TTCT- Khi cuộc bầu cử quốc hội ở Singapore khai diễn, Đài CNN chạy tít: “Singapore bỏ phiếu song liệu có gì thay đổi không?”. Có vẻ tình hình chính trường Singapore “vũ như cẩn”. Nhưng nhìn kỹ sẽ thấy khác. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trên chiếc xe buýt đi cảm ơn người ủng hộ Đảng PAP tại cuộc bầu cử cuối tuần qua - Reuters Trên bề nổi hầu như không có thay đổi khi kết quả kiểm phiếu cho thấy Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền lại chiến thắng với 83/89 ghế giành được trong quốc hội, trong khi chỉ mỗi Đảng Công nhân giành được sáu ghế còn lại. Kết quả đó dễ dẫn đến cảm nhận rằng đảng cầm quyền PAP vẫn tuyệt đối cai trị ở Singapore, các đảng đối lập chỉ đóng vai trò “tượng trưng” trong quốc hội, và trên chính trường PAP vẫn là một chế độ toàn trị bất biến như cách đây 50, thậm chí 10 năm! Nhưng không, PAP vào năm 2015 không muốn bị cho là tự ý nắm quyền như một di sản kế thừa từ nhà lãnh đạo lập quốc Lý Quang Diệu. Chính vì thế sau khi ông Lý qua đời, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tư vấn (tư vấn: từ ngữ trong thông cáo của Phủ thủ tướng Singapore ngày 25-8-2015) cho Tổng thống Tony Tan Keng Yam tuyên bố giải tán quốc hội để bầu một quốc hội mới, trước hạn định hết nhiệm kỳ hơn một năm. Đó là quyết định khẳng định tính “hợp lẽ” sự tồn tại của PAP trong vị trí lãnh đạo qua lá phiếu của nhân dân trong một cuộc bầu cử sòng phẳng. Đó cũng là cách để ông Lý Hiển Long ra khỏi cái bóng quá lớn của cha mình. Kỷ niệm “Singapore 50 tuổi” (SG50) là “ăn theo” sự nghiệp lập quốc và dựng quốc vĩ đại của ông Lý Quang Diệu, nhưng cũng là để hướng đến mục tiêu “Singapore 100 tuổi” (SG100). Quyết định giải tán quốc hội, tranh cử để được tái tín nhiệm bởi dân chúng chính là khúc rẽ chuyển hướng Singapore đến mục tiêu SG100 đó. Trên Facebook của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm sự ủy nhiệm của nhân dân để đưa Singapore vượt ngưỡng “50 tuổi” mà bước vào nửa sau thế kỷ tới của mình”. Không chơi trò “độc diễn” Trước cuộc bầu cử, Deena Shanker của Reuters nhận xét: “Người dân Singapore đang hướng tới cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay trong một cuộc bầu cử mà kết quả đã được xác định trước: PAP sẽ giành chiến thắng như từng thắng trong mọi cuộc bầu cử từ khi độc lập. Song điều đó không có nghĩa lá phiếu của người dân sẽ là vô nghĩa. Kết quả bầu cử đã được thay đổi một cách tinh tế trong vài thập kỷ qua cho thấy sự suy giảm uy tín lần hồi của PAP. Tỉ lệ ghế mà PAP giành được đã giảm một chút nhưng tỉ lệ phiếu phổ thông thì giảm rất nhiều. Lần đầu tiên mọi chỗ ngồi sẽ được tranh cãi, có nghĩa là PAP sẽ khơi khơi có được ghế vì không có đối thủ tranh chấp”. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2011, lần đầu tiên PAP chỉ được 60,1% số phiếu và 81/87 ghế, một sút giảm đầy ý nghĩa so với cuộc bầu cử năm 2006 khi PAP giành được 66,6% số phiếu, tức mất 5,5% số phiếu cùng sáu ghế lần đầu tiên bị mất trong quốc hội thuộc cùng đơn vị bầu cử Aljunied, nơi được xem là “cứ địa” của Đảng Công nhân. Bầu cử lần này, Đảng Công nhân vẫn hùng cứ ở đơn vị bầu cử Aljunied, điều mà vào những thập niên đầu dưới trào ông Lý Quang Diệu nhất định không thể xảy ra. Liệu đây có phải lại là một màn kịch được khéo léo “đạo diễn” bởi đảng cầm quyền cầm chắc thắng cử? Sau bầu cử, Anthony Goh Tee Kow của tờ The Straits Times viết: “Điểm đáng chú ý của cuộc bầu cử năm nay là các đảng đối lập đã tương đối đoàn kết. Các đảng này đã có chung một quyết sách là không tranh cử đối đầu lẫn nhau”, tức dành sức người tỉ thí với PAP. Tất nhiên cho dù không cạnh tranh nhau, song các đảng đối lập non trẻ vẫn là thiểu số, đâu thể ngủ một đêm thức dậy bỗng có được chính quyền trong tay. Sau cuộc bầu cử, đảng trưởng Xã hội Singapore Chee Soon Juan phát biểu với đảng viên đảng này: “Có một điều mà các bạn đã chỉ ra là Đảng Xã hội cùng Đảng Công nhân nên phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa trong cuộc bầu cử tới. Căn cứ kết quả lần này, tôi cũng nghĩ thế”. Quả thật, nếu chỉ đếm tỉ lệ phiếu thu được ở mọi đơn vị bầu cử thì nếu như PAP đã được 69,86 tổng số phiếu ở các ghế tranh chấp, thì hai đảng Công nhân và Xã hội cũng đã giành được lần lượt 39,75% và 31,23% tổng số phiếu. Tỉ thí để làm gì? Tuy Đảng Công nhân tiếp tục giành trọn sáu ghế ở đơn vị bầu cử liên danh Aljunied như ở cuộc bầu cử năm 2011, song kết quả bỏ phiếu lần này đã là một cảnh cáo đối với họ. Báo The Straits Times nhận xét: “Điều trước đây tưởng chừng là một thắng lợi dễ dàng cho Đảng Công nhân tại Aljunied lại biến thành cuộc quyết đấu sống còn. Liên danh của PAP đã đẩy liên danh đội hình A của Đảng Công nhân đến tận mép đài, khi cử tri trên khắp đảo quốc này đã dồn phiếu cho đảng cầm quyền. Cuối cùng thì Đảng Công nhân cũng đã giữ được Aljunied với một tỉ lệ mong manh là 50,96%, giảm 3,77% so với kỳ trước”. Dẫu sao, như từ nguyên của chữ “cộng hòa” trong các ngôn ngữ Âu - Mỹ (res publica, việc chung), ở Singapore việc chung vẫn là của chung. Trong góc nhìn đó, nền cộng hòa ở đảo quốc này vẫn đang tiến tới. Khoảng cách 2.612 phiếu bầu mà Đảng Công nhân dẫn trước PAP (so với 11.620 phiếu năm 2011) khiến hai thành viên chính phủ là Bộ trưởng Ngoại giao George Yeo và Bộ trưởng phủ thủ tướng Lim Hwee Hua phải ra đi. Ngược lại, phía đảng cầm quyền đã có những quyết định “tự xử” trước bầu cử một tháng, khi Bộ trưởng Giao thông Lui Tuck Yew gửi thư đến thủ tướng báo tin không tái tranh cử. Trong thư, ông Yew tự xét mình và nhắc đến những trục trặc trên các tuyến metro. Trong thư phúc đáp, Lý thủ tướng nhìn nhận công việc của ông này là rất khó khăn, song “có những việc khẩn cấp cần phải được giải quyết, đặc biệt là mở rộng và cải thiện hệ thống chuyên chở công cộng”. Và đơn không ra tái tranh cử của ông Yew đã được chấp thuận. Bruno Philip của Le Monde trích lời một giáo sư chính trị học người Úc tên Michael Barr: “Người dân Singapore không bận tâm mấy đến các vấn đề tự do ngôn luận và dân chủ” và kết luận: “Lý Quang Diệu từng phát biểu: “Thi ca là một thứ xa xỉ người ta không thể tự cho phép”. Nếu xem dân chủ như một thứ thi ca, có lẽ phát biểu này vẫn còn tính thời sự”. ■ Tags: SingaporeBầu cử SingaporeNền cộng hòa
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.