Người ta vẫn nói không ai có quyền chọn nơi mình sinh ra. Nhưng còn cái chết thì sao, liệu ta có quyền lựa chọn? An tử là một giải pháp luôn gây tranh cãi. Ảnh: YouTubeNhững ràng buộc đạo đức, tập tục, văn hóa và pháp luật cũng đã khiến hầu hết chúng ta chẳng có quyền chọn địa điểm, thời điểm, và cách thức chết, vốn phải là một quyền cơ bản của những ai theo đuổi tự do cá nhân, khi mà nơi sinh ta đã không được chọn rồi. Nhưng không phải tất cả mọi người đều chịu khuất phục những hạn chế nhân tạo đó. Một số vẫn vùng vẫy thoát ra: tuần trước, khoa học gia nổi tiếng David Goodall, ở tuổi 104, đã lặn lội từ Úc tới tận Thụy Sĩ để được quyền an tử.Nhà sinh thái và thực vật học lừng lẫy sinh ở London, nói với BBC rằng ông đã quyết định đi đến cái chết vì chất lượng sống của ông đã suy giảm tới mức khó chịu nổi. Không lâu trước khi qua đời, Goodall nói ông “hạnh phúc vì đã chấm dứt cuộc sống” theo cách đó. “Cuộc đời tôi thật khốn khổ trong cả năm qua, nên tôi rất hạnh phúc được chấm dứt nó - ông nói trên giường trăng trối - Tôi mong rằng tất cả những sự chú ý mà tôi nhận được vì quyết định này sẽ giúp ích cho sứ mệnh quyền an tử với những người già, là điều tôi luôn mong muốn”.Thụy Sĩ là một trong hiếm hoi những nước trên thế giới đã hợp pháp hóa “quyền chết”, và Goodall qua đời “trong bình yên” ở một bệnh viện tại Basel sau một liều thuốc an thần Nembutal, BBC dẫn lời Philip Nitschke, người sáng lập tổ chức Exit International, vốn đã góp tay giúp Goodall tự kết liễu. Tuy nhiên ngay cả ở Thụy Sĩ, nước thông qua luật an tử từ năm 1942, Nitschke nói giấy tờ là hết sức lằng nhằng: “Thật ra những lời cuối cùng của ông ấy là: Thế quái nào chuyện này lại mất thời gian thế!”.Bữa ăn cuối cùng của Goodall, người mà công trình đáng kể nhất có lẽ là góp sức vào bộ đại bách khoa 30 tập tựa đề Các hệ sinh thái của thế giới, là những món ông thích nhất: cá với khoai tây chiên và bánh phô mai, trên nền bản Giao hưởng số 9 của Beethoven.Khoảng 2 tuần trước khi Goodall qua đời (11-5), vào ngày 28-4, câu chuyện bi kịch về cậu bé 2 tuổi Alfie Evans cũng đã làm dấy lên tranh luận dữ dội về quyền được chết. Alfie, sinh ở Liverpool năm 2016, mắc một chứng thoái hóa thần kinh hiếm gặp không rõ nguyên nhân từ khi mới ra đời. Đội ngũ bác sĩ và cha mẹ bé đã bất đồng với nhau về việc có duy trì đời sống thực vật cho Alfie hay không, và họ đã dẫn nhau ra tòa. Bệnh viện nhi Alder Hey muốn tòa tuyên việc để Alfie tiếp tục sống thực vật là “tàn nhẫn và phi nhân tính”, là không phải vì lợi ích tốt nhất của cậu bé. Nhưng cha mẹ cậu, Kate James và Thomas Evans, phản đối.Từ cuối tháng 12-2017 tới ngày cuối tháng 3-2018, vụ việc đã đi qua tòa thượng thẩm, tòa phúc thẩm, rồi tòa tối cao Anh, lên cả Tòa nhân quyền châu Âu, và mọi thẩm phán đều phán quyết để Alfie được ra đi. Tòa thượng thẩm Anh, trong phán quyết của họ, nói các kết quả chụp điện não đồ cho thấy Alfie “không còn ý thức được gì về xung quanh” và “bộ não hoàn toàn không còn khả năng hồi phục và chỉ gây ra những cơn co giật nơi cậu bé”.Thật dễ cảm thông là cha mẹ Alfie không muốn bỏ cuộc. Vụ việc nhanh chóng gây tiếng vang, giúp họ thu hút được nhiều người ủng hộ. Ngày 18-4, cha Alfie bay sang Rome gặp Giáo hoàng Francis trong 20 phút. Giáo hội Công giáo, vốn luôn phản đối mọi hình thức hủy hoại sự sống, đã tác động để Nhà nước Ý cấp quốc tịch khẩn cấp cho Alfie vào ngày 23-4 và bày tỏ mong muốn chuyển cậu tới một bệnh viện tại Rome. Nhưng không lâu sau đó, ống thở của Alfie đã được rút ra, cậu bé chỉ còn thở nhờ hô hấp nhân tạo của cha mẹ và qua đời 5 ngày sau ở Bệnh viện Alder Hey.Vụ việc gây ra tranh cãi dữ dội về chính sách an tử, quyền của cha mẹ với con cái, và sự can thiệp của nhà nước với vấn đề sống - chết, theo đúng nghĩa đen, của công dân. Các tòa án ở Anh giải thích rằng lợi ích tốt nhất của đứa trẻ là “tiêu chuẩn vàng” để họ đưa ra phán quyết, và khi các bậc cha mẹ quyết định đi ngược lại, thì đấy cũng là giới hạn với quyền của họ với con cái. Báo Anh The Guardian kết lại vụ việc: “Không thách thức pháp lý nào có thể đi ngược lại phán quyết của tòa rằng nhu cầu lớn nhất của Alfie là “sự bình an, tĩnh lặng và riêng tư để cậu bé có thể khép lại cuộc đời mình, như cậu đã sống cuộc đời đó, trong tự trọng””.■Pháp lý phân biệt “tự sát có hỗ trợ” (assisted suicide) và “an tử qua bên thứ ba” (euthanasia). Trong phương pháp đầu, đó là một hành động có chủ ý để giúp một người tự kết liễu bản thân, bằng cách cung cấp phương tiện cho họ làm điều đó, thường là thuốc có kê toa (Goodall đã dùng cách này). Trong khi đó, an tử có sự can thiệp của bên thứ ba, thường là bác sĩ để xử lý khi người bệnh không thể tự làm (trường hợp của Alfie). Thụy Sĩ là nước duy nhất cung cấp dịch vụ “tự sát có hỗ trợ” cho người nước ngoài. Hà Lan, Bỉ, Canada và Luxembourg đều cho phép an tử và tự sát có hỗ trợ. Ở Hà Lan và Bỉ, an tử cho người vị thành niên được xem xét theo từng trường hợp. Ở Mỹ, các bang Oregon, Washington, Vermont, Montana, California, Colorado và Hawaii cho phép an tử với các bệnh nhân vô phương cứu chữa. Tags: Tự sátAn tửPháp lýSống chếtQuyền được chết
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.