Sau 10 năm bỗng thành “người tối cổ”

HOA KIM 01/01/2020 22:01 GMT+7

TTCT - Nếu một người vì lý do nào đó hôn mê suốt 10 năm, và tỉnh dậy vào năm 2019, hẳn sẽ choáng ngợp trước những đổi thay quá nhanh của công nghệ và những ứng dụng đã bén rễ rất sâu vào cuộc sống.

Ảnh minh họa: Medium
Ảnh minh họa: Medium

Họ chắc hẳn ngạc nhiên khi biết Nokia từ một thương hiệu điện thoại bán chạy nhất thế giới với 38,9% thị phần và 67,7 triệu chiếc điện thoại bán ra vào năm 2009 đã gần như biến mất khỏi cuộc đua chỉ sau 10 năm. Thay vào đó là sự trỗi dậy của iPhone và những chiếc smartphone chạy hệ điều hành Android đã trở thành thứ phụ kiện không thể thiếu của một tín đồ công nghệ.

Thử tưởng tượng bạn là một du khách “tối cổ” của 10 năm về trước. Khi cần “coi đường” ở một thành phố lạ, phản xạ đầu tiên không phải là mở app Goole Maps trên chiếc smartphone thân thuộc mà là gõ địa chỉ một trang web cung cấp dịch vụ bản đồ số, nhập địa điểm cần tìm rồi… ghi lại chỉ dẫn để vừa đi vừa mò tiếp hoặc hỏi người địa phương.

Một bức ảnh chụp trên chiếc máy ảnh kỹ thuật số compact phải qua hàng chục công đoạn mới có thể chia sẻ đến bạn bè và người thân, thay vì mất vài giây với chiếc smartphone tích hợp camera xịn không kém và một app “sống ảo” như Instagram hay Facebook.

Thích selfie? Hãy hi vọng bạn hài lòng với tạo dáng và biểu cảm của mình trong bức hình nếu không muốn chụp đi chụp lại nhiều lần vì điện thoại của bạn không có camera trước để chọn góc chụp hoàn hảo trước khi nhấn nút.

Cái gì cũng khác

Nếu rủ người vừa tỉnh dậy sau 10 năm “xem Netflix nhé”, họ sẽ bảo bạn kiểm tra hộp thư. Hộp thư vật lý đặt trước cửa nhà, chứ không phải email nhé! Năm 2009, Netflix vẫn còn là công ty cho thuê mướn DVD phim với phương thức giao nhận qua đường bưu điện, chứ chưa hề lấn sân sang dịch vụ streaming vốn đã giúp họ trở thành biểu tượng của cả ngành công nghiệp như ngày hôm nay.

Phải đến 1 năm sau, vào năm 2010, Netflix mới ra mắt dịch vụ video theo yêu cầu (video-on-demand) đầu tiên, khởi đầu cho cuộc cách mạng thay đổi thói quen giải trí của người dùng trong cả thập kỷ 2010.

Một người đến từ năm 2009 hẳn sẽ bất ngờ hơn khi bật tivi lên và không tìm thấy kênh truyền hình ưa thích của mình 10 năm về trước, hay nói chính xác hơn là không tìm thấy bất cứ kênh truyền hình nào cả.

Từ vị thế độc tôn trên màn ảnh nhỏ, các nhà đài giờ đây lao đao vì phong cào “cắt cáp” (cord-cutting) của người xem, ám chỉ việc ngừng hợp đồng truyền hình cáp để chuyển sang sử dụng dịch vụ của các nền tảng streaming tương tự như Netflix.

Đã có hàng tá ông lớn nhảy vào cuộc chơi, có thể kể đến như Disney với Disney+, Amazon với Prime Video, Apple với Apple TV+, HBO với HBO Go... với những khoản đầu tư tính bằng hàng trăm triệu USD để thu hút thuê bao mới bằng những show truyền hình chất lượng và độc quyền.

Không chỉ trong lĩnh vực phim ảnh, streaming thật sự trở thành từ khóa giải trí của thập kỷ khi thống trị cả cách người ta nghe nhạc với các nền tảng stream nhạc thịnh hành như Spotify, Apple Music hay Tidal đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên mua nhạc số, gián tiếp dẫn tới việc Apple tuyên bố “khai tử” iTunes vào tháng 6-2019 sau hơn 18 năm định hình thị trường âm nhạc toàn cầu.

Tính năng phát trực tiếp (livestream) cũng tái định nghĩa cách người xem tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội và các nền tảng truyền thông, giải trí khi họ không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều mà còn có thể tương tác trực tiếp với các streamer (người phát trực tiếp) trong thời gian thực.

Công nghệ cũng định nghĩa lại cách chúng ta hẹn hò. Một người đến từ năm 2009 có thể sẽ lắc đầu hoài nghi khi nghe đến cụm từ “quen trên mạng”, nhưng sự ra đời của Tinder năm 2012 đã giúp chuyện gặp gỡ, làm quen những “người độc thân gần bạn” dễ dàng và đơn giản như một động tác quẹt màn hình điện thoại.

Thập kỷ 2010 cũng chứng kiến sự lên ngôi của nền kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các ứng dụng đặt phòng như Airbnb và các ứng dụng gọi xe như Uber, Grab hay Go-Jek.

Bạn có một căn phòng trống trong nhà muốn cho thuê, hoặc có chuyến đi nghỉ mát dài ngày và sẵn sàng cho người khác “dọn vô” nhà mình ở trong thời gian đó để kiếm thêm thu nhập? Tất cả thật dễ dàng với chỉ với một vài thao tác đơn giản trên app.

Những vấn đề thường gặp của taxi (hoặc xe ôm) truyền thống như khó gọi xe khi ở xa trung tâm, tính cước không chính xác hoặc tài xế không biết đường đã được giải quyết bằng yếu tố công nghệ.

Giờ đây, bạn có thể biết trước số tiền mình phải trả cho chuyến đi, theo dõi quãng đường di chuyển của tài xế theo thời gian thực, trả tiền qua thẻ hoặc ví điện tử liên kết sẵn với ứng dụng, và cho điểm chuyến đi theo mức độ hài lòng, tất cả thông qua smartphone.

Các ứng dụng này đã thay đổi hoàn toàn thói quen đi lại của cư dân thành thị và tạo nên một động lực cạnh tranh mới trong ngành taxi bằng phương thức tính cước linh động và một trải nghiệm không tiền mặt chưa bao giờ dễ dàng hơn.

Nói đến không tiền mặt, không thể không nhắc đến ví điện tử, một hiện tượng công nghệ đã khuấy đảo thị trường thanh toán trong thập kỷ vừa qua. Ví điện tử không chỉ thay thế tiền mặt mà còn thay thế cả thẻ nhựa ngân hàng khi giờ đây người tiêu dùng có thể yên tâm bỏ cả ví tiền ở nhà mà vẫn có thể thanh toán hàng ngàn dịch vụ khác nhau như xem phim, ăn uống, mua sắm...

Phương thức này không chỉ nhanh hơn cà thẻ nhờ công nghệ quét mã QR hoặc giao tiếp không tiếp xúc NFC (near field communication: kết nối không chạm ở phạm vi gần), mà còn có độ bảo mật cao nhờ xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, mống mắt, khuôn mặt) thay vì chữ ký hay mã PIN.

Xu thế chung của những ứng dụng này trong thập kỷ 2010 là phát triển thành những “siêu app” thâu tóm toàn bộ nhu cầu hằng ngày của một người dùng trung bình, với mục tiêu khiến người dùng càng dành nhiều thời gian trên ứng dụng của mình và càng ít thời gian trên ứng dụng đối thủ càng tốt.

Sàn thương mại điện tử kết hợp cổng đặt vé và thanh toán, ứng dụng gọi xe kết hợp giao đồ ăn, giao hàng và ví điện tử, hay mạng xã hội kiêm luôn kết nối hẹn hò và xem truyền hình trực tiếp không còn quá xa lạ với người dùng smartphone ở năm 2019, nhưng là một bước tiến dài so với những ứng dụng đơn năng sơ khai có mặt trên app store của cách đây một thập kỷ.

Những công nghệ mới đủ sức khiến người sống năm 2010 trở thành
Những công nghệ mới đủ sức khiến người sống năm 2010 trở thành "tối cổ" so với hiện tại. Ảnh: ZDNet

Thực - ảo hòa trộn

Thập kỷ 2010 cũng là giai đoạn mà công nghệ giúp cho ranh giới giữa thực tại và những viễn cảnh diễn ra trong trí tưởng tượng của các nhà làm phim Hollywood dần bị xóa nhòa. Sự ra đời và phổ biến của mạng di động 4G và 5G với tốc độ đường truyền nhanh gấp hàng trăm lần so với các thế hệ trước đó khiến nhà thông minh (smart house) và xe hơi tự hành (self-driving car) không còn là những ý tưởng trên giấy.

Người đi làm năm 2019 không còn phải lo ngay ngáy việc mình có quên tắt điện hay khóa cửa trước khi ra khỏi nhà, vì tất cả các thiết bị trong gia đình đã có thể được theo dõi, điều khiển từ xa hay thậm chí tự động tắt, mở dựa vào trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence - AI) mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Trợ lý ảo thông minh cũng là một trong những phát minh công nghệ giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta trong 10 năm qua, mở đầu bằng Siri được Apple giới thiệu ở iPhone 4S năm 2011, đến Cortana của Microsoft được trình làng năm 2014, và Alexa của Amazon ra mắt cùng thiết bị Echo vào năm 2015.

Các trợ lý này sử dụng AI và học máy (machine learning) để hiểu mệnh lệnh của “chủ nhân” và thực thi với độ chính xác có thể làm ngạc nhiên nhiều người. Không những vậy, chúng còn biết biểu lộ cảm xúc và thể hiện khiếu hài hước như một con người thực thụ - điều có lẽ chỉ có thể bắt gặp thấy trên phim ảnh ở thập kỷ trước.

Những công nghệ như thực tế ảo (VR - virtual reality), thực tại tăng cường (AR - augmented reality) hay thực tế hỗn hợp (mixed reality) xuất hiện từ sớm, nhưng phải đến khi bước vào thập kỷ 2010 người ta mới chứng kiến những sản phẩm thương mại bùng nổ như Oculus Go, Microsoft HoloLens hay Samsung Gear VR để mang đến trải nghiệm người dùng khác biệt.

Tựa game “bom tấn” di động Pokémon GO ra đời năm 2016 là một ví dụ điển hình về ứng dụng của AR khi người chơi được thỏa sức phiêu lưu truy tìm những con quái thú (pokémon) được lồng ghép vào những địa danh trong thực tế.

Những quả “bom xịt” như sản phẩm kính thông minh Google Glass không làm khác đi thực tế những năm 2010 là một thập kỷ bùng nổ của những công nghệ giúp kéo thế giới ảo và thực tại đến gần nhau hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận