TTCT - Nước Mỹ quả là đang cần khẩn cấp công thức món cá chép om dưa! Những con cá chép khổng lồ được đánh bắt hoàn toàn tự nhiên ở Mỹ. Ảnh: The EconomistVới xứ sở mà những món ngon nhất được giới bình dân đúc kết thành một tuyên ngôn ngắn gọn "thịt gà, cá chép, ba ba" như Việt Nam, thì việc vừa rồi ở Mỹ, chính quyền tiểu bang Illinois quyết định phải đặt lại tên cho cá chép trong một nỗ lực tuyệt vọng thuyết phục dân chúng ăn loài cá này có gì đó vừa lạ lùng vừa hơi bị ... xúc phạm.Báo Mỹ The Washington Post ngày 19-7 diễn giải: "Là một tên gọi, giống cá chép châu Á [Asian carp] có hai vấn đề chính: nhạy cảm về mặt chủng tộc và chắc chắn là ăn rất kinh". Chuyện chủng tộc khá là đặc thù của một xứ "thập cẩm" như Mỹ thì còn có thể thông cảm. Trước đây, một số tiểu bang khác ở Mỹ cũng đã đổi tên cá chép châu Á vì không muốn sử dụng "những từ ngữ khiến dân châu Á bị nhìn nhận tiêu cực" (dù trong mắt chính dân châu Á, cá chép chỉ toàn gắn với những điều tích cực, như một món ngon thượng hạng, một con vật may mắn, như trong câu "cá chép hóa rồng", một tập tục lâu đời, như khi tiễn ông công ông táo về trời hay như khi treo cờ cá chép dịp Tết ở Nhật).Chuyện khẩu vị thì khó giải thích hơn - lý lẽ là dân Mỹ tưởng lầm loài này giống với cá chép châu Âu (Eurasian hay European carp) vốn sống chui rúc trong đáy bùn, tanh hôi và khó ăn thật. Vì vậy nhà chức trách Illinois, sau nhiều nghiên cứu công phu của cả giới sinh học và chuyên gia thương hiệu, đã nghĩ ra tên thương mại hoàn toàn mới cho giống cá vốn là loài xâm lấn "vào loại tệ hại nhất và là mối đe dọa sinh thái với vùng Ngũ Đại Hồ", với hy vọng dân Mỹ sẽ đổi ý mà ăn cá chép nhiều hơn.Cái tên được chọn cuối cùng là "copi". "Copi nghe tươi ngon, mang âm hưởng Địa Trung Hải" - Kevin Irons, trợ lý giám đốc ngành ngư nghiệp thuộc Sở Tài nguyên Illinois - người chắc là chưa từng ăn cá chép om dưa, chưng tương hay kho riềng - tự hào tuyên bố về kết quả hai năm nghiên cứu của sở này.Cá chép châu Á - được đưa vào Mỹ từ những năm 1960 với ý định ban đầu là kiểm soát cỏ dại, rong rêu và các loài gây hại khác - đã tẩu thoát khỏi những ao hồ miền Nam, tràn ngập sông Mississippi, rồi cuối cùng lan tới tận cửa ngõ vùng Ngũ Đại Hồ ở cực bắc đất nước. "Những dòng sông hùng tráng của nước Mỹ một thời cực kỳ đa dạng sinh học giờ oằn mình trước hàng triệu con cá chép xâm lấn, con lớn nhất có thể nặng tới 110 pound [50kg]", tờ Post than khóc.Giới chuyên gia sinh học ở Mỹ sợ rằng giống cá này sẽ sớm quét sạch những con plankton siêu nhỏ vốn tạo thành nền tảng cho mạng lưới thức ăn vùng Ngũ Đại Hồ, gây ra một thảm họa sinh thái ở nơi biểu tượng Mỹ này. Kết quả là một chiến dịch tuyên truyền quyết liệt của giới chức hữu quan. Tiểu bang Illinois đã chạy những quảng cáo cấp tập về hương vị thịt thơm ngon, chứa nhiều acid béo omega-3 có lợi cho sức khỏe và mức thủy ngân thấp hơn hầu hết các loài cá khác của cá chép. Quảng cáo cũng nhấn mạnh cá chép châu Á, không giống cá chép châu Âu, không phải loài kiếm ăn dưới đáy bùn các sông hồ, nên không hề tanh hôi.Các nỗ lực đó cho tới giờ xem ra khá là tuyệt vọng. Lời giải có lẽ không thể nằm ở giá trị dinh dưỡng hay ý thức bảo vệ môi trường: Illinois cần công thức món cá chép om dưa, hay ít ra cũng phải là kho riềng. Đơn giản là thói quen ăn cá philê chiên bột hay nướng nhạt nhẽo của dân Mỹ nói riêng, dân phương Tây nói chung, không thể áp dụng cho cá chép. "Những nỗ lực tiếp thị loài cá này tới giờ khá là xương xẩu", tờ Post chơi chữ. Ý tờ báo nói tới thứ xương giăm hình chữ Y của cá chép - một thách đố quá sức với ngay cả các đầu bếp Mỹ, vốn chỉ chuyên philê cá, chứ đừng nói các thực khách vốn còn "công nghiệp" hơn.Một đầu bếp cho biết một con cá chép nặng khoảng 18kg, sau khi trải qua công đoạn cắt xẻ đầy nhọc nhằn kiểu Tây, chỉ thu được vỏn vẹn không tới 2kg thịt - một sự xúc phạm rõ ràng với mọi người nội trợ Việt Nam, chứ đừng nói là một đầu bếp. Vì lẽ đó, nhà chức trách phải tiếp thị cá chép dưới dạng thịt nghiền nhuyễn thành chả, mà kết quả cuối cùng được mô tả là "chẳng khác gì thịt gà tây"! Nước Mỹ quả là đang cần khẩn cấp công thức món cá chép om dưa!■ Tags: Ẩm thựcCá chépMỹCá chép om dưa
Hà Nội trong nhạc điện tử: Từ quan họ trên nền Drum'n'Bass đến 'Electrùnic' XUÂN TÙNG 02/02/2023 1835 từ
50 năm Hiệp định Hòa bình Paris: Ký ức lịch sử của một người phiên dịch ĐINH THÚY NGA 27/01/2023 3890 từ
Có chính sách nhưng vì sao TP.HCM 5 năm không tuyển được sinh viên giỏi? CẨM NƯƠNG 05/02/2023 Suốt 5 năm TP.HCM không tuyển được người giỏi, từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đến các chuyên gia, nhà khoa học... dù có chính sách thu hút người tài, vì sao?
Thức trọn đêm mưa lạnh xếp hàng xin ấn đền Trần NAM TRẦN - CHÍ TUỆ 05/02/2023 Đêm qua và rạng sáng 5-2 (rằm tháng giêng), nhiều người từ khắp các tỉnh thành đã đội mưa, thức thâu đêm xếp hàng để xin ấn đền Trần.
Vì sao Mỹ không bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc sớm hơn? HỒNG VÂN 05/02/2023 Khinh khí cầu của Trung Quốc hoàn toàn có thể bắn hạ sớm hơn, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden lý giải rằng đã chờ nó bay ra biển mới bắn để giảm thiểu rủi ro cho người dân.
ChatGPT và cơn bão công nghệ có lấn vai người thầy? TRỌNG NHÂN 05/02/2023 ChatGPT và nhiều nền tảng công nghệ khác cho học sinh nguồn tiếp cận tri thức rộng lớn. Nếu người thầy không tự học công nghệ, đồng nghĩa họ sẽ đứng yên...
Ông Putin tuyên bố 'bị lừa hoài' nên mới đánh Ukraine NHẬT ĐĂNG 18/01/2023 Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được phát động nhằm chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine, sau thời gian dài Matxcơva bị lừa liên tục, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.