TTCT - Gặp lại bạn học cũ sau 35 năm, bất ngờ khi biết anh bây giờ là nhà soạn nhạc cổ điển đương đại nghệ danh PQ Phan với các tác phẩm được trình tấu khắp thế giới từ Bắc Mỹ đến châu Âu, qua Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc... Phóng to Từ cổng trường Lê Quý Đôn, Phan Quang Phục đã bước ra sân khấu nhạc hàn lâm thế giới để trở thành PQ Phan - Ảnh: Phan Quang Không chỉ vậy, PQ Phan còn nhận được yêu cầu sáng tác từ các nhóm tam tấu, tứ tấu, dàn nhạc giao hưởng, thính phòng trên thế giới như: Kronos Quartet, American Composers Orchestra, Cleveland Chamber Symphony... Và nhạc của anh còn được trình diễn bởi BBC Scottish Symphony Orchestra, Radio France Ensemble Moderne, Cincinnati Orchestra, Seattle Symphony Orchestra... 35 năm, Phan Quang Phục đã trở thành PQ Phan, một nhà soạn nhạc, giáo sư, tiến sĩ âm nhạc của Đại học Indiana, nơi có một trường nhạc mang tên Jacobs school of music nổi tiếng hàng đầu của nước Mỹ. “Sáng nay ông đã viết mấy cái symphony rồi?” Cuối thập niên 1970, do hoàn cảnh lịch sử của thời hậu chiến nên đến 90% bạn bè của tôi đều đi định cư ở nước ngoài. Dõi theo họ suốt 35 năm thì trường hợp của Phan Quang Phục chỉ cho tôi thấy rõ nhất ý nghĩa việc “xuất dương, du học”, đi ra nước ngoài để khám phá kiến thức, chiếm lĩnh những đỉnh cao, đoạt lấy cơ hội duy nhất có ở đó. Cách Phục chọn ngành học và theo đuổi nó tựa như một sự đánh cuộc bằng cả cuộc đời mình và chỉ có thể lý giải bằng một lý do: sự khao khát tìm kiếm đến tận cùng những điều mình yêu thích. Rời Việt Nam theo chương trình đoàn tụ gia đình năm 1982 sau khi đã gần hoàn tất chương trình của Đại học Kiến trúc Sài Gòn, Phục đến định cư tại California. Một năm sau đó thôi anh chàng chỉ mới tự học piano tại Việt Nam đã đậu vào khoa âm nhạc của Đại học Nam California. Học nhạc khi chân ướt chân ráo đến Mỹ để chết đói sao? Đó là lời cô bạn gái cũ của tôi nói qua điện thoại khi tôi hỏi tại sao cô không tiếp tục niềm đam mê âm nhạc như hồi còn ở Việt Nam. Đó cũng là sự thật của những người mới đến “tạm dung” ở nước Mỹ hồi đó (và thậm chí cả bây giờ). Phục cũng khẳng định sau năm năm học, 70% người tốt nghiệp phải bỏ nghề. Số đi tiếp được như Phục là rất hiếm. Số được chọn để học tiếp lên cao học và tiến sĩ tại Đại học Michigan như Phục càng hiếm hơn. Nghề nhạc nó như thế và ở đâu cũng thế. Nhưng tại sao Phục đạt được như vậy? Năm năm học ở đại học, để có được cái bằng bachelor of music (cử nhân âm nhạc), nhiều sinh viên chỉ sáng tác có hai bản concerto, người giỏi lắm là làm được một symphony, một concerto mỗi năm. Riêng mình, hằng năm Phục đều sáng tác ít nhất mười bản nhạc trong đó có hai symphony. Làm việc say mê, điên cuồng như thế nên Phục có một danh mục tác phẩm ngồn ngộn ngoài tấm bằng tốt nghiệp, đến nỗi khi vào phỏng vấn để dự tuyển vào chương trình cao học của Đại học Michigan, người phỏng vấn sau khi xem hồ sơ đã hỏi đùa: “Sáng nay ông đã viết mấy cái symphony rồi?”. Anh bạn tôi sau đó mất thêm sáu năm “điên cuồng” tìm kiếm kiến thức nữa tại chương trình sau đại học. Cùng lúc anh theo đuổi việc nghiên cứu sáng tác (Composition) đồng thời học âm nhạc học dân tộc (Ethnomusicology). Để đạt được bằng tiến sĩ, ngoài sáng tác và công trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải cần hoàn tất 45 tín chỉ. Phan Quang Phục hoàn tất luôn 90 tín chỉ. Thấy gì cũng muốn học, muốn biết chứ không phải học để cho đủ yêu cầu. Anh ghi danh theo học các tín chỉ mà chẳng ai chú ý đến như môn học “Phân tích âm nhạc theo phong cách Schenker” (Schenker Analysis), hay môn “Cách ký âm của thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13”, hay thông thường người ta chỉ cần học “cách đối âm (counterpoint) của thế kỷ 18” thì Phục học luôn môn “Cách đối âm của thế kỷ thứ 16”... Với khối lượng kiến thức khổng lồ như thế và vốn sáng tác còn nhiều hơn thời đại học thì chiếc bằng D.M.A (Doctor of musical arts in composition - tiến sĩ âm nhạc chuyên ngành sáng tác) của Phục không còn là “chuyện học” nữa, đó là kết quả của một quá trình dấn thân tìm kiếm đến tận cùng cái vũ trụ của âm thanh, giai điệu, của sự hài hòa, của các cung bậc và cảm xúc... Phóng to Trở thành PQ Phan Lỗ tai nghe nhạc của một người thông thường như tôi phân biệt được tân nhạc và cổ nhạc (các loại nhạc truyền thống), thi thoảng đồng cảm được một vài bài concerto dễ nghe, hay vài đoạn dễ chịu của dàn nhạc giao hưởng lớn, thậm chí vài bài hát kiểu aria ngọt ngào của opera..., “nặng đô” chút nữa là thấy khó rồi. Còn chuyện đưa nhạc truyền thống vào hiện đại thì tối đa đến cỡ như Kitaro (kết hợp các sắc thái âm nhạc Nhật vào nhạc điện tử), hay ban Gregorian đưa các sắc thái của thánh ca Gregorian vào nhạc rock, hay nhóm The Cranberries đưa nhạc dân ca truyền thống Ái Nhĩ Lan vào nhạc pop... Vậy mà anh bạn của tôi lại chuyên sáng tác loại nhạc cổ điển đương đại, tức sử dụng các loại ngôn ngữ, nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng để tạo lại các sắc thái của cổ nhạc Việt Nam, thậm chí là chèo, hát bội, tuồng... Một concerto kỳ lạ do Phục viết lúc còn học đại học là “Concerto for percussion and mixed ensemble” (Concerto cho bộ gõ hỗn hợp) được khởi hứng từ ký ức về cách đánh trống Bình Định vốn là trống trận xuất quân thời Tây Sơn, trong đó một người đánh cùng lúc 32 cái trống khác nhau. Phục đã tập hợp 40 loại bộ gõ khác nhau từ gỗ đến kim loại và da, có loại có nốt, có loại không nốt thành một dàn nhạc rồi viết bài nhạc cho dàn nhạc cụ này. Bài nhạc đã được đánh giá cao thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, năm 1995, tác phẩm ưng ý nhất của anh là một bản nhạc dài 22 phút viết cho tứ tấu đàn dây và các nhạc cụ truyền thống Việt Nam mang tên Những hồi ức về một linh hồn đã mất (Memoirs of a lost soul) là một hồi tưởng bằng âm nhạc về một quê hương thời chiến tranh với bao kỷ niệm. Tác phẩm chia làm bốn phần, phần 1 tựa đề Tiếng khóc lúc nửa đêm: bốn cây đàn dây phương Tây chơi với đàn bầu để kể về những tiếng khóc xé lòng lúc giữa đêm thời ly loạn. Phần 2 mang tên Trò chơi kèn chuối (Banana trumpet games) thuật lại ký ức về trò chơi ở miền Trung, nơi trẻ nhỏ xé lá chuối để làm kèn. Phần 3, Thảm cảnh tại rạp hát (Tragedy at The Opera): kể về câu chuyện có thật khi tác giả cùng cha mẹ đi xem hát bội tại Quảng Nam, một vai diễn đóng cảnh lên cao trào trước khi gục chết, không ngờ người diễn viên đã chết thật vì xúc động và vì gắng sức. Và phần cuối mang tên Đưa tình (Courting), dàn tứ tấu phương Tây chơi cùng cây đàn đáy truyền thống. Tác phẩm này đáng kinh ngạc khi đạt kỷ lục diễn khắp thế giới hơn 500 lần và đến nay, thỉnh thoảng Phục vẫn nhận các ngân phiếu tiền tác quyền gửi về, lúc từ Thụy Sĩ là 325 đôla và lúc diễn ở Thái Lan chỉ có vài cent... Nhưng tác phẩm lớn nhất của anh thì đang được dàn dựng và sẽ được diễn vào mùa xuân 2014 tới đây, đó là vở opera mang tên Câu chuyện bà Thị Kính (The Tale of Lady Thị Kính), tên bà Thị Kính viết với dấu tiếng Việt đầy đủ. Đây là một chuyển thể vở chèo bất hủ Quan Âm Thị Kính sang opera, dài 135 phút, với dàn nhạc, dàn hợp xướng và 15 vai diễn, toàn bộ phần libretto (lời hát) bằng tiếng Anh, nhưng thú vị hơn cả là lần đầu tiên có hai bài hợp xướng được hát bằng tiếng Việt trong một vở opera. Vở sẽ được diễn tại nhà hát Opera của Đại học Indiana có sức chứa 1.460 người với âm thanh vào loại tốt nhất nhì nước Mỹ. Đại học Indiana cũng đã quyết định đầu tư hơn 500.000 đôla để xây dựng vở diễn và dốc toàn lực các giáo sư và sinh viên ưu tú của trường để tham gia dàn dựng, diễn xuất. Nhà bình luận âm nhạc Robert Carl trong phần giới thiệu về CD Trò chơi kèn chuối của Phục đã viết: “...Với bản chất trừu tượng cao cùng cách ký âm chính xác nhưng linh hoạt, nhạc cổ điển đã cho phép các nền âm nhạc khác thâm nhập và ảnh hưởng lên mình một cách tự nhiên. Chính tính khách quan đó của mình đã giúp các nhà soạn nhạc đến từ bên ngoài văn hóa châu Âu có cơ hội để nhìn lại âm nhạc bản địa của mình một cách rõ ràng hơn. Và PQ Phan với việc nghiên cứu và nắm vững môn âm nhạc học dân tộc đã giúp anh hiểu nhạc truyền thống của mình “từ một khoảng cách”, “từ bên ngoài”, để hiểu cái đặc thù từ một tầm nhìn toàn cầu. Ở mức độ của từng nốt nhạc, Phan đã “chế tạo” một kỹ thuật giúp biểu diễn giai điệu truyền thống Việt Nam trong môi trường phương Tây. Lấy ví dụ cụ thể, một yếu tố chính trong hòa âm của âm nhạc Việt Nam là cách dùng quãng 3 lưng chừng. Đây không phải là quãng 3 trưởng hay quãng 3 thứ. Áp dụng cách luân chuyển nhanh chóng giữa quãng 3 trưởng và thứ, anh đã tạo ra được một âm thanh có thể khơi gợi một phong cách mới vừa thích hợp cho nhạc cụ châu Âu vừa mô tả được lối thực hành của nhạc cụ truyền thống”. Cứ say sưa, miệt mài tìm kiếm như thế, bạn học cũ Phan Quang Phục từ cổng Trường Lê Quý Đôn 35 năm trước đã bước ra sân khấu nhạc hàn lâm thế giới để trở thành PQ Phan. Tự tin và tự hào dân tộc Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh Phan Quang Phục là sự khâm phục một người Việt Nam rất có ý chí. Ở tuổi như anh mà đạt được vị trí phó giáo sư sáng tác tại Đại học Indiana (một trường hàng đầu của Mỹ về nhạc giao hưởng và opera) là một kỳ tích. Đây là kết quả của đam mê, khổ luyện và tài năng. Để có thể được gọi là composer, hay nhà soạn nhạc cổ điển thế giới thì phải thành công trong hai lĩnh vực quan trọng là giao hưởng và opera. Anh Phục đã làm được cả hai điều này. Việc Đại học Indiana chọn dựng vở opera Quan Âm Thị Kính của anh là một thành công. Anh ít về nước nên tên tuổi chưa được biết nhiều trong nước, nhưng trong tương lai anh sẽ có thể giúp ích nhiều cho đất nước trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm này. Anh lại rất có lòng với đất nước, tự tin và tự hào dân tộc rất cao, thể hiện qua các tác phẩm của mình. Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh (nhạc sĩ La Thương - phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội) Tags: Nhạc cổ điểnNhân vậtPQ PhanNhà soạn nhạcSymphony đờiSymphony
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM sẽ thành sàn diễn thời trang HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Hạnh phúc - Happy Forever là chủ đề show diễn thời trang thứ hai trong năm 2024 của nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng, sẽ tổ chức ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;