn toàn có quyền tự vệ để giữ sinh mạng, luật pháp gọi là tự vệ chính đáng. Nếu có khả năng, hãy tự trang bị vũ khí. Hãy kiếm một khẩu súng và giúp nhà nước thực thi pháp luật”.

Chuyện hành hiệp trượng nghĩa đã được kể từ thời con người biết kể chuyện, không khó hiểu khi ông Duterte thu hút quần chúng như vậy. 

Ngoài ra, cũng phải nhắc một thống kê cho rõ bối cảnh: Philippines là nước mà số súng trong dân thường ước tính là gần 4 triệu khẩu, cả có và không có đăng ký, nhiều hơn tổng số súng của cả quân đội (450.000) và cảnh sát (139.000) gộp lại! 

Về kinh tế thì ông Duterte không làm được như về súng ống, nhưng dẫu sao thì dự báo của ADB nói năm 2021 này, sau một năm suy giảm tới 9,5%, GDP Philippines sẽ tăng 3,1%, vào hàng trung bình ở Đông Nam Á, đủ để ông Duterte yên vị. ■

Những gia tộc nắm quyền hành

Chính trường Philippines độc đáo ở Đông Nam Á với truyền thống lần lượt các gia tộc Aquino, Marcos, Arroyo, Binay, Duterte và Roxas chiếm lĩnh đời này sang đời khác. 

Ông Aquino là con trai nữ tổng thống Cory Aquino, trong khi cháu ruột của ông, Paolo Benigno “Bam” Aquino, đang là thượng nghị sĩ trẻ nhất ở Thượng viện.

Gia tộc Marcos cũng ly kỳ không kém: sau khi tổng thống Ferdinand Marcos bị đánh đổ phải chạy qua Hawaii lánh nạn năm 1986 rồi qua đời năm 1989, gia đình ông được nữ tổng thống Aquino cho phép hồi hương. 

Người con trai Bongbong ra tranh cử thống đốc bang Ilocos Norte và trúng cử, sau đó mấy lần đắc cử dân biểu rồi đắc cử thượng nghị sĩ năm 2010.

Với gia tộc Duterte, bà Sara Duterte-Carpio, con gái ông Duterte, đang là thị trưởng thành phố Davao, sau khi cha bà là ông Duterte rời chức này để làm tổng thống năm 2016. 

Ông đã làm thị trưởng thành phố đông dân thứ ba cả nước này suốt 7 nhiệm kỳ, tổng cộng hơn 22 năm - tất nhiên, bà Sara thay cha qua một cuộc bầu cử, chớ không hề được cơ cấu và bổ nhiệm ngang xương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận