TTCT - Tỉ lệ 2% đang trở thành một meme (*) mới ở nước Nga, xuất phát từ một phát biểu của một nhà bình luận truyền thông nước này về cuộc biểu tình của những người trẻ trong Ngày nước Nga 12-6 năm nay. Một người biểu tình với tên Dimon trên mặt -saint-petersburg.ru Đây là lần thứ hai giới trẻ Nga - đặc biệt là thiếu niên - nhắc tới mình trong đời sống chính trị đất nước. Lần đầu họ được nói đến - như một sự kiện ở Nga, và như một hiện tượng, theo cách nhìn của phương Tây - là vào ngày 26-3, hưởng ứng lời kêu gọi của “Quỹ đấu tranh chống tham nhũng” (FBK) do nhà hoạt động đối lập Aleksei Navalnyi phát động. Trước đó, FBK đã tung ra trên YouTube đoạn phim tư liệu “Điều tra đế chế mật của Dmitry Medvedev”, trong đó cáo buộc thủ tướng Nga sở hữu bất động sản và du thuyền lai lịch bất minh. Những cuộc biểu tình đã nổ ra ở hàng chục thành phố Nga, đòi ông Medvedev giải thích. Hậu quả: gần 1.000 người bị bắt ở Matxcơva, bao gồm thủ lĩnh Navalnyi, và gần 200 người ở Saint Petersburg. Việc đa số những người trẻ tham gia biểu tình (13-17 tuổi) khiến báo chí Nga gọi đây là “cuộc chiến tranh thiếu niên”, “cuộc biểu tình trẻ nhất”. Ngày 4-4, ông Medvedev trả lời TASS, gọi những cáo buộc về ông là “nhảm nhí”. Đuma Nga một ngày sau đó với đa số phiếu cũng bác bỏ một dự luật của Đảng Cộng sản Nga đối lập yêu cầu kiểm tra thông tin của FBK. Lý do, theo chủ tịch Ủy ban Đuma Nga về an ninh và chống tham nhũng Vasili Piskarev, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga (SK) đã nhiều lần kiểm tra những cáo buộc của FBK và “không một cuộc điều tra nào của ông ta (Navalnyi) đúng với sự thật” mà chỉ là những “sản phẩm sáng tạo”. Cuộc biểu tình ngày 12-6 lặp lại những yêu cầu trên, cũng do ông Navalnyi kêu gọi. Và như lần trước, tuy không có thống kê cụ thể nhưng cuộc biểu tình này cũng mang gương mặt trẻ. Ông Navalnyi cũng bị bắt khi vừa ra khỏi nhà. (Lý do là ông kêu gọi dời biểu tình từ đại lộ Sakharov được cho phép sang phố Tverskaya, nơi chính quyền đã dành để tổ chức những sự kiện kỷ niệm ngày 12-6. Theo Navalnyi, ông di dời địa điểm vì ở nơi họ được cấp phép, chính quyền không cho làm sân khấu lẫn đặt thiết bị âm thanh). Kết quả: thông báo chính thức từ chính quyền thành phố nói hơn 700 người biểu tình trái phép đã bị bắt, trong số đó có 136 người vị thành niên. Chân dung những người biểu tình trẻ Nếu trong lần biểu tình đầu tiên, ai đó còn nghi ngờ về khả năng huy động giới trẻ của nhà đối lập Navalnyi, thì cuộc biểu tình ngày 12-6 có thể giúp xóa tan nghi ngờ. Hãng tin tình báo Hoa Kỳ Stratfor bình luận: “Phong trào chống đối của Navalnyi đã chứng minh được khả năng đưa người dân xuống đường” (Stratfor, ngày 12-6), trong đó có những người trẻ thuộc thế hệ “tính đến năm 2016, 27% người Nga sinh ra sau khi Liên Xô sụp đổ, và số này sẽ tăng lên gần 40% trong thập niên tới. Thế hệ đang lớn này chưa bao giờ liên quan đến chế độ Xô viết. Đa số họ còn quá trẻ để nhớ thời biến động thập niên 1990, một thập niên chiến tranh, khủng hoảng tài chính và bất ổn chính trị” (Stratfor, ngày 6-4). Ngược lại, thế hệ này lớn lên cùng điện thoại thông minh, YouTube và truyền thông xã hội. Cổng thông tin Nga Lenta.ru ngày 12-6 đặt câu hỏi: “Vì sao học sinh phổ thông lại thích Aleksei Navalnyi?”. Hóa ra, Navalnyi rất giỏi các thủ thuật thu hút người hâm mộ của thời kỹ thuật số. Clip “Ông ấy không phải Dimon của các anh” (hiện đã trở thành meme chính, biểu tượng cho cuộc chiến chống tham nhũng của Navalnyi) chỉ một tháng sau khi đăng đã mang về cho kênh YouTube của Navalnyi 350.000 người theo dõi, tăng gấp đôi. (Clip này dựa trên một sự kiện liên quan đến ông Medvedev khi còn là tổng thống, năm 2013. Năm đó, một Facebooker Nga đã gọi ông Medvedev là Dimon, cách gọi thân mật, và bị thư ký báo chí của ông Medvedev phản ứng. Bà này nói: “Ông ấy không phải Dimon của các anh”, phản ứng bị coi là một thất bại PR). Cùng lúc, Instagram của Navalnyi có 164.000 người đăng ký bởi những hình ảnh rất vui vẻ, bắt mắt, thậm chí Navalnyi thuê hẳn một nhà báo Nga phụ trách ý tưởng và hình ảnh cho ông. Vẫn theo Lenta.ru, Navalnyi là một “chiến sĩ Twitter thực thụ”, khi tài khoản được cập nhật hầu như từng phút (do đội ngũ Navalnyi phụ trách), và có tới 2,1 triệu người theo dõi! Nếu chỉ nhìn thuần túy về kỹ thuật thì, theo quản trị viên mạng Nga “Dvach” Nariman Namazov, “những hình ảnh, câu chuyện thật đỉnh”. “Giới trẻ Nga hiện nay, cũng như không ít những người cùng trang lứa trên thế giới, đang sống cùng những thứ đó. Và họ còn đi tìm “like” trên VKontakte (mạng xã hội phổ biến nhất ở Nga) nữa. "Không phải họ không ý thức được những nguy cơ khi đi biểu tình trái phép - Namazov nhấn mạnh - Nhưng nếu tham gia biểu tình, họ sẽ trở nên nổi bật so với những người cùng trang lứa, và thiếu niên thì luôn muốn được nổi bật”. Còn theo chủ nhiệm phòng các nghiên cứu chính trị của Trường kinh tế Đại học Nghiên cứu quốc gia Valeri Kasamar, thành công của Navalnyi với giới trẻ là ở chỗ “ông ta không bắt giới trẻ đến với mình, mà tự ông ta đến gặp họ, trên mạng xã hội và YouTube”. Câu chuyện của 2% Tuy nhiên, chắc chắn không phải tất cả họ đều là những người mà Vladimir Solovyev, người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình Vesti trên sóng toàn liên bang, gọi một cách miệt thị là “2% cặn bã”, “con của những kẻ tham nhũng”, “những nhóc con tội nghiệp”. Những phát biểu này không chỉ khiến những “người trong cuộc” phản ứng, mà còn khiến nhiều nhà phân tích, bình luận vào cuộc. Theo họ, Solovyev chỉ là người phát biểu cho thế hệ của mình, “thế hệ những người Nga đã sống qua thập niên 1990 và hiểu rõ những bất ổn xã hội chỉ làm cho tình hình thêm tồi tệ. Nay họ đã đạt được sự ổn định nhất định nào đó, và họ không cần một cuộc cách mạng nào” - theo nhà bình luận Nikita Isayev trên Kp.ru. Vấn đề là giới trẻ nói chung và tuổi thiếu niên có những thần tượng khác, những ước mong và khát vọng của họ mà nếu không được nghiêm túc nhìn nhận sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Theo Trung tâm Các cải cách chính trị và kinh tế (CERP), nếu trong làn sóng biểu tình những năm 2011-2012, tuổi trung bình của những người xuống đường là 35, thì thời gian gần đây tuổi của họ đã trẻ hơn đáng kể: từ 16-24. Trong đó, 45% cho rằng tham nhũng là vấn nạn chính của xã hội Nga hiện nay khiến họ biểu tình. Tiếp đó là việc không hài lòng với hệ thống chính trị (25,7%). Thứ ba là những vấn đề kinh tế (25,2%), thứ tư là mức sống thấp (21,6%), thứ năm là chính sách xã hội yếu kém (19%), cuối cùng là những rắc rối trong giáo dục (18,3%). Theo phân tích của CERP, tham nhũng thường không phải là vấn đề chính của tuổi trẻ, lại về đầu trong những mối quan tâm của họ, cho thấy khả năng huy động lực lượng của Navalnyi và sự ủng hộ của giới trẻ với ông. Mối quan tâm thứ hai - sự đơn điệu chính trị - cũng phần nào hiểu được, vì “họ sống với thời khắc hiện nay, và bây giờ, trong khi gương mặt chính trên truyền hình và báo chí lại chẳng bao giờ thay đổi”. Hai điểm tiếp theo: nỗi lo kinh tế và mức sống thấp là điều có thể chia sẻ. Gộp lại, chúng chiếm 46%, còn nhiều hơn mối bận tâm tham nhũng. Học bổng sinh viên hiện thấp hơn nhiều mức sống tối thiểu của xã hội. Chẳng hạn ở Đại học Tomsk, học bổng cho sinh viên khá là 2.222 rúp/tháng, sinh viên giỏi là 3.333 rúp. Ngay cả trường “hàng top” như MGU, học bổng dao động từ 2.400 - 3.000 rúp. Viễn cảnh chưa có gì hứa hẹn khi phúc lợi xã hội ở Nga không tăng trong 15-16 năm qua. Mức thất nghiệp trong những người trẻ mới ra trường cao hơn mức thất nghiệp trung bình cả nước, hiện là 5,6% (năm 2015, tỉ lệ này tới 11,3%). Nhà báo Đức nổi tiếng Hubert Seipel trong quyển sách đình đám Putin - Logic của quyền lực (phát hành ở Đức năm 2015 và sau đó đã 5 lần tái bản) cho biết: từ những cuộc biểu tình quần chúng chống lại các cuộc bầu cử Đuma Nga năm 2011, Kremlin đã bắt đầu e ngại việc huy động quần chúng qua mạng xã hội, trong đó có giới trẻ. Nhưng lúc đó, tổng thống Nga cho rằng giới trẻ “không có một chương trình thống nhất, một con đường xác định để đạt những mục tiêu của mình”. Seipel viết: “Chương trình của phe đối lập được hình dung cụ thể ra sao? Những nhân vật chính muốn gì? Về chuyện đó không cách nào thật sự biết được. Chương trình cụ thể của Aleksei Anatolievich Navalnyi - nhân vật đối lập nổi tiếng nhất nước Nga - không được nhắc trên báo. Ngoại trừ việc ông ta là một blogger nổi tiếng, nhìn điển trai và đấu tranh chống tham nhũng”. Sáu năm sau, trong cuộc giao lưu trực tuyến với dân Nga ngày 15-6-2017, Tổng thống Putin vẫn còn ngờ vực khả năng họ bị thao túng. Khi nam sinh phổ thông ở Nefteyugansk Danila Prilepa hỏi ông Putin về cuộc chiến chống tham nhũng và những kẻ tham nhũng, ông đã hỏi lại: “Ai chuẩn bị cho cậu câu hỏi đó?”, trước khi trả lời. Từ thực tiễn vừa trở thành quá khứ Cái nhìn nghi ngờ của các lãnh đạo Nga với giới trẻ xuất phát từ thực tiễn vừa trở thành quá khứ trên không gian địa chính trị Liên Xô cũ. Từ “cách mạng cam” ở Ukraine đến “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia, giới trẻ đã đóng vai trò không nhỏ. Họ đã được đào tạo bài bản, theo “công thức đảo chính” từ các kinh nghiệm Đông Âu. “Chính thức thì đấy là việc thay đổi chính quyền từ bên trong, nhưng với sự hỗ trợ hậu cần từ nước ngoài. Điều kiện để áp dụng là sự bất mãn chung với hệ thống, thường là trong tình trạng khủng hoảng”. Những người trẻ tham gia biểu tình ở Gruzia năm 2003 và 2004 ở Ukraine giống “việc nổi dậy bộc phát chống lại các chính phủ chuyên quyền”, thật ra đó là những hành động “được lên kế hoạch kỹ lưỡng”, Seipel viết. Thư ký báo chí của bà Hillary Clinton ở Bộ Ngoại giao không che giấu việc Hoa Kỳ ủng hộ phe đối lập. “Hoa Kỳ trước bầu cử đã chi hơn 9 triệu USD để hỗ trợ tài chính và đào tạo kỹ thuật cho các nhóm xã hội dân sự và sẽ tiếp tục làm điều này trong tương lai để bảo đảm các cuộc bầu cử tự do và minh bạch”. Giáo sư Allen Weinstein (Đại học Georgetown, một trong những nhà sáng lập NED - tổ chức Hoa Kỳ đang vươn nhiều hoạt động ở nước ngoài ) đã mô tả chính xác và ngắn gọn mục tiêu của tổ chức này năm 1991 trong trả lời phỏng vấn Washington Post: “Nhiều thứ hiện giờ chúng ta đang làm, 25 năm trước chỉ có thể làm trong vòng bí mật, bằng bàn tay CIA”. Như vậy với Kremlin, vấn đề đặt ra ở đây là “giành lại” giới trẻ, nếu không muốn để họ, qua truyền thông xã hội, trở thành lá bài “cho những mục đích riêng nào đó và việc tự quảng cáo”, như ông Putin nói về cuộc biểu tình 12-6. Bộ trưởng Khoa học Nga Olga Vasiliyeva cho rằng cần phải làm việc với những người trẻ phản kháng thay vì lờ đi hay xem như không có họ. Ngay sau cuộc biểu tình có nhiều người trẻ tham gia ngày 26-3, bà đã cảnh báo: “Hiện có một tâm thế chống đối, như đã từng năm 1862 (các cuộc biểu tình của sinh viên khiến Đại học Petersburg phải đóng cửa)”. Bà nhắc lại yếu tố tâm lý của tuổi thanh niên: luôn muốn tỏ ra nghĩa hiệp, chống lại điều gì đó, vì thế quốc gia phải để tâm đến họ, bằng cách “giới thiệu cái gì đó tốt đẹp nhất, để họ tự tổ chức”. Cái tốt đẹp đó chắc chắn phải là một xã hội minh bạch, chấm dứt nạn tham nhũng, kinh tế và dân chủ phát triển để mở ra cho người trẻ nhiều cơ hội vào đời.■ (*): Trong Internet, meme là một hoạt động, một quan niệm, cụm từ hoặc mẩu thông tin được những người sử dụng mạng sao chép sử dụng, bắt chước lẫn nhau. Tags: Nước Nga
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Sang nhượng suất đạp xích lô, chèo ghe ở Hội An giá 500-700 triệu đồng THÁI BÁ DŨNG 24/11/2024 Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An Phan Phước Tùng cho biết mỗi suất đạp xích lô ở Hội An có giá từ 500-700 triệu đồng nhưng đa phần bà con anh em họ hàng nhượng lại cho nhau để kiếm sống.
Cách đi xe buýt đến ga metro ở TP.HCM CHÂU TUẤN 24/11/2024 Bạn đọc Tuổi Trẻ tiếp tục đặt câu hỏi về các tuyến xe buýt đến metro, có loại xe nào khác để kết nối và đi metro có thể đi đâu tiếp.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.