Săn quạt điện cổ

ĐẶNG THÁI HUYỀN 22/02/2004 01:02 GMT+7

TTCN - Ông Trần Công Phúc (62 tuổi), một trong hai nhà sưu tầm quạt cổ danh tiếng nhất Hà Nội hiện nay, tâm sự: “Có sưu tầm, phục chế quạt điện cổ mới thấy mê, mới thấy quạt ngày xưa độc đáo ra sao”. Đối với ông, sưu tầm quạt cổ cũng thú như sưu tầm đồ gốm, đồ mộc cổ...

Phóng to
Ông Trần Công Phúc với chiếc quạt Calor của Pháp
TTCN - Ông Trần Công Phúc (62 tuổi), một trong hai nhà sưu tầm quạt cổ danh tiếng nhất Hà Nội hiện nay, tâm sự: “Có sưu tầm, phục chế quạt điện cổ mới thấy mê, mới thấy quạt ngày xưa độc đáo ra sao”. Đối với ông, sưu tầm quạt cổ cũng thú như sưu tầm đồ gốm, đồ mộc cổ...

Nhưng thú của ông khác ở chỗ ngoài sưu tầm còn làm cho hiện vật tiếp tục hoạt động trở lại cùng thời gian. Cây quạt cổ lôi cuốn giới săn lùng không chỉ vì là đồ cũ, đồ cổ mà bởi tính năng động cơ và trình độ thẩm mỹ nghệ thuật tuyệt vời: “Chạy hàng trăm năm không cần phải tra dầu” - ông Phúc nói.

Ông Lê Tấn (58 tuổi), cũng là một “nhà sưu tập” uy tín, cho biết: “Quạt cổ tốn điện gấp đôi nhưng rất nhiều gió (mát) và tiếng êm ru (như gió trời) hơn nhiều lần quạt mới”. Nhưng cái chính quạt cổ đẹp mê hồn vì nhà sản xuất không chỉ tạo nên sản phẩm tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn “thổi” vào chúng cái hồn, biến thành vật trang trí rất... quí tộc.

Trong “kho” ông Phúc, ông Tấn có nhiều loại quạt nhưng nhiều nhất là hiệu Marelli (Ý), Émi (Hà Lan), Éon, Calor (Pháp), trong đó quạt Marelli được giới sưu tầm trong và ngoài nước “săn” dữ nhất bấy lâu nay bởi nó quí hiếm tầm quốc tế. Đó là bốn dòng quạt ngoại có sớm nhất ở VN, dù quạt trần hay bàn đều được làm rất công phu, chỉ những quí tộc những năm đầu thế kỷ 20 mới dám xài. Chúng được treo đặt trong nhà không chỉ tạo mát mà còn là vật trang hoàng thay đèn chùm.

Ông Tấn đưa tôi xem những cây quạt trần Marelli cỡ trung. Chúng gồm ba cánh bằng gỗ Ý (loại gỗ cực quí, không cong vênh, mối mọt ở mọi nhiệt độ, thời tiết); tai đồng, thân gang sơn màu nâu đen. Mũi quạt trang trí một bông huệ tây pha lê. “Quạt trần thân gang, cánh gỗ; quạt bàn thân gang, cánh đồng là những đặc điểm của quạt cổ mà quạt thường, quạt mới không có được” - ông Tấn giải thích.

Phóng to
Ông Lê Tấn và chiếc quạt để bàn Marelli
Ngoài ra, hai loại khác cực hiếm là quạt trần hai cánh và quạt trần “nậm rượu”, hiện ở Hà Nội chỉ còn Sở Điện lực Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước VN... lưu giữ được một ít. Những năm qua ông Tấn, ông Phúc đã sưu tầm, phục chế được một số loại quạt này nhưng đã bán ra nước ngoài, hiện chỉ còn vài chiếc trong “kho” chưa thể phục chế vì chưa tìm thêm được phụ tùng.

Quạt còn được chia thành ba đời: môtơ vòng chập (loại được làm từ 1902 - 1953) có vòng đồng ở lõi thép tạo hiệu ứng từ trường lệch; đời “tân” là quạt chạy tụ (ra lò từ năm 1954 đến nay). Hiện trên thị trường quạt điện cổ tới 99% là loại môtơ vòng chập. Loại thứ ba rất “độc” là quạt chạy than hợp chất (cũng xài điện nhưng dùng hai cục than đá trong thân quạt). Đây mới là loại cổ nhất, xuất hiện từ khi có điện đến năm 1902, chỉ chiếm 1% ở nước ta. Và hiện chiếc duy nhất nằm trong tay ông Phúc.

“Kho đồng nát” vô giá

Lịch sử cây quạt nói chung và quạt Marelli ở VN cũng thăng trầm như đời người. Nó ra đời từ cuối thế kỷ 18 nhưng phải đến năm 1902 mới vào nước ta khi Nhà máy điện Yên Phụ xây dựng.
Những quạt cổ này được sản xuất tại thành phố Manino (Ý), được người Pháp chở sang treo hàng loạt tại dinh sở, biệt thự Pháp cổ để làm dịu đi cái nóng như rang của miền nhiệt đới. Thời gian trôi đi, lịch sử đã sang trang và người Pháp phải ra khỏi những ngôi nhà cổ do chính họ xây, nhưng những chiếc quạt còn để lại vẫn lặng lẽ quay theo dòng lịch sử.

Phóng to
Những cây quạt cổ trong "kho đồng nát" của ông Phúc
Đến năm 1970, Marelli đột ngột bỏ quạt chuyển sang sản xuất phụ tùng ôtô thì lịch sử dòng quạt Marelli cũng tắt. Và “cơn sốt” săn quạt Marelli đã bùng lên ở châu Âu từ hồi đó. Đúng lúc đó, chính quyền Sài Gòn lấy được công nghệ của Marelli và cho sản xuất tại VN hàng loạt quạt điện Marelli “nội” đầu tiên, nhưng thay cánh gỗ (quạt trần) và đồng (quạt bàn) bằng nhôm (được gọi là quạt bát điếu, mở ra dòng quạt điện mới ở VN nhưng không được coi là đồ cổ).

Tuy nhiên, hàng ngàn quạt cổ thời Pháp chỉ thật sự “rụng” hàng loạt khi nước ta thay đổi biến áp điện (từ 110V thời Pháp sang 220V) vào năm 1980 và quạt điện cổ không còn phù hợp nữa (nếu muốn sử dụng tiếp phải quấn lại bộ dây đồng) nên các gia đình đành dỡ khỏi trần nhà; đặc biệt là khi “dòng quạt thần” (máy lạnh) ồ ạt tràn vào VN những năm 1990 thì nơi sở hữu nhiều nhất, thải loại nhanh nhất quạt cổ lại là các cơ quan hành chính nhà nước dễ “nhạy cảm” nhất với máy lạnh.

Trong khi ở châu Âu (nhất là Pháp, Đức) “cơn sốt” quạt cổ vẫn đang bùng lên, hàng trăm đại gia cổ vật và những người hoài cổ đã từng nhiều năm “mai phục” từng chiếc quạt Marelli trên nhiều nước châu Âu mà vẫn không thể mua được thì họ bắt đầu nghĩ đến VN. Nhưng khi chính họ đặt chân đến Hà Nội thì kỳ thay, hầu như quạt cổ chốn Hà thành đã rơi vào tay hai người thợ già phố cổ là ông Tấn và ông Phúc.

12 năm qua, chỉ tình cờ, hai ông Phúc và Tấn ở hai dãy phố khác nhau đã cùng biết chớp thời cơ sưu tầm quạt điện cổ. Lúc đó, hai ông cùng nghĩ rằng những cổ vật này là những chiếc quạt đầu tiên ở nước ta, không chỉ điền thêm vào từ điển Việt một dòng mới mà còn là chứng nhân lịch sử, vậy phải giữ lại rồi sẽ có người cần chúng. Và mặc dù nghèo, hai ông vẫn quyết trở thành hai nhà sưu tập quạt cổ, một thú chơi “hâm” đối với nhiều người lúc đó.

Ngày ngày họ lang thang đến tất cả các nơi có quạt cổ cần thanh lý và “đón lõng” dân đồng nát. Quạt mua về nhiều tới mức chất đầy hai, ba tầng nhà. Những chiếc quạt đã rơi lồng, rã cánh, vỡ thân, gãy tụ, bể hộp số, mất vòng bi... chỉ còn là đống sắt vụn, vậy mà họ quyết mày mò phục chế.

Phóng to
Chiếc quạt Marelli treo tường của ông Phúc hiện là chiếc quạt độc nhất ở VN, từng được trả 2000 USD nhưng quyết không bán
Nhiều người bảo họ “gàn”, nhưng rồi những chiếc quạt quay lại thật, kiểu dáng, sắc màu được tái tạo như nguyên mẫu. Rồi nhiều người lại bảo làm sao bán được khi bây giờ quạt mới rẻ rề! Đến khi hai “kho đồng nát” không biển hiệu của họ xuất hiện rất nhiều ông Tây, bà đầm thì nhiều người mới ngớ ra thèm tiếc.

Khi tôi đến, hai ông vẫn mải miết ngồi lút đầu giữa đống “đồng nát” có giá. Xưởng phục chế của ông Phúc ở số 2 phố Tạ Hiền có thêm hai người thợ trẻ. Còn xưởng ông Tấn ở số 26 phố Hàng Bồ chỉ có bà vợ phụ việc quấn lại dây đồng môtơ.

Phục chế quạt cổ thì không chỉ làm cho quạt “sống” lại (quay được) mà phải đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng trong suốt hàng chục đến hàng trăm năm và trả lại nét thẩm mỹ nghệ thuật cho hiện vật cổ. Đối với ông Phúc, đó là điều quan trọng nhất. Quạt trần của Pháp, Ý, Hà Lan... rất to, nặng. Nếu phục chế ẩu có thể quạt rơi, cánh văng xuống gây tai nạn cho người. Yêu cầu khác là phải phục chế nguyên trạng, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất liệu, màu sắc, đó mới là quạt cổ “xịn”, điều người mua thích thú nhất. Phải dùng hai, ba quạt cổ hỏng để phục đắp thành một quạt mới vì phụ tùng rất khó kiếm.

Có những loại quạt ông Tấn, ông Phúc phải lang thang khắp 36 phố phường để tìm kỳ được một chiếc bulông, ốc vít cổ (của Tiệp, Liên Xô cũ) vì quạt cổ dùng hệ ren cũ của Anh không trùng hệ ren mới của thế giới hiện nay, nên có cây quạt hai ông mất cả năm trời mới phục chế xong.

Ông Phúc tiết lộ: “10 năm qua tôi chỉ ngồi phục chế những chiếc quạt mà vẫn chưa hết cái kho đồng nát”. Rất nhiều quạt do người Tây làm nay đang tìm đường trở lại... trời Tây. Điều đặc biệt loại quạt cổ có rất ít ở Sài Gòn nhưng lại nhiều ở Hà Nội. Người Sài Gòn chủ yếu dùng quạt bát điếu cánh nhôm như đã nói. Một nguồn cổ vật quí của Hà thành cứ “ra đi” lặng lẽ. Bây giờ dân Hà Nội mới thấy tiếc, nhưng lỗi thì không thể đổ cho người phục chế....

“Sốt” quạt cổ

Trong khi nhiều người VN "vô tư" vứt bỏ quạt điện từ thời Pháp thì một dòng người từ nước ngoài (cả châu Âu, châu Á) đang đổ dồn qua Hà Nội "săn" những cây quạt cổ ấy.

“Chợ” buôn quạt cổ Hà Nội chưa khi nào rầm rộ như bây giờ. Ông Phúc có trong tay cả trăm địa chỉ, tên tuổi những người nước ngoài mua quạt của ông. Giữa tháng 2-2004, ông vừa nhận hợp đồng bán trên mười cây quạt cổ cho một người Anh và cũng vừa bán cho cháu nội giáo sư Hoàng Đạo Kính một chiếc quạt Ý (giá 9 triệu đồng).

Còn hàng trăm chiếc khác đã bán thì ông không nhớ hết. Gần đây ông Tấn cũng bán cho một chuyên gia Thụy Điển tại VN và một chuyên gia của Tổ chức FAO (người Đan Mạch) hai chiếc quạt Marelli và một chiếc quạt Émi (quạt càng cua) cho một người Pháp. Đó là chưa kể những hợp đồng chuyển trọn gói cho khách Thái Lan, Indonesia... sau khi nhận được tiền chuyển qua tài khoản.

Những đại gia buôn quạt cổ từ trời Tây đã nhòm ngó Hà Nội và tha hồ tuồn cổ vật ra khỏi biên giới quốc gia từ 10 năm qua. Mãi đến gần đây người Hà Nội mới hay biết ngay trong thành phố mình tồn tại một cái “chợ” cổ vật độc đáo như vậy. Nhiều người thật sự tiếc “mớ sắt vụn” đã đem bán cho đồng nát, cho ông Tấn, ông Phúc. Những chiếc quạt cổ hiện còn “rơi vãi”, “phủ bụi” nơi nhà dân bắt đầu được chủ nhân để mắt tới.

Nhiều người không có nhu cầu sử dụng nhưng cũng không bán; những người giàu có, ăn chơi thì bắt đầu “khát” quạt cổ để trang trí “phủ”, “dinh”, biệt thự... càng khiến thị trường quạt cổ sôi lên từng ngày. Số người VN tìm đến cơ sở ông Tấn, ông Phúc càng nhiều nhưng chỉ để mua hoặc nhờ phục chế chứ quyết không bán.

Hai người thợ già mất hẳn cơ hội sưu tầm thêm đồ quạt hư với giá đồng nát ngày xưa. Cả ông Phúc và ông Tấn đều cho biết trước đây họ chỉ mua với giá 200.000-300.000 đồng/quạt bàn và 400.000-600.000 đồng/quạt trần thì nay phải mua vào 2-3 triệu đồng /quạt trần và 700.000-1,5 triệu đồng/quạt bàn.

Hiện tại, Hà Nội cũng bắt đầu xuất hiện thêm nhiều cơ sở sưu tầm, phục chế quạt điện cổ ở Đường Thành, Hàng Điếu, Hàng Bông... nhưng không ai có may mắn sở hữu cả “kho” đồ cổ như hai ông Phúc và Tấn. Trong “cơn sốt” quạt cổ, những quạt giả cổ, quạt cổ giả... cũng bắt đầu xuất hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận