Quyền lực của một đế chế mới

TRẦN TRỌNG 20/04/2018 03:04 GMT+7

TTCT - Tương lai của công nghệ đang mở ra ngay trước mắt chúng ta, thay đổi cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chọn lựa các quảng cáo nhắm tới chúng ta, quyết định ai được vay tiền và ai không, cũng như khiến công ăn việc làm của chúng ta thay đổi hoàn toàn. Tất cả càng khiến cuộc điều trần của CEO Facebook Mark Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ tuần trước được chờ đợi, để rồi nỗi thất vọng lại càng lớn.

An ninh thông tin cá nhân và quyền riêng tư trên những nền tảng mạng xã hội là điều rất mới mẻ với chúng ta. Ảnh: mintpressnews.com
An ninh thông tin cá nhân và quyền riêng tư trên những nền tảng mạng xã hội là điều rất mới mẻ với chúng ta. Ảnh: mintpressnews.com

Cuộc điều trần kéo dài hai ngày đã thu hút 44 thượng nghị sĩ và 55 hạ nghị sĩ, những con số cho thấy sự quan tâm của chính giới cũng như xã hội Mỹ tới mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này. Nhưng vào gần cuối cuộc điều trần, thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng hòa, Louisiana) đã nói lên một “sự thật đau lòng”: chính các chính trị gia được coi là quyền lực nhất nước này cũng không tin họ có thể ép uổng được Facebook.

Không thể thay đổi Facebook?

Đây sẽ là những gì xảy ra - ông Kennedy nói trong cuộc điều trần được truyền hình trực tiếp - Sẽ có hàng loạt dự luật được đưa ra để quản lý Facebook. Việc các dự luật đó có được thông qua hay không phụ thuộc vào anh (tức vào Zuckerberg!). Anh có thể trở về nhà, chi hàng chục triệu đôla cho giới vận động hành lang và đấu tranh với chúng tôi, hay anh có thể trở về nhà và giúp chúng tôi giải quyết vấn đề này”. Tay dẫn chương trình tin tức hài hước Trevor Noah của The Daily Show mỉa mai: “Vậy là tất cả những gì cần để đánh bại Quốc hội chỉ là vài chục triệu đôla thôi sao? Đó chỉ là tiền lẻ, Zuckerberg chi bằng đấy tiền chỉ để học cười trước Quốc hội thôi đấy!”.

Thật ra những gì thượng nghị sĩ Kennedy nói Facebook đã làm từ lâu. Hãng này đã tăng mạnh sự hiện diện của họ trong đội ngũ vận động chính trị tại Washington DC ngay từ khi Zuckerberg có quyết định phải ra điều trần. 12 vị trí tuyển dụng mới ở thủ đô được đăng tải trên trang Facebook của họ từ cuối tháng 3, bao gồm giám đốc chính sách “làm việc với cả nhánh hành pháp và các nhóm thứ ba nhằm tạo ra thông tin liên lạc thông suốt, đại diện thúc đẩy các sứ mệnh và mục tiêu của công ty”, cũng như một giám đốc quan hệ chính trị và chính quyền để “làm việc với các ứng viên, các quan chức được bầu và những người khác trong hệ thống chính trị Mỹ”.

Năm 2017, Facebook đã chi hơn 11 triệu USD cho các nỗ lực vận động hành lang ở Washington, tăng gần 3 triệu USD so với năm 2016. Công ty đã tăng chi của họ ở thủ đô gần như mỗi năm kể từ năm 2009, khi mức này mới chỉ là hơn 200.000 USD, theo báo Anh The Guardian. Facebook từ lâu đã có quan hệ chặt chẽ với nhiều chính trị gia Dân chủ cấp cao.

Một trong những người sáng lập của công ty này, Chris Hughes, rời công ty vào năm 2007 để làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Barack Obama. Chồng của Hughes, Sean Eldrige (họ là một cặp đồng tính), từng tranh cử Quốc hội vào năm 2014 nhưng thua. Cả cá nhân Zuckerberg và Công ty Facebook đều đã đóng góp cho các chính trị gia ở cả hai đảng. Năm 2016, Facebook góp hơn nửa triệu USD cho các ứng viên ở cấp liên bang, 55% trong đó cho phe Cộng hòa.

Ở một xứ có tiền là có quyền như Mỹ, thị trường cũng đã có câu trả lời ngay lập tức. Nhận thấy Quốc hội về cơ bản sẽ chưa và nhiều khả năng là không thể làm gì được Facebook bất chấp những bê bối nghiêm trọng vừa qua, cổ phiếu của hãng này đã tăng giá trị tổng cộng 3 tỉ USD sau cuộc điều trần.

Không ai để ý - Andy Webb, Viện Future Today chuyên nghiên cứu về công nghệ và tương lai, nói với USA Today - Khi công nghệ khiến cuộc sống của bạn tốt hơn một chút, thật dễ bỏ qua những cách thức mà nó có thể gây ra nhiều điều đáng lo ngại sau này... Nên các công ty công nghệ, vốn do lợi nhuận thúc đẩy, đang xây dựng các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu của chúng ta và chúng ta lại đều đang nhìn sang hướng khác”.

Những câu hỏi của các dân biểu Mỹ trong phiên điều trần với Zuckerberg, rất nhiều lúc, tập trung một cách đau đớn với rất nhiều điều nhỏ nhặt và bỏ qua những câu hỏi mang tính hệ thống là nền tảng của không chỉ toàn bộ mô hình kinh doanh thu thập dữ liệu - mạng xã hội, mà cả trí tuệ nhân tạo là nòng cốt của nó.

Về phần mình, Zuckerberg đã cố gắng tỏ ra chân thành và nói rất nhiều lời xin lỗi, nhưng anh ta có vẻ như coi những câu hỏi nghiêm trọng nhất về sự vô trách nhiệm của Facebook thời gian qua là chuyện đã rồi. Tức là trong tương lai sẽ chưa có gì thay đổi cả. Các nhà làm luật cũng sẽ đứng trước một lựa chọn không dễ: tạo ra những chính sách dẫn tới cải cách thực sự, đảm bảo được quyền lợi của số đông nhưng không tạo ra những rào cản phi lý với việc làm ăn của các doanh nghiệp.

Trong nhiều thập niên, Văn phòng Đánh giá công nghệ Mỹ là cơ quan chịu trách nhiệm báo cáo với các nghị sĩ về những vấn đề công nghệ mới nhằm hỗ trợ tạo ra chính sách tốt và hiệu quả từ chính quyền. Nhưng văn phòng này bị giải thể năm 1995, trong thời một quốc hội Cộng hòa. “Chúng ta có rất nhiều câu chuyện trong lịch sử mà những thứ mới mẻ được tạo ra, rồi chúng ta bị sốc khi những thứ chúng ta tạo ra không hành xử như mong muốn. Đó đã là chuyện muôn thuở của công nghệ” - Webb nói.

Tương lai của quyền riêng tư

Chính Hughes, người đồng sáng lập Facebook, mới đây đã nói rằng sự giám sát của công luận với Facebook “quá sức chậm chạp”, thấy “sốc vì họ (Facebook) đã không phải trả lời nhiều những câu hỏi như thế này sớm hơn”. Một trong những “khoảnh khắc sự thật” ấn tượng nhất ở buổi điều trần là khi thượng nghị sĩ Richard Durbin (Dân chủ, Illinois) hỏi Zuckerberg có thấy thoải mái không khi chia sẻ tên khách sạn nơi anh ở và những người anh đã nhắn tin trong tuần đó, chính xác là kiểu dữ liệu hiện Facebook đang theo dõi, thu thập và sử dụng. Zuckerberg nói anh sẽ không thể thấy thoải mái. “Tôi nghĩ tóm tắt lại vụ này là như thế - ông Durbin nói - Quyền riêng tư của chúng ta”.

Điều đáng nói là những người chỉ trích Facebook đã nêu luận điểm đó suốt nhiều năm rồi. Stefano Quintarelli, chuyên gia công nghệ thông tin và quyền riêng tư hàng đầu ở châu Âu (và cựu nghị sĩ Ý), đã kiên trì lên tiếng về việc Facebook lợi dụng vị thế thị trường của họ và sử dụng sai trái dữ liệu cá nhân người dùng.

Ông cũng vận động cho quyền làm chủ tuyệt đối với dữ liệu mạng của mỗi người: rằng mỗi cá nhân phải có quyền kiểm soát hoàn toàn với hồ sơ trực tuyến của họ. Nếu quyết định không thích Facebook, chúng ta phải có thể chuyển sang một đối thủ cạnh tranh mà không mất tất cả những mối liên hệ của chúng ta vẫn ở lại Facebook.

Với Quintarelli, những vụ bê bối gần đây là hậu quả không thể tránh khỏi từ mô hình kinh doanh thiếu trách nhiệm của Facebook (hãng đã thừa nhận Cambridge Analytica không phải là công ty duy nhất khai thác các hồ sơ người dùng họ lấy từ Facebook). Trong vấn đề này, châu Âu đã đi trước Mỹ khá xa. Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 25-5 năm nay sau 6 năm chuẩn bị và tranh luận, “có thể đóng vai trò chỉ dẫn trên một số phương diện”.

Theo GDPR, “các tổ chức không tuân thủ có thể phải đối mặt những khoản phạt nặng, lên tới 4% doanh thu”. “Nếu GDPR đi vào hiệu lực, Facebook, để tránh những khoản phạt như thế - Quintarelli bình luận - sẽ phải thông báo với nhà chức trách các vụ rò rỉ thông tin ngay khi công ty biết, sớm hơn nhiều so với cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi”.

Sarah Spiekermann - giáo sư Đại học Kinh tế - kinh doanh Vienne (WU) và là chủ tịch Viện các hệ thống thông tin quản trị của đại học này - nhấn mạnh vào nhu cầu cần có nhiều ràng buộc hơn với “thị trường dữ liệu cá nhân” nay đã hình thành và hoạt động sôi động trên thực tế. “Từ khi Diễn đàn kinh tế thế giới bắt đầu thảo luận về dữ liệu cá nhân như một loại tài sản mới vào năm 2011 - bà nói - các thị trường dữ liệu cá nhân đã sinh sôi nảy nở, dựa trên ý tưởng rằng dữ liệu cá nhân sẽ là “dầu khí mới” cho nền kinh tế kỹ thuật số cũng như cho nền chính trị. Kết quả là hàng nghìn công ty giờ đang liên quan tới chuỗi giá trị thông tin kỹ thuật số khai thác dữ liệu từ hoạt động trên mạng, và chuyển nội dung có đích nhắm tới người dùng trong chỉ khoảng 36 giây sau khi họ xuất hiện trên mạng”.

Không chỉ có Facebook, Google, Apple hay Amazon, mà theo bà Spiekermann: “Các nền tảng quản lý dữ liệu như Acxiom hay Oracle BlueKai sở hữu hàng nghìn hồ sơ đặc điểm cá nhân và tâm lý - xã hội học với khoảng vài trăm triệu người dùng”.

Quyền lực vận động hành lang cực lớn của Facebook tới giờ đã ngăn cản được các ý tưởng thực tế của Quintarelli, Spiekermann và nhiều nhà hoạt động khác. Tuy nhiên, vụ bê bối mới đây một lần nữa mở mắt cho công chúng về việc ngồi yên không hành động có thể gây ra những gì.■

12 Chỉ 12% những người được hỏi trong một cuộc thăm dò mới đây của Viện Báo chí Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu công AP-NORC nói họ tin tưởng Facebook trong vai trò một nguồn tin, nhưng có tới 44% người Mỹ nói họ coi Facebook là nguồn tin chính.

40,6 Doanh thu của Facebook năm 2017 là 40,6 tỉ USD, chủ yếu từ quảng cáo.

2,2 Số lượng thành viên của Facebook trên toàn cầu hiện là 2,2 tỉ người, chỉ sau 14 năm hoạt động.

442 Facebook là 1 trong 5 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất hành tinh, 442 tỉ USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận