TTCT - Trong một thế giới toàn cầu hóa sâu sắc như ngày nay, di cư không phải là chuyện lạ. Thậm chí mức độ dịch chuyển của công dân - cả dịch chuyển trong nước lẫn trên phạm vi toàn cầu - còn được coi như một chỉ dấu để nhận diện mức độ phát triển của xã hội và cả nền kinh tế. Nguồn: Niên giám thống kê di dân của Chính phủ Mỹ, Báo cáo thường niên Văn phòng thị thực Mỹ Với Việt Nam, dòng chảy di dân càng không còn là chuyện mới, từ nông thôn đến đô thị, ít ai không có bạn bè, người thân không “định cư”, không đi làm việc nước ngoài. Nhưng dòng di dân “xuất khẩu lao động” hay “đi đoàn tụ” khiến phần lớn công chúng quên đi một xu hướng, dù vẫn còn ngầm ẩn nhưng dần trở nên đáng lưu ý trong những năm gần đây: người Việt qua các nước phát triển để đầu tư và tìm kiếm cơ hội định cư. Nói là đáng chú ý bởi đi cùng với những khoản tiền đầu tư ra nước ngoài, đất nước mất đi một phần trong nhóm những công dân ưu tú: những doanh nhân, những trí thức tài năng. Gần 5 năm, tăng 10 lần Năm 2017, Hiệp hội Bất động sản Mỹ công bố một con số khiến dư luận “nổi sóng”: số liệu thống kê từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, người Việt bỏ ra 3 tỉ USD mua nhà ở Mỹ. Dù sau đó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, qua kênh giám sát ngoại hối, phủ nhận tính chính xác của báo cáo này, nhưng xu hướng người Việt đầu tư qua Mỹ để tìm kiếm cơ hội ở lại quốc gia này vẫn là không thể phủ nhận. Số liệu thống kê công bố bởi Bộ An ninh nội địa Mỹ xác nhận một phần xu hướng đáng cảnh báo đó. Từ năm 2010 đến nay, số người nhập cư theo hình thức EB-5 - tức đầu tư tại Mỹ, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ để đổi lại được trở thành công dân Mỹ - đã tăng liên tục, từ 15 trường hợp tăng lên 334 trường hợp năm 2016. Nhìn vào biểu đồ, số lượng đã tăng đột biến kể từ sau năm 2013. Một bằng chứng khác củng cố thêm thực tế đó. Báo cáo của Tổ chức Đánh giá đầu tư vào nước Mỹ (Invest in the USA - IIUSA) cho thấy năm 2014, người Việt Nam đứng hàng đầu về tỉ lệ tăng trưởng trong các nước châu Á đầu tư theo diện EB-5. Cụ thể, điểm tăng trưởng là 95,74%, cao hơn cả Trung Quốc và vượt xa nhóm các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Ấn Độ hay Hàn Quốc. Dù về thị phần Việt Nam vẫn kém xa Trung Quốc, nhưng điểm về thị phần vẫn xấp xỉ các nước còn lại nêu trên. Xét về con số tuyệt đối, tổng giá trị đầu tư năm 2014 chưa nhiều, khoảng 33,5 triệu USD nhưng một lần nữa, điều đáng nói là xu hướng tăng diễn ra rất nhanh. So với năm 2010, đến năm 2014 tổng giá trị đã tăng lên gấp hơn 10 lần. Ở một góc cạnh khác, số lượng người Việt ở lại Mỹ theo con đường học hành cũng là đáng nói. Dù tốc độ tăng không “khủng khiếp” như diện EB-5, trong các năm 2014, 2015, 2016 con số cũng đã tiệm cận, rồi sau đó là vượt mốc 20.000 người hằng năm. Nếu so năm 2016 với 2014, tỉ lệ tăng đã là gấp đôi. Và xu hướng tăng là liên tục từ năm 2010 đến 2015, dù năm 2016 số lượng có giảm chút ít. Khi sắc “xanh” dịch sang màu “xám” Đó là cách nói hình ảnh nhưng rất đáng suy nghĩ của Tổ chức Di trú thế giới (IOM) khi đánh giá về sự dịch chuyển trong cơ cấu di dân của Việt Nam. IOM xác định 3 nhóm di cư chính: di cư du học; di cư lao động và di cư hôn nhân gia đình. Mỗi năm, số liệu từ IOM cho thấy Việt Nam có hơn 100.000 người di cư. Tổ chức này cũng ước lượng đến năm 2013 có hơn 4,5 triệu người Việt, chiếm khoảng 4,7% dân số Việt Nam, sống ở nước ngoài. Khi đánh giá về di cư và kiều hối, Ngân hàng Thế giới cũng luôn ghi nhận vị trí trong top 10 của Việt Nam về kiều hối lớn nhất. Di cư vì thế tự thân nó không phải là điều đáng nói, đáng nói là sự dịch chuyển trong cơ cấu di cư. Sắc “xanh” ở đây nói đến dòng người Việt sang lao động dưới hình thức “xuất khẩu lao động” ở nước ngoài, mà công việc chủ yếu là công nhân, giúp việc nhà hay những loại hình lao động giản đơn khác. Đích đến của những “dòng xanh” là các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Trung Đông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... - nơi cần nhiều lao động giản đơn của Việt Nam. Còn “sắc xám” hàm ý cho “chất xám” - tức lực lượng lao động chuyên môn kỹ thuật cao. Dù “sắc xanh” hiện nay vẫn là chủ đạo, nhưng “màu xám” đang tăng lên và tốc độ tăng là đáng kể. Trường hợp phân tích từ xu hướng nhập cư của người Việt đến Mỹ là một minh chứng: những doanh nhân đầu tư diện EB-5 đã tăng nhanh đến mức nào. Trở lại một chút với trường hợp nước Mỹ, điều đáng nhấn mạnh: đừng để số lượng người nhập cư EB-5, khi đặt cạnh con số dân nhập cư theo con đường học hành vẫn là rất nhỏ, làm lạc hướng bản chất sự việc. Nhóm EB-5 hầu hết là những công dân nằm trong nhóm ưu tú - những doanh nhân - những người tạo ra động lực lớn nhất cho phát triển đất nước. Vì vậy, khi nhóm người này chảy sang “nhà người khác”, tự thân nó đã là vấn đề không thể không lưu tâm. Đằng sau bức tranh là gì? Thật đáng tiếc là đến nay chưa có một nghiên cứu toàn diện nào đủ để vẽ ra được bức tranh chi tiết về dòng di cư “màu xám” của Việt Nam chảy ra toàn thế giới: có bao nhiêu doanh nhân đang đầu tư ra nước ngoài để xin định cư? Với số tiền bao nhiêu? Và có bao nhiêu du học sinh không trở về? Có bao nhiêu kỹ sư, lao động ở trình độ quản lý đã chọn các nước phát triển làm chỗ sinh sống và lập nghiệp thay vì quê hương Việt Nam? Và cũng chưa có một nghiên cứu xã hội học nào đủ chiều sâu để lý giải động lực chi phối những thay đổi đó. Nhưng trường hợp của những “người EB-5”, chí ít, phản ánh một phần bức tranh môi trường kinh doanh; bức tranh môi trường sống và chất lượng giáo dục, y tế ở Việt Nam. Xét về mặt môi trường kinh doanh, trong khi kinh tế vẫn phát triển, đáng buồn là trong giai đoạn 10 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007), chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam đã xấu đi, cho thấy việc làm ăn chân chính ở Việt Nam đang ngày càng khó. “Nhóm lợi ích nhóm” (mà quốc tế gọi chính xác hơn về mặt thuật ngữ là các nhóm đặc quyền đặc lợi - một chỉ số rộng hơn của chủ nghĩa tư bản thân hữu) đã bùng phát đáng lo ngại (số lượng các vụ tham nhũng cũng như cách thức tham nhũng - cả tham nhũng trực tiếp và “tham nhũng chính sách” - bị đưa ra xét xử gần đây là minh chứng). Sự bành trướng của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp “sân sau” - thông qua tham nhũng chính sách - đẩy doanh nghiệp tư nhân vào cuộc chơi không cân sức: bị bóp nghẹt khả năng cạnh tranh bình đẳng và minh bạch. Một khía cạnh khác, sự bùng phát của “giấy phép con” và điều kiện kinh doanh tạo môi trường cho quan chức nhà nước nhũng nhiễu và vòi vĩnh doanh nghiệp. Hệ quả trực tiếp là những doanh nhân chân chính mệt mỏi và bất an với chuyện làm ăn kinh doanh trong một môi trường đầy rủi ro về pháp lý. Vậy tại sao họ phải tiếp tục kinh doanh ở Việt Nam trong khi cơ hội ở nước ngoài rộng mở? Ở khía cạnh thứ hai là môi trường sống tiếp tục xấu đi ở một số đô thị lớn. Tình trạng kẹt xe và quá tải hạ tầng giao thông là thứ có thể mắt thấy và trải nghiệm hằng ngày. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, ở TP.HCM đã và đang xấu đi suốt nhiều năm qua (chỉ cần kiểm tra số ngày ô nhiễm không khí ở đô thị hằng năm là đủ nhận biết điều đó). Dù giàu có đến đâu, anh cũng không thể “mua” không khí riêng để hít thở; không thể “mua” những con đường riêng để khỏi chịu cảnh chen chúc... Và thêm nữa là nỗi lo về giáo dục, về y tế: một chỗ học tốt cho con cái, một cơ sở y tế tốt để chăm sóc sức khỏe thường ngày. Cuộc sống rõ ràng không chỉ là nơi để “làm ăn”, nó còn là nơi “để sống”. Xét trên những tiêu chí về môi trường sống, liệu các đô thị Việt Nam có thay đổi đủ để hấp dẫn hơn trong những năm vừa qua? Như trên đã nói, sẽ rất vội vàng và phiến diện khi nêu ra câu trả lời cho câu hỏi vì đâu người Việt ra đi khi thiếu những thống kê và điều tra khảo sát xã hội học một cách khoa học. Nhưng sẽ không là thừa khi đưa ra những cảnh báo về xu thế đáng lưu ý này. Alvin Toffler, học giả người Mỹ, trong những tác phẩm dự phóng tương lai nổi tiếng cách đây hơn 3 thập kỷ từng đưa ra chỉ số “dịch chuyển của công dân” như một thước đo cho mức độ phát triển của xã hội. Người Việt trong một thế giới toàn cầu hóa tích cực di chuyển là điều đáng mừng bởi với “căn tính” Việt, dù đi đâu, làm gì thì người Việt vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ. Nhưng nếu dịch chuyển kiểu “cô dâu Đài Loan, cô dâu Hàn Quốc” và bây giờ “dịch chuyển EB-5”, đó là những chỉ dấu đáng suy nghĩ hơn là đáng mừng.■ Tags: Định cư MỹĐịnh cư Mỹ EB5
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
Ông Putin nói 'không ai trên thế giới' có tên lửa siêu vượt âm giống Oreshnik THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Putin nói tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik không phải là phiên bản nâng cấp của các vũ khí có từ thời Liên Xô.