Saudi Arabia và cuộc cải cách đi dây

SÁNG ÁNH 21/04/2018 01:04 GMT+7

TTCT - Những đổi mới đang diễn ra ở đất nước Hồi giáo bảo thủ bậc nhất thế giới này, nhưng sách lược đi dây của người cầm cương cuộc cải cách tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Thế đi dây của thái tử MBS trong cuộc cải cách ở Saudi Arabia. Ảnh: ft.com
Thế đi dây của thái tử MBS trong cuộc cải cách ở Saudi Arabia. Ảnh: ft.com

 

Cảnh xảy ra trong Nhà Trắng, có tổng thống, phó tổng thống và nhiều quan chức bộ trưởng này kia của Mỹ, phải kê thêm ghế trong căn phòng vốn đã chật, ai nấy mặt mày nghiêm trang. Ông Donald Trump nói mấy câu rồi vơ bên cạnh chân mấy tấm bảng to đùng đã đặt sẵn. Ông trương ra và chỉ vào từng tấm để thuyết minh cho mọi người nghe và thấy: Đây, một thỏa thuận vào năm ngoái với khoản đầu tư trị giá 200 tỉ đôla của Saudi với Mỹ, bao gồm việc mua thiết bị quân sự của Mỹ, giúp 40.000 người Mỹ có việc làm. Đây, họ mua sắm phần cứng quân sự của Mỹ, từ tàu đến tên lửa phòng thủ, máy bay và xe chiến đấu.

“Saudi Arabia là một nước rất giàu, họ sẽ cho Hoa Kỳ hưởng một phần của sự giàu có đó, hi vọng vậy, dưới hình thức tạo việc làm, mua sắm những thiết bị quân sự tốt nhất - ông vừa nói vừa tươi tắn nhìn vị thái tử - Đối với các bạn chẳng nghĩa lý gì”, trước khi kết luận sang năm sẽ là 700 tỉ đô!

Vị thái tử ngồi nghe là Mohammad bin Salman (MBS). Ông sang đây để quảng bá việc nước ông đang nhảy vào thời kỳ đổi mới, chứ không phải là để khoe mua rất nhiều súng Mỹ, cái đó thì ai cũng biết rồi. Saudi, nếu trước giờ chuyện nhà mình giàu nứt đố đổ vách là chuyện cả xóm ai cũng biết rồi, nay còn muốn mọi người biết là mình tề gia nội trợ cũng tài nữa kia.

Người thay đổi Saudi?

Vị thái tử 32 tuổi hiện là nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi, bởi cha ông đã 88 tuổi và bắt đầu lẫn. Ông lên ngôi sau khi đuổi được người anh họ, nắm được quân đội, tình báo và công an. MBS, Mohammad bin Salman, có nghĩa là “Mohammad (đời thứ 9), con của Salman (đời 8)” con của Abdul Aziz (đời 7) con của Abdul Rahman (đời 6)... ngược đến Saud là đời thứ nhất. Abdul Aziz (đời 7) còn được Tây phương gọi là Ibn Seoud (con của Saud) là người năm 1932 thống nhất sơn hà, Saudi Arabia, tức vùng đất Ả Rập của nhà Saud.

Trước đó, như mọi hoàng tộc, gia đình Saud là một trong vô số những gia tộc vung kiếm cong trên lưng lạc đà của xứ cát. Họ Saud xưng vương được là nhờ hiệp ước với giáo phái khắt khe “về nguồn” Wahhabi của Hồi giáo trong thế kỷ 18. Một tay cầm kinh một tay cầm kiếm, họ đánh đuổi nhà Hashem tại Thánh địa Mecca. Đây là mâu thuẫn giữa khu vực đông bán đảo (Nedj, nhà Saud) hoang vu và khu vực tây (Hejaz, nhà Hashem) buôn bán và thị tứ.

Kẻ nghèo đói kham khổ nhưng sắt đá, thực sự sống trên lưng ngựa và lạc đà, đã đuổi được dân thành thị đã ít nhiều định cư và suy thoái, cũng là chuyện muôn thuở của các vương triều, từ Đông sang Tây. Nhà Hashem mất con hươu, giờ đành tạm hài lòng với ngai vàng Jordan sau khi làm vua Syria (lúc đó gồm cả Lebanon, Palestine và Israel ngày nay) và vua Iraq. Ngày nay, ngay tại Saudi hiện đại, mâu thuẫn giữa Saudi Đông - Saudi Tây, Nedj và Hejaz, này vẫn còn âm ỉ. Mới rồi, một nhân vật đối lập Saudi ở nước ngoài còn bị chính quyền phê bình là nước da trắng quá (Hejaz) nên không phải là người Saudi (Nedj)!

Hiệp ước thứ nhì của nhà Saud là với Mỹ năm 1945 sau khi vua Abdul Aziz gặp tổng thống Franklin D. Roosevelt. Nhà Saud sẽ canh giếng dầu cho Mỹ đến khi chết, đổi lại, họ sẽ được bảo vệ đến cùng. Chuyện vui bên lề, năm 1957, con ông là Saud sang thăm Mỹ thời tổng thống Dwight Eisenhower, ngụ tại Dinh quốc khách. Phục vụ riêng của Saud nhìn quanh và hỏi: bộ Mỹ nghèo lắm sao mà trong nhà này toàn đồ cũ? Hiệp ước này 70 năm sau vẫn còn mặn nồng thắm thiết.

Họ Saud có 15.000 hoàng thân các chi, nhưng quyền thế ở 2.000 người. Abdul Aziz biết đếm đến 22 vợ, với con trai thì ông đếm được đến 44 hay 45. Sau khi ông qua đời, cánh 7 người con trai của ái phi Sudairi (quả là ái phi mới có được 7 con trai với một người có bằng ấy vợ) trở thành “top dog”. Một làm vua (1982-2005), hai làm thái tử và vua thứ nhì của cánh này là đương kim quốc vương Salman (cha của MBS). Việc thừa tự của nhà Saud rất lắm vấn đề, năm 2006 có quyết định là phải do hội đồng gia tộc chỉ định, nhưng mới đây MBS lên ngôi thái tử là do vua cha qua mặt hội đồng này.

Hoàng tộc rạn nứt, MBS bèn cho một tá vào “nhà mát” - khách sạn Ritz-Carlton, gồm cả hai người con của tiên vương Abdullah. Họ nộp tiền chuộc mạng nghe đâu 100 tỉ USD để đền tội “tham nhũng”. Hiện còn 56 người tiếc của và cứng đầu vẫn tiếp tục ngồi mát ăn bát... sành: một thắng lợi tạm thời của MBS và phe phái. Có thực mới vực được đạo, công ty xây dựng của ông đã gạt được các công ty xây dựng BLG (Bin Laden Group) hay Oger (của Thủ tướng Lebanon Hariri) thuộc phái tiên vương và ông thu tóm được truyền thông trong nước từ tay các hoàng thân địch thủ.

MBS muốn đi con đường mới, tự quảng bá là người sẽ thay đổi Saudi. Ông cho phép phụ nữ lái xe, thanh niên xem nhạc kịch, mở lại nhà hát, giảm quyền lực của cảnh sát đạo đức soi mói chiều dài của tà áo phụ nữ có kín chân hay không. Đây không phải là chuyện riêng MBS mới nghĩ ra. Nó đã được thực thi mạnh bạo nhưng ở tầm (nước) nhỏ hơn ngay bên cạnh là UAE, về mặt văn hóa, xã hội cũng như kinh tế. Dubai từ lâu đã là trung tâm du lịch và tài chính trong khi đến giờ vào Saudi vẫn phải có giấy mời của công ty trong nước hay hợp đồng lao động. Phụ nữ nước ngoài đến UAE mặc quần cộc trong khi ở Saudi vẫn còn bàn cãi bà Melania Trump hay Theresa May có nên che tóc hay không.

Lịch sử lặp lại chính nó?

Những gì Qatar hay UAE làm được và làm rồi thì Saudi chẳng lẽ lại không làm nổi? Nhưng mọi cuộc đổi thay đều chẳng dễ dàng, bởi nhà Saud còn có “hiệp ước” với giáo phái Wahhabi. Hiệp ước này phân chia rạch ròi: thần quyền và thế quyền, trị dân và trị nước, quản lý vật chất và chỉ đạo tinh thần. Đây là mâu thuẫn chủ yếu khiến mấy thập niên qua Saudi không thay đổi nổi. Chế độ lâm vào cảnh một cổ hai tròng, khiến chuyện trống đánh xuôi kèn thổi ngược là thường.

Trong nước đã khó, đối ngoại cũng chẳng dễ chịu gì. Tại Yemen, Saudi phải trực tiếp can dự. Tuy súng đạn hàng hiệu rất nhiều, nhưng đánh mãi vẫn không dẹp được nhóm phiến quân đi dép sứt quai Houthi. Trong khu vực, Iran ngày càng bành trướng. Tiền Saudi và súng Mỹ đổ vào Iraq chẳng hiểu thế nào mà giờ Iran lại đang vênh váo ngay ở Baghdad.

Tại Syria, Iran cũng là kép chánh, còn tại Lebanon là đào thương. Lebanon, Qatar cũng đang phản cả. Đến giờ, MBS đánh đâu thua đó, thành công của ông là được Hoa Kỳ tin yêu và truyền thông quốc tế Tây phương tâng bốc. Loạn trong nhà, loạn trong họ, trong hoàng tộc chưa hẳn là ông đã dẹp xong và đi dây không khéo thì coi chừng ngã.

Con đường ông đi không có gì mới mẻ. Trước năm 1979, Iran là đồng minh của Hoa Kỳ, tầm quan trọng còn gấp mấy Saudi. Ngoài tài nguyên dầu hỏa, Iran còn là một nước lớn hơn, ở vị trí chiến lược trong chiến tranh lạnh lúc đó. Vua Shah có mua vũ khí của Hoa Kỳ tiền tỉ không? Ông có được Mỹ nâng niu hoa trứng không? Vậy mà chỉ sau một đêm, một giáo sĩ lưu vong ngồi sang mấy cái băng cassette giảng đạo lại hất văng đấng kim thượng, khiến ngài không có đất dung thân, rồi Iran lại quay ngay sang là kẻ thù của Mỹ.

“Những người hiểu biết lịch sử bất lực đứng nhìn những người không hiểu biết lịch sử lặp lại lịch sử”. MBS được báo chí thổi lên như thiên sứ mới của bán đảo, với nghị trình và thông điệp mới. Đấy chính xác là những gì vua Iran đã làm trước năm 1979, và làm ngon lành hơn nhiều (hoàng hậu của ông, Farah Palavi, mặc váy đẹp thôi rồi, và là viện sĩ Hàn lâm viện Nghệ thuật Pháp). Bao nhiêu giấy mực tán dương, giờ chỉ còn lại mấy tờ bám bụi trong thùng rác lịch sử.

Ngay tại Saudi, 56 năm trước, 1962, đã có một hoàng tử (Talal bin Abdulaziz, con của vua Abdul Aziz) và bộ trưởng tài chính đòi lập hiến hẳn hoi, chứ không có cái kiểu “phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ” như trước giờ. Ông cổ võ một nền quân chủ lập hiến, trở thành lãnh đạo của “Phong trào Hoàng thân tự do” với biệt danh “Hoàng tử Đỏ”, ủng hộ “Mặt trận Giải phóng Saudi”. Việc này tuy hợp thời (cả khu vực lúc đó đang cải cách) nhưng không đến đâu. Năm 2001, Talal lại đòi có quốc hội lập hiến, năm 2007 ông đòi thành lập đảng chính trị và sau đó phản đối việc thụ phong bất hợp lệ của vua Salman.

Bởi vai vế, con của tiên hoàng Abdul Aziz, ông chỉ được coi là lão già lẩm cẩm, chứ không phải “người tiên phong” như cháu họ MBS. Con trai ông, người giờ nổi tiếng hơn ông nhiều, là hoàng tử Alwaleed bin Talal, tỉ phú nổi tiếng ở Tây phương và mới được rời nhà đá Ritz-Carlton. Tuy cậu này bị bố phê bình là thiếu cấp tiến, hoàng thân Alwaleed về lập trường cải cách vẫn còn xa hơn người em bà con MBS.

Luận anh hùng không kể thắng bại, biết đâu cho phép phụ nữ lái xe dần dà

6 thay đổi trong đời sống

Dưới quyền thái tử MBS, xã hội Saudi Arabia đang dần thay đổi. CNN điểm 6 điều khiến cuộc sống ở quốc gia Hồi giáo cực kỳ bảo thủ này có thể thay đổi trong năm 2018.

1. Giá xăng tăng: Công ty dầu khí nhà nước Aramco, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, quyết định tăng giá xăng lên 127%, hiện ở mức 2,04 riyal một lít (hơn 12.000 đồng).

2. Các rạp phim mở cửa trở lại.

3. Phụ nữ được lái xe.

4. Phụ nữ được đi xem thể thao.

5. Cấp thị thực cho khách du lịch. Thị thực vào Saudi Arabia trước tới giờ chỉ được cấp cho người đi công tác hay hành hương.

6. Tư nhân hóa Aramco, với vụ niêm yết có thể là lớn nhất lịch sử tài chính thế giới: công ty này hiện được định giá 2.000 tỉ USD.

sẽ đưa đến cho phép phụ nữ lái xe vừa hút thuốc (đục lỗ trên khăn che mặt) và mang đến một kỷ nguyên mới cho Saudi. Muốn thành công trong việc này, MBS phải triệt hạ thành phần bảo thủ hơn ông cũng như thành phần tiến bộ hơn ông. Cho tới giờ thì ông đã giữ được thăng bằng, nhưng mọi cuộc đi dây đều nguy hiểm, nhất là giữa những hoàng thân thù vặt và tham quyền cố vị. Quần chúng có đón nhận hay không thì lại là chuyện khác. Còn hiện thời, thành quả duy nhất của ông là được truyền thông Tây phương và chính Tổng thống Trump tán tụng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận