Phương Tây lướt ngoài cửa sổ (*)

KIỀU BÍCH HƯƠNG 11/11/2013 09:11 GMT+7

TTCT - Tuần trước, một đồng nghiệp cũ của tôi tại Việt Nam sang Bỉ công tác, anh hỏi: “Từ ga Antwerp đi Hà Lan, Đức, Luxembourg... được không?”. Tôi bảo: “Anh muốn đi khắp châu Âu bằng tàu hỏa cũng được! Đi tàu xem châu Âu lướt ngoài cửa sổ thích hơn”.

Phóng to

Lên tàu từ Bỉ đi Frankfurt, đến ga Koln của Đức, anh nhắn tin: “Mất chiếc cặp da xịn có chứa iPad rồi, để ngay trên đầu mình mà mất! Xuống ga trình báo công an xong thì lỡ tàu, phải chờ hai tiếng để đi chuyến khác”.

Đi hỏa xa thường gắn với chuyện chậm giờ lỡ chuyến, mất cắp bị trộm, tôi gọi vui là “bản năng gốc” của ngành đường sắt, dù ở châu Âu hay châu Á. Người phương Tây vốn lịch sự, hay nói cảm ơn và xin lỗi, nhưng lại rất sợ nhân viên hỏa xa cất lời xin lỗi, họ than “Chán xin lỗi lắm rồi. Chúng tôi cần biết lý do trễ chuyến, chậm giờ, và bao giờ mới khởi hành?!”.

Có lần tôi đi tàu từ Hà Lan về Bỉ, đến ga Schiphol dừng nửa tiếng không thấy chuyển bánh, hành khách sốt ruột, mãi mới nghe loa thông báo: “Có mấy hành khách đi xe lăn lên nhầm chuyến tàu nên chúng tôi phải dừng lâu hơn dự kiến”. À, có tiến bộ hơn, đã nêu lý do. Nhưng chờ bao lâu nữa? “Xin lỗi! Chúng tôi chưa biết khi nào khởi hành tiếp được, sự cố chưa khắc phục xong”.

Chẳng cứ hành khách, đến chính khách cũng ca thán về tàu. Mới đây, nhân sự kiện Jo Cornu vừa được bổ nhiệm làm CEO của Công ty Đường sắt Bỉ (NMBS) nhưng vẫn muốn giữ nguyên chức vụ quản lý ở một số công ty khác gây tranh cãi trong dư luận, ngài Bruno Tobback - chủ tịch Đảng Xã hội ở Bỉ - phát biểu: “Nếu Cornu biết điều hành cho tàu chạy đúng giờ thì ông ta làm gì trong thời gian còn lại cũng chẳng thành vấn đề!”.

Năm ngoái, từ Bỉ đi Frankfurt tôi cũng gặp sự cố, không bị mất cắp như anh đồng nghiệp cũ mà... mất cả chuyến tàu mới ghê! Khi ấy, tôi ngồi chờ tàu ở ga Leuven để đi Liège và từ đó sẽ đón chuyến tàu khác đi Frankfurt. Vé tàu trọn gói mua từ tuần trước, sắp đến giờ khởi hành bỗng bảng điện tử thông báo chuyến tàu của tôi đã hủy.

Tôi lật đật quay lại phòng vé, nhân viên trả lời: “Ở Liège có đình công, họ không chạy tàu chuyến đó nữa”, “Vậy đổi vé cho tôi đón chuyến khác đi Frankfurt”, “Xin lỗi, cô phải mua vé mới. Dù tôi đổi vé khác cho cô qua được Liège thì đến ga Koln người Đức cũng sẽ không chấp nhận cho cô lên tàu nối chuyến. Chuyện đình công xảy ra ở Bỉ, không thể bắt phía Đức giải quyết hậu quả. Và chuyện đình công lại xảy ra ở vùng nói tiếng Pháp của Bỉ, chúng ta ở vùng nói tiếng Hà Lan của Bỉ, không làm gì được. Mong cô vui lòng nhận lại tiền rồi mua vé mới”.

Nhưng vấn đề ở chỗ mua toàn bộ vé mới đi luôn trong ngày sẽ phải trả gấp rưỡi vé cũ! Cãi nhau chỉ mất thời gian, tôi đành nhận lại tiền cho chắc.

Nói xấu tàu hỏa đủ rồi!

Dù thế nào, trong tôi, tàu hỏa vẫn là một hình ảnh văn hóa đặc biệt. Những chuyến tàu không lướt qua mà neo đậu lại trong vùng ký ức đầy nhung nhớ. Cũng chỉ ở nhà ga hỏa xa chúng ta mới thấy thật gần những nụ hôn chia tay vội vã, bao ánh nhìn đầy lưu luyến qua khung cửa sổ.

Và ngay trên những chuyến tàu xuyên châu Âu hiện đại này, tôi còn xúc động lặng ngắm một bà mẹ tranh thủ đan khăn ấm chuẩn bị cho mùa đông, một anh lính thời bình ngả đầu vào balô say giấc trên sàn, gót giày đinh xoải ra giữa hai toa không ngừng lắc lư đưa đẩy!

Tàu hỏa còn nhắc tôi rằng có một thời tôi cũng là “hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Thuở nhỏ ở làng, nhà tôi cách ga tàu khoảng hai cây số, tôi muốn đi bộ tiễn chị gái lên tàu ra Hà Nội học, em gái khoảng 5 tuổi đòi theo. Em theo cũng được thôi, nhưng em mỏi chân đòi cõng thì chết tôi! Đuổi mãi em không chịu về, dùng dằng chị gái bảo: “Thôi, Hương ở lại với em để chị đi kẻo muộn tàu”.

Tôi bực mình quay lưng, chợt thấy em gái đang ngồi dưới gốc nhãn, đôi mắt mở to canh chừng sợ tôi lén đi theo chị! Nỗi ân hận xen niềm thương mến tràn ngập trong lòng. Tôi lẳng lặng ngồi xuống gốc nhãn, cùng em gái chờ nghe tiếng còi tàu hỏa hú lên ở nơi xa: “Thế là chị đã đi rồi!”.

(*): Nhại theo tít tác phẩm du ký kinh điển của tác giả Mỹ Paul Theroux: Phương Đông lướt ngoài cửa sổ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận