Quan chức xin lỗi, nhận trách nhiệm: Hiếm thấy, cần thiết và... chưa đủ!

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 15/11/2008 19:11 GMT+7

TTCT - Lời xin lỗi trên báo điện tử VNN của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị sau phát biểu chê trách “người dân Hà Nội trông chờ, ỷ lại nhà nước” trong đợt mưa lụt vừa qua, được chính ông nhận xét là “gây nên sự bức xúc và bị phê phán”, và tuyên bố xin nhận trách nhiệm cá nhân về việc dự báo sai (sản lượng lúa) của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại nghị trường, đã được nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận như một nét mới đáng hoan nghênh từ các quan chức cao cấp.

Phóng to
Ông Nguyễn Minh Thuyết
TTCT - Lời xin lỗi trên báo điện tử VNN của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị sau phát biểu chê trách “người dân Hà Nội trông chờ, ỷ lại nhà nước” trong đợt mưa lụt vừa qua, được chính ông nhận xét là “gây nên sự bức xúc và bị phê phán”, và tuyên bố xin nhận trách nhiệm cá nhân về việc dự báo sai (sản lượng lúa) của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại nghị trường, đã được nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận như một nét mới đáng hoan nghênh từ các quan chức cao cấp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - QH) nói:

- Ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với tôi trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp QH lần này là thái độ thẳng thắn tự phê bình của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Tôi kính phục ông ấy về thái độ đó và tôi chắc rằng cử tri cả nước sẽ chia sẻ với tôi về đánh giá này. Đây là một nét văn hóa cần phải được các thành viên Chính phủ học hỏi. Tuy nhiên tôi cũng mong muốn là đối với cấp dưới và các địa phương có những sai lầm trong công việc thì bộ trưởng cũng nên có thái độ thẳng thắn như thế. Vì nếu có xác định trách nhiệm rõ ràng và có xử lý công minh thì bộ máy mới vận hành trơn tru được.

* Hoạt động lâu năm ở nghị trường, trực tiếp chứng kiến và chất vấn tại nhiều kỳ họp, ông có thấy các vị bộ trưởng sẵn sàng nhận trách nhiệm như ông Cao Đức Phát?

- Đúng là rất hiếm! Theo tôi, khi đại biểu QH đặt câu hỏi về trách nhiệm thì đó chính là câu hỏi của cử tri, là mệnh lệnh cuộc sống, nó cần được các vị bộ trưởng nhận trách nhiệm để có giải pháp khắc phục khuyết điểm.

* Ông Phạm Quang Nghị cũng đã đưa ra lời xin lỗi về phát ngôn của mình. Ông nghĩ sao?

- Tôi nhớ đây không phải lần đầu tiên ông Phạm Quang Nghị nhận khuyết điểm vì lỡ lời. Lần đầu tiên ở QH khóa XI, khi ông Phạm Quang Nghị (lúc đó là bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin) dùng hình ảnh “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” để nói về tình trạng mất mát cổ vật di sản thì ông cũng đã đứng ra xin lỗi. Với lần thứ hai này, tôi cho đó là thái độ dũng cảm mà không phải ai cũng có thể có được, nhất là ở một người cấp cao như thế (ủy viên Bộ Chính trị). Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ông Nghị cần có thái độ thẳng thắn đối với những lúng túng và yếu kém của Hà Nội trong việc phòng chống úng ngập vừa qua.

* Tân Bộ trưởng Giao thông và lãnh thổ Nhật Bản Nariaki Nakayama đã quyết định từ chức sau khi đưa ra hàng loạt phát biểu gây tranh cãi. Ông nghĩ sao về việc “xin lỗi và nhận trách nhiệm” của các quan chức VN?

- Trước hết cần khẳng định việc các chính khách ở nước ta đứng ra xin lỗi và nhận trách nhiệm là thái độ mạnh mẽ, dũng cảm. Với Bộ trưởng Cao Đức Phát, không những nhận trách nhiệm mà còn xin nhận mọi hình thức kỷ luật của QH. Tuy nhiên như nhận xét của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: “Cái đó chưa đến mức kỷ luật, đây nói trách nhiệm cá nhân trong công tác điều hành để chúng ta rút kinh nghiệm thôi”.

Các vị bộ trưởng nên coi việc xin lỗi và nhận trách nhiệm là chuyện bình thường. Còn việc trung ương, QH hay Chính phủ có kỷ luật ai hay không thì đó là vấn đề khác nữa.

* Với những quan chức có thói quen thả trách nhiệm “chạy” lòng vòng như nhận xét của phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga?

- Với những trường hợp chạy lòng vòng đó cần xem lại quy định pháp luật. Điều quan trọng đối với các chính khách là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm về việc hoạch định và thi hành chính sách. Nếu họ không khiến QH thỏa mãn trong việc tường trình trách nhiệm thì QH có thể đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm.

* Nghĩa là QH cần phải có chế tài đối với trách nhiệm chính trị của các bộ trưởng khi cần thiết?

- Tôi nghĩ những vị được Đảng và Nhà nước giao vị trí, giữ trách nhiệm cao khi đã thẳng thắn tự phê bình thì chắc là phải có kế hoạch để tự khắc phục. Tuy nhiên QH cần có hình thức giám sát nhất định để thúc đẩy việc khăc phục đó. Trong những trường hợp cần thiết thì QH phải ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, xác định trách nhiệm và những việc bộ trưởng cần giải quyết, làm cơ sở cho các đại biểu tiếp tục giám sát xem các bộ trưởng có thực hiện những hứa hẹn khắc phục khuyết điểm của mình hay không.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận