Phụ nữ và chăm sóc sức khỏe: Bị ngó lơ vẫn phải lo cho người

YÊN LAM 12/03/2020 02:03 GMT+7

TTCT - Phải là người chăm sóc mỗi khi người thân xung quanh ốm đau, nhưng khi bản thân có bệnh thì phải tự lo. Trình bày triệu chứng bệnh tật thì chẳng ai nghe. Ít khi được chọn làm đối tượng nghiên cứu y khoa. Tất cả những bất công này đổ lên vai phụ nữ toàn cầu, chứ không chỉ ở nơi mà “phái yếu” phải chịu áp lực “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Ảnh: ActionAid UK
Ảnh: ActionAid UK

Zoanne Arnette - bác sĩ, tác giả sách và nhà sản xuất chương trình - đã có gần 30 năm khám cho đủ loại bệnh nhân, nam có nữ có, già trẻ lớn bé, giàu sang và nghèo hèn. 

Ngoài việc hoàn thành bổn phận của một thầy thuốc, nữ bác sĩ 52 tuổi này cũng quan sát kỹ những người cùng đến bệnh viện với bệnh nhân. Những người này phải mang một gánh nặng lớn: làm sao xoay xở lo cho người bệnh trong khi vẫn thu xếp được công ăn chuyện làm của bản thân và chuyện gia đình, tài chính.

Gánh nhọc nhằn này thường oằn trên vai những phụ nữ, Arnette viết trong bài “Các mối lo về sức khỏe của phụ nữ ngày càng bị chối bỏ, và ít được nghiên cứu hơn” trên tạp chí NatGeo số tháng 1-2020.

Trong bài viết, Arnette cũng kể những câu chuyện quan sát được để thấy bất công và bất bình đẳng liên quan đến y tế và sức khỏe với phụ nữ có muôn hình vạn trạng, chẳng hạn có bệnh không ai tin, gặp nạn không ai cứu, thành đạt mà không ai thừa nhận.

Hiện tượng toàn cầu

Mỗi khi đến bệnh viện, ta có cảm giác phụ nữ đông hơn đàn ông. Họ không chỉ là bệnh nhân mà còn là người túc trực chăm sóc người đau ốm, rồi chạy đôn chạy đáo lo cái này cái kia. Quả vậy, “phụ nữ thường phải gánh gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp tư trách nhiệm khi phải lo cho con cái, bạn đời, cha mẹ và những người thân yêu khác mỗi khi họ gặp vấn đề về sức khỏe” - Arnette viết, và cho đây là một hiện tượng toàn cầu.

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy phụ nữ trên thế giới mỗi năm tốn tổng cộng 1,1 ngàn tỉ giờ để chăm sóc y tế “không công” (unpaid care) cho trẻ em và người già (nghĩa là còn chưa tính đến lo cho chồng). Đàn ông chỉ mất khoảng 1/3 số giờ đó cho công việc tương tự.

Sự bất bình đẳng này ảnh hưởng mọi phụ nữ, “dù họ là mẹ, là bạn đời, là vợ, là chị em, con gái, tổng giám đốc hay thư ký, người không có bảo hiểm cho đến người dư tiền mua cả thế giới”.

Bản thân Zoanne Arnette cũng là một điển hình cho việc phụ nữ phải gánh quá nhiều vai trò, mang nhiều kỳ vọng mà lại còn phải chịu bất công, bất bình đẳng. Zoanne Arnette đang mắc kẹt trong “thế hệ sandwich” - bị kẹp giữa trách nhiệm phải chăm mẹ già và ba con nhỏ. Trách nhiệm với lũ trẻ là đưa đón đi học, cho tham gia các hoạt động ngoại khóa, chăm chúng lúc ở nhà; còn với bản thân là các kế hoạch, hạn chót công việc, mục tiêu nghề nghiệp.

Arnette, một người làm việc toàn thời gian, phải bảo đảm tất cả những thứ đó trong khi duy trì đời sống xã hội của mình. Tác giả cho rằng rất nhiều phụ nữ phải như thế, “họ thường xuyên, và một cách lặng lẽ, bị quá tải”. Câu hỏi đơn giản: giữa muôn trùng vai trò phải xoay vòng hoặc đảm đương cùng lúc, thời gian đâu phụ nữ lo cho sức khỏe của mình? Hỏi cũng là trả lời.

Và hãy nghe những câu chuyện bất bình đẳng khác mà Arnette quan sát được.

Muôn mặt bất công

Meredith là bác sĩ phẫu thuật và là góa phụ với ba con nhỏ, nhưng vẫn xoay xở để vừa thành công trong công việc nhưng vẫn có thời gian dành cho con cái và giao tế xã hội. Meredith đậu trường y vào những năm đầu thế kỷ 21, khi chưa đầy một nửa sinh viên y khoa là phụ nữ. Đến năm 2018, 52% sinh viên học y là phụ nữ - một tiến bộ đáng kể, song đó chỉ là bề mặt.

Dù có bằng cấp, dù xưng rõ là bác sĩ, dù mặc choàng trắng với ống nghe vòng qua cổ, Meredith vẫn thường xuyên bị nhầm là y tá khi làm việc tại bệnh viện. Khi Meredith đến thăm bệnh mà trong phòng đang có một nam sinh viên y khoa, bệnh nhân sẽ kể bệnh tình với người đàn ông đó thay vì với nữ bác sĩ. Định kiến và thiên vị vẫn luôn gắn với phụ nữ, và thiên vị giới là một vấn đề thật sự với nữ giới trong y khoa.

Một ví dụ khác, cũng về một nữ bác sĩ phẫu thuật. Miranda đã vượt qua bức trần kính (những rào cản vô hình ngăn phụ nữ thăng tiến) để trở thành trưởng khoa phẫu thuật tại bệnh viện mình làm việc, nhưng không giành được thấu hiểu từ chồng cũng như sự quan tâm đúng mức cần thiết khi chính cô cần chăm sóc y tế.

Khi đi khám bệnh, Miranda lại trở thành nạn nhân của một thiên kiến khác: những dấu hiệu, triệu chứng bệnh mà phụ nữ nêu ra bị coi thường hơn so với đàn ông. Là người trong ngành, Miranda biết rõ mình đang có triệu chứng bệnh tim (và đúng là như thế), nhưng cô bị coi nhẹ khi trình bày các vấn đề này khi đến bệnh viện.

Thực tế thật tồi tệ: khi phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu, nêu lên các lo lắng về sức khỏe và yêu cầu được khám, người hành nghề y có xu hướng gạt họ qua một bên, không tin tưởng, thậm chí chế nhạo họ hơn là so với đàn ông.

Theo chuyên gia Leslie Jamison, các chứng đau của phụ nữ thường được nhìn nhận là “tưởng tượng hoặc phóng đại” và các triệu chứng của phụ nữ có thể bị phớt lờ hoặc chữa trị kém nghiêm túc hơn so với đàn ông.

Thái độ “chối bỏ” phụ nữ dẫn đến những hệ quả không chỉ cho việc điều trị của họ mà còn ảnh hưởng cả các nghiên cứu y khoa, nhất là các nghiên cứu cách chữa mới. Lịch sử cho thấy trong giới y khoa, mà nam giới chiếm chủ đạo, các thí nghiệm lâm sàng thường được tiến hành với đối tượng nghiên cứu là nam. Nam giới được xem là đối tượng nghiên cứu chuẩn và phản ứng thuốc của họ được giả định là đại diện cho cả hai giới.

Các nghiên cứu không chọn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản “vì lý do an toàn”, nhưng nữ giới nói chung bị loại ra khỏi các thử nghiệm để tránh các khác biệt về hormon làm ảnh hưởng đến nghiên cứu.

Năm 1993, Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ kêu gọi đưa phụ nữ vào nhiều thí nghiệm lâm sàng hơn nữa. Năm 2016, nghiên cứu đăng trên một tập san y khoa nhận thấy các thí nghiệm lâm sàng đã bao gồm nhiều phụ nữ hơn, nhưng con số vẫn chưa đủ để đại diện cho toàn thể nữ giới.

Nghiên cứu này cũng cho rằng các nghiên cứu thuốc không phải lúc nào cũng có phần phân tích tính an toàn và hiệu quả riêng dành cho người dùng là nữ.

Điều này quan trọng thế nào? Cần có các nghiên cứu cụ thể dành cho phụ nữ để tìm hiểu sự khác biệt về mặt sinh học và sai biệt trong tác dụng của thuốc giữa hai giới. Các thống kê cho thấy phụ nữ có khả năng mắc các bệnh mãn tính hay bệnh miễn dịch nhiều hơn nam giới.

Ở Mỹ, 38% phụ nữ mắc ít nhất một bệnh mãn tính so với tỉ lệ 30% ở nam. Bệnh động mạch vành gây thương tổn và tử vong nhiều hơn ở nữ, song các nghiên cứu về bệnh này ở nam lại nhận được nhiều tài trợ hơn. Chính vì nữ giới bị ngó lơ trong nghiên cứu y khoa, các loại thuốc và sản phẩm mới tung ra thị trường trông có vẻ có lợi cho phụ nữ nhưng thật ra lại gây hại cho họ.

LỜI KHUYÊN

Dù sự bất bình đẳng dành cho phụ nữ như trên là do lỗi của hệ thống y tế, các nghiên cứu y khoa, Arnette cho rằng cách tốt nhất “một nửa nhân loại” có thể làm vì sức khỏe, phúc lợi của chính bản thân là lên tiếng thay vì im lặng.

“Cần có thêm nhiều phụ nữ mở miệng ra và nói về mọi thứ: những lần sẩy thai, chứng vô sinh, nỗi sợ phải tránh thai, bệnh ung thư hay bệnh tim, chứng trầm cảm, cân nặng, rối loạn ăn uống, lạm dụng rượu và thuốc, về bạo hành gia đình” - tác giả viết. Chính nỗi sợ kỳ thị đã khiến nữ giới phải im lặng về những điều trên. Nếu không có những tiếng nói mạnh mẽ, các nghiên cứu lấy phụ nữ làm trung tâm sẽ không được tài trợ, các chính sách ưu ái phái nam sẽ không được sửa đổi toàn diện.

“Nói lên tiếng nói của chính mình là cách duy nhất phụ nữ chúng ta có thể làm mỗi người mạnh mẽ hơn và cùng tạo nên một lực lượng để dẫn đến các thay đổi lành mạnh hơn” - Arnette kết luận.■

Như thể bằng ấy chuyện vẫn là chưa đủ bất công cho phụ nữ, Patricia Edmonds - biên tập viên NatGeo - còn kể tiếp một thực tế đáng buồn khác: khi phụ nữ bị ngưng tim nơi công cộng, họ ít có khả năng được người qua đường làm hồi sức tim phổi hơn đàn ông, và vì thế có nhiều khả năng tử vong hơn, theo nghiên cứu tiến hành ở Hà Lan và công bố trên tập san European Heart Journal.

Một trong những nguyên nhân khả dĩ là người qua đường nếu có thấy một phụ nữ bỗng dưng quỵ xuống thì không nghĩ cô ấy đang bị ngừng tim và vì thế sẽ không kêu cứu giúp hoặc làm khử rung tim để nhịp tim trở lại bình thường. Kết quả là đàn ông có gấp đôi cơ hội vượt qua chứng đau tim và rời bệnh viện so với phụ nữ.

Edmonds cũng dẫn thêm nhiều nghiên cứu cho thấy cơn đau của phụ nữ thường bị xem nhẹ hơn đàn ông. Chẳng hạn, một nghiên cứu kéo dài 20 tháng tại khoa cấp cứu một bệnh viện cho thấy trong số những người đến báo có bệnh đau ngực mãn tính, khả năng phụ nữ được yêu cầu phải nhập viện thấp hơn đàn ông.

Một nghiên cứu do nữ bác sĩ cấp cứu thực hiện cho thấy dù cùng đến khám vì có chứng đau bụng mãn tính, nam bệnh nhân phải chờ trung bình 49 phút để được phát thuốc giảm đau, song phụ nữ phải chờ đến 65 phút.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận