TTCT - Mạng xã hội có thể đầy những nội dung video ồn ào, náo nhiệt, nhưng thứ dễ lan xa nhất lại hoàn toàn câm lặng - những đoạn video có thể xem mà không cần mở tiếng, như những thước phim câm từ cuối thế kỷ 19. Vậy làm thế nào để video vẫn hay, vẫn lôi cuốn mà không cần đến âm thanh?Thiết kế cuộn không hồi kết của Facebook, Twitter và Instagram được sinh ra để khuyến khích người dùng lướt không ngắt quãng, để họ có thể "tiêu thụ" nội dung mọi lúc mọi nơi. Nhưng với những ai đang đi làm bằng xe buýt, có lẽ không gì tệ hơn việc leo lên xe rồi mới nhớ ra mình quên tai nghe. Muốn xem video cho đường xa ngắn lại nhưng không thể mở loa ngoài, chẳng lẽ xem không có tiếng? Tương tự, việc xem video để giết thời gian trong các cuộc họp hẳn là bất khả thi.Im lặng là vàngHàng loạt nghiên cứu từ 2017 đến nay cho thấy quá nửa số video trên Facebook được xem mà không bật tiếng, nhưng cả phía tạo nội dung lẫn người thưởng thức đều rất hài lòng. Nói như The New York Times, đó là vì "chúng ta đang sống trong thời đại vàng của video ‘câm’".Một khảo sát trên 5.616 người tiêu dùng Mỹ năm 2019 của Verizon Media cho thấy 69% xem video mà không mở tiếng khi ở nơi công cộng, 25% làm thế ngay cả khi ở một mình. 50% cho biết video có phụ đề rất quan trọng vì họ xem "câm"; 80% sẽ có khả năng xem hết một video nếu có phụ đề. Các con số này cho thấy khi nhiều người xem video khi đang di chuyển hoặc ở nơi công cộng hơn, video có tiếng đã thành thứ yếu so với video "câm".Một trong những nhà sáng tạo nội dung sớm nhận ra và khai thác xu hướng này là LADBible - một thương hiệu truyền thông nước Anh chuyên góp nhặt và chia sẻ lại nội dung trên Internet. Một anh chàng trượt tay vung gậy bóng chày vào chính mặt mình, chó mèo thư giãn trong bồn tắm, pizza làm từ khoai tây chiên, thợ mộc tiện những chiếc bát tròn vo. Tất cả đều có thể xem với volume về 0, trên xe buýt, trong lúc chờ đến lượt khám bệnh, ở chỗ làm hoặc trong lớp học. Chúng cung cấp những khoảnh khắc cá nhân ở không gian công cộng - dù bạn có đến từ đâu, nói bất cứ thứ tiếng nào.Một video có thể xem mọi lúc mọi nơi, không cần mở tiếng vẫn có thể cười trên Facebook LADBible.Gợi nhớ phim câm"Vì nhiều lý do... chúng ta đã chứng kiến tận mắt sự tái sinh của một định dạng truyền thông rất trọng hình ảnh" - James Leo Cahill, giáo sư ngành nghiên cứu điện ảnh của Đại học Toronto (Canada), nói với The New York Times.Theo giáo sư Cahill, có thể kể đến năm điểm tương đồng giữa video "câm" thời hiện đại và phim câm từ hơn trăm năm trước: (1) Những diễn cảnh ngoạn mục; (2) hình ảnh và cú máy gây sốc; (3) hành động lạ thường trong bối cảnh quen thuộc; (4) chữ - hình kết hợp; và (5) trẻ em, động vật trở thành ngôi sao.Trước sự ra đời của phim nhựa vào đầu thế kỷ 20, hình thức điện ảnh bấy giờ chủ yếu xoay quanh các clip ngắn, còn được gọi là "điện ảnh của sự chú ý", một thể loại phim ưu tiên phản ứng xúc cảm và tâm lý của người xem hơn là việc kể chuyện.Những phim ngắn đầu tiên trong lịch sử ghi danh những "đạo diễn" tiên phong như anh em nhà Auguste hay Louis Lumiere, chủ yếu ghi lại các đoạn diễn đáng chú ý từ sân khấu vaudeville - một thể loại giải trí tạp kỹ phổ biến thời bấy giờ.Ngày nay, nhiều video "viral" (lan truyền mạnh) cũng làm đúng việc cắt ghép những cảnh đáng chú ý từ các sự kiện, bộ phim, từ đó làm thành các bài đánh giá phim, tổng kết sự kiện, điểm tin và tổng hợp thông tin giải trí... Video sẽ chạy kèm phụ đề, người xem không cần mở tiếng mà vẫn có thể nắm bắt nội dung; vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm pin và tiền mạng.Các cú máy kỳ ảo, biến đoạn ghi hình bình thường thành phi thường cũng được sử dụng ngày một nhiều - một trong số đó có thể kể đến trend tung điện thoại lên trời để có cú máy "ngoạn mục" mà cộng đồng TikTok từng khởi xướng.Phim Déjeuner du chat (1897) và video có tên “2 con mèo lịch sự tranh nhau đĩa sữa" (2016) cách nhau hơn trăm năm mà lại rất giống nhau.Cũng vì chủ trương giảm nhẹ yếu tố kể lể, người làm video hiện nay chuyển sang dùng các "thực tại" (actualities), tức khung cảnh có sẵn, dễ nhận ra. Thông tin bối cảnh thường được đưa ra to, rõ ngay đầu video, vì thế không mất nhiều công giải thích. Tiêu biểu cho xu hướng này là các phim ngắn có tiêu đề cụ thể của Hãng Edison Studios hồi đầu thế kỷ 20 như What Happened in the Tunnel (Chuyện xảy ra trong hầm xe lửa, 1903) và hậu duệ thế kỷ 21 của nó là các video đầy rẫy trên mạng xã hội ngày nay với tiêu đề theo công thức "Cái cảm giác ấy khi [X]", với X là những tình huống ai cũng trải qua, chẳng hạn phải thức dậy sớm để đi làm.Không thể không kể đến việc chèn chữ to, rõ vào phim - một cách làm vốn không hề mới trong lịch sử. Giống như phim câm xưa thường chạy song song cách phân cảnh chữ và hình, video trên Facebook hay Instagram hiện tại cũng đang chèn đầy chữ lên hàng trên, hàng dưới để tự biến mình thành meme (hình/clip chế). Theo Tubular Labs, 22% nội dung video các trang tổng hợp video trên Facebook đi theo công thức "video ngắn + tiêu đề lớn" để nhanh thu hút người xem.Tuy nhiên, điểm tương đồng dễ nhận ra nhất giữa phim câm và video Facebook hiện đại lại nằm ở những "ngôi sao" bất đắc dĩ: trẻ em và thú cưng. Trong bối cảnh "tắt tiếng", các đối tượng này tự nhiên tỏa sáng, bởi chúng giao tiếp hầu hết qua các yếu tố phi ngôn từ: động tác, chuyển động và nét mặt.Lượng nội dung xoay quanh hai đối tượng này trên mạng nhiều đến mức đã trở thành hai thể loại video riêng - trong một rừng các video dàn dựng, sự hồn nhiên và khó đoán của các "ngôi sao" này có một ma thuật khiến người ta khó lòng dứt mắt khỏi.Trong một bối cảnh nghe - nhìn đang ngày càng thiên lệch về phần nhìn, người ta có thể sẽ bắt đầu thấy những màn hình chật chữ hơn, chiếu những sản phẩm video ngắn, chia nhỏ sức chú ý của người xem thành những miếng bánh nhỏ nhất có thể. Tương lai của nghe - nhìn có lẽ sẽ nhanh hơn, sáng hơn và chớp nhoáng hơn - và tất cả sẽ diễn ra hoàn toàn im lặng.■Thói quen xem phụ đề giữa các thế hệ ở Mỹ. Dữ liệu: Preply. Đồ họa: The HustlePhụ đề lên ngôiĐi kèm trào lưu xem video tắt tiếng là sự trỗi dậy của phụ đề trong văn hóa nghe - nhìn.Tại các nước nói tiếng Anh, phụ đề từng được coi là phương án bất đắc dĩ, chỉ dành cho người gặp vấn đề thính giác hoặc người nước ngoài xem phim Anh ngữ. Thế nhưng trong vài năm gần đây, các định kiến về phụ đề đang được cộng đồng phương Tây dần dà tháo gỡ, với bước ngoặt chính là phát biểu của đạo diễn Bong Joon Ho sau khi phim Parasite của ông làm nên lịch sử tại sân khấu Oscar 2020: "Một khi vượt qua được ‘rào cản cao 1 inch’ của dòng phụ đề, quý vị sẽ có thể tiếp cận được rất nhiều bộ phim tuyệt vời nữa".Ý đạo diễn Hàn Quốc muốn nói tới việc tiếp cận điện ảnh của các quốc gia không nói tiếng Anh, song chuyện phụ đề lên ngôi trên mạng xã hội không vì mục tiêu cao cả như thế. Người dùng đang bật phụ đề trên các nền tảng streaming hay chọn xem các video có phụ đề vì nhiều lý do khác nhau: để học một ngôn ngữ mới, để nghe rõ các đoạn hội thoại phức tạp, bị đè bởi nhạc nền, hay như lý do nêu đầu bài: để có thể xem mọi lúc mọi nơi. Ta có thể xem phim trong phòng khách mà không làm phiền đến các thành viên khác trong nhà, hay vừa làm việc trên máy tính vừa mở một cửa sổ nhỏ để xem video cùng phụ đề.Một khảo sát từ tháng 5-2022, phỏng vấn 1.200 người trẻ Mỹ đã cho thấy 70% Gen Z (độ tuổi 18 - 25) và 53% người dùng Millennial (26 - 41 tuổi) có bật phụ đề khi xem video - nhiều hơn hẳn so với các thế hệ trước. Đại diện Netflix cho biết số người dùng phụ đề trên nền tảng này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2017."Tôi không nghĩ có lúc nào mình xem video mà không bật phụ đề trong mấy tháng vừa qua" - Ayem Kpenkaan, một người sáng tạo nội dung hài kịch trên TikTok, nói với tờ Washington Post. Dù bản thân không gặp vấn đề gì về thính giác, Kpenkaan vẫn cho biết mình thích dùng phụ đề để cải thiện khả năng tập trung xem của mình.Không chỉ hợp lý với người lớn, phụ đề còn mang lại những ích lợi cho người xem là trẻ nhỏ. Một nghiên cứu gần đây của nhóm Turn on the Subtitles - nhóm cổ động cho việc sử dụng phụ đề tại Anh - cho thấy học sinh tiểu học có thói quen xem TV phụ đề sẽ có tiến độ học chữ nhanh hơn đáng kể so với học sinh chỉ xem TV thuần hình ảnh."Có rất nhiều thí nghiệm đo chuyển động của mắt đã chứng minh điều này. Khi trẻ nhận được năm mặt chữ trở lên, chúng bắt đầu có xu hướng đọc theo" - Henry Warren, một trong hai người khởi xướng Turn on the Subtitles, nói với tờ Guardian. Warren và đồng sự đang hi vọng các khám phá này sẽ trở thành nền tảng giúp kết nối các cơ quan nhà nước và các đài truyền hình Anh nhằm chuẩn hóa việc dùng phụ đề cho các chương trình cho trẻ em từ 6 - 10 tuổi. Tags: Điện ảnhPhim câmMạng xã hộiPhụ đềVideoXu hướng
Cận cảnh nơi Hà Nội tính xây nhà hát 10.000 tỉ đồng ngay sát hồ Tây PHẠM TUẤN 29/11/2024 Hà Nội dự kiến xây nhà hát theo dạng nổi nằm trên mặt nước giữa Đầm Trị, ngay sát hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) cao hơn 38m.
Vụ 310 người ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu: Bệnh viện xác nhận 1 người đã tử vong ĐÔNG HÀ 29/11/2024 Một bệnh nhân dính ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì ở Vũng Tàu đã tử vong. Hiện sự vụ đang được báo cáo lên ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Người dân đi bộ vào các ga metro số 1 sao cho an toàn? CHÂU TUẤN 29/11/2024 Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online thắc mắc việc đi bộ vào các nhà ga dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ra sao để đảm bảo an toàn giao thông?
Nổ lớn trên đỉnh núi ở Làng Nủ, đang xác minh nguyên nhân CHÍ TUỆ 29/11/2024 Sáng 29-11, người dân nghe thấy tiếng nổ lớn kèm theo bụi mù mịt trên đỉnh núi Con Voi thuộc Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) - nơi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng hồi tháng 9-2024.