Sẽ đấu đá đến ngày cuối cùng

DANH ĐỨC 02/01/2021 18:10 GMT+7

TTCT-Sau khi những lời kêu gào “Khi nào thì tiền đến tay người dân?” dừng lại bởi Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã ký dự luật cứu nguy kinh tế, tuần tới nước Mỹ nhiều khả năng rơi vào một khủng hoảng khác.

Hai ngày trước lễ Giáng sinh, một tờ báo tại Mỹ còn nêu câu hỏi: “Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cứu nguy kinh tế chống dịch COVID-19 cho mỗi người 600 đôla, nhưng bị Tổng thống Trump chặn lại và đòi nâng lên 2.000 đôla. Khi nào thì tiền đến tay người dân?”. Câu đó phản ánh tâm trạng mới của một số người, và không phải là số ít, đang hết sức “kẹt tiền” do tác động tổng hợp của cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19. Đó là cả một nỗi khắc khoải.

Cuộc chiến ngân sách

Là một tỉ phú bất động sản “đẻ bọc điều”, có lẽ ông Trump không cảm nhận hết được nỗi khổ “kẹt tiền” tới mức phải đi “mượn gạo” nơi không ít dân chúng Mỹ lúc này, “vã” nhất là 14 triệu người chắc chắn bị ảnh hưởng bởi việc ngưng trợ cấp thất nghiệp và các đợt hỗ trợ cũ. Cho nên, tới tận ngày 27-12, ông còn tweet: “2.000 đôla + 2.000 đôla nữa cho các thành viên khác trong gia đình. Chớ không phải chỉ 600 đôla. Hãy nhớ rằng đó là lỗi của Trung Quốc!”. “Lỗi” này là điều mà lâu nay ông vẫn tố cáo: Trung Quốc gây ra đại dịch, thành ra làm ơn đừng đổ lỗi cho ông nếu như mắc dịch mà chết hay kẹt tiền. Có muốn bắt đền bị nhà băng “kéo” nhà, hãy bắt đền Trung Quốc! Sẽ dễ hiểu hơn câu tweet này khi đã đọc dòng tweet của ông hai ngày trước, hôm 25-12: “Tôi chỉ đơn giản muốn kiếm cho dân chúng vĩ đại của chúng ta 2.000 đôla, thay vì 600 đôla trong dự luật hiện thời. Ngoài ra, hãy ngăn chặn hàng tỉ đôla đổ cho các lợi ích “chính chị, chính em” - tức những tư lợi chính trị từ việc phân phát công quỹ”.

Đã thất cử, nhưng ông Trump sẽ còn chiến đấu tới ngày cuối cùng. Ảnh: Monring Consult

Nay, không phải ai ai cũng yêu thương ông Trump như ngày nào. Trang Facebook của một tờ báo Mỹ ngày 28-12 viết về ông Trump: “Chuyến đi về câu lạc bộ Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida của Tổng thống Donald Trump trong kỳ nghỉ Giáng sinh 2020 là lần thứ 31 ông về đây kể từ khi nhậm chức vào ngày 20-1-2016. Khi trở thành tổng thống, thay vì chơi [golf] tại một căn cứ quân sự gần tòa Bạch Ốc như ông [Barack] Obama, ông Trump nhất định chỉ chơi golf tại các câu lạc bộ của mình, 289 lần, trở thành tổng thống phung phí ngân quỹ quốc gia nhiều nhất cho việc đánh golf”.

Bi kịch với ít nhất là 14 triệu người Mỹ đang sống cầm hơi bắt đầu từ việc dự luật về gói kích cầu gần 900 tỉ đôla được Quốc hội thông qua hôm 21-12, chủ yếu là để tiếp tục chi khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ hết hạn vào ngày 26-12, bỗng dưng bị ách lại. Đáng nói là dự luật hỗ trợ mới này đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo - chỉ sáu thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống. Với gói hỗ trợ mới, nhiều hộ gia đình nhận tấm séc 600 đôla ngay từ tuần tới, như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hứa hôm 21-12. Số tiền này chỉ là một trong hai phần của kế hoạch chấn hưng kinh tế lên tới 2.300 tỉ đôla, bao gồm gần 900 tỉ nói trên và 1.400 tỉ nữa chi cho các hoạt động của liên bang đến tháng 9-2021, mà nếu ông Trump không ký duyệt, một phần các cơ quan hành chính cũng sẽ đóng cửa (Quốc hội có thể cấp kinh phí tạm thời, nhưng rất rắc rối).

Tổng thống Trump đã gây ngạc nhiên ngay trong Đảng Cộng hòa của ông khi nói ông không hài lòng với dự luật. Đến tối 22-12, ông Trump phủ quyết phần 900 tỉ đôla mà Quốc hội đã thông qua. Ông gọi gói hỗ trợ là “một nỗi hổ thẹn” và đòi tăng tiền hỗ trợ cho người dân, bớt các khoản chi theo ông là “tào lao”, trong đó có chi cho nước ngoài. Dân nghèo thất nghiệp “trơ mỏ”, các cơ quan nhà nước bị đe dọa đóng cửa, ai mà hơi sức đi “hỏi Trung Quốc” như ông Trump la lối. Còn ông, ông lại vác gậy đi đánh golf! Khó trách những địch thủ của ông, như thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đã lên ABC News mà rằng: “Những gì tổng thống đang làm ngay bây giờ là tàn nhẫn không thể tin được”. Địch thủ của ông còn được dịp ra vẻ không hề tính toán chính trị khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lập tức loan báo là ngay trong tuần tới, phe Dân chủ của bà sẵn sàng nhất trí tuyệt đối khoản hỗ trợ 2.000 đôla/người như tổng thống muốn. Chỉ có điều, trong khi chờ đợi, Giáng sinh vừa rồi không ít gia đình Mỹ đã không còn hồn trí để nghe nhạc “Giáng sinh đã về trên phố” nữa.

Mãi tới 9h44 phút tối 28-12, tờ New York Daily News mới có thể chạy tít: “Tháo gỡ cuối cùng: Trump đổi ý lần nữa, ký gói cứu trợ COVID”. Theo báo này, trong một tuyên bố vào tối 27-12, ông Trump tuyên bố đang ký dự luật cứu trợ 1.400 tỉ đôla “kèm thông điệp mạnh mẽ” về “các hạng mục lãng phí cần phải loại bỏ”.

Vấn đề ở đây là ông Trump cư xử quá lạ, khi tìm cách câu giờ hay phủ quyết một dự luật đã được cả hai đảng đồng ý. Điều này cho thấy khoảng cách giữa ông Trump và đảng của ông trong Quốc hội. Thứ hai, ngân khoản cứu trợ 600 đôla mà ông Trump chê ít là do chính bộ trưởng tài chính của ông, Mnuchin, đề xuất. Quả là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Một độc giả theo dõi Twitter của ông, tên tài khoản @murray_nyc, đã tóm tắt vụ cãi vã rất chính xác: “Đúng 600 đôla là một trò hề, nhưng tại sao Trump không đòi 2.000 đôla TRƯỚC KHI dự luật được bỏ phiếu? Ông ta thừa biết Đảng Cộng hòa sẽ không đồng ý với 2.000 đôla, vì vậy những yêu cầu sau khi sự việc xảy ra là một trò lừa đảo để cố làm đẹp cho hình ảnh ông”.

Ưu tiên của ông Trump là gì?

Trong thông báo chính thức của Nhà Trắng dài 495 chữ tối 27-12, đoạn sau đây tóm tắt những nghĩ ngợi trong đầu ông Trump: “Thứ hai này, Hạ viện sẽ bỏ phiếu để tăng khoản chi cho các cá nhân từ 600 đôla lên 2.000 đôla. Do đó, một gia đình bốn người sẽ nhận được 5.200 đôla. Ngoài ra, Quốc hội đã hứa rằng điều 230, vốn có lợi cho các Big Tech một cách bất công, trong khi gây thiệt hại cho người dân Mỹ, sẽ được xem xét và xóa bỏ hoặc chỉnh sửa đáng kể. Tương tự, Hạ viện và Thượng viện đã đồng ý tập trung mạnh mẽ vào vụ gian lận bầu cử rất đáng kể diễn ra trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11”.

Ngày càng nhiều dân chúng Mỹ khốn khó vì COVID-19. Ảnh: The Nation

Việc nâng tấm séc cứu trợ từ 600 lên 2.000 đôla, hóa ra, trở thành sự chiếu cố với dân nghèo Mỹ, như một ân ban của Tổng thống Trump vào giờ phút cuối nhiệm kỳ, và cả như một kỳ kèo để ông mặc cả chính trị. Vừa nhận là người ban ân bố đức, ông Trump vừa kèm theo những lợi ích cho mình. Điều 230 nói trên, theo ông Trump, trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý, nhất là “quyền kiểm duyệt” nội dung. Nhưng thực chất đây chỉ là chuyện bản thân ông không ít lần điên tiết vì những bài đăng của chính ông trên Facebook hay Twitter bị dán nhãn “tin giả” hoặc “chưa kiểm chứng”. Đó là chưa kể trước giờ các Big Tech bị coi là hành động có lợi cho đối thủ chính trị của ông, khi ngăn chặn những luận điệu quá khích của phe thiên hữu và cực hữu, nền tảng cử tri của ông - điều càng diễn ra mạnh mẽ một khi tổng thống đã “ngã ngựa”. Còn vụ đòi Quốc hội “tập trung” vào “gian lận bầu cử” thì đã quá rõ, không cần giải thích thêm.

Tình hình là việc lặp đi lặp lại những tố giác và kiện cáo bất thành có vẻ không làm cho niềm tin vào ông sút giảm mà càng “đổ dầu vào lửa” giữa những thắc mắc điều gì sẽ xảy ra ngày 6-1 tới. Trang Twitter của ông Trump đã rao trước 50%: “Hẹn gặp lại các bạn tại Washington, D.C, vào ngày 6-1. Đừng bỏ lỡ!”. Ngày hôm đó Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ đếm phiếu đại cử tri và chính thức công bố ai đắc cử. Chỉ mong đừng có biểu tình bạo động hay bom nổ gì ở Washington D.C để tổng thống đương nhiệm, dù chỉ còn dăm ngày, phải ban bố tình trạng thiết quân luật.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận