Phim Che thời trẻ

DIÊN VỸ 08/08/2004 19:08 GMT+7

TTCN - Sau khi ra mắt khá ấn tượng tại Liên hoan phim Cannes thứ 11 (tháng 5-2004) và đoạt được giải Vulcain, bộ phim Nhật ký môtô (Motorcycle diaries) vừa được trình chiếu tại Argentina và Cuba để đến tháng chín này sẽ khởi chiếu trên đất Mỹ.

Phóng to
Hình ảnh trên tấm poster này đã phổ biến khắp thế giới

Được xây dựng từ cuốn hồi ký cùng tên của nhà cách mạng lừng danh Che Guevara, phim Nhật ký môtô lần đầu tiên đưa lên màn bạc những hình ảnh không thường thấy của một nhân vật đã trở thành huyền thoại: Che không phải với chiếc nón bêrê và hàm râu quai nón bất tử - hình ảnh đã trở thành một biểu tượng của nhiều thế hệ trẻ khắp thế giới ngày nay; mà là chàng trai trẻ Ernesto Guevara bảnh bao và lãng tử trên chiếc môtô cỡ lớn cùng một người bạn thân trong chuyến du hành dài ngày xuyên qua vùng đất Nam Mỹ mênh mông.

Có một chút hơi hướm của bộ phim nổi tiếng Easy rider (với Peter Fonda và Dennis Hopper) nhưng Nhật ký môtô lại hoàn toàn khác về bản chất.

Đó là năm 1952, Guevara, một bác sĩ mới 23 tuổi chuyên về bệnh phong vừa tốt nghiệp, cùng bạn thân là Alberto Granado, một chuyên viên sinh hóa, quyết định sẽ khám phá châu Mỹ Latin bằng con ngựa sắt Norton 500cc đời 1939 được đặt tên là Cô nàng mạnh mẽ.

Xuất phát từ thủ đô Buenos Aires của Argentina, họ đã đi một quãng đường dài 10.000km trong tám tháng, vượt qua cao nguyên Patagonia hùng vĩ để vào xứ Chile; từ đó thẳng hướng tới các cao nguyên của nước Colombia trước khi kết thúc chuyến du hành ở điểm mút của đất nước Venezuela.

Thật ra, sau những sự cố liên tiếp diễn ra, Guevara và Granado cuối cùng đã phải từ bỏ chiếc môtô để đi bộ xuyên sa mạc Atacama phía bắc Chile, giáp giới với Peru và Colombia.

Chính qua chuyến đi đầy gian khó và cũng hết sức ấn tượng đó, chàng bác sĩ trẻ xuất thân gia đình giàu có đã nhận thức lại thế giới và khơi nguồn trong anh những tình cảm cách mạng; để rồi bảy năm sau anh đứng bên cạnh Fidel Castro trong cuộc khởi nghĩa thành công ở La Havana, lật đổ chế độ quân phiệt Batista, xây dựng nhà nước cách mạng đầu tiên ở châu Mỹ - một trong những cuộc cách mạng lừng danh nhất của thế kỷ 20.

Nếu như những cảnh đầu phim khán giả nhìn thấy chàng trai trẻ Guevara ồn ào sau bàn thắng trên sân bóng bầu dục hay vụng về với nụ hôn trao cho cô bạn gái trong khung cảnh sống nhung lụa, giàu sang thì cuối phim là một hình ảnh hoàn toàn khác: thủ lĩnh du kích Che Guevara trong bộ quân phục màu ôliu và khẩu súng máy bất ly thân.

Chính những hình ảnh của bộ phim đã lý giải sự đổi thay đó: chuyến du hành xuyên Nam Mỹ ban đầu chỉ nhằm thỏa giấc mộng phiêu lưu của hai chàng trai trẻ nhưng rồi được tận mắt chứng kiến những thực trạng chính trị - xã hội ở các xứ sở đã đi qua - nhất là cuộc tiếp xúc tình cờ với những người thợ mỏ và cảnh gia đình lầm than, nghèo đói của họ ở Chile - đã trở thành một kinh nghiệm dữ dội, thúc giục hai chàng trai phải làm một điều gì đó để chống lại những bất công, hà khắc, phi nhân.

Phóng to
Những cảnh trong phim Nhật ký môtô
Khi những người thợ mỏ kể cho Guevara và Granado họ đã bị bọn chúa đất tước hết đất đai vì chống lại chúng, ống kính đã cận cảnh vào đôi mắt Guevara trong phim (do Gael Garcia Bernal thủ diễn) và người ta lại thấy được cái ánh mắt với tia nhìn bằng thép của Che trên màn ảnh - cái ánh mắt đã cuốn hút hàng triệu người trên Trái đất trong tấm chân dung quen thuộc được in thành poster và huy hiệu khắp thế giới.

Cho dù đạo diễn người Mexico Walter Salles và diễn viên Garcia Bernal phủ nhận mục đích chính trị của bộ phim nhưng cả hai, tại Liên hoan phim Cannes, đều hi vọng Nhật ký môtô sẽ “rọi sáng những gì người ta chưa biết về Che”. Như lời Garcia Bernal, 26 tuổi, một khuôn mặt đang lên của điện ảnh châu Mỹ Latin: “Che khơi gợi một cuộc nghiên cứu về tính cách cực kỳ quan trọng tại châu Mỹ Latinh”.

Với vai diễn để đời này, Garcia Bernal đã làm được điều tưởng chừng bất khả thi: làm sống lại hình ảnh huyền thoại Che, người vẫn dệt nên những truyền thuyết sau ngày ông hi sinh cách đây đã gần bốn thập kỷ giữa rừng già Bolivia. Còn đạo diễn Salles (từng thành công lớn với bộ phim được đề cử Oscar Nhà ga trung tâm) khẳng định: “Chúng tôi muốn có một cái nhìn về lịch sử của Che trước khi lịch sử làm nhiệm vụ ấy”.

Trước đây đã từng có các phim tư liệu về cuộc đời của huyền thoại Che và có cả bộ phim nhựa Che! thực hiện năm 1969 với Omar Sharif trong vai Che, Jack Palance vai Fidel Castro nhưng phần lớn hoặc mù mờ hoặc quá hư cấu. Đạo diễn Steven Soderbergh (tác giả phim Điện Biên Phủ) cũng đã dàn dựng một phim có tên Che, với diễn viên đoạt giải Oscar Benicio del Toro trong vai người anh hùng du kích, dự kiến tung ra chiếu năm tới. Với Nhật ký môtô, như lời Alberto Granado, người bạn đồng hành với Che hơn 40 năm trước, nay đã là một ông lão 82 tuổi: “Chúng tôi muốn cho khán giả thấy một Che bằng xương bằng thịt”.

Chính bộ phim cũng dựa một phần vào cuốn tự truyện Cùng Che xuyên châu Mỹ Latin của Granado. Sau cách mạng Cuba, Granado đã sang đảo Ngọc và mở một trường Y khoa tại đây,

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận