TTCT - Sáng chủ nhật, khu vực sân tập của Cung văn hóa Lao động TP.HCM náo nhiệt trong tiếng nhạc và hò reo của các bạn trẻ ở những trận đấu hip hop. Các trận đấu hip hop sôi động tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM - Ảnh: Trọng Nghĩa Gọi là thi nhưng không thấy chút hơn thua gay gắt nào vì “toàn quen nhau hết mà”, như lời một bạn tham gia. Và đó chỉ mới là một mảnh ghép nhỏ của Sài Gòn chơi mang đậm hơi thở của người trẻ ở thành phố 10 triệu dân này. Ngọc Anh và Bảo Quyên, hai gương mặt quen thuộc tại rất nhiều trận đấu (battle) hip hop, cho biết: “Lên lớp 12, em học nhiều nhưng chủ nhật nào có hội lớn thì không thể bỏ qua, với lại em thích không khí ở những chỗ như thế này, rất free-style (tự do, thoải mái)”. Anh và Quyên học hip hop từ năm lớp 9, song song với việc học tại trường chuyên và cả hai vừa nhận được học bổng tại Mỹ trong năm học tới. “Ba mẹ hay nói không nên chơi hip hop, lo học đi, nhưng tụi em muốn chứng minh là vẫn có thể vừa học vừa chơi được” - Quyên nói, chân vẫn nhịp theo tiếng nhạc sôi động trong sàn đấu. Ăn, ngủ cùng nhảy “Bùm!”, “Bùm!”, “5, 6, 7”, theo nhịp nhắc của Lê Tiến Quốc (21 tuổi), các bạn trẻ khác đẩy nhanh tốc độ nhảy. Chưa theo kịp nhịp điệu bài rap God của Eminem, Quốc vừa hô “tập lại!” vừa bật nhạc lại từ đầu. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn ra sức tập cho kịp nhạc, xen giữa những động tác xoay lộn người. Họ thuộc nhóm hip hop Nolza Family, thành viên lớn tuổi nhất đang là sinh viên năm hai, nhỏ nhất mới học lớp 8. Mỗi buổi tập hai tiếng, tuần ba buổi, cả nhóm tập hợp ở sảnh Đại học Công nghiệp TP.HCM, “đạo cụ” chỉ là chiếc điện thoại bật nhạc kết nối với loa. Nhưng sự hào hứng say sưa của họ khiến bất kỳ ai đi ngang cũng phải dừng lại theo dõi. Được hình thành ngẫu hứng từ những bạn mê nhảy làm quen với nhau trên Facebook, nhóm duy trì theo phong cách rất “nghệ sĩ”: thành viên mới nhảy một bài cho các thành viên cũ nhận xét, nếu đạt thì gia nhập nhóm. Trưởng nhóm Anh Duy cho biết: “Việc lập nhóm vừa quy tụ được những người có cùng sở thích, vừa giúp chúng tôi học hỏi lẫn nhau. Từ đó, chúng tôi đã trở thành bạn thân ngoài đời. Đó là điều rất quan trọng đối với nhóm”. Song song với việc tập, biểu diễn, gần đây các nhóm có ý tưởng thực hiện các video clip mang dấu ấn riêng. Chẳng hạn Nolza Family vừa hoàn tất video clip “SaiGon is Happy”, tập trung quay cảnh con người và đường phố Sài Gòn trên nền bài Happy của Pharrell Williams, trong đó nhóm thuyết phục được các chị bán hàng, chú xe ôm, anh công nhân... cùng nhảy với mình và thu hút được lượng người xem không nhỏ trên mạng. Khung cảnh của The Cinephiles trong một đêm chiếu - Ảnh: Huyền Trang Không gian trẻ Trong vòng một năm trở lại đây, lần lượt Saigon Outcast, Zero Station, rồi mới đây là Nhà Ga 3A đã tạo nên một không gian mới mẻ hơn cho những sáng tạo nghệ thuật của giới trẻ. Đến Saigon Outcast, khó ai có thể ngồi yên với tiếng nhạc sôi động và hàng loạt hoạt động, lễ hội vui nhộn, từ hip hop, vẽ graffiti đến skateboard (chơi ván trượt) tổ chức gần như mỗi tuần. Mới đây, chỉ trong một buổi chiều, lễ hội té nước phiên bản “Saigon Outcast” đã thu hút hơn 200 bạn trẻ đến bắn súng nước, chơi bong bóng nước, trượt nước, sau đó là nấu nướng và nhảy cùng DJ, tất cả đều hoàn toàn miễn phí... Natalia, sinh viên người Đức Trường RMIT, nói: “Mới đầu khi các bạn rủ rê đến đây, tôi cũng cố gắng đứng né ra để không bị ướt. Nhưng sau khi bị giội nguyên xô nước đá thì nhào vô luôn. Vui quá, bình thường chẳng bao giờ chơi được như thế này ở thành phố”. Còn Nhà Ga 3A (3A-3B Lý Chính Thắng, quận 1) dù là “lính mới” nhưng cũng nhanh chóng hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho những người đam mê nghệ thuật đương đại. Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7-4, trước đó cả tuần khu vực này đã thu hút các nghệ sĩ trẻ của nhiều nhóm graffiti trong và ngoài nước đến trổ tài. Kết quả là hàng chục bức tranh graffiti đã ra đời, đủ màu sắc, nét vẽ vui nhộn trên nền tường trước đây chỉ một màu xám xịt. Trong đó nổi bật là hình ảnh Lunch Lady đội nón lá cười phúc hậu, như một lời chào thân thiện “rất Sài Gòn” dành cho những nghệ sĩ sắp đến đây làm việc. Lấy cảm hứng từ những khu nghệ thuật đương đại trong trào lưu quốc tế như Soho ở New York, khu 798 ở Bắc Kinh, Nhà Ga 3A là một chuỗi không gian bao gồm phòng tranh, studio, cửa hàng quần áo, kho hàng ký gửi, kho hàng từ thiện, cà phê… Hằng tháng, tại đây sẽ diễn ra các hoạt động định kỳ như chợ phiên nghệ thuật, chợ phiên đồ xưa, trình diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang… Hoàng Anh, một tay vẽ graffiti, cho biết: “Trước đây chơi graffiti khó nhất là tìm địa điểm, giờ anh em có được chỗ này thì phấn khởi hơn hẳn. Hi vọng sẽ duy trì được lâu dài để việc sinh hoạt, thực hiện các bức vẽ thuận lợi hơn”. Đổi món sách - phim Có phần lặng lẽ hơn so với âm nhạc hay nghệ thuật đương đại nhưng cũng không hề kém cạnh về mức độ thu hút giới trẻ tham gia, đó là những câu lạc bộ sách và phim. Về sách, có thể kể đến trang bookaholic.vn. Khác với cách bình sách, chọn sách theo cái nhìn chuyên nghiệp của “người lớn”, những bài viết tổng hợp, giới thiệu sách ở đây xuất hiện theo những chủ đề đúng kiểu “tuổi thanh xuân của chúng ta”, chẳng hạn như “sách cho người đang yêu”, “sách cho kẻ-bể-tim”, “sách cho các cô gái”... Với hầu hết thành viên đều còn rất trẻ, sách ở đây được giới thiệu theo tiêu chí “Reading gone wind” (Đọc theo chiều gió), tức các bạn đã thật sự đọc qua và chia sẻ lại theo cảm nhận của mình. Bắt đầu chỉ từ một trang blog cá nhân cập nhật thông tin sách mới từ các công ty xuất bản, sau một thời gian “Bookaholic quy tụ thêm một số thành viên chủ lực và phát triển thêm một số dự án, mở rộng bài viết về mảng tin tức, sự kiện, hoạt động như một tờ báo điện tử cung cấp tin tức mới nhất về ngành xuất bản trong và ngoài nước” - trưởng nhóm Hanki Nguyễn cho biết. Gắn bó với Bookaholic từ những ngày đầu, Hannah Lê chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ lên diễn đàn để đọc những bản sách lâu đời khó tìm thấy trong các nhà sách, dần dần tham gia luôn dự án dịch thuật, bìa sách… Tôi gắn bó với Bookaholic trước hết vì tình bạn thân thiết với các thành viên khác, và niềm vui từ những phản hồi của bạn đọc về những điều mình đăng tải”. Phim cũng là một mảng sinh hoạt được nhiều bạn trẻ yêu thích. Khác với việc vào rạp xem những bộ phim thời thượng hay những buổi ra mắt phim rầm rộ, hoạt động của các nhóm phim này thường tập trung giới thiệu và chiếu những bộ phim “hiếm thấy khó tìm”, chẳng hạn như điện ảnh Nhật, phim kinh điển Mỹ giai đoạn Thế chiến thứ hai... Trong đó, The Cinephiles là một cái tên đang dần quen thuộc với giới trẻ khi giới thiệu một không gian xem phim khá độc đáo: xem phim ngoài trời. Một màn chiếu rộng, những chiếc ghế gỗ có thể nằm dài được đặt trên bãi cỏ rộng trong một biệt thự ở quận 3, rất nhiều bạn trẻ muốn xem phải đặt chỗ trước. Tất cả tạo nên một không khí náo nức khác lạ cho người xem phim. Ngoài ra, những buổi trao đổi, bình luận về điện ảnh theo chủ đề cũng đang phát triển một cách độc lập tại Sài Gòn. Đơn cử như trong tháng 4, chương trình giao lưu về Tương tác xã hội trong điện ảnh - F.I.M (Film Industry Meetup) sẽ được Cloud 9 Production tổ chức dành cho các bạn trẻ thích xem phim, làm phim, với sự có mặt của nhà làm phim/họa sĩ phim hoạt hình lâu năm Ivan Tanksuhev, người vừa nhận được giải thưởng Phim tài liệu hay nhất của Liên hoan phim quốc tế New York cho bộ phim đầu tay Chuyện ngôi nhà An Phúc năm 2013. Hoàng Nhật, 26 tuổi, trưởng một nhóm làm phim, cho biết: “Chúng tôi đã tham gia nhiều cuộc thi làm phim nhưng thường là... thất bại (cười), kinh nghiệm rút ra là không nên chỉ làm ngẫu hứng hoặc dùng vốn sẵn có. Tìm hiểu kỹ kiến thức về điện ảnh trước khi bắt tay vào làm sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và có góc nhìn tốt hơn nhiều!”. Một “trạm chờ” sách mini của dự án Book Box - Ảnh: Book Box Không chỉ là chơi Trong một lần đi tìm nơi vẽ graffiti ở Bình Dương, nhóm graffiti 10s và The Saigon Project đã quyết định vào Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An để sinh hoạt với các em nhỏ và vẽ một bức graffiti đầy màu sắc, vui nhộn lên tường đã ngả vàng rêu phủ ở đây, đồng thời khuyến khích các em cùng vẽ chung với mình. Đối với dân mê sách, một dự án phi lợi nhuận khá thú vị đang được hưởng ứng tích cực: Book Box, một hình thức “trạm chờ” cho sách với tinh thần “take a book, leave a book” (Hãy lấy một quyển sách và để lại một quyển khác). Sách được đặt trong những chiếc hộp nhỏ trước các quán cà phê, bạn có thể đến lấy một cuốn và để lại một cuốn khác, kèm theo đó là những lời đề tặng dành cho một người bạn xa lạ nào đó sẽ đọc sách của mình. Tags: Sài GònNghệ thuật đương đạiSân chơi giới trẻTương tác xã hội trong điện ảnhKhông gian trẻ
Văn hóa giao thông: Không thể chỉ dựa vào phạt nặng cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 11/01/2025 1483 từ
Nga chuyển tàu nghiên cứu biển cho Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác năng lượng hạt nhân DUY LINH 14/01/2025 Thủ tướng Nga Mishustin khẳng định nước này sẵn sàng tham gia xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam. Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này đã được ký kết.
Mẹ cháu bé 4 tuổi bị người lạ dắt đi cảm ơn cộng đồng, nói vụ việc 'do cô gái quý mến cháu' TIẾN NGUYỄN 14/01/2025 Mẹ cháu bé bị người lạ dắt đi cho rằng sự việc diễn ra là do cô gái quý mến cháu, đưa cháu đi chơi, và không quên cảm ơn cộng đồng mạng đã giúp rất nhiều thông tin có ích.
TP.HCM bất ngờ mưa lớn và kéo dài, người dân vất vả giờ tan làm mưa và kẹt xe CHÂU TUẤN 14/01/2025 Hơn 18h30 ngày 14-1, nhiều nơi tại TP.HCM vẫn đang mưa. Tại các ngã ba, ngã tư và đường quan trọng, người dân vất vả đi lại vì dính trọn ‘combo’ mưa trái mùa và kẹt xe.
Phạt 174.000 trường hợp vi phạm sau nửa tháng thi hành nghị định 168 HỒNG QUANG 14/01/2025 So với cùng kỳ, số vụ tai nạn trong nửa tháng qua (1-1 đến 14-1) giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41%), giảm 426 người bị thương (-34,24%).