Sân khấu Hoàng Thái Thanh ngưng diễn: Túi tiền mỏng của hai kẻ mộng mơ

THÚY NGA 22/04/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Trong suốt cuộc trò chuyện, bất chợt vài lần Ái Như vội vã quay mặt đi, tôi cũng vội vàng cúi xuống ghi ghi chép chép... Mãi rất lâu sau, chị nghèn nghẹn bảo, “cứ sợ nước mắt phá hỏng lòng kiêu hãnh”. Nhưng nước mắt có lý lẽ riêng của nó, đành đoạn nói lời chia tay với điều mình đã lao tâm khổ tứ suốt hàng chục năm ròng, có biết bao là buồn tủi, mà đâu chỉ với người mang nặng đẻ đau!

 
 Quang Thảo, Hoàng Vân Anh, Ái Như, Hồng Ánh (vở diễn Nửa đời hương phấn)

 "Chúng tôi đã cố gắng hết sức!"

Tôi giật mình khi nghe nói sân khấu Hoàng Thái Thanh (HTT) sẽ ngưng diễn. Là đóng cửa thật sao chị?

- Ồ... dạ tạm ngưng diễn thì có nhưng đóng cửa thì không phải chị ạ. HTT đã có tuổi đời hơn 12 năm với 53 vở diễn gửi đến khán giả tính từ 2010. Từ trước tới giờ, khi ra mắt thêm một vở diễn mới thì chúng tôi sắp xếp lịch diễn vở mới cùng các vở cũ xoay tua nhau diễn đều đặn vào các ngày cuối tuần cho đến khi nào vở diễn ấy thưa vắng khán giả đến xem thì sẽ ngưng. Vì vậy có những vở diễn từ 2010 đến nay vẫn còn sáng đèn, nhưng cũng có những vở đã chia tay công chúng từ lâu. Tuy nhiên, khi số lượng vở diễn càng nhiều, HTT phải đối mặt với các khó khăn càng lớn như mặt bằng, kho bãi, về con người như nhân sự, kế hoạch biểu diễn… Và việc sắp xếp lịch diễn với nhiều vở xoay tua hằng tuần dường như không còn đủ khả năng để tạo sức hút cho khán giả mau chóng đến rạp khi một vở mới trình làng.

Vì vậy, HTT muốn khép lại - chỉ là khép lại thôi - phương thức biểu diễn HTT đã từng, để tìm kiếm thử nghiệm một phương cách biểu diễn mới, chúng tôi tạm gọi là “diễn theo mùa”. Với phương thức này, HTT sẽ có hai mùa diễn chính: mùa Tết và mùa giữa năm. Mỗi mùa diễn kéo dài từ 3 - 5 tháng với 1 hoặc 2 vở diễn cố định suốt thời gian đó. Đây không phải là phương thức lạ lẫm bởi các nhà hát kịch tại Mỹ, Thái Lan, Anh, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều đã áp dụng.

Thay đổi cũng là để tự cứu mình nên chúng tôi hy vọng lại tìm được tiếng nói ủng hộ từ khán giả, nhất là những người đã “ lỡ” yêu mến HTT!

Chị từng trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng không thể vượt qua, như cái lần phải dời sân khấu từ Nhà thiếu nhi thành phố ở quận 3 giữa trung tâm thành phố đến Nhà thiếu nhi quận 10, khó khăn trập trùng, nhiều người đã tưởng chị sẽ bỏ cuộc, vậy mà vẫn kiên cường không bỏ. Sao lần này lại là không thể?

- Đó là chuyện của 8 năm trước, so với bây giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong các mảng cạnh tranh về hoạt động giải trí, từ phim ảnh, truyền hình, gameshow, cả đời sống kinh tế của Sài Gòn bị ảnh hưởng nặng nề sau gần 2 năm dịch bệnh hoành hành. Hoạt động sân khấu vì thế cũng không còn được mạnh mẽ bằng trước kia. Đó là một thực tế mà HTT phải đối mặt.

So với rất nhiều sân khấu khác trong thành phố, địa điểm là một bất lợi không nhỏ của HTT?

- Dạ đúng. Nếu đặt câu hỏi thì chắc chắn rất nhiều người dân Sài Gòn sẽ không biết địa điểm sân khấu kịch HTT ở 139 Bắc Hải là ở đâu. Tất nhiên thời bây giờ việc tra Google tìm kiếm cũng dễ dàng nhưng nếu có được vị trí sân khấu ở nơi trung tâm, tiện bề đi lại, ai ngang qua cũng đều thấy thì quả là ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều. Nhưng chắc tôi thuộc típ người không lạc quan thì cũng mơ mộng, tuy có thấy và nghĩ về điều này nhưng tôi lại dỗ dành mình rằng sao lại phải nghĩ suy nhiều đến nó như vậy khi mình không có được. Chúng tôi thiết tha mong muốn một nơi chốn để có thể thực hiện những đam mê nghệ thuật thì bây giờ đã có một nơi chốn khang trang và đầy thiện chí. Nghĩ vậy vui hơn nhiều, phải không chị?

Nhưng lâu nay HTT vẫn có một lớp khán giả của riêng mình mà! Nhiều khán giả trung niên đã theo HTT từ quận 3 sang quận 10. Tôi cũng chạy hơn 15km để xem chị Ái Như và anh Thành Hội tung hứng những khóc cười. Không còn giữ được chân họ sao chị?

- Cảm ơn chị đã yêu mến HTT. Tôi rất hạnh phúc khi khoe với chị về những khán giả của sân khấu. HTT có những khán giả ở Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ hay tận Đồng Tháp... Họ phải khởi hành rất sớm, trước mấy tiếng đồng hồ cho một buổi xem kịch, xem xong thì về ngay trong đêm, đến nhà khi trời đã gần sáng. Có những khán giả ở Nha Trang, Hà Nội luôn chọn ngày nghỉ phù hợp với vở diễn mình chưa xem và đặt vé xem kịch ngay sau khi đặt vé chuyến bay. Cả những khán giả ở nước ngoài cũng vậy, luôn có lịch đến HTT trong chuyến trở về công tác hay thăm nhà của họ. 

HTT đang có thêm những lớp khán giả trẻ từ những đợt tổ chức tiết văn ngoại khóa của các trường THPT từ 2013 đến nay. Các bạn trẻ ấy đến xem và yêu thích, dần dà không chỉ đi xem cùng nhà trường mà đã đi thêm cùng gia đình hoặc bạn bè...

Nhưng giờ hỏi tôi là không còn giữ chân những khán giả của mình được nữa sao thì tôi không biết phải trả lời thế nào đây... Tôi không biết đổ thừa tại ai, vì đâu. Các vở diễn của HTT vẫn được cả êkip làm và diễn hết lòng, khán giả nếu đến xem thì vẫn đầy những cảm xúc đón nhận, nhưng đó là những cảm xúc thăng hoa giữa trao và nhận, còn thực tế, chúng tôi hằng đêm vẫn phải chấp nhận rằng khán giả của mình không nhiều. Việc phải trang trải cho tất cả những chi phí để tồn tại của một sân khấu từ sợi chỉ cây kim bé xíu cho tới một rạp hát to đùng là có thật, mà cái túi tiền của hai kẻ mơ mộng này lại quá mỏng manh. Thế nên chỉ có thể bắt chước một câu trong phim mà các vai bác sĩ hay nói thôi: Chúng tôi đã cố gắng hết sức! (cười).

Có hai người khó tính gặp nhau

Ái Như và Thành Hội đi chung một đoạn đường rất dài, cùng làm diễn viên, viết chung kịch, lại cùng tạo dựng một sân khấu. Hợp tác ăn ý mấy mươi năm, ở cái thời nhiều nghệ sĩ chơi chơi bỏ ​bỏ nhanh như chớp, chị có lý do không?

- Anh Thành Hội là khóa đàn anh của tôi. Năm 1980 tôi thi đậu khóa 5 khoa diễn viên Trường Nghệ thuật sân khấu 2 thì anh Thành Hội cũng vừa ra trường. Đã vậy tôi còn học không tới nơi tới chốn, mới nửa năm đã phải nghỉ học vì lý do riêng. Mãi đến năm 1987, khi đã lập gia đình và được chồng khích lệ tôi mới dám quay lại trường và thi đậu vào khoa đạo diễn sân khấu. Lúc đó anh Thành Hội đã thành công và có nhiều kinh nghiệm sân khấu, tôi chỉ mới bắt đầu lại và tập tễnh chạy theo. Năm 1989 tôi được làm việc cùng anh Thành Hội trong vở Bá tước Monte Cristo của đạo diễn Đoàn Bá ở Nhà hát kịch thành phố, sau đó được theo trợ giảng cho anh trong lớp diễn viên của đoàn, tôi đã học hỏi được từ anh rất nhiều để có thể vỡ ra những điều mà trong lý thuyết biểu diễn tôi chưa thể nào hình dung được.

 
 Các nghệ sĩ Hữu Châu, Ái Như, Thành Hội.

 Với tôi, anh Thành Hội là người anh, người thầy soi sáng cho tôi hiểu thế nào là hành động sân khấu. Điều đó quan trọng vô cùng trong nghệ thuật biểu diễn. Anh Hội muốn dựng vở, muốn viết kịch bản, ước mơ có cho mình một sân khấu để được thỏa ý làm những vở diễn mình yêu thích thì tôi cũng vậy - tất nhiên là những mong muốn đó theo thời gian và hoàn cảnh mà từ từ lớn lên. Năm 1990 chúng tôi viết chung kịch bản đầu tiên - vở Khúc nhạc lòng của vị mục sư để tôi làm vở diễn tốt nghiệp đạo diễn. Từ đó anh Thành Hội và tôi luôn có mặt trong mỗi dự án của nhau trên nguyên tắc cùng đóng góp, phản biện và tôn trọng, miễn sao tốt nhất cho tác phẩm. Suốt 33 năm nay HTT đã luôn làm việc với tinh thần như vậy, ngay cả khi cùng thành lập và gìn giữ sân khấu HTT, nguyên tắc này cũng không có ngoại lệ.

Cái tên HTT chẳng có chữ nào liên quan đến hai người sáng lập, chị nhỉ!

- Có một điều thú vị là sau khi làm việc với anh Thành Hội, tôi mới phát hiện ra chị Kim Yến, vợ anh Hội, có bà con bên họ ngoại của tôi. Hai gia đình chúng tôi chơi thân với nhau mấy chục năm nay.

Vợ anh Thành Hội là nhà kinh tế, ông xã tôi là nhà khoa học nhưng cả hai luôn ủng hộ chồng và vợ mình làm nghệ thuật. Tôi vẫn thường nghĩ rằng nếu lỡ ở trong một hoàn cảnh khác, một lương duyên khác... chưa chắc tôi có thể tiếp tục theo đuổi nghệ thuật được như hiện tại. Tôi luôn biết ơn về điều này. HTT là bút danh của anh Thành Hội và tôi khi viết kịch bản, cái tên đó cũng do 4 đứa chúng tôi cùng đồng ý đặt, được ghép từ tên của nữ danh ca Thái Thanh - người mà cả hai gia đình chúng tôi đều hâm mộ, còn Hoàng là họ của chồng tôi. Khi có sân khấu riêng thì HTT trở thành tên gọi cho một nơi chốn đi về của khán giả với mong ước "Sưởi ấm tâm hồn" như chúng tôi được sưởi ấm bởi sự chia sẻ và yêu thương từ gia đình.

Không ít người nói Ái Như và Thành Hội là hai người thầy khó tính. Họ khen hay chê vậy chị?

- Dạ chắc là cả hai quá! Khen thì cảm ơn mà có là chê tôi cũng cảm ơn luôn. Anh Thành Hội ngay từ những bài dạy vỡ lòng môn kỹ thuật biểu diễn vẫn luôn bảo với học trò về những điều mà chúng tôi từng được học: “Nghệ thuật cao vời lắm, sứ mệnh của nghệ thuật gợi cho người xem đến những điều Chân, Thiện, Mỹ để góp phần hướng cuộc đời tốt đẹp và đáng sống hơn...”. Vậy thì những người dùng nghệ thuật làm tiếng nói để tỉnh thức, lay động trái tim người xem có thể nào chỉ qua loa đôi điều ba chuyện mà thành được không? Chắc chắn là không! Và tôi tin rằng khán giả của sân khấu cũng sẽ không chấp nhận sự dễ dãi đó. Cho nên lời khen chê chúng tôi khó hay dễ không quan trọng, miễn là diễn viên, học trò của chúng tôi diễn hay, học giỏi, vai diễn của họ tạo suy nghĩ và niềm nhớ trong lòng người xem là được, coi như chúng tôi đã làm đúng trách nhiệm của mình.

Những chú chim non tập bay cũng rất đáng yêu

Khen nhau thì dễ phải không chị? Nhưng không hiểu sao với chị, thỉnh thoảng xem xong một vở diễn, cậy mình lấy quyền khán giả, tôi hay ý kiến này nọ. Nhiều nhất là than dài, hơn 3 tiếng một vở diễn có làm mệt mỏi cái thời nhanh gọn của hôm nay?

- Thực ra, không có vở diễn nào dài hơn 3 tiếng nhưng có vở dài 2 tiếng 45 phút. Lúc dựng vở, chúng tôi luôn đặt hạn mức cho độ dài vở diễn tối đa là 150 phút, nhưng thường thì khó mà bắt đầu được đúng giờ, có khi trễ vì kẹt xe hay trời mưa. Cũng có những vở vì kết cấu cảnh trí phức tạp, tốn thời gian chuyển cảnh. Cũng không loại trừ những giây phút ngẫu hứng của diễn viên hay những tràng vỗ tay tán thưởng từ khán giả nên có vài vở bị dài hơn. Chúng tôi vẫn luôn tự nhắc nhở nhau khắc phục điều này. Chị hỏi nên tôi muốn giãi bày chứ không có ý bao biện, bởi cuối cùng khen hay chê thuộc về cảm nhận của khán giả. Với tôi, nghệ thuật là không thanh minh.

Công Danh, Ái Như, Thế Hải (vở Con ma nhà họ Hứa)

 

Có lần múa rìu qua mắt thợ, tôi hỏi chị sao không cắt bớt vai này vai kia, cảnh này cảnh nọ không thực sự cần, để làm vở diễn sắc gọn lại. Chị có giận không?

- Ô tại sao phải giận, nếu mình thấy những ý kiến đó xuất phát từ tình cảm dành cho mình. Nếu nói bị chê mà không buồn là nói xạo. Buồn chứ, nhưng tôi tập lắng nghe, phân tích và tôn trọng những ý kiến ngược lại đó…Có một điều nữa chắc chị chưa biết, hồi đầu mới ra mắt HTT, chúng tôi đã muốn có một sân khấu Thầy và Trò để qua đó tạo một đường băng cho các em. Ngoài những đồng nghiệp đã thành danh cùng cộng tác, lúc đó HTT còn một lực lượng khá hùng hậu các học trò mới tốt nghiệp diễn viên. Các em như chim non mới ra ràng, tuy đã được rèn tập 3 năm ở sàn học của nhà trường nhưng để đứng trên sân khấu biểu diễn thực sự vẫn còn nhiều bỡ ngỡ ngượng ngùng. Chúng tôi phân cho các em từ những vai diễn ngắn nhất, mỏng nhất để tham gia quen dần, từ từ mới tăng lên, mài giũa thêm để đến được với những vai diễn khó hơn và đầy thân phận. Khán giả nào đã xem ở HTT từ những năm đầu 2010 chắc sẽ nhớ được thuở ấy các diễn viên trẻ (mà hiện nay thường đóng những vai chính ở HTT và thường xuyên xuất hiện ở các nơi khác nữa trong vai trò diễn viên, đạo diễn…) đã xuất hiện trên sân khấu với một tư thế và dáng vẻ ra sao so với hôm nay...

Còn nữa, là một người từng bị dang dở không theo sân khấu được cả 7 năm dài, tôi thấu hiểu sự khát khao được đắm mình dưới ánh đèn sân khấu của các em, nên đôi lúc biết rằng cắt chỗ này một chút, bỏ chỗ kia một đoạn thì sẽ gọn, sẽ hay hơn nhưng... còn niềm vui của những chú chim non thì sao, hẳn là khi bị cắt đi những điểm diễn đó các em sẽ xót xa buồn tủi lắm vì nghĩ rằng mình thể hiện không được nên mới bị cắt, hay tiêu cực hơn là sẽ co mình lại, không còn tự tin sáng tạo. Bị cắt vai, cắt lớp diễn đối với người diễn viên là chuyện không hề nhỏ chị ạ, nhiều khi cả đời vẫn không thể quên. Tôi cứ bị day dứt vì những suy nghĩ đó nên thôi, mong chị - một khán giả “khó tính” của HTT - hãy nhìn những chú chim non ấy và nghĩ rằng chim non tập bay cũng rất đáng yêu, nhé chị?

Sân khấu có điều kỳ diệu nơi khác không thể sánh bằng!

Nhiều khi xem xong một vở diễn của sân khấu HTT, thấy Trí Quang, Tuyết Thu, Hồng Ánh, Quý Bình, Vân Anh, Đoàn Minh Tài, Quốc Thịnh, Thế Hải, Ngọc Duyên… như rút cạn sức lực, rơi hết nước mắt hằng đêm cho những vai diễn đầy những bi thương của họ. Thu nhập của một đêm diễn của nghệ sĩ sân khấu được trả thế nào để có thể níu chân nghệ sĩ ở lại với sàn diễn, thưa chị?

- Bao giờ gặp câu hỏi này tôi cũng cảm thấy ái ngại và tủi thân. Ái ngại ngay từ khi đề cập chuyện này với diễn viên, tủi thân vì mình không thể làm gì hơn được. Tôi luôn hiểu rằng sân khấu không phải là nơi có thể nuôi sống và làm nên sự nổi tiếng cho người diễn viên trong giai đoạn hiện tại. Rõ quá mà, có biết bao hình thức và phương tiện giải trí trên phim ảnh, truyền hình, gameshow… người diễn viên luôn được mời gọi tham gia. Với một bộ phim nhiều tập mỗi tối mọi người chỉ cần bật TV lên là có thể xem hàng tháng trời, những diễn viên đó sẽ được hàng trăm ngàn, hàng triệu người biết đến, tất nhiên kinh tế của họ cũng theo đó mà khá hơn nhiều, trong khi sân khấu thì phải mất thời gian tập đi tập lại một vở kịch cả tháng trời, tập uốn nắn từng hành động, từng câu nói, từng đêm diễn mướt mồ hôi khàn cả tiếng, những vai thân phận bi thương thì đau ran đến tức ngực chỉ cho một khán phòng có vài trăm người xem. Ồ, vài trăm người xem là diễn viên chúng tôi hạnh phúc lắm, vì có những đêm khán phòng vắng tanh mấy mươi vé.

Vậy điều gì đã níu chân nghệ sĩ ở lại với sàn diễn: Tiền không bao nhiêu để kể, tiếng thì càng nhẹ hơn cơn gió thoảng qua? Câu trả lời chỉ có thể là vì yêu, vì đam mê ánh đèn sân khấu. Ở đó người nghệ sĩ được thả sức hóa thân, họ vừa là mình vừa là nhân vật ngay trước mắt khán giả của họ - người đã chọn điểm đến cho đêm ấy là sân khấu. Khán giả và các nhân vật có mặt với nhau trong cùng một không gian là nhà hát, một bên kể câu chuyện, một bên ngắm nhìn rồi cùng nhau rung động, cùng nhau cười khóc về những hạnh phúc hay niềm đau của một lát cắt cuộc đời... Điều đó kỳ diệu lắm chị. Với tôi, những phương tiện thể hiện khác không thể sánh bằng. 

 Nhập vai hàng trăm vở diễn, đạo diễn vài chục vở kịch, làm thầy của nhiều lớp diễn viên nhưng đến lúc này, chị không có một danh hiệu nào cả, dù chỉ để đứng trước cái danh nghệ sĩ? Tôi chẳng thấy quan trọng gì, nhưng nhiều người đang ấm ức giùm chị!

- Thông qua đây xin cho tôi gửi lời cảm ơn đến những khán giả vì yêu thương mà ấm ức giùm tôi. Xin đừng nghĩ nhiều về điều này bởi vì bản thân tôi không ấm ức gì hết, tôi thấy rất bình thường. Tôi không quan tâm chuyện có hay không cái danh hiệu đứng trước hai chữ NGHỆ SĨ. Tôi mơ ước được theo đuổi nghệ thuật và mấy mươi năm nay tôi đã làm được. Đối với tôi, cuộc tìm kiếm nhận diện khán giả của mình như chị đã hỏi, có hình ảnh của mình qua những nhân vật mình đã hóa thân lưu lại trong lòng khán giả… mới là điều quan trọng. Khi ra đường, nhìn thấy tôi, khán giả gọi tôi bằng tên nhân vật “Bà Hai”, “Diệu Hoài”, “Uyên”... thay cho tên Ái Như, tôi thấy hạnh phúc sung sướng hơn biết bao nhiêu bởi vì tôi và nhân vật của tôi vẫn sống trong lòng khán giả. Tôi đã được là nghệ sĩ Ái Như - bản chính.

12 năm và 53 vở diễn đã sáng đèn, khán giả đến với HTT đều biết họ muốn tìm gì ở đó. Là khán giả tôi biết vậy, còn chị?

- Mỗi khi chuẩn bị dàn dựng một kịch bản mới, chúng tôi luôn đặt câu hỏi: Trong câu chuyện lần này, khán giả sẽ muốn xem gì? Và tôi hỏi chính mình: Trong vở diễn này, ngoài tính hấp dẫn của câu chuyện để giải trí, tôi sẽ gửi gắm đến người xem điều gì, điều gì chúng tôi rung động nhất về cái đẹp, cái đáng sống của cuộc đời này? 12 năm với 53 vở diễn, nghĩa là bình quân hơn 4 vở/năm, con số đó với chúng tôi rất áp lực và dường như càng ngày càng nặng hơn.

Trước kia khi chưa có sân khấu riêng, anh Thành Hội và tôi thảnh thơi hơn nhiều trong sáng tác, tìm đề tài mình thích, có hứng mới viết, thích thì dựng, nhận lời mời thì đợi đúng thời điểm mới ra vở... Nhưng từ khi có sân khấu thì đâu như vậy được nữa, phải có vở mới ra mắt chứ. Thế là phải chạy đôn chạy đáo tìm kịch bản, mời đạo diễn, cùng viết, cảm tác, chuyển thể hay biên tập... đủ mọi thứ trên đời để có kịch bản theo tiêu chí của dòng kịch chúng tôi theo đuổi. Chuyện thiếu vắng kịch bản hay đã là chuyện dài mấy chục năm nay chưa kết thúc, nó trở thành nỗi ám ảnh trong đầu các ông bà bầu. 

Có lần, HTT ra mắt một vở diễn mới, khi ra về, một khán giả quen cùng gia đình đợi tôi ở sảnh để chụp ảnh kỷ niệm. Sau khi chúc mừng và khen ngợi, cô ấy kể là vừa thấy HTT đưa thông tin vở mới là cả nhà mua vé xem ngay để ủng hộ HTT, rồi cô ấy hỏi: “Chừng nào có vở mới nữa hả chị?”. Ôi, tôi muốn khóc òa vì sợ hãi, cảm giác như ngay ngày mai mình lại phải tiếp tục bươn bả xông xáo tìm kịch bản, ước mong có 3 ngày được nằm dài cho đầu óc được trống rỗng sau cả mấy tháng trời dàn dựng xem ra thật xa vời.

Lại nói một cách chủ quan, không phải vở diễn nào của HTT tôi cũng thích, nhưng tôi trân trọng con đường mà các anh chị chọn lựa với những câu chuyện Nam Bộ hồn hậu, những nếp nhà xưa cũ, những mảnh đời khốn khó lênh đênh, những đàn ông chung tình, những đàn bà cả tin hay nhẹ dạ, và cả tiếng khóc tiếng cười chất phác mà đa đoan đan cài trong các vở diễn. Một giọng riêng không lẫn vào các giọng nói khác của sân khấu Sài Gòn, điều đó thật đáng quý, nên thật đáng tiếc nếu khép lại!

- Tôi thật cảm động khi nghe những nhận xét này của chị, tôi cũng được nghe những lời tương tự từ những khán giả thương quý HTT. Trong cuộc đời, điều gì có bắt đầu thì cũng phải có lúc kết thúc, nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin khép lại, khép lại quy cách biểu diễn mà HTT đã duy trì hơn 12 năm nay để bắt đầu thử nghiệm một phương cách biểu diễn mới: diễn theo mùa trong năm. Lý do chắc ai cũng biết qua về tình trạng kinh tế hiện nay của Sài Gòn sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid, HTT không ngoại lệ. Trước kia HTT có thể kiên nhẫn chờ đợi khán giả với những đêm diễn vắng người nhiều ghế trống, nhưng xem ra bây giờ điều đó khó có thể tiếp tục. HTT thử mở ra một hướng mới, chưa biết có thành công không với việc giới hạn thời gian nhất định cho một mùa biểu diễn một tác phẩm nhưng chúng tôi rất mong được sự đồng hành của khán giả cùng HTT.

 Nghệ sĩ Ái Như

 

Có thể nói điều này không thật đúng hoàn cảnh lúc này, nhưng tôi có lỡ nói một lần lâu rồi với chị: sân khấu HTT cần thêm những hơi thở đương đại. Cuộc sống bề bộn thế kia, ồn ào đau đớn thế kia, sân khấu cất lên tiếng nói tươi trẻ hay day dứt của hôm nay được không? HTT không muốn hay không thể?

- Câu hỏi này tiếp lời cho nỗi niềm của chúng tôi ở câu trên. Nếu có kịch bản hay và phù hợp với dòng kịch của chúng tôi, mang hơi thở đương đại, tươi trẻ hay day dứt của đời sống hôm nay thì tại sao chúng tôi lại không muốn làm cơ chứ. Nói chúng tôi không đủ tài năng để viết ra những kịch bản như thế cũng đâu có gì phải xấu hổ, thực ra chúng tôi đang làm quá khỏi chuyên môn của mình, tôi được học để làm đạo diễn chứ đâu phải học biên kịch, nhưng vì cứ mãi thiếu vắng kịch bản phù hợp theo mong đợi mà làm đó thôi.

Và như chị nhận xét từ câu hỏi trước, mình chỉ có một gương mặt nên dù hóa trang cách nào thì cũng nhận ra mình. Chúng tôi chỉ có thể kể một câu chuyện mới, làm cái gì khác thì tôi không tự tin, cách kể không thể thay đổi, như nét chữ, như gương mặt vậy. Chúng tôi chỉ đang tâm niệm một điều, nếu mình chưa mang được hơi hướng của đời sống hôm nay thì hãy đánh động một điều gì đó để nhắc nhớ những điều tốt đẹp! ■

Thành Hội làm gián điệp hả?

Có người bạn nói với tôi:

- Chắc ông là gián điệp ngoại quốc cài lại Việt Nam đội lốt nghệ sĩ.

- Sao nói ghê vậy bạn?

- Không phải sao? Lập ra một sân khấu 12 năm không có lời, toàn bù lỗ. Vậy ông sống bằng gì? Nói nghe coi? Vậy mà nói gián điệp không chịu.

- Ờ! Thấy ghê thiệt.

- Vấn đề sanh tử của sân khấu ông là gì?

- Thứ nhất là tiền. Không tiền là không có gì hết. Thứ hai là kịch bản. Bây giờ các sân khấu đều đói kịch bản. Các tác giả tiền bối đi xa hết rồi. Tác giả trẻ thích viết kịch bản phim vì thu nhập khá hơn. Viết kịch bản sân khấu khó lắm nếu không hiểu về sân khấu. Đem kịch bản về mình phải sửa trên 50% mới dựng được thì khổ cho mình và cho tác giả.

- Khó thiệt.

- Người ta có nhận bảo hiểm cái lưỡi không?

- Chi vậy?

- Thì 12 năm nay xém cắn lưỡi mấy lần mà.

- Vậy Nhà nước có giúp gì cho mình không?

- Nhà nước có chuyện nhà nước. Làm phiền người ta làm chi. Chuyện mình ra đời đâu có nằm trong kế hoạch của Nhà nước. Nếu sân khấu có lời tui hưởng, nếu lỗ ráng chịu. Không kêu ca, không than thở và không xin xỏ. Làm người ai làm vậy. Có điều người ta cũng nên nhớ bộ mặt sân khấu Sài Gòn do các sân khấu ngoài công lập tạo nên.

- Nếu không còn sân khấu thì ông sao?

- Thì thành một ông già. Tập nuôi cá, trồng cây cảnh. Hột ớt giống mua rồi.

- Nếu sân khấu HTT không còn, các sân khấu khác có vui không?

- Trời. Buồn lắm chớ. Tình đồng nghiệp mà, ai vui mừng ác nhơn vậy. Họ buồn và sợ nữa. Sợ vì tôi là viễn cảnh của họ.

- Thôi hôm nào cho xin vài thiệp mời dẫn gia đình đi coi kịch nghe.

- Sao không mua vé coi?

- Mấy thiệp mời mà ông tiếc sao?

- Không phải tiếc mà tức! Nếu ông mở quán phở kêu tui tới ăn ủng hộ, vậy tui tới ăn xong rồi về hay phải trả tiền?

- Ăn ủng hộ phải trả tiền chớ.

- Sân khấu cũng vậy mà. Ông nghĩ đi tui sống bằng gì? Làm gián điệp hả?

(Nghệ sĩ Thành Hội)

Trước khi khép lại quy cách biểu diễn cũ suốt hơn 12 năm, sân khấu HTT có một lịch diễn từ ngày 7-5 đến 3-7-2022, với 18 suất cho 10 vở diễn tiêu biểu. Mỗi tuần diễn 1 vở, gồm 2 suất 19h tối thứ bảy và 15h chiều chủ nhật hôm sau. Theo nghệ sĩ Ái Như, các nghệ sĩ của sân khấu này tổ chức giờ diễn sớm hơn vì muốn có thời gian giao lưu cùng khán giả trong các vở như một lời tạ tình của êkip HTT và tác phẩm với những tri âm của mình.

- 29 anh về.

- Bông hồng cài áo.

- Nửa đời hương phấn.

- Bàn tay của trời.

- Hãy khóc đi em.

- Con ma nhà họ Hứa.

- Tình yêu trời đánh.

- Sông dài.

- Bạch Hải Đường.

- Nửa đời ngơ ngác. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận