Shuggie Bain: Kẹt trong tình yêu, nghiện ngập và đói nghèo

ZÉT NGUYỄN 28/07/2022 06:11 GMT+7

TTCT - Ngày 6-1-2020, The New Yorker - nơi khét tiếng trong việc tuyển chọn tác phẩm để xuất bản, đăng truyện ngắn "Không đủ" (Found Wanting) kèm một cuộc phỏng vấn chi tiết một tác giả lúc ấy còn vô danh: Douglas Stuart.

10 tháng sau, cái tên ấy lại một lần nữa vang lên khi giám khảo giải Booker công bố người thắng giải với cuốn tiểu thuyết Shuggie Bain (tựa tiếng Việt là Shuggie Bain - Chiếc linh hồn nhỏ, dịch giả Trần Quốc Tân, NXB Văn Học và Huy Hoàng xuất bản).

Shuggie Bain: Kẹt trong tình yêu, nghiện ngập và đói nghèo - Ảnh 1.

"Chúng tôi sửng sốt vì cuốn tiểu thuyết đầu tay này tạo nên một bức tranh miêu tả hấp dẫn, đầy thương xót và gần gũi đến kinh ngạc về nghiện ngập, sự can đảm và tình yêu" - Nhận định này của các vị giám khảo như một lời chứng chắc nịch cho cuốn tiểu thuyết mà tính đến thời điểm này đã bán được hơn một triệu bản trên toàn cầu, sau khi bị hơn 30 nhà xuất bản từ chối. 

Shuggie Bain, tác phẩm thay đổi chính cuộc đời Douglas Stuart, là bức chân dung kép mang nhiều yếu tố tự thuật vẽ đứa con trai nhỏ và người mẹ, những người kẹt trong sự vô tận của tình yêu, sự tàn bạo của nghiện ngập và sự khốn quẫn của đói nghèo, trên phông nền thành phố Glasgow xỉn màu đang chìm sâu trong bệ rạc.

Được chia làm 5 phần (trải qua các mốc thời gian 1981, 1982, 1989, và hiện tại là 1992), gồm 32 chương, diễn ra ở lần lượt các địa điểm khác nhau trong thành phố Glasgow (Sighthill, Cổng mỏ, East End và South Side,) Shuggie Bain có hai nhân vật chính. Câu chuyện của tác phẩm là câu chuyện của cả hai, lúc riêng rẽ, lúc đan xen, nhưng không lúc nào tách rời nhau: cậu bé Shuggie Bain và mẹ cậu - Agnes Bain.

Agnes Bain, 40 tuổi, có chồng và ba con nhỏ, là người luôn cảm thấy bất mãn với thực tại: cô cực kỳ xinh đẹp và phù phiếm, và những gì cô mong ước đều không đạt được. Sau khi kết hôn với người chồng Công giáo và có hai đứa con là Catherine và Leek, cô bỏ chồng đi theo người tài xế taxi là Shug Bain, đẻ thêm Shuggie Bain, và chuyển về sống chung với bố mẹ ruột. Luôn hoài nhớ quá khứ khi còn là một thiếu nữ quyến rũ và nhiều mong đợi cho tương lai, giờ đây cô chán ghét tất cả, thấy mình "mục ruỗng, ngớ ngẩn và phì nộn". Cô khát khao tình yêu của chồng, một người chuyên ngoại tình, và khi bị anh bỏ đột ngột sau khi chuyển cả gia đình ra Cổng mỏ, một khu nhà cho thợ nằm ở rìa thị trấn khai thác mỏ, cô rơi vào nghiện ngập rượu chè không kiểm soát được.

Người đọc của Shuggie Bain dễ dàng thấy mình rơi vào cảm xúc mâu thuẫn: vừa thương hại Agnes Bain vì số phận đã trở nên thảm hại (đặc biệt ở một chương ngắn ngủi khi Agnes cai được rượu và sự tươi sáng ngất ngây tràn ngập), vừa căm ghét đến mức khinh bỉ sự yếu đuối của cô, việc cô bỏ bê con cái đến mức con cái lại phải thành người chăm sóc cho mẹ.

Nhưng chính ở những chương khi Agnes chìm ngập trong chất cồn, hình tượng Shuggie hiện lên vĩ đại hơn bao giờ hết. Có hai dòng chuyện chạy song song xuyên suốt Shuggie Bain: một của một cậu bé luôn bị coi là ẽo ợt, bị bắt nạt, đi tìm bản dạng giới của mình; và một của một đứa con trai bằng tình yêu muốn cứu vớt mẹ mình. 

Đó là một đứa bé, chưa đầy 10 tuổi đầu, phải trưởng thành sớm khi tìm cách bảo vệ người mẹ khỏi nghiện ngập, làm từ những việc nhỏ nhặt nhất như thay quần áo cho mẹ, đến những việc lớn hơn như liên tục bỏ học ở nhà canh giữ để mẹ không uống rượu, đi xếp hàng nhận trợ cấp mang chút tiền ít ỏi về mua thực phẩm cho gia đình, đi xuyên thành phố để tìm mẹ trong một đêm bà đi tiệc tùng. Trong khi tất cả đã từ bỏ Agnes, kể cả hai con ruột của cô, thì Shuggie vẫn một lòng tin rằng mẹ sẽ khá hơn; tình yêu, và cũng chỉ có tình yêu, đã giúp cậu ở lại bên mẹ cho đến phút cuối.

Đó cũng là một cậu bé yếu ớt nhận ra mình khác biệt về giới tính với những đứa con trai xung quanh và tìm mọi cách để có thể hòa hợp với xã hội.

Về mặt kỹ thuật tiểu thuyết, độc giả, sau khi trải nghiệm chương mở đầu tương đối rề rà mở ra bối cảnh hiện tại của câu chuyện, nhanh chóng nhận ra mình rơi vào tay của một người kể chuyện truyền thống thông thạo nghệ thuật kể: thiết lập bối cảnh, tạo xung đột cao trào, rồi thoái trào. 

Mỗi chương nhỏ của Shuggie Bain đều hoạt động như một vở kịch nhỏ, nơi luôn có thắt nút và mở nút. Độc giả luôn ở trong trạng thái bất ngờ kinh ngạc vì sự tàn bạo đến sững sờ của hành động truyện và sự thoái trào theo sau đó.

Shuggie Bain: Kẹt trong tình yêu, nghiện ngập và đói nghèo - Ảnh 2.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Scotland được nhiều nhà phê bình lớn so sánh với cuốn hồi ký đình đám Angela's Ashes (Tro tàn của Angela) của nhà văn người Ireland Frank McCourt. 

Nếu Tro tàn của Angela là một chương sử về Ireland đói nghèo và những người cùng khổ của nó thì Shuggie Bain là một bản đối xứng cho Scotland khi viết về Glasgow, một Glasgow ảm đạm dưới thời thủ tướng Margaret Thatcher những năm 1980 khi các mỏ than đồng loạt bị đóng cửa, các ngành công nghiệp thép và đóng tàu bị dẹp bỏ, những người lao động bị mất công ăn việc làm, họ và gia đình họ bị "giết hại", họ tìm đến rượu và ma túy.

Suốt lịch sử 51 năm giải Booker, Stuart là nhà văn thứ hai của Scotland được trao giải này. Shuggie Bain, bằng bút pháp hiện thực tàn nhẫn, với giọng văn tưởng xa cách nhưng lại thấm đẫm sự cảm thông, với hình tượng người mẹ trên đà tàn phá đời mình không kiểm soát và hình tượng đứa con trai với lòng xót thương vô tận, với phương ngữ Scotland được bày ra trên trang giấy không hề e ngại, xứng đáng là một tác phẩm đỉnh cao của văn chương Scotland. ■

"Nhan đề gốc Shuggie Bain vốn là tên riêng, nhưng nếu giữ nguyên, người đọc tiếng Việt khó có thể hình dung ra đó là tên của một nhân vật. Điều đó có thể cản trở cuộc dạo đầu chuyến chu du của chúng ta vào thế giới nhiều biến cố, gian truân và bất trắc của Shuggie… Vì thế người dịch quyết định gán thêm một nhan đề phụ: Chiếc linh hồn nhỏ. Chữ "chiếc" là lựa chọn có chủ đích để ám chỉ một cách gọi trung tính cho người thuộc cộng đồng LGBT. Với nhan đề tiếng Việt ấy, người dịch nợ nhà thơ Huy Cận. Chúng đến từ một câu trong bài Ê chề: Một chiếc linh hồn nhỏ/Mang mang thiên cổ sầu.

(Dịch giả Trần Quốc Tân)

Tiểu thuyết đầu tay của anh, Shuggie Bain, lần theo cuộc đời của một cậu bé và người mẹ nghiện rượu ở Glasgow… Tôi tin rằng đây là truyện đầu tiên anh xuất bản. Anh viết văn bao lâu rồi? Có phải anh luôn biết rằng mình muốn xuất bản một cuốn tiểu thuyết không?

Image1_11202022171030215816770 (Read-Only)

Nhà văn Douglas Stuart

- Tôi được thuê viết lần đầu tiên hồi 7 tuổi, là người chấp bút cho tiểu sử của mẹ tôi. Cha tôi bỏ đi khi tôi còn bé, mẹ tôi thường thích ngồi xuống với nửa tá bia lon và đọc cho tôi viết. Mẹ tôi chưa bao giờ, chưa một lần, vượt qua được đoạn đề tặng: "Dành tặng Elizabeth Taylor, người nghĩ mình biết nhưng lại chả biết gì về sự tàn nhẫn của tình yêu". Nhẽ ra bà phải thành nhà thơ lớn mới đúng!

Tôi lớn lên trong nhà không có sách vở gì, nhưng từ lúc bắt đầu nhớ được là tôi đã kể chuyện rồi. Từ hồi 6 tuổi, mọi thứ về tôi đã có vẻ giống như tiểu thuyết rồi; ấy là chuyện phải giả vờ để hòa hợp với mọi thứ xung quanh. Tôi luôn phải giấu mình lẩn tránh bọn trẻ xung quanh, khi bị bắt nạt, tôi về nhà nói dối cả nhà và vờ như mọi chuyện đều ổn. Tôi giấu không cho thế giới bên ngoài biết những chuyện của gia đình mình. Ta cứ tự kể chuyện cho chính mình để đối phó mà thôi.

Tôi muốn học văn chương Anh ở đại học nhưng được khuyên là không nên vì đó "không phải thứ mà bọn con trai có hoàn cảnh xuất thân như tôi làm". Thế là tôi học nghề và làm việc trong ngành dệt rồi bắt đầu bí mật viết Shuggie Bain khoảng 12 năm về trước. Lúc đó, chủ yếu tôi làm người thiết kế đồ nam trong ngành thời trang, thế nên tôi phải tranh thủ mọi lúc để viết, từng buổi sáng sớm và từng ngày nghỉ ốm.

Tôi dành hết tâm trí cho công việc nên tôi viết Shuggie Bain chỉ cho riêng mình, chưa bao giờ dám tưởng tượng rằng nó sẽ được xuất bản. Viết mà không bị áp lực gì thực sự là một điều may mắn và một niềm lạc thú đích thực. Hiếm khi chúng ta được sáng tạo một thứ thật riêng tư mà lại không bị gánh nặng của kỳ vọng - ý tôi là, giờ đây người ta không thể nào ăn tối mà không cảm thấy buộc phải chụp ảnh rồi chia sẻ với cả thế giới.

Việc phải khắc họa được chính Glasgow trong tác phẩm của mình có ý nghĩa quan trọng với anh như thế nào?

- Ta quê ở đâu thì luôn ảnh hưởng đến người mà ta trở thành, dù cho có chuyển đi đâu xa chăng nữa, như tôi ấy. Quan hệ của tôi với thành phố quê hương tôi rất phức tạp, nhưng không có nơi nào tôi yêu hơn.

Tôi hy vọng Shuggie Bain là một chuyện tình gửi tới Glasgow, không phải một chuyện tình nịnh hót mà là một thứ nhìn thấu suốt thành phố này. Người Scotland bao giờ cũng rất thẳng thừng về những điều khó khăn, vì thế chẳng có nghĩa lý gì khi cứ phải giả vờ rằng đây không phải là một nơi khó sống cả. Thành phố này là chốn của những thứ tương phản; mặc cho mọi sự tàn phá và khốn khó, người dân vẫn mạnh mẽ và tự hào dữ dội, và tôi biết không ai nồng hậu hơn, tử tế hơn và hài hước tinh quái hơn dân Glasgow.

(Trích đoạn phỏng vấn của The New Yorker với nhà văn Douglas Stuart, tháng 1-2022)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận