Sàng lọc nhân tài

LƯU ĐỖ THÀNH TRUNG 11/03/2013 07:03 GMT+7

TTCT - Năm 20xx, chúng ta trở thành một trong những quốc gia đi đầu về công tác đào tạo nhân tài. Tính chung trong cả nước đã có một đội quân gồm hơn hai vạn tiến sĩ.

Phóng to

Con số trên vượt qua cả những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới khiến nhiều nước ngưỡng mộ và mong muốn được học hỏi kinh nghiệm. Để làm vẻ vang cho thành tích của nền giáo dục nước nhà, một vị tiến sĩ “biết ăn nói” đã được đặc cách lên giáo sư để trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng thông tấn nổi tiếng nhất thế giới.

PV: Xin giáo sư cho biết sao nước ngài lại có thể đào tạo ra nhiều giáo sư, tiến sĩ đến thế trong thời gian ngắn ngủi như vậy?

- Vấn đề này thật ra rất đơn giản. Nhân tài thì ở đâu, thời nào mà chẳng có. Cái chính là làm sao phát hiện và đào tạo họ kịp thời. Ở nước các anh, nhân tài được phát hiện khá muộn và phần nhiều do tự ứng cử. Điều này có tính rủi ro rất cao. Ngược lại ở nước tôi từ lâu đã hình thành một hệ thống gọi là “sàng lọc nhân tài” để phát hiện họ từ rất sớm.

PV: Thật thú vị! Xin giáo sư cho biết rõ hơn về hệ thống “sàng lọc nhân tài” này được không?

- Nói đơn giản thì hệ thống này được xây dựng trên ba loại phí khác nhau. Qua mỗi lần phí như thế, chúng tôi lại lọc ra được những người đủ điều kiện. Dân gian chúng tôi có câu “lọt sàng xuống nia” là vậy!

Loại thứ nhất là phí sinh: bắt buộc mỗi cặp vợ chồng sẽ phải cân nhắc thật cẩn thận trước khi sinh khi phải tính đến: trợ cấp sinh nở không đảm bảo, viện phí cao, bồi dưỡng y tá, bác sĩ... sau nữa là thuốc men khi trẻ đau ốm, thức ăn, sữa giúp trẻ thông minh, phát triển... Mà anh biết rồi đấy, những thứ này ở nước tôi phải gọi là thuộc hàng “top” thế giới. Loại phí này khiến nhiều cặp vợ chồng “chột dạ” khi muốn có con và chỉ những ai thật sự có điều kiện để lo cho tương lai con mình mới “có quyền đẻ”.

PV: Nếu họ vẫn quyết tâm sinh con thì sao?

- Thế thì đã có loại phí thứ hai gọi là “phí học”!

PV: Ý của giáo sư là học phí?

- À không! So với loại này, học phí chẳng đáng là gì và không có cũng được. Đây chính là những khoản đóng góp đầu năm, cuối tháng, giữa kỳ cho nhà trường như tiền cơ sở vật chất, trang trí lớp, chiếu sáng, thuê bảo vệ... Những khoản này dù không chính thức nhưng lớn hơn học phí gấp mấy chục lần và không đóng không được, phải đóng để được học nên mới gọi là phí học. Gia đình nào không kham nổi phải cho con nghỉ. Vậy là thêm một lần sàng lọc.

PV: Còn loại phí thứ ba, xin giáo sư nói nốt ạ!

- Loại phí thứ ba cũng là loại phí quan trọng nhất, đó chính là phí điều kiện hay phí cơ hội. Đúng như tên gọi, đó là những khoản mà cha mẹ phải bỏ ra để tạo những điều kiện tốt nhất cho con mình phát triển.

Ví dụ như con học hơi kém so với bạn: cho học bồi dưỡng, nâng cao; muốn con hơn bạn: thuê gia sư tận nhà, rồi đua cho con vào bằng được trường điểm trái tuyến, bồi dưỡng giáo viên để con khỏi bị “đì”... Con ra trường thì tiếp tục chạy việc làm, dùng vật chất, các mối quan hệ giúp con xin vào làm những nơi dễ thăng tiến, phát triển. Lúc này thì chúng tôi chỉ việc “hốt” những người này và đào tạo tiếp lên. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã có cả hàng vạn tiến sĩ.

Nói đến đây vị giáo sư tỏ vẻ mặt dương dương tự đắc. Người phóng viên im lặng lúc lâu rồi lên tiếng:

- Xin thứ lỗi! Theo cách hiểu của tôi về những gì giáo sư nói từ nãy đến giờ, nếu không có những loại phí kể trên thì chẳng phải nước ngài đã có nhiều nhân tài hơn rồi sao? Trong số những người không bao giờ được phát hiện đó có khi có người sẽ đoạt cả giải Nobel chưa biết chừng!

Nghe vậy vị giáo sư bỗng ngớ người, ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi lẩm bẩm:

- Ờ... ờ... nhỉ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận