Selecao: Đổi ngây thơ để lấy dại khờ...

QUANG VINH 25/06/2018 21:06 GMT+7

TTCT - Trước khi World Cup diễn ra vài ngày, kênh truyền hình HBO chẳng biết có phải ngẫu nhiên chiếu đi chiếu lại bộ phim Pele về cuộc đời của huyền thoại bóng đá thế giới Edson Arantes do Nascimento - vẫn được coi là vua bóng đá.

Với bàn thắng đầu tiên tại World Cup 2018 Neymar, cầu thủ đắc giá nhất thế giới, đã không kiềm được cảm xúc

 

Bộ phim vinh danh Pele, đồng thời tái hiện trên màn ảnh lối đá Ginga đặc trưng của Brazil, lối đá đã làm mê hoặc hàng triệu khán giả trên khắp thế giới ở mọi thế hệ nhờ tính ngẫu hứng sáng tạo và giàu cảm xúc.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà những cầu thủ Brazil được gọi là nghệ sĩ sân cỏ. Họ là bậc thầy trong kỹ thuật điều khiển trái bóng và lối chơi tấn công hào hoa nhưng vẫn rất hiệu quả. Các thế hệ khán giả sau thời Pele có thể chứng kiến lối chơi ấy qua rất nhiều ngôi sao lớn, đặc biệt ở các kỳ World Cup.

Những Socrates, Zico, Falcao, Elder của World Cup 1982, Leonardo, Jorginho, Romario, Bebeto của World Cup 1994, Roberto Carlos, Cafu, Ronaldo, Rivaldo của World Cup 1998... đã cho thấy người ta có thể làm những điều kỳ lạ thế nào với trái bóng tròn ngoài việc mắm môi mắm lợi sút thật mạnh về phía cầu môn đối phương.

Bóng đá dù vậy cũng giống như cuộc đời, có muốn cũng không thể cầu toàn. Mượn ý của thuyết tương đối Einstein, có thể nói chắc rằng thứ hoàn hảo nhất trên thế giới này là chẳng có gì hoàn hảo cả. Bóng đá Brazil sản sinh ra những tiền vệ và tiền đạo hay nhất thế giới, nhưng hàng thủ và thủ môn thì cực kỳ tồi. Cho tới thời kỳ Brazil được ca ngợi có những hậu vệ ngôi sao như Roberto Carlos, trên thực tế hậu vệ này thường bỏ hành lang mà mình trấn giữ để lao lên tấn công và đối phương không thể tóm lấy cơ hội ấy để phản đòn chẳng qua là vì sức tấn công của Brazil quá mạnh.

Khán giả khắp thế giới nhìn thấy điều đó và dĩ nhiên bóng đá châu Âu bắt thóp được thói quen của đoàn quân Selecao. Lối đá duy mỹ của Brazil bị châu Âu coi là ngây thơ và Brazil từng phải trả giá đắt ở các trận chung kết World Cup 1982, 1998 khi “đã nổ máy là một dạ xung phong”, mặc kệ hậu phương của mình bị đột kích lâm nguy ra sao.

Những năm gần đây, chẳng rõ có phải do ảnh hưởng từ các cầu thủ Brazil chơi bóng ngày càng nhiều ở các CLB châu Âu hay không, nhưng lối chơi của họ thay đổi rõ rệt. Brazil tiết giảm lối chơi bay bướm dựa trên khả năng phối hợp nhóm nhỏ và kỹ thuật cá nhân điêu luyện của cầu thủ, thay vào đó là lối chuyền banh bật và tác chiến theo kiểu châu Âu, ưu tiên tốc độ và sức chịu va chạm.

Hàng thủ Brazil được chú ý hơn, các cầu thủ phòng ngự ít ham tấn công như trước. Mọi thứ tưởng như đúng hướng, nhưng trận ra mắt World Cup 2018 hòa Thụy Sĩ 1-1, một kết quả thất vọng, cho thấy Brazil có thể đang bỏ sở trường đổi lấy sở đoản bởi về kỹ năng phòng thủ, Brazil chỉ thuộc loại trung bình yếu nếu so với bóng đá châu Âu.

Đổi ngây thơ để lấy dại khờ, Brazil đã bị Đức “giã” tới 7 bàn tại trận bán kết World Cup 2014, với 5 bàn được ghi trong vỏn vẹn 29 phút. Đó là trận thua đậm nhất trong lịch sử bóng đá Brazil ở một kỳ World Cup.

Brazil đến Nga năm nay với đội hình hầu như không còn những cầu thủ có mặt trong trận thảm bại trước Đức hồi 2014. Như thường lệ, họ lại được xướng tên trong danh sách những ứng cử viên vô địch. Họ tiếp tục trình diễn “lối đá châu Âu” mà nếu không vì sắc áo vàng, người ta khó mà nhận ra ngay đó là những hậu nhân của Pele.

Lối chơi dựa nhiều vào sức mạnh của Brazil như “muỗi đốt gỗ” với các cầu thủ Thụy Sĩ to khỏe, rốt cuộc phải nhờ tới cú sút xa may mắn của Philippe Coutinho mới có được bàn thắng trong một trận hòa nhạt nhòa. Khi sự sáng tạo bị triệt tiêu, Brazil chẳng còn là chính mình, mà giống một đội bóng trung bình ở châu Âu.

Bản sắc của nền bóng đá samba là chất nghệ sĩ và sự ngẫu hứng chảy trong huyết quản của mọi cầu thủ, kể cả những người đã mòn chân trên các sân cỏ châu Âu. Có lẽ đã tới lúc họ trở về cội nguồn?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận