TTCT - Trong số các danh thủ bóng đá, những ai là người có gia tài sự nghiệp đồ sộ nhất xuyên suốt lịch sử làng túc cầu? Cách đây 5 năm, nhiều người sẽ kể tên Michel Platini. Platini (trái) và Blatter ngày còn trên đỉnh cao quyền lực. Ảnh: AP Huyền thoại trên sân bóng lẫn chính trường Nếu chỉ gói gọn trong sự nghiệp cầu thủ, thế giới bóng đá có 4 cái tên ở đẳng cấp cao nhất trong ngôi đền huyền thoại, gồm “vua bóng đá” Pele, “cậu bé vàng” Diego Maradona, “hoàng đế” Beckenbauer và “thánh” Johan Cruyff. Đó đều là những cựu danh thủ mà dấu ấn của họ sâu đậm đến mức người hâm mộ quen gọi họ bằng biệt danh thay vì tên thật. Trong số này, Pele và Maradona chỉ thuần túy chơi bóng giỏi (dù Pele cũng có một thời gian ngắn làm bộ trưởng thể thao Brazil). Cruyff mang tầm ảnh hưởng lớn hơn khi là người khai chi lập phái của cả một trường phái bóng đá lâu dài ở Hà Lan và Barcelona, đi kèm một sự nghiệp HLV thành công rực rỡ. Beckenbauer toàn năng nhất, ông chơi bóng, huấn luyện lẫn làm quản lý đều giỏi. Nhưng dù sao, mọi thành công của “hoàng đế” cũng chỉ gói gọn trong khuôn khổ nước Đức. Nếu xét đến tầm ảnh hưởng diện rộng trong thế giới bóng đá, phải kể đến Michel Platini - người vốn đã tiệm cận 4 huyền thoại kể trên trong vai trò cầu thủ. Giã từ sự nghiệp quần đùi áo số vào cuối thập niên 1980, ông vừa làm công việc HLV tuyển Pháp, vừa gia nhập Ủy ban phát triển kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Sau vài năm, ông dừng hẳn công việc HLV để tập trung vào con đường quan chức. Dù là thương trường hay chính trường, Platini đều “rê bóng” giỏi như khi ông còn trên sân cỏ. Rất nhanh chóng, huyền thoại bóng đá Pháp trở thành nhân vật cộm cán trong Ủy ban điều hành của UEFA lẫn Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Đến năm 2007, ông đắc cử chức chủ tịch UEFA. Tính trong số các chủ tịch FIFA lẫn UEFA xuyên suốt lịch sử, duy nhất Platini xuất thân là cầu thủ chuyên nghiệp, hơn nữa ông còn là danh thủ. Thật ra, Platini là tượng đài lớn nhất của bóng đá Pháp chí ít là tới thời của Zinedine Zidane. Platini còn chứng tỏ những gì ông làm được trên chiếc ghế chủ tịch UEFA cũng không thua kém trên sân bóng. Nói một cách công bằng, Platini, 64 tuổi, có công không nhỏ với UEFA lẫn FIFA. Ông là người đưa ra ý tưởng tăng số đội dự vòng chung kết Euro từ 16 lên 24, và tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau khắp châu lục. Khi điều đó lần đầu được nhắc đến, nhiều người đã chỉ trích, nhưng rồi thành công của Euro 2016 cho thấy đó là một ý tưởng không tồi chút nào. Cả giải đấu UEFA Nations League đang nhận được nhiều lời khen ngợi hiện tại cũng là một sản phẩm của Platini. Với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ khi đó, ông từng được xướng tên như một ứng viên tiềm tàng cho ghế chủ tịch FIFA trong tương lai. Nhưng rồi giữa lúc sự nghiệp trên đỉnh cao danh vọng, những góc tối trong cuộc đời Platini bắt đầu bị phanh phui, cùng với cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Thành cũng Blatter, bại cũng Blatter Năm 2013, trong hàng loạt bài điều tra của báo chí, chủ yếu là ở Đức và Anh, những bằng chứng cho thấy dấu hiệu đưa và nhận hối lộ lan tràn trong 2 cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 (Nga) và 2022 (Qatar). Blatter hiển nhiên là người đầu tiên bị liên đới. Nhưng đến giữa năm 2014, tờ Telegraph của Anh bất ngờ tung thêm những bằng chứng cho thấy có sự liên quan của Platini. Mấu chốt nằm trong một cuộc gặp gỡ riêng giữa Platini và Mohamed Bin Hammam - người bị cho là nhân vật chính hối lộ hàng triệu đôla cho các quan chức bóng đá khắp thế giới để bỏ phiếu ủng hộ Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Cụ thể, Platini đã gặp riêng Bin Hammam trong bữa ăn sáng ngay trước khi đến gặp tổng thống Pháp thời điểm đó - ông Nicolas Sarkozy, trong một buổi ăn trưa cùng hoàng tử Qatar Tamin bin Hamad al-Thani tại Điện Elysée hồi tháng 11-2010, một tháng trước khi tiến hành bỏ phiếu bầu chọn nước đăng cai World Cup 2022. Trước đó, Platini có vẻ ngả về phía Mỹ, nhưng đã thay đổi lựa chọn sang hướng Qatar. Con trai Platini, Laurent, sau đó trở thành giám đốc điều hành một công ty con thuộc tập đoàn đầu tư thể thao Qatar - cũng là tập đoàn sở hữu CLB số 1 nước Pháp PSG. Thời điểm đó, thế đứng của Platini vẫn rất vững vàng. Ông thậm chí còn tranh thủ việc uy tín chủ tịch Blatter đã hoen ố để tranh cử chức chủ tịch FIFA. Trong nhiều lần đăng đàn, Platini lên tiếng chỉ trích Blatter, cho thấy sự thay đổi quan hệ đột ngột “từ bạn sang thù” giữa hai nhân vật đầu não của làng bóng đá thế giới. Nhưng rồi “thành dã Blatter, bại dã Blatter”: chính mối liên quan mật thiết cùng chủ tịch FIFA trong quá khứ đã kéo Platini xuống bùn. Sau hàng loạt bằng chứng của báo chí cho thấy Platini nhận hối lộ của Nga và Qatar, các công tố viên Thụy Sĩ đưa ra bằng chứng xác đáng nhất vào khoảng giữa năm 2015: khoản tiền 2 triệu franc Thụy Sĩ (2 triệu USD) được chuyển từ Blatter đến tài khoản của Platini vào năm 2011. Cả hai cùng giải thích rằng đó là khoản tiền Platini được trả cho công việc cố vấn ở FIFA trong giai đoạn 1998 - 2002, một lời biện hộ khó mà xuôi tai. Kết quả đến cuối năm 2015, Ủy ban đạo đức của FIFA tuyên án cấm cả hai hoạt động bóng đá trong 8 năm vì tội tham nhũng. Sự nghiệp quan chức bóng đá của Platini cùng Blatter đến đó là hết. Nhưng cuộc chiến pháp lý thì vẫn chưa xong. Cũng trong khoảng thời gian đó, Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành một chiến dịch truy quét các quan chức tham nhũng của FIFA. 16 quan chức cấp cao của tổ chức này đã bị bắt giữ, truy tố và dẫn độ đến Mỹ. Trong một hướng điều tra khác, các công tố viên Pháp cũng đã mở điều tra với Platini để rồi hôm 18-6, cảnh sát Pháp chính thức bắt giữ Platini để điều tra nghi án hối lộ giành quyền đăng cai World Cup 2022 của Qatar. Đây thực ra là cái kết đã được dự báo với Platini - người đã lụi tàn sự nghiệp từ cách đây 3 năm. Nhưng với những người hâm mộ đã trót yêu đôi chân ma thuật, hào hoa của “Le Roi” (vị vua, biệt danh của Platini) những năm 1970 - 1980, đó thực sự là một cái kết quá chua chát, khi nhìn một huyền thoại thân bại danh liệt.■ Chặng đường bê bối của Platini cùng Blatter Tháng 5-2002: Chiến dịch tranh cử chủ tịch FIFA của Blatter bị nghi ngờ với nhiều điểm bất thường về tài chính. Tháng 12-2010: Qatar chính thức được chọn đăng cai World Cup 2022 giữa vô số chỉ trích nhắm vào FIFA. Tháng 4-2013: Ủy ban đạo đức FIFA kết luận về nghi án hối lộ đăng cai các World Cup 2018 và 2022, Blatter trắng án. Tháng 6-2014: Báo chí Anh cáo buộc Platini nhận hối lộ. Tháng 5-2015: Hàng loạt quan chức FIFA bị bắt giữ vì những cáo buộc nhận hối lộ. Blatter được khuyên từ chức. Tháng 6-2015: Blatter tuyên bố từ chức, nhưng báo chí Thụy Sĩ khẳng định ông chưa thực sự từ chức. Tháng 9-2015: Các công tố viên Thụy Sĩ mở điều tra về Blatter và Platini, dẫn đến việc cả hai bị cấm hoạt động bóng đá tạm thời 90 ngày. Tháng 12-2015: FIFA chính thức cấm cả hai hoạt động bóng đá trong 8 năm. Tháng 5-2016: Platini chính thức rời UEFA sau khi được Tòa án thể thao thế giới giảm án từ 8 năm còn 6 năm. Tháng 6-2019: Platini bị cảnh sát Pháp bắt giữ. Tags: PlatiniBlatterBê bốiHuyền thoại sân bóng
Lũ quét vùi lấp cả một bản làng 128 người ở Lào Cai, mới cứu được 30 người, tìm được 16 thi thể HỒNG QUANG 10/09/2024 Trận lũ quét xảy ra ở huyện Bảo Yên, Lào Cai đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ nơi có 35 hộ dân, 128 khẩu cư trú.
Sập thêm nhà điều hành thủy điện ở Lào Cai, 5 người nghi mất tích NGỌC AN 10/09/2024 Hiện 5 người được cho mất tích khi nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, Lào Cai) bị sập.
Lũ lụt chưa từng có ở miền Bắc: Phát lệnh báo động số 3 trên sông Cầu CHÍ TUỆ 10/09/2024 Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn đã phát lệnh báo động số 3 trên sông Cầu (tại Trạm thủy văn Đáp Cầu).
Từ xuồng cứu hộ, báo Tuổi Trẻ trao quà cứu trợ khẩn cấp đến bà con vùng lũ Yên Bái, Lào Cai HÀ THANH 10/09/2024 Đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao tận tay những suất quà cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến với người dân vùng lũ ở Yên Bái.