TTCT - Xưa có Robin Hood - tay cướp huyền thoại giỏi nghề cung kiếm, chuyên cướp của kẻ giàu đi phân phát cho người nghèo, còn nay có Robinhood - một ứng dụng trên điện thoại di động - đang được quảng bá rằng sẽ giúp ai cũng có thể chơi chứng khoán thành thạo như dân nhà nghề. Chỉ có điều Robin Hood cướp nhà giàu và giúp người nghèo, còn Robinhood rất có thể đang giàu lên nhờ gom tiền của hàng triệu người ngây thơ đem cống nạp cho giới “cá mập” phố tài chính Wall Street. Môi giới không hưởng hoa hồng Robinhood là một ứng dụng môi giới chứng khoán do hai người bạn, Vladimir Tenev và Baiju Bhatt, xây dựng vào năm 2013. Họ áp dụng những nguyên tắc từng giúp Facebook thành công: ứng dụng miễn phí, dễ hiểu, dễ dùng, quan trọng nhất là dễ gây nghiện. Phương châm của hai người là “dân chủ hóa” lĩnh vực tài chính cho bất kỳ ai cũng tham gia được, vì thế họ quyết định không thu phí hoa hồng khi làm môi giới cho người dùng chơi chứng khoán. Chỉ trong vòng mấy năm, Robinhood đã thu hút cả chục triệu người dùng, phần lớn là giới trẻ lần đầu tiên tham gia mua bán chứng khoán. Đại dịch COVID-19 buộc nhiều người ở yên trong nhà, nhiều người mất việc, càng là lý do để họ lao vào Robinhood như bám lấy một chiếc phao cứu sinh - trao cho họ một cách làm giàu nhanh chóng. Đến tháng 5 vừa rồi, Robinhood có tổng cộng 13 triệu người dùng, doanh thu năm nay ước tính đạt 700 triệu đôla Mỹ, tăng 250% so với năm 2019. Trung tuần tháng 8, theo Financial Times, Robinhood nhận các khoản đầu tư mới đưa giá trị công ty lên mức 11,2 tỉ đôla Mỹ, tăng gần một phần ba so với mức định giá cách đây chỉ 1 tháng. Robinhood làm ra tiền từ đâu? Thật mỉa mai khi tên của ứng dụng là Robinhood mà thu nhập chủ yếu đến từ các hợp đồng bắt tay với giới giao dịch chứng khoán nhà nghề ở Wall Street. “Trong khía cạnh nào đó, họ đang ngủ với kẻ thù” - một chuyên gia chứng khoán nói với tờ Financial Times. Để hiểu được cơ chế làm ra tiền của Robinhood, cần phải giải thích một chút. Sau khi nhận lệnh mua bán chứng khoán của người dùng ứng dụng, Robinhood không tự mình thực hiện giao dịch; họ chuyển (mà thực chất là bán) các lệnh này cho các nhà tạo lập thị trường (market makers) chuyên giao dịch với tốc độ cực nhanh bằng phương thức tự động hóa hoàn toàn. Gọi là nhà tạo lập thị trường bởi họ vừa mua vừa bán, chẳng hạn rao bán một cổ phiếu với giá 10,02 đôla và rao mua cũng cổ phiếu ấy với giá 10 đôla. Họ hưởng lợi từ khoản chênh lệch rất nhỏ này nhưng nhân với khối lượng lớn thành ra doanh thu khổng lồ. Rao mua hay rao bán mà đã chốt được một bên bán hay mua rồi, ắt hẳn các nhà tạo lập thị trường sẽ rất vui mà nhận lệnh đặt mua, đặt bán từ Robinhood để đưa vào thuật toán. Rồi từ khoản lãi chênh lệch (thường chỉ 1 xu mỗi cổ phiếu nhưng nhân lên số lượng lớn sẽ trở thành lãi đậm), các nhà tạo lập thị trường chia lại cho Robin Hood, thành món doanh thu chính. Quý 1-2020, đến 70% doanh thu của Robinhood đến từ nguồn thu “bán cái” này, đạt chừng 130 triệu đôla, tăng lên 180 triệu đôla trong quý 2. Đáng nói là chức năng chốt chặn tự động khi người chơi đặt mốc bán hay mua tự động để chốt lời hay chặn lỗ - nếu Robinhood nắm được mốc này và bán cho các nhà tạo lập thị trường, coi như họ bán luôn lợi ích của người chơi vì nay ý định mua bán của họ đã lộ trước cho thị trường. Ngoài nguồn thu này, Robinhood còn mở loại tài khoản “vàng”, phí 5 đôla/tháng. Với tài khoản vàng, người chơi được quyền vay đến 1.000 đôla để giao dịch. Rồi ai muốn vay nhiều hơn 1.000 đôla thì Robinhood thu tiền lãi từ khoản vay vượt trội này. Theo website của Robinhood, họ còn lấy tiền nhàn rỗi của khách để cho vay lấy lãi, thu phí giao dịch trực tiếp qua điện thoại hay giao dịch cổ phiếu ở nước ngoài. Gây nghiện chẳng kém Facebook Robinhood hiện cho phép người dùng mua bán cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, các quỹ hoán đổi danh mục ETF, quyền chọn và tiền mã hóa. Với cổ phiếu, muốn lời to phải có vốn lớn; thế nên Robinhood chiêu dụ người chơi nhảy vào quyền chọn (options) để khuếch đại lời lỗ lên nhiều lần. Nói một cách đơn giản, quyền chọn cho phép người dùng đánh cược xem giá một cổ phiếu cụ thể sẽ lên bao nhiêu vào một ngày cụ thể với mức ăn thua nhân lên cả trăm lần. Bởi đa số người chơi Robinhood muốn làm giàu nhanh chóng nên họ hướng đến các loại cổ phiếu lên xuống giá bất thường, loại cổ phiếu các doanh nghiệp gần phá sản, loại cổ phiếu nhỏ (giá dưới 5 đôla/cổ phiếu), có thể tăng giá bất ngờ... Ở đây có một vòng xoáy bất ngờ: càng nhiều người chơi Robinhood nhắm đến cổ phiếu nào, những người khác đi theo phong trào, rồi người ở ngoài cũng ăn theo, tạo nên hiệu ứng người chơi Robinhood đang dẫn dắt thị trường. Đến nỗi dạo này báo chí chứng khoán cũng ăn theo, tìm hiểu xu hướng mua bán trên Robinhood rồi đưa tin như một chỉ dấu (chẳng hạn như tít báo kiểu “3 cổ phiếu đang nóng trên Robinhood”)... Từ đó mới có những nghịch lý như hãng cho thuê xe Hertz dù tuyên bố phá sản nhưng giá cổ phiếu lại tăng, thị giá của Hãng Nikola lên đến 13 tỉ đôla mặc dù doanh thu chỉ có 36.000 đôla! Ảnh: TechCrunch Thị trường chứng khoán bị đẩy lên mây Robinhood chỉ là một trường hợp điển hình. Nguyên tắc không thu phí giao dịch nay đã lan rộng, nhiều hãng môi giới khác bắt chước làm theo. Nhờ thế thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nước khác chứng kiến sự bùng nổ của hình thức giao dịch chứng khoán nhỏ lẻ, góp phần làm giá cổ phiếu tăng vọt bất kể đại dịch hoành hành. Tại Ấn Độ, phong trào buôn chứng khoán nở rộ, trọng tâm là các loại cổ phiếu giá rẻ để đẩy giá chúng lên kiếm lời. Tại Nga, lượng chứng khoán giao dịch tháng 6 tăng gấp đôi so với tháng 4. Tại Malaysia, chính các nhà đầu tư nhỏ lẻ đứng đằng sau sự tăng giá ngoạn mục loại cổ phiếu của các công ty làm găng tay cao su, có loại tăng đến 1.600% trong năm nay. Tại Nhật, nhà đầu tư cá nhân đẩy giá cổ phiếu một công ty dược ít tên tuổi lên 11 lần do lời đồn họ có một loại thuốc chữa trị COVID-19...David Friedland, giám đốc điều hành vùng châu Á - Thái Bình Dương của Hãng Interactive Brokers, nhận định với Bloomberg: “Ranh giới giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ đang dần xóa mờ; nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chứng tỏ khả năng chi phối thị trường”. Lãi suất thấp đẩy tiền bạc từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản giao dịch chứng khoán, rồi từ đó đẩy giá cổ phiếu lên cao bất kể tình hình bi đát của kinh tế thế giới. Theo Forbes, Robinhood có thể sản sinh ra một số triệu phú ăn theo đợt lên giá chứng khoán vừa qua nhưng nó cũng tạo ra một ảo tưởng to lớn ở thế hệ trẻ rằng chơi chứng khoán, kể cả chứng khoán phái sinh, cũng dễ như chơi trò chơi điện tử, cứ lên “level” mới cho đến khi “game over”. Thêm một phương cách nữa để giới nhà giàu ngày thêm giàu, người nghèo ngày càng bị vắt kiệt. ■ Vladimir Tenev và Baiju Bhatt, hai tỉ phú mới toanh (mỗi người có hơn 1 tỉ đôla), là con của hai gia đình nhập cư, Tenev người gốc Bulgaria còn Bhatt gốc Ấn Độ. Họ gặp nhau khi đang là sinh viên ngành vật lý Đại học Stanford vào mùa hè năm 2005. Tenev theo đuổi chương trình tiến sĩ toán nhưng bỏ dở để cùng Bhatt thành lập công ty chuyên viết phần mềm cho các hãng môi giới chứng khoán giao dịch tốc độ cao, khi Wall Street đang có nhu cầu biên soạn các thuật toán giúp giao dịch tự động với tốc độ tên lửa, mỗi giao dịch chỉ mất vài phần ngàn giây. Lúc đó cũng nổ ra phong trào “Occupy Wall Street” phản đối việc giải cứu các ngân hàng, giới tài chính sau khủng hoảng 2008. Theo Forbes, bạn bè hai người lên án họ làm giàu cho giới cực giàu nên họ chuyển sang viết ứng dụng mà theo họ sẽ giúp bất kỳ ai cũng tham gia chơi chứng khoán để cạnh tranh với Wall Street. Đó là lý do họ đặt tên cho ứng dụng là Robinhood, theo huyền thoại cướp nhà giàu chia cho người nghèo. Cho đến nay, xìcăngđan gây tai tiếng nhất cho Robinhood là vụ Alex Kearns - một sinh viên mới 20 tuổi chơi chứng khoán phát sinh trên nền tảng Robinhood - đã tự tử vì nhầm tưởng đã thua lỗ gần cả 750.000 đôla Mỹ (TTCT số 24-2020). Trong lá thư tuyệt mệnh, anh lên án Robinhood là thủ phạm dẫn dắt anh vào ngõ cụt này. Sau cái chết của anh này, báo chí lên án Robinhood dữ dội, rằng nền tảng này đã dụ dỗ giới trẻ mạo hiểm với tiền bạc, dùng giao diện bắt mắt để lừa các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm vào các thương vụ đầy rủi ro. Hai nhà sáng lập phải lên tiếng trấn an rằng họ sẽ thay đổi giao diện, bổ sung các mục “giáo dục” cho nhà đầu tư mới, đưa thêm nhiều cảnh báo... Trước đó, hệ thống của Robinhood bị trục trặc kỹ thuật vào tháng 2 và tháng 3 đầu năm nay, liên tục bị treo, làm nhiều nhà đầu tư đặt lệnh mà không được thực hiện, dẫn đến thua lỗ. Một nhóm các nhà đầu tư đã kiện công ty ra tòa ở California vì lỗi này. Tags: FacebookRobinhoodCù laoThị trường chứng khoán
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện luật thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.