Sắc màu Melbourne

TRẦN THÙY LINH 29/11/2018 03:11 GMT+7

TTCT - Ngay từ lần đầu đặt chân tới Melbourne, tôi đã “phải lòng” thành phố, như điều người ta thường nói: Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Ảnh: Trần Thùy Linh

Vẫn không bỏ được cái tật hay so sánh, nếu Sydney là Sài Gòn thì Melbourne với tôi là Hà Nội, là lãng đãng mây chiều, là xanh mướt những hàng cây, là chiếc tàu điện màu sắc gợi nhớ quá khứ xa xăm, là chuyển động ẩn giấu đâu đó dưới những sắc màu.

Trên hết, Melbourne là thành phố của nghệ thuật, nơi tôi có thể lang thang hết ngày dài tới đêm thâu trong những bảo tàng, gallery tranh đủ loại, trên những con đường mùa nào cũng duyên dáng một vẻ rất riêng. Nếu đã từng tới Melbourne, chắc chắn bạn sẽ đồng ý rằng nghệ thuật ở khắp nơi và sáng tạo ở mọi góc.

Federation Square, một nơi du khách không thể bỏ qua. Ảnh: T.T.Linh
Federation Square, một nơi du khách không thể bỏ qua. Ảnh: T.T.Linh

 

Điểm nhấn: bảo tàng và hơn thế nữa

Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Victoria ở Melbourne có một bộ sưu tập đồ sộ với hơn 70.000 tác phẩm nghệ thuật mọi thể loại từ thời cổ đại tới đương đại của châu Âu, châu Úc và châu Á - Thái Bình Dương, từ kinh điển với Rembrandt, Monet, Picasso, Manet tới Dahli, Max Rothko, Frankthaler hay Gerhard Richter và rất nhiều họa sĩ Úc, Anh, Scotland.

Không những thế, bảo tàng này còn thực sự là một điểm đến giải trí hấp dẫn cho công chúng mọi tầng lớp. Các triển lãm thường xuyên được tổ chức cả trong không gian bảo tàng lẫn trung tâm nghệ thuật và Ian Potter Center gần đó.

Những không gian nghỉ chân, cà phê, nhà hàng, shop lưu niệm... được thiết kế vô cùng độc đáo và đầy ấn tượng. Bức màn nước chuyển động liên tục ngay sảnh vào - (nước tái sử dụng từ nước sinh hoạt của bảo tàng), kết hợp với ánh sáng tự nhiên khiến khách bất ngờ như đang được chiêm ngưỡng một bức tranh sơn dầu “động” với khách tham quan chính là những nhân vật trong tranh.

Ba khối kim loại lớn kết hợp với kính được xếp hình vòng cung đan xen hình móng ngựa đặt ở tầng trệt tạo ra vô vàn không gian bất ngờ đầy lý thú. Đó mới chỉ là hai trong rất nhiều điểm nhấn ấn tượng mang tính mỹ thuật và sáng tạo cao trong không gian bảo tàng.

Cũng không khó để thấy tranh, tượng và vô vàn hình thái của nghệ thuật tạo hình ngay trên mọi con phố Melbourne. Từng con hẻm nhỏ đều có tên riêng và rất nhiều trong số đó là điểm thu hút du khách nhờ những tác phẩm graffiti trên tường.

Đương nhiên không thể thiếu âm nhạc. Ngay cả những ngày trong tuần, cũng có nhiều nhạc công chơi đàn trên phố với đủ lớp thể loại nhạc và nhạc cụ, bên cạnh những chương trình hòa nhạc mang tính hàn lâm diễn ra trong nhà hát hay trung tâm nghệ thuật. Cuộc sống sôi động mà không ồn ào, bình yên mà vẫn đa sắc.

Trong không gian phố ấy, không thể không nhắc tới kiến trúc độc đáo của các tòa nhà và sự hài hòa đáng khâm phục trong kiến trúc bảo tồn và kết hợp mới - cũ.

Trung tâm nghệ thuật Victoria luôn thu hút khách phương xa. Ảnh: T.T.Linh
Trung tâm nghệ thuật Victoria luôn thu hút khách phương xa. Ảnh: T.T.Linh

 

Đặc sắc về kiến trúc hiện đại có thể kể tới tòa nhà đầy màu sắc với cách tạo dựng không gian, lấy sáng với nhiều góc cạnh đầy bất ngờ của Trường đại học RMIT, của Trung tâm nghệ thuật NGV và Ian Potter Center.

Thí dụ về bảo tồn và kết hợp cũ - mới, chuyển đổi công năng cho các tòa nhà... thì nhiều vô kể trong trung tâm thành phố như trường RMIT, các khách sạn, tòa nhà H&M... nay đều là trung tâm mua bán sầm uất, tiệm cà phê, gallery tranh, nơi tất cả các chi tiết xưa, từ trang trí trần, vòm, nền, các tác phẩm điêu khắc bằng đồng, họa tiết trên tường hay mặt sàn mosaic... đều được giữ gìn nguyên vẹn và có ghi chú đầy đủ về lịch sử.

Sự hài hòa đầy thú vị trong đối lập về hình khối, chất liệu và màu sắc giữa những kiến trúc mới và cũ đã làm nên sức cuốn hút đặc biệt của Melbourne. Tòa chung cư nơi tôi ở gần khu trung tâm thành phố cũng là một sự kết hợp cũ - mới đầy thú vị.

Nơi đây trước kia (từ năm 1894) vốn là một nhà máy điện. Trong những năm gần đây người ta đã xây lên một tòa cao ốc 42 tầng trên khuôn viên nhà máy điện xưa nhưng vẫn giữ lại phần mặt tiền gạch cổ. Lối đi bên hông và một phần khuôn viên được giữ nguyên cấu trúc. Không gian được chia lại, một logia (*) rộng được tạo dựng.

Các mảng tường cũ được thay bằng vách kính, chỉ giữ lại một phần tường cũ. Các phân xưởng biến thành nhà hàng, văn phòng và các shop với trang trí hiện đại đầy màu sắc, gợi nhớ quá khứ qua hình bóng đèn trên những vách kính. Phần lớn diện tích còn lại của khuôn viên chính là tòa cao ốc căn hộ cao cấp với vách kính và trang trí mặt tiền tinh tế, tôn lên phần xưa cũ bên dưới.

Flinders Street, ấn tượng từng góc phố. Ảnh: Trần Thùy Linh
Flinders Street, ấn tượng từng góc phố. Ảnh: Trần Thùy Linh

 

Nghe cây kể chuyện

Không ngạc nhiên chuyện người Úc rất có ý thức bảo vệ hệ sinh thái của châu lục này, nhưng vẫn thấy phục cách đối xử với thế giới xung quanh của họ, bắt đầu từ những sinh vật, động vật nhỏ bé nhất trong đời sống hằng ngày.

Từ năm 2014, người dân thành phố Melbourne có thể viết thư cho cây. Ý tưởng này được tòa thị chính thành phố áp dụng cho hơn 70.000 cây xanh hiện hữu trên các đường phố tại Melbourne.

Những người lãnh đạo đã nhận thấy mối đe dọa ngày càng lớn đối với cây xanh của thành phố khi khí hậu ngày một khô nóng hơn và nước ngày càng phải tiết kiệm hơn trong những năm qua, dù Melbourne là một thành phố rất xanh.

Để có thể sớm can thiệp tác hại và hạn chế rủi ro cho cây, chính quyền Melbourne đưa ra ý tưởng gắn số cho từng gốc cây; mỗi số có một địa chỉ email để người dân có thể kịp thời thông báo về những biến đổi bất thường của cây trước cửa nhà họ.

Bạn chắc sẽ ấn tượng với những gì bên trong Art Center. Ảnh: T.T.Linh
Bạn chắc sẽ ấn tượng với những gì bên trong Art Center. Ảnh: T.T.Linh

 

Bằng cách đó, thành phố mong muốn nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cư dân với cây xanh. Khá bất ngờ khi số lượng email gửi cho cây lên đến hàng ngàn, trong đó rất nhiều “thư tình”. Những thư này đều được “cây xanh” (là các nhân viên tòa thị chính và các tình nguyện viên) trả lời.

Mọi người dân đều có thể tìm thấy địa chỉ email và thông tin chi tiết như chủng loại, độ tuổi, thời gian dự kiến bảo tồn của từng cây trên từng con phố tại Melbourne trên một bản đồ rừng của thành phố trên mạng. Biết thông tin ấy rồi, bỗng thấy cây không còn chỉ là cây nữa, mà thực sự là bạn. Đi trên phố bỗng như nghe thấy bao lời thì thầm, nhắn gửi từ trên cao.

Những ngày ở Melbourne, tôi cứ lang thang từ bảo tàng tới quán cà phê, từ gallery bày tranh Aboriginal Art (Nghệ thuật của thổ dân) tới những phòng tranh đương đại.

Lang thang cả ở những khu phố mua sắm, ngồi nghe những tán cây kể chuyện hay đơn giản chỉ là ngồi trên xe buýt lòng vòng qua những khu dân cư. Không phải tôi muốn tìm kiếm điều gì, mà chỉ để được đắm chìm vào không khí của một nơi chốn một cách tự nhiên nhất, hòa mình vào cuộc sống nơi đây một cách giản dị nhất.

Tôi luôn thấy Melbourne có gì đó rất giống Hà Nội. Tinh tế và đầy màu sắc nhưng không dễ thấy, nếu bạn luôn vội vã hay để những xô bồ bề ngoài che lấp. Những sắc màu nghệ thuật và sự hiện diện của thiên nhiên nơi phố xá ấy thu hút và cuốn tôi đi.

Đi bao nhiêu cũng chưa đủ để hiểu. Hiểu bao nhiêu cũng thấy chưa sâu. Biết bao nhiêu cũng vẫn là còn thiếu. Đó là điều đặc biệt của thành phố ấy, là một trong số những nơi chốn xứ người mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc không chỉ từ vẻ đẹp hiển nhiên của phố, của rừng hay biển.■

(*) Logia: thuật ngữ trong kiến trúc, là khoảng hở, hàng hiên trong không gian nhà.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận