Sculpture today: một dòng chảy khác của điêu khắc

HÀ HƯƠNG THỰC HIỆN 20/04/2010 12:04 GMT+7

TTCT - Là tiến sĩ vật lý lại cặm cụi dịch sách về điêu khắc, Phạm Long vẫn là “kẻ ngoại đạo” với mỹ thuật - theo cách nói của anh. Cho nên không ngạc nhiên nếu có người bảo Phạm Long “điên rồ” khi dám dịch một cuốn sách vào loại “khủng” của ngành điêu khắc thế giới: Sculpture today (tạm dịch: Điêu khắc đương đại).

Phóng to
Anh Phạm Long giới thiệu một phần của Sculpture today - Ảnh: Hà Hương

* Anh mất bao nhiêu thời gian để vừa dịch vừa hiệu đính Sculpture today?

- Phải mất một năm. Có những lúc bị ám ảnh quá, tôi dành cho nó 100% quỹ thời gian của bản thân chỉ để đọc, dịch và tra cứu lại. Tôi bắt tay vào dịch từ đầu năm 2009. Lúc đầu vừa nhìn thấy nó ở nhà anh Đào Châu Hải tôi rất thích, chỉ nghĩ mượn về đọc thôi.

Rồi anh Đào Châu Hải mới gợi ý dịch ra tiếng Việt, anh bảo: “Nếu dịch được thì dịch cho người Việt mình đọc, ở trường mỹ thuật các thầy dạy điêu khắc cũng chỉ dạy bằng kinh nghiệm chứ đâu có giáo trình gì!”. Tôi đọc khoảng một tháng xong rồi mới bắt tay vào dịch. Tất nhiên lúc mình đọc để hiểu thì rất nhanh, nhưng bắt tay vào dịch thì vỡ ra nhiều điều lắm. Quyển sách có 18 chương, mỗi chương khoảng 15-20 trang. Sau khi dịch xong phải in trên giấy khổ to rồi tôi với anh Đào Châu Hải mang ra bàn bạc với nhau.

Chừng đó trang, chừng đó từ mình phải tự chú giải hết. Trong sách, phần giới thiệu các nghệ sĩ chỉ có một đoạn ngắn nhưng mình phải tìm tất cả các bài viết về tác giả đó trên mạng, những tác phẩm và triển lãm của họ.

Sculpture today của tác giả Judith Collins do NXB Phaidon (Anh) ấn hành. Cuốn sách gồm 18 chương, mỗi chương nói về xu hướng khác nhau của điêu khắc đương đại. Ngoài ra, có phần lý lịch của hơn 300 nghệ sĩ đương đại.

* Cặm cụi dịch một cuốn sách “khủng” như Sculpture today, hẳn cuốn sách có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với anh?

- Sculpture today tổng kết khoảng 100 năm phát triển của nghệ thuật điêu khắc từ đầu thế kỷ 20. Nhưng nó chủ yếu xoáy sâu vào các trường phái và trào lưu của điêu khắc đương đại.

Nó lý giải cho chúng ta thấy bằng cách nào các nghệ sĩ có thể tạo ra những tác phẩm phản ánh được hơi thở của thời đại và nguyện vọng của bản thân họ, chứ không phải là những bức tượng người đèm đẹp. Nghệ thuật đương đại thế giới có sự tương tác rất lớn giữa người nghệ sĩ và xã hội mà họ đang sống. Họ nói về chiến tranh, sự băng hoại đạo đức, ô nhiễm môi trường...

Nó thật sự là một dòng chảy khác so với nền điêu khắc của Việt Nam. Điêu khắc Việt Nam dường như vẫn đang quẩn quanh với những tượng đài theo chủ đề để tuyên truyền, hoặc những bức tượng nho nhỏ xinh xinh bày trong nhà, chỉ có thể làm đẹp cho không gian và ít giá trị về mặt xã hội.

* Sculpture today ra đời năm 2007, nhưng thật sự đến năm 2010 các anh mới dịch xong và tính chuyện xuất bản. Sau khoảng thời gian khá dài như vậy, anh có sợ lúc đến tay người đọc, những kiến thức trong cuốn sách đã lỗi thời trước dòng chảy mạnh mẽ của điêu khắc đương đại thế giới?

- Trên thế giới rất hiếm sách viết về điêu khắc đương đại, sách mỹ thuật thì nhiều hơn. Theo tôi được biết, cho đến thời điểm hiện tại quyển sách này vẫn là cuốn duy nhất viết chuyên sâu về điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc đương đại.

* Tuy vậy, Sculpture today không phải là cuốn sách dành cho số đông độc giả. Vậy dự định dịch và xuất bản cho người Việt một cuốn sách về nghệ thuật điêu khắc đương đại của anh có vẻ khó thực hiện?

- Tôi biết là rất khó vì đối với những quyển này nếu bây giờ in sẽ rất tốn kém. Tôi đã liên lạc với một nhà xuất bản nhưng họ phải liên lạc với các đối tác để tìm nguồn vốn. Nếu họ tìm được đối tác thì tôi nghĩ việc xin cấp phép bản quyền sẽ không khó khăn lắm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận