Public Citizen: 50 năm tranh đấu cho thường dân

HỒNG VÂN 24/11/2021 18:30 GMT+7

TTCT - “Doanh nghiệp có chuyên gia vận động hành lang. Nhân dân cũng cần người tranh đấu”. Tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen đã bền bỉ đứng lên nói thay tiếng nói của người dân và chống lại quyền lực doanh nghiệp trong nửa thế kỷ qua, mới nhất là thách thức quyền lực của các hãng vaccine ngừa COVID-19 khi thế giới đang vô cùng cần chúng.

 
 Ảnh: Public Citizen

"Chúng tôi mong ngài công khai làm rõ vai trò của NIH (Viện Y tế quốc gia Mỹ) với quá trình phát minh [vaccine mRNA của Moderna] và giải thích các bước ngài dự định thực hiện, kể cả các biện pháp pháp lý, để đảm bảo đóng góp của các nhà khoa học liên bang được công nhận đầy đủ” - Public Citizen viết trong bức thư ngày 2-11 đến giám đốc NIH, tiến sĩ Francis Collins.

Trước đó, Moderna nộp đơn xin cấp 4 bằng sáng chế liên quan đến vaccine COVID-19 của hãng, nhưng chỉ ghi nhận sự đóng góp của các nhà khoa học NIH ở một bằng. Public Citizen cho rằng điều này là vô lý và kêu gọi NIH hành động để khẳng định vai trò của các nhà khoa học chính phủ trong quá trình phát minh ra vaccine. Việc này có ý nghĩa quan trọng bởi nếu chứng minh được các nhà khoa học NIH có vai trò lớn trong quá trình phát minh vaccine, Chính phủ Mỹ sẽ có quyền tác động đến giá bán cũng như năng lực sản xuất vaccine Moderna trong tương lai, thay vì để hãng dược tự tung tự tác.

Việc thấy chuyện bất bình và hành động, bằng cách lên tiếng phản đối, tỏ sự ủng hộ hay vận dụng các công cụ pháp lý, thậm chí điều tra là cách mà Public Citizen đã hoạt động trong 50 năm qua, nhằm bảo vệ các công dân bình thường khỏi “làm mồi” cho các doanh nghiệp lớn.

Nửa thế kỷ tranh đấu

Public Citizen là một tổ chức phi lợi nhuận cấp tiến do nhà hoạt động Ralph Nader người Mỹ thành lập năm 1971 để bảo vệ người dân bình thường khỏi trước sức mạnh của các tập đoàn lớn. Ông Nader đã dành cả đời mình trong tư cách là một luật sư và một người bênh vực cho người tiêu dùng để cùng Public Citizen đấu tranh trên nhiều mặt trận, từ chính trị đến chính sách, từ y tế đến môi trường.

Sợi chỉ đỏ liên kết các lĩnh vực mà Public Citizen lên tiếng liên quan đến kiểm soát sức mạnh của các doanh nghiệp lớn, và đối tượng tổ chức này đứng ra nói thay tiếng nói là “những bệnh nhân được kê đơn thuốc nguy hiểm, công nhân tiếp xúc với chất độc hóa học, người lái xe ôtô không an toàn, cử tri được đại diện bởi dân biểu tham nhũng, công dân bị bóc lột bởi các công ty năng lượng và hơn thế nữa”.

Bluetent, trang web chuyên đánh giá các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận cấp tiến, nhận định Public Citizen có tầm quan trọng trong việc giám sát vấn đề thuốc an toàn và giảm bớt quyền lực và ảnh hưởng của các tập đoàn với các lợi ích công, bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị tổn hại bởi các tập đoàn đã đặt lợi nhuận lên trên con người hoặc làm suy thoái môi trường tự nhiên mà chúng ta đang sống.

Mục tiêu to lớn như vậy dĩ nhiên không dễ thực hiện. Giống như nhiều tổ chức cấp tiến khác, Public Citizen thua xa về tiền bạc và nhân sự so với các doanh nghiệp mà họ “đối đầu”. Tổ chức này vì thế áp dụng chiến lược David tí hon đấu người khổng lồ Goliath: tinh gọn bộ máy, dựa vào một đội ngũ nhân viên nhỏ nhưng tận tâm, ý thức rõ về sứ mệnh mà tổ chức theo đuổi - chống tham nhũng và quyền lực doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và người lao động - để vượt qua các đối thủ mạnh hơn về tài chính và lực lượng. Nhiều chương trình quan trọng của Public Citizen có chưa đến 10 người thực hiện.

Public Citizen kết hợp các hoạt động vận động chính sách ngắn hạn, có tập trung và tạo dư luận để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng về các vấn đề mình đòi hỏi thay đổi. Tổ chức này cũng có các nhóm chuyên về pháp lý và vận động lập pháp, sẵn sàng khởi kiện và theo đuổi các tranh chấp pháp lý đến cùng.

Ngoài ra, tham gia hoặc thành lập và lãnh đạo các liên minh cũng là cách làm hiệu quả để Public Citizen đạt được các mục tiêu tranh đấu của mình. Theo Bluetent, Public Citizen đang hoạt động trong 40 liên minh. Nhiều trong số này là các tổ chức cấp tiến lớn do chính Public Citizen thành lập hoặc đồng sáng lập, chẳng hạn Coalition for Sensible Safeguards, gồm hơn 160 nhóm thuộc mọi lĩnh vực, đấu tranh để có môi trường làm việc an toàn cho sức khỏe và bền vững, hay Clean Budget Coalition, với 260 nhóm thành viên hoạt động với mục tiêu phản đối các điều khoản có hại kèm theo các dự luật chi tiêu.

“Điều khiến Public Citizen trở nên khác biệt là họ thu hút được một lượng lớn công chúng theo dõi... Public Citizen giúp đỡ các tổ chức vận động tiến bộ khác bằng cách nâng cao mức độ thảo luận về chính sách của công chúng vào thời điểm những người bảo thủ đang theo đuổi chiến lược công kích cá nhân” - James Goodwin, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao của Tổ chức Center for Progressive Reform, nhận xét.

“Public Citizen đã chứng tỏ mình đủ nhanh nhẹn để xử lý các vấn đề cần giải quyết trong thời gian ngắn và đủ chuyên tâm để đạt được các mục tiêu cải cách dài hạn. Tổ chức này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các liên minh và tập hợp các nhóm tiến bộ với các chương trình nghị sự đa dạng. Sau 50 năm, Public Citizen đã thể hiện khả năng thích ứng với những thay đổi của bối cảnh chính trị, chuyển sang đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt phong trào tiến bộ chống lại các công ty công nghệ thống trị.

- Đánh giá của Bluetent về Public Citizen

Một vụ điển hình

Trong 50 năm hoạt động, Public Citizen nhiều lần giành chiến thắng trong các cuộc chiến pháp lý, và các đề xuất, kiến nghị về chính sách của tổ chức này cũng đến được với các cơ quan hữu trách cao nhất, từ Quốc hội, Tòa án tối cao đến Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ và các bộ ngành.

Năm 2014, Bộ Giao thông Mỹ ra quy định xe hơi sản xuất từ tháng 5-2018 bắt buộc phải có camera lùi. Dù đây là quy định quan trọng, liên quan trực tiếp đến mạng sống con người nhưng bộ này đã lần lữa hằng năm liền và có thể sẽ tiếp tục “chây lì” nếu Public Citizen không vào cuộc.

Trước thời điểm 2014, ở Mỹ trung bình mỗi năm có 292 trường hợp tử vong và 18.000 trường hợp bị thương do tai nạn do lùi xe, đa số là trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 75 hoặc người bị khuyết tật, theo Bộ Giao thông. Nguyên nhân là khi không có camera lùi, tài xế sẽ có một khoảng mù lớn, từ 3-12m sau xe, mỗi lần lui xe dễ gây tai nạn.

Để ngăn những thương vong không đáng có này, nhiều tổ chức và người làm cha mẹ đã vận động để Quốc hội thông qua luật buộc các nhà sản xuất xe hơi phải cài đặt công nghệ hiển thị tầm nhìn phía sau. Năm 2008, Đạo luật an toàn giao thông cho trẻ em Cameron Gulbransen ra đời. Luật này đặt theo tên con trai của ông Greg Gulbransen, người đã vô ý làm chết con mình khi lùi xe vào năm 2002 vì khuất tầm nhìn.

Theo đạo luật này, Bộ Giao thông Mỹ phải sửa đổi tiêu chuẩn an toàn xe cơ giới của liên bang để mở rộng tầm nhìn, cho phép người lái xe nhìn thấy phía sau và ra các văn bản dưới luật với các quy định cụ thể trong vòng ba năm - tức trước ngày 28-2-2011.

Bộ Giao thông ra bản dự thảo quy định vào năm 2011, rồi “ngâm” trong 19 tháng. Đến tháng 6-2013, sau ba lần gia hạn, Bộ Giao thông tiếp tục chây ì, hẹn đến tháng 1-2015 mới ban hành quy định chính thức với lý do cần thời gian để nghiên cứu rộng rãi thêm. Hết kiên nhẫn, Public Citizen và đại diện một số tổ chức đâm đơn kiện. Sự chậm trễ của cơ quan này khiến hơn 200 người chết và cả ngàn người bị thương mỗi năm trong giai đoạn đó.

Ngày 31-3-2014, một ngày trước khi Tòa phúc thẩm vòng hai xét xử đơn kiện do Public Citizen đệ trình, Bộ Giao thông Mỹ ra quy định về tiêu chuẩn an toàn về tầm nhìn sau xe, bao gồm việc xe sản xuất phải có sẵn camera lùi nói trên. Mặc dù không bao giờ có thể sửa chữa những mất mát đã xảy ra do sự chậm trễ, hàng trăm người đã được cứu sống mỗi năm nhờ Public Citizen đã đấu tranh không mệt mỏi để cơ quan chức năng làm việc của mình.

Tháng 10-2021, Public Citizen cho biết Pfizer đã dựa vào thế độc quyền để nắm “kèo trên” và “ức hiếp” nhiều chính phủ trong các hợp đồng cung ứng vaccine phòng COVID-19 của hãng này. Theo báo cáo của Public Citizen, trong dự thảo và thỏa thuận chính thức được ký kết với Mỹ, Anh, Brazil và các quốc gia khác mà Public Citizen tiếp cận được, Pfizer giữ quyền buộc các chính phủ “im lặng” về mối quan hệ với hãng dược, và được “bóp” số lượng cung ứng, tất cả nhằm để tối đa hóa lợi nhuận.

Ngoài vấn đề bảo mật, hợp đồng quy định các tranh chấp được giải quyết tại các tòa án trọng tài bí mật, thay vì phân xử ở tòa án công khai. Pfizer còn được quyền thay đổi các điều khoản quan trọng, bao gồm ngày giao hàng. Các hợp đồng cũng yêu cầu các chính phủ “bồi thường, bảo vệ và đảm bảo Pfizer không bị hại trước bất kỳ các vụ kiện tụng, khiếu nại, hành động, yêu cầu, tổn thất, thiệt hại và chi phí liên quan đến sở hữu trí tuệ vắc xin”. Các bản hợp đồng kể trên đã “đặt lợi ích của Pfizer lên trước các yêu cầu về sức khỏe cộng đồng” - tác giả báo cáo Zain Rizvi, nhà nghiên cứu luật và chính sách của Public Citizen, chỉ trích.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận