TTCT - Câu chuyện của nhà hát kịch suốt hai năm COVID-19 vừa qua có thể tóm gọn bằng câu “Thứ gì không giết được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”. Nhờ có tiến bộ công nghệ và đam mê không mệt mỏi của giới nghệ sĩ, các sân khấu vẫn bền bỉ sống, thậm chí còn sống tốt mặc cho hai năm không được đón khán giả. Nghệ sĩ Nubiya Brandon biểu diễn với Dàn nhạc NuShape trong dự án kịch thực tế ảo All Kinds of Limbo. Ảnh: Nhà hát quốc gia Hoàng gia AnhLịch sử đã cho thấy ngành văn hóa - nghệ thuật luôn là một trong những đối tượng bị bỏ rơi trước nhất mỗi khi có biến cố xảy ra. Vào giữa năm 2020, dư luận thế giới đã không khỏi bất bình khi kết quả khảo sát của tờ Straits Times (Singapore) nhận định “nghệ sĩ” là nghề “ít thiết yếu” nhất trong đại dịch. Ngành sân khấu tại Anh - một trong những thị trường văn hóa nghệ thuật lớn nhất thế giới - cũng không phải ngoại lệ. Vốn thu về hàng trăm tỉ bảng Anh mỗi năm trước đại dịch, ngành công nghiệp biểu diễn xứ sở sương mù ước tính doanh thu giảm đến hơn 2/3, kéo theo đó là hơn 400.000 người mất việc làm do ảnh hưởng của COVID-19.Trong khi đó, các động thái hỗ trợ của khu vực công đôi khi tỏ ra không hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng. Nhiều lao động trong ngành biểu diễn đã không khỏi sôi máu khi nhìn thấy chiến dịch quảng cáo “Rethink. Reskill. Reboot” của Chính phủ Anh kêu gọi giới nghệ sĩ đầu quân cho các ngành khác như công nghệ thông tin. Tuy có hơi phản cảm, nhưng thông điệp này hoàn toàn có thể gây thuyết phục nếu được căn chỉnh lại một chút: Sự sáng tạo trong các thể hiện, áp dụng tiến bộ công nghệ sẽ quyết định sự sống còn của ngành sân khấu.Có thể thấy sự dịch chuyển đã đến từ ngay đầu kỳ dịch, với trào lưu streaming (phát trực tuyến) các vở diễn cũ được các nhà hát thi nhau làm vào hồi giữa năm 2020. Nhà soạn kịch lừng danh Andrew Lloyd Webber mời khán giả xem miễn phí các vở diễn làm nên tên tuổi của mình như Cats hay Phantom of the Opera. Broadway cũng nhanh chóng bắt trend bằng việc mở hàng loạt vở diễn trên dịch vụ streaming (có trả phí) của mình.Tuy nhiên, dù làm tốt việc giải khuây tại nhà trong ngắn hạn, video trực tuyến vẫn không thể nào lấp đầy khoảng trống của trải nghiệm sân khấu vật lý, bởi sự kịch tính của ánh đèn, cũng như không khí nhà hát không thể nào được tái hiện lại trong phòng khách gia đình. Lúc này, các nhà hát đã kịp tung ra giải pháp tiếp theo: các vở diễn mới, được thu hình trong điều kiện an toàn dịch bệnh. Dù đa số vẫn không cho phép khán giả xem trực tiếp (chủ yếu ghi hình và phát lại), cách làm này vẫn mang lại ít nhiều sự phấn kích cho khán giả khi được chứng kiến nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo. Dù không mang lại nhiều lợi nhuận, mô hình này cũng ghi nhận nhiều thành công khi thu hút một lượng lớn khán giả mới cho sân khấu kịch. Thắng lợi nhỏ này có lẽ đã là đủ để khuyến khích các nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo và cải tiến trong thời kỳ “bình thường mới”, dù các khán phòng vẫn chưa được mở và vé vẫn chưa thể bán.Một ví dụ tiêu biểu là Original Theater tại Anh, một đoàn kịch vốn đã được biết đến từ trước đại dịch với các dự án xóa nhà ranh giới giữa kịch và phim. Vở diễn Apollo 13 tái tưởng tượng lại chuyến du hành mặt trăng không thành của con tàu vũ trụ cùng tên, kết hợp các yếu tố kể chuyện bằng diễn xuất cùng công nghệ phông xanh, các đoạn phim tài liệu cùng với kỹ thuật đồ họa. Tác phẩm Into the Night còn tham vọng hơn khi đưa các hiệu ứng kỹ thuật số vào một vở diễn được truyền hình trực tiếp, mở ra nhiều tiềm năng về một thể loại trình diễn mới trong tương lai.Dù có ít nguồn lực hơn, các cá nhân cũng dự phần vào công cuộc chuyển đổi ngành sân khấu. Diễn viên và biên kịch Robert Myles đang thu hút lượng người xem trực tuyến lên đến 200.000 cho các vở diễn qua Zoom của mình, nơi anh và các bạn diễn làm mới các tác phẩm kinh điển của Shakespeare. Lockdown Theatre, dự án được sáng lập bởi Bertie Carvel, cũng thực hiện các buổi đọc kịch bản trực tuyến với sự tham gia của các diễn viên tên tuổi như Emma Thompson và Emilia Clarke. Các vở diễn của nhóm đã quyên góp được tổng cộng 500.000 bảng cho Quỹ sân khấu Hoàng gia Anh.Không chỉ gói gọn qua các cuộc gọi video, các vở diễn cũng đang được mang ra ngoài đường phố: Dự án Contact giúp người tham gia trên app điện thoại theo dõi trực tiếp một vở diễn ngoài trời từ góc nhìn của diễn viên. Nhà hát quốc gia Hoàng gia Anh cũng đi theo hướng tương tự, tận dụng công nghệ thực tế ảo để tăng trải nghiệm cho khán giả tham dự vở All Kinds of Limbo.Cái khó ló cái khôn. Trong thời kỳ khó khăn nhất, sức sáng tạo của những người yêu sân khấu đã được đẩy lên đỉnh điểm. Sự cởi mở với chuyển đổi số sẽ không chỉ là chìa khóa giúp ngành biểu diễn qua giai đoạn dông bão, mà sẽ còn là đòn bẩy giúp môn nghệ thuật thứ sáu tiếp tục “hóa thân” trong thời kỳ bình thường mới.■ Tags: Sáng tạoĐại dịchSân khấu kịchKịch
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.