Quan hệ Việt - Pháp: Tường trình từ Lyon

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 04/01/2004 02:01 GMT+7

TTCN - Trong sinh hoạt cuối năm "Ngày mở cửa" của Chi hội Rhône Hội Người VN tại Pháp, chủ tịch Lâm Thành Mỹ có sáng kiến mở cuộc thảo luận bàn tròn nhìn lại tình hình hợp tác Pháp - Việt thời gian qua, đặc biệt giới thiệu các tác nhân trong vùng Lyon và Grenoble. Đây cũng là một việc làm tích cực và có bề sâu của một Hội Người Việt ở nước ngoài.


Chủ tịch nước Trân Đức Lương (phải) tiêp Tông thông Pháp J. Chirac. Ảnh: Cao Phong

Không ngờ cuộc họp lại qui tụ đến 2/3 là người Pháp, gồm chuyên gia lẫn các nhà kinh doanh. Người Việt thì đa phần thuộc giới đại học Pháp và cả du học sinh Việt.

Giáo sư Guy Faure - phó giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO) của Pháp - báo cáo về kết quả hợp tác với VN tại hội nghị lần 5 hồi tháng mười vừa qua ở Toulouse. Nhà nghiên cứu Agathe Larcher - Goscha nói về công tác nghiên cứu VN ở Pháp.

Về mặt viện trợ cho VN, tuy nước Pháp chỉ đứng vào hàng thứ tư, kim ngạch thương mại đứng sau cả một nước nhỏ như Hà Lan ở châu Âu, nhưng lại có đến 500 dự án hợp tác nhiều mặt với VN. Điều đáng quí là sự hợp tác này đã bắt đầu từ những năm khó khăn sau chiến tranh.

Các phương án hợp tác bền bỉ nhất nằm ở các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu đô thị. Tại Pháp, khá đông du học sinh và chuyên viên (nhiều nhất ngành y tế) Việt sang học tập và tu nghiệp. 

Riêng tại Lyon đã có 300 du học sinh Việt, Grenoble 100. Rất nhiều người tình nguyện trong các chương trình hợp tác Francophonie (Khối các nước nói tiếng Pháp), chuyên gia nghiên cứu, chuyên viên kỹ thuật và nhà kinh doanh Pháp... cũng đã sang VN.

Các nhà qui hoạch đô thị Lyon (nhiều người tôi đã gặp ở VN) nói nhiều về kinh nghiệm hợp tác có kết quả với phía đối tác VN, đặc biệt ở TP.HCM. Vừa qua, họ đã góp ý cho việc chuẩn bị cuộc thi góp ý qui hoạch xây dựng bán đảo Thủ Thiêm, nghiên cứu phương án tàu điện ngầm ở TP.HCM và phục hồi xe điện tramway ở Hà Nội. Các nhà giáo dục, luật gia thì làm được nhiều việc ở Hà Nội.

 Hợp tác Việt - Pháp qua các con số

- 140 dự án hợp tác đại học đã được ký kết.

- Hiện có 2.221 sinh viên VN đang theo học tại Pháp, trong đó có 574 sinh viên nhận học bổng của Pháp. Nói chung, chương trình học bổng nhằm đến các sinh viên muốn tiếp tục học cao học và tiến sĩ.

- 110 học bổng mới cho năm học 2004-2005. Nộp đơn trước ngày 17-1-2004.

Địa chỉ liên lạc: Hanoi.bureau-bourses@diplomatie.fr

Nguồn: sứ quán Pháp tại Hà Nội

Tuy vậy, việc hợp tác Pháp - Việt cũng có các mặt hạn chế. Từ lâu người Pháp cứ ngỡ đến VN là có thể hít thở không khí Pháp ngày nào, nhưng quên rằng người Việt nay nói tiếng Anh nhiều hơn. 

Một giáo sư Việt kiều cho biết nay chỉ có khoảng 2% người Việt hiểu được tiếng Pháp. Mặt khác, mặt hạn chế của các nhà nghiên cứu Pháp là ít người hiểu biết tiếng Việt. 

Một số đại học Pháp nay có mở khoa tiếng Việt nhưng số người theo học không đông. Số lượng dự án hợp tác rõ ràng là quá phân tán, qui mô nhỏ, khó đem lại kết quả dễ nhìn thấy.

Đa số người Việt sinh sống ở nông thôn, vậy mà không có nhiều dự án yểm trợ khu vực này (dự án về đồng bằng sông Hồng, một dự án nhỏ thể nghiệm về pin mặt trời ở Nam bộ...), tuy nước Pháp có nhiều kinh nghiệm và tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp mới. 

Chú trọng quá nhiều vào đào tạo cấp đại học chỉ làm tăng số người có bằng cấp mà quên rằng VN nay cần rất nhiều kỹ thuật viên và công nhân lành nghề, gồm cả người làm nghề thủ công.

Các mô hình đô thị tiên tiến phương Tây không thể áp dụng ngay ở một đất nước còn nghèo và các đô thị đang phải đối đầu với sự chuyển dịch ồ ạt của người dân nông thôn vào đô thị, tạo nên sức ép của một khu vực phi chính qui, đông đảo nhưng không có tay nghề.

Người Pháp nói nhiều đến "phát triển bền vững", nhưng trong lĩnh vực môi trường, cảnh quan thiên nhiên, phát triển đô thị bền vững cũng chưa giúp được gì nhiều cho đối tác VN vốn còn rất thiếu kinh nghiệm. Ví như nên tích cực góp ý về việc có nên hay không nên xây dựng lò điện hạt nhân ở VN.

Nói chuyện sau đó với giáo sư Faure, tôi được biết rằng sở dĩ các dự án Pháp ở VN manh mún và phân tán là do mỗi vùng, mỗi đại học, viện nghiên cứu Pháp đều muốn tiến hành cùng lúc các dự án ở VN.

Tôi lưu ý ông rằng ở cuộc Hội thảo quốc tế VN học lần 1 ở Hà Nội năm 1998, Pháp chỉ có mặt các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trước. Ông nhìn nhận thế hệ nghiên cứu mới về VN ở Pháp quá mỏng, lại không rành tiếng Việt, trong khi giới nghiên cứu trẻ Nhật và Mỹ khá năng động, đa phần nói được tiếng Việt.

Giáo sư Lâm Thành Mỹ nói dẫu sao người Pháp cũng tiến hành được đến 500 dự án ở VN, một điều mà ít nước nào làm nổi. Ông cho biết Hội Người VN tại Pháp nay cũng tạo nhiều cơ hội cho sự hợp tác Pháp - Việt qua các mối quan hệ mật thiết với Hội Hữu nghị Pháp - Việt, các đại học lẫn viện nghiên cứu châu Á, các hội đoàn kinh doanh Pháp. 

Hai thành phố như Lyon và Grenoble trong vùng Rhône - Alpes đã hoạt động khá tích cực. Hai đại học ở đó đã ký kết hợp tác đặc biệt với TP.HCM và Đồng Nai. Du học sinh Việt được đào tạo thành kỹ sư, kỹ thuật viên trong nhiều ngành.

Viện Nghiên cứu Đông Á ở Lyon cũng lập được một thư viện VN học khá lớn. Thư viện của tất cả các Dòng Tên tại đây tàng trữ nhiều tư liệu quí hiếm về châu Á các thế kỷ 17-19.

Câu lạc bộ Rhône - Mekong là tổ chức qui tụ nhiều người Pháp có cảm tình với VN, rất tích cực trong các hoạt động văn hóa - xã hội, nhất là công tác xóa đói nghèo, yểm trợ học sinh nghèo ở VN. 

Bản thân anh Lâm Thành Mỹ cũng thường đi lại giữa Pháp và VN do có chân trong dự án hợp tác cải tổ đào tạo đại học VN.

Chi hội Rhône của Hội người VN tại Pháp đang đổi mới sinh hoạt và chú ý đi vào các dạng hoạt động cụ thể và có chiều sâu, gắn bó Việt kiều với đồng bào trong nước nhiều hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận