Qatar và World Cup 2022: Thế lực mới trên con sóng toàn cầu hóa

BAN CẦM 06/12/2022 06:06 GMT+7

TTCT - World Cup là cơ hội tốt để đặt ra hai câu hỏi: Bóng đá được định hình thế nào bởi toàn cầu hóa? Và phản ứng dữ dội nhắm vào Qatar tác động thế nào tới World Cup 2022?

Không có môn thể thao nào vượt qua mọi biên giới được như bóng đá. Bóng bầu dục đã thất bại thảm hại trong nỗ lực vượt Đại Tây Dương. 

Bóng chày chỉ có thể phủ sóng đến châu Mỹ Latin và một phần châu Á. Cricket bị giới hạn ở một vài vùng thuộc địa cũ của Anh. Golf có độ phủ toàn cầu nhưng rất chán, và không phải ai cũng có thể tiếp cận môn này.

Qatar và World Cup 2022: Thế lực mới trên con sóng toàn cầu hóa - Ảnh 1.

Ảnh: Code Sports

Từ bài học của Hoa Kỳ

Bóng đá được xem ở bất kỳ đâu có tín hiệu tivi và được chơi ở mọi nơi có thể mua được một quả bóng. Ngay cả Osama bin Laden, một CĐV của Arsenal, cũng khuyến khích lính tráng dưới quyền đá bóng khi ông còn ở Afghanistan.

Quyền năng của bóng đá vẫn liên tục thu hút những CĐV cỡ bự. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu tham vọng là Trung Quốc sẽ đăng cai và vô địch World Cup 2050. 

Sau khi bị Qatar vượt mặt vào năm 2022, Mỹ sẽ đăng cai World Cup 2026 cùng Canada và Mexico. 

Với đà phát triển của môn bóng đá nữ và tình trạng bạo lực trong bóng đá đã giảm đi đáng kể, ít nhất là ở Tây Âu, bóng đá cũng đang thu hút nhiều CĐV nữ hơn bao giờ hết: 40% khán giả theo dõi World Cup 4 năm trước là nữ giới.

Tại Qatar, chúng ta lại chứng kiến nhiều cột mốc lịch sử nữa: lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại một quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, lần đầu tiên diễn ra vào mùa đông, và lần đầu tiên World Cup là trung tâm của một dự án toàn quốc dài hơi được đầu tư quy mô chưa từng thấy.

Al Thani, gia tộc cầm quyền của Qatar, đã sử dụng khối tài sản vô tận từ khí đốt tự nhiên hóa lỏng để đảm bảo an ninh và sự thịnh vượng lâu dài cho quốc gia này. 

Vào giữa những năm 1990, họ xây dựng một căn cứ không quân trị giá hàng tỉ USD cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, và thành lập Al Jazeera, hiện đã trở thành mạng lưới truyền thông lớn thứ ba toàn cầu.

Kể từ đó, Qatar luôn coi bóng đá là một kênh đầu tư chủ lực. Qatar Sports Investments mua đội bóng Pháp Paris Saint Germain vào năm 2011 và biến nó từ một CLB đang thoái trào thành một thế lực của châu Âu. 

Nhiều tập đoàn Qatar ký hợp đồng tài trợ với các CLB hàng đầu thế giới như Barcelona (36 triệu USD mỗi năm để xuất hiện trên áo đấu), Real Madrid, Bayern Munich và AS Roma.

Kế hoạch toàn cầu hóa bóng đá này không có gì mới mẻ: Mỹ thực ra chính là quốc gia tiên phong trong tận dụng làn sóng túc cầu giáo toàn cầu này, dù vào đầu những năm 1980, thái độ của người Mỹ với bóng đá còn là hoàn toàn thờ ơ. 

Cho tới lúc đó, cách tiếp cận của Hoa Kỳ với thể thao gồm hai chiến lược vượt thời gian và có phần tách biệt với phần còn lại của thế giới: 

(1) một mình một sân chơi, và chơi trò của riêng họ - những môn và giải đấu quốc hồn quốc túy của Mỹ, bóng rổ (NBA), bóng bầu dục (NFL) hay bóng chày (MLB), đều ở một đẳng cấp khác so với cả thế giới; 

(2) khát khao truyền bá hệ giá trị của họ (dân chủ, Coca-Cola, bóng chày, bóng rổ và tất cả những thứ tương tự) ra khắp thế giới.

Nhưng rồi chính Hoa Kỳ cũng không thể mãi cưỡng lại sức hút của bóng đá, môn thể thao cho thấy rằng không như phim ảnh hay âm nhạc, thế giới văn hóa đại chúng không thể chỉ xoay quanh Hoa Kỳ. 

Liên đoàn Bóng đá Mỹ bắt đầu tiếp cận môn thể thao đấy với tư duy quốc tế, và giới đầu tư ở đó cũng đã làm đúng những việc như Qatar đang làm để hội nhập và tiếp cận các thị trường mới: đổ thật nhiều tiền nhằm đốt cháy giai đoạn.

Người Mỹ hiện có cổ phần sở hữu (dù có thể không phải quyền kiểm soát) phần lớn trong 20 CLB Ngoại hạng Anh. 4 trong số 6 đội thuộc nhóm "big six" - Arsenal, Manchester United, Liverpool và Chelsea - hiện hoàn toàn nằm trong tay các ông chủ Mỹ.

Khi Qatar trỗi dậy

Từ thời điểm giành quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, Qatar cũng đã chi hơn 250 tỉ USD để đầu tư vào mọi thứ liên quan đến bóng đá, tức gấp khoảng 5 lần số tiền Trung Quốc chi cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008 (42 tỉ USD) hay Nga chi cho Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 (55 tỉ USD). 

10 tỉ được bỏ vào xây mới 8 sân vận động. Phần còn lại là để lột xác một đất nước: cải tạo toàn bộ trung tâm thành phố Doha, xây gần 100 khách sạn mới, mở rộng cảng và sân bay, cải tạo hệ thống giao thông, xây thêm ba tuyến tàu điện ngầm, và nguyên một thành phố mới với nhà ở cho hơn 250.000 người mọc lên.

Cho tới giờ, phương Tây vẫn giữ thái độ thù địch với dự án phi thường này của Qatar, thậm chí còn gay gắt hơn so với vòng chung kết diễn ra tại Nga 4 năm trước. 

Danh sách các cáo buộc nhắm vào Qatar ngày một dài: gia tộc Al Thani chỉ sử dụng World Cup để củng cố quyền lực; hơn 6.000 lao động nước ngoài chết trong các dự án liên quan tới World Cup (con số đã bị đài Đức DW kiểm tra và bác bỏ); ngay cả lệnh cấm uống bia rượu cũng bị chê bai dữ dội. 

Tóm lại, Qatar đại diện cho tất cả những gì sai trái xảy ra với một môn thể thao duy mỹ trong thời đại toàn cầu hóa.

Chắc chắn sự đối xử với lao động nhập cư dưới cái nóng và khói bụi sa mạc là rất kinh khủng, định kiến với người đồng tính cũng ngày càng ít được chấp nhận trong một thế giới văn minh, nhất là ở một sự kiện toàn cầu, được phát sóng trên toàn thế giới và tài trợ bởi các công ty đa quốc gia. 

Nhưng chúng ta nên cẩn trọng với xu hướng coi bóng đá là hiện thân của các giá trị khai sáng phương Tây, và càng phải cẩn trọng hơn khi cho rằng những giá trị khai sáng đó bị đe dọa chỉ vì chúng tiếp xúc với một xã hội Trung Đông.

Hoàn toàn có thể tin rằng 250 tỉ USD Qatar đã chi ra sẽ mang đến không ít tiến bộ. Bản thân người dân Qatar đã tự "cởi trói" trên nhiều phương diện. Vẫn có thể mua được bia "nhẹ đô" gần sân vận động và đủ loại rượu trong quầy bar khách sạn. 

Chính quyền đã cẩn trọng hơn trước các cáo buộc vi phạm nhân quyền vì đối xử hà khắc với người đồng tính - đoạn clip đại sứ World Cup của họ, cựu tuyển thủ Khalid Salman, nói người đồng tính "nên bị cấm" và "mất não" đã bị xóa. 

Trong tương lai, bộ luật lao động hà khắc của quốc gia này có lẽ cũng sẽ thay đổi, nhờ áp lực của sự chú ý từ cả thế giới do World Cup.

Rốt cuộc trong một giải bóng đá, chỉ các trận đấu là quan trọng. Hàng tỉ người nhanh chóng quên đi những cãi cọ khi bị cuốn vào cơn sốt World Cup. 

Bóng đá không chỉ là trò chơi đẹp mắt mà còn khó đoán: Saudi Arabia đánh bại Argentina, Nhật hạ Đức, Morocco nốc ao Bỉ, các trận đấu ngập tràn bàn thắng và kịch tính: Cameroon hòa Serbia 3-3, Tây Ban Nha hòa Đức 1-1, Ghana thắng Hàn Quốc 3-2… 

Chúng ta đang sống trong thời đại kỳ vọng giảm dần và tầm nhìn bị thu hẹp. Người Qatar đã đi ngược xu hướng bằng cách nghĩ lớn, và dù đội tuyển nước chủ nhà đã phải sớm dừng cuộc chơi thì những gì Qatar đã làm được cho World Cup, bóng đá, thậm chí là mở ra những tiến bộ mới cho một khu vực Hồi giáo bảo thủ, vẫn xứng đáng được ghi nhận.

Sự phản đối kịch liệt từ phương Tây có thể là bởi những lo ngại cho các giá trị phổ quát bị đe dọa. 

Nhưng cũng không loại trừ đó là nỗi lo của một thế lực thống trị cũ, trước một tay chơi mới khôn ngoan, biết cách tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào của mình để mở ra một kỷ nguyên mới, khi bóng đá được toàn cầu hóa có thể khuếch đại các hệ giá trị cho bất kỳ nền văn hóa nào đủ quyết tâm và khôn khéo.■

Toàn cầu hóa bóng đá đang được thúc đẩy bởi động năng cơ bản nhất của thị trường: các đội thu hút tài năng tốt nhất kiếm được nhiều tiền nhất và đội kiếm được nhiều nhất có thể mua được nhiều tài năng nhất.

Điều này dẫn đến sự hình thành các siêu giải đấu của những đội bỏ xa phần còn lại của thế giới bóng đá, và châu Âu, nơi nổi tiếng với sự miễn cưỡng đón nhận các giá trị thương mại thuần túy, đã chấp nhận những đồng tiền từ Qatar nói riêng và thế giới Ả Rập nói chung.

Ở Premier League, giải đấu toàn cầu hóa nhất thế giới, 3/4 các cầu thủ và hơn một nửa các HLV là người nước ngoài. Một nửa các CLB, gồm hầu hết những đội hàng đầu, cũng có các ông chủ ngoại quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận