Sách hay chuyền tay, sợ lây virus

PHAN BẢO 12/09/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Trong khoảng 4 thập kỷ, từ năm 1880 đến năm 1920, người dân ở Anh và Mỹ đã phải đối mặt với “Nỗi khiếp sợ sách” (The great book scare) do lo sợ nhiều căn bệnh truyền nhiễm như lao, đậu mùa, ban đỏ có thể lây lan qua sách, đặc biệt là sách mượn từ thư viện. Từ một niềm vui, thẻ thư viện trở nên đáng sợ.

 
 Ảnh: Study Breaks Magazine

3 tháng trước khi ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc tháng 12-2019, cây bút Joseph Hayes đã nhớ chuyện xưa trong bài “Khi công chúng lo sợ sách trong thư viện có thể lây lan bệnh chết người” trên tạp chí Smithsonian. Có lẽ Hayes không ngờ ngay sau đó, nỗi sợ trăm năm trước lại có thể trở lại cùng một dịch bệnh mới.

Sợ gì như sợ sách

Bệnh tật tràn lan ở cả Anh và Mỹ vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Dịch lao, đậu mùa và bệnh ban đỏ hoành hành khắp các thành thị. Với khả năng dễ lây lan và tỉ lệ tử vong cao của những căn bệnh này, tâm lý lo sợ bị nhiễm bệnh của người dân đương thời là dễ hiểu.

Nhưng thay vì sợ những đồ vật thường qua tay nhiều người ở nơi công cộng, như tay nắm cửa chẳng hạn, người dân lúc bấy giờ lại chú mục vào sách thư viện. Không ít độc giả đến thư viện - một mô hình còn khá mới mẻ lúc đó - lo lắng không biết ai mượn quyển sách này trước họ, và liệu người đó có nhiễm bệnh hay không.

Nỗi lo sợ ấy không hề nhỏ. Họ sợ chỉ cần mở một quyển sách ra là bệnh dịch đã có thể phát tán, theo Annika Mann, giáo sư Đại học Arizona, kiêm tác giả quyển Reading Contagion: The Hazards of Reading in the Age of Print (Lây nhiễm qua đường đọc sách: Mối nguy hiểm của việc đọc sách trong thời đại in ấn, in năm 2018).

Họ tưởng tượng rằng, một người lạ nào đó bị bệnh hiểm nghèo có thể ho và bắn những mẩu mô nhỏ chứa vi khuẩn lên những trang giấy. Họ cũng sợ cả khả năng “mắc bệnh ung thư khi tiếp xúc với mô ác tính xuất hiện trên các trang sách”, theo bài báo “Books as Disease Carriers, 1880 - 1920” (Sách là phương tiện mang dịch bệnh, 1880 - 1920) xuất bản năm 1988 của học giả Gerald S. Greenberg.

Đỉnh điểm của nỗi sợ sách vô ngần là vào mùa hè năm 1879. Năm đó, theo lời kể của W.F. Poole, một thủ thư ở Chicago, có độc giả đã hỏi ông liệu sách có thể truyền bệnh hay không. Mọi người ở Anh cũng bắt đầu đặt câu hỏi tương tự. Theo Mann, mối quan tâm về việc sách có mang mầm bệnh hay không nổ ra gần như đồng thời ở Anh và Mỹ.

Báo chí cũng ngày càng đề cập đến khả năng lây lan dịch bệnh từ sách nhiều hơn. Một tài liệu tham khảo đăng trên tờ Chicago Daily Tribune ngày 29-6-1879 cho biết: dù rất nhỏ nhưng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng lây nhiễm bệnh từ sách thư viện. Ấn bản ngày 12-11-1886 của tạp chí Perrysburg ở Ohio liệt kê sách là một trong những đồ vật không nên để trong phòng người bệnh. Tám ngày sau, một tờ báo khác của Ohio, The Ohio Democrat, tuyên bố thẳng thừng: Bệnh ban đỏ lây lan qua các hoạt động vận hành thư viện và “sách ảnh lấy từ đó để giúp bệnh nhân giải khuây không được khử trùng sau khi trả lại”.

Càng nhiều tờ báo đưa tin về chủ đề này, nỗi sợ hãi càng tăng. Cuối cùng dẫn đến cơn ám ảnh kinh hoàng về sách mà cái chết vì căn bệnh lao của Jessie Allan, một cư dân bang Nebraska, vào ngày 12-9-1895 là đỉnh điểm.

Allan vốn là thủ thư tại Thư viện công Omaha. Tạp chí Thư viện của Hiệp hội Thư viện Mỹ tháng 10 cùng năm viết: “Cái chết của cô Jessie Allan càng đáng buồn gấp bội khi xét về dấu ấn tốt đẹp mà cô để lại trong công việc và tình cảm mà tất cả thủ thư quen biết cô dành cho cô, cũng như cách mà cái chết ấy đã tạo nên một làn sóng dư luận mới về khả năng lây lan những căn bệnh truyền nhiễm qua sách”.

 
 Phòng đọc chính của Thư viện Công cộng New York vào khoảng năm 1910 - 1920. Ảnh: Smithsonian

Từ khử khuẩn đến đốt sách

Để giải quyết một vấn đề nảy sinh hầu như từ sự lo sợ thái quá của mọi người và chưa có bằng chứng y khoa nào xác thực, các đơn vị chức năng và những thư viện đã đưa ra nhiều biện pháp không mấy tích cực.

Ở Mỹ, trách nhiệm ban hành luật để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thông qua việc cho mượn sách được giao cho chính quyền bang. Mỗi bang có một kiểu quy định khác nhau về việc vận hành thư viện và cho mượn sách. Tháng 1-1900, thành phố Scranton ở bang Pennsylvania ra lệnh cho các thư viện tạm dừng phân phối sách để ngăn chặn sự lây lan của bệnh ban đỏ, theo học giả Greenberg.

Chính phủ Anh cũng ban hành một loạt điều luật, nổi bật là việc cập nhật Đạo luật y tế công cộng năm 1875 vào năm 1907. Theo đó, những ai bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm bị cấm mượn, cho mượn hoặc trả sách thư viện; nếu vi phạm sẽ phải chịu mức phạt lên đến 40 shilling (khoảng 200 đôla ngày nay).

Không chịu “bó gối”, các thư viện bắt đầu hành động. Theo Greenberg, họ khử khuẩn những quyển sách được cho là mang mầm bệnh bằng nhiều phương pháp vô tiền khoáng hậu, như: xông sách trong hơi nước bốc lên từ phenol được nung trong lò ở Sheffield (Anh), xịt khuẩn bằng dung dịch formaldehyde ở Pennsylvania, và khử trùng bằng hơi nước nóng ở New York. Dẫu biết sử dụng hóa chất để khử trùng là có hại cho sách, cách làm này ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Nhưng khử khuẩn vẫn chưa phải biện pháp tệ nhất từng được đưa ra. Họ bắt đầu đốt sách. Câu lạc bộ Thư viện Tây Massachusetts khuyến cáo mọi người không nên đem những cuốn sách bị nghi ngờ mang mầm bệnh trả lại thư viện, mà hãy đốt chúng đi. Và rồi ở Anh cũng như Mỹ, sách bị thiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Mann viết trong “Reading Contagion”: đề xuất đốt sách nhiễm khuẩn của các bác sĩ thậm chí còn được đăng trên Tạp chí Thư viện.

 
 Khu vực sách đã được "cách ly", sẵn sàng cho mượn tại thư viện Montgomery County-Norristown. Ảnh: The Philadenphia Inquirer

Sách có thật sự lây nhiễm?

Sau một thời gian dài sống trong hoảng sợ, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu lây nhiễm qua sách thật sự là một mối đe dọa nghiêm trọng hay chỉ đơn giản là một ý tưởng mà người người đồn thổi. Cuối cùng, khi đã lý trí hơn, người ta mới chịu nhìn vào những số liệu cho thấy tỉ lệ thủ thư nhiễm bệnh không hề cao hơn so với các nghề nghiệp khác.

Là những người “lãnh đủ” nhất, các thủ thư bắt đầu xắn tay trực tiếp giải quyết cơn hoảng loạn. Mann mô tả: họ đứng ra bảo vệ thư viện của mình với một thái độ không hề sợ hãi. Mùa xuân năm 1914, Thư viện Công cộng New York, cũng như người dân trên toàn thành phố, kịch liệt phản đối đề xuất khử khuẩn sách hàng loạt, khiến kế hoạch này cuối cùng đã bị hủy bỏ.

Ở những nơi khác trên khắp nước Mỹ, sự hoảng loạn cũng bắt đầu giảm nhiệt. Thư viện vô tư cho mượn những cuốn sách trước đây bị bạn đọc tránh như tránh tà do nghi nhiễm khuẩn chứ không phát hành thêm. Ở Anh, các bác sĩ và giáo sư vệ sinh dịch tễ tiến hành hết thử nghiệm này đến thử nghiệm khác nhưng đều không chứng minh được khả năng mắc bệnh từ sách.

Vậy là sự hoảng loạn lắng xuống. Nó chỉ còn le lói tại một vài nơi ở Mỹ, Anh, và Nhật trong các cuộc tranh luận của những chuyên gia y tế đến tận cuối những năm 1940, trước khi hoàn toàn biến mất sau đó, Greenberg viết.

Theo Mann, nỗi sợ sách vô ngần dấy lên trong bối cảnh các lý thuyết mới về sự lây nhiễm xuất hiện, đồng thời một bộ phận người dân không ủng hộ việc phát triển mô hình thư viện công. Nhiều người Mỹ và Anh sợ thư viện vì đó là nơi dễ dàng tiếp cận những gì họ coi là sách khiêu dâm hoặc chống chính quyền.

Y học hiện đại khẳng định rằng, mặc dù các trang sách có thể ẩn chứa bệnh tật, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ chúng là cực kỳ thấp. Thư viện ngày nay vẫn thường xuyên làm sạch sách. Chẳng hạn tại Thư viện Công cộng Boston, sách trải qua một quy trình phủi bụi trên băng chuyền giống như ôtô được mang đi rửa ở tiệm, chứ không phải khử trùng như xưa, theo tạp chí Mental Floss.

Theo một bài viết trên tạp chí Nature vào tháng 1-2021, mặc dù virus corona có thể tồn tại trên tay nắm cửa và các bề mặt khác, nhưng chúng không phải là nguồn lây nhiễm chính. Dù vậy, nhiều người vẫn không khỏi lo lắng vì sách là thứ họ thường giữ gần với cơ thể hơn những vật khác; người lớn có thói quen mang sách lên giường đọc, áp sách sát vào mặt, còn trẻ con thì hay ôm sách vào người.

Để giải quyết nỗi lo này, giống như cách ly những người bị nghi nhiễm, nhiều thư viện ở Mỹ cũng xếp sách vừa được trả vào một nơi riêng trong một khoản thời gian nhất định, thường từ một ngày cho đến một tuần, trước khi cho độc giả tiếp theo mượn.

“Có lẽ ta hiếm thấy ai hắt hơi vào một cuốn sách. Nhưng có thể làm điều gì đó giúp mọi người cảm thấy an toàn mới là điều quan trọng hơn cả” - Karen DeAngelo, giám đốc điều hành Thư viện Công cộng quận Montgomery-Norristown (Pennsylvania), giải thích với The Philadelphia Inquirer.

Colin Furness, chuyên gia dịch tễ học hiện dạy tại Đại học Toronto, khuyên mọi người nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với sách giống với bất kỳ thứ nào khác mà bản thân tiếp xúc, như thường xuyên dùng nước sát khuẩn tay và tránh chạm tay lên mặt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận