Sinh sự, sự sinh

DANH ĐỨC 12/02/2023 09:26 GMT+7

TTCT - Trong một sự cố xưa nay hiếm như vụ khí cầu của Trung Quốc "bay lạc" bị Mỹ bắn rơi, câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu bên liên quan và mỗi bên muốn gì.

Vụ việc diễn ra từ ngày 28-1 khi một Khinh khí cầu màu trắng của Trung Quốc lớn bằng ba cái xe buýt ung dung bay qua không phận Bắc Mỹ, từ Alaska, miền tây Canada, vào khu vực tiếp giáp với Hoa Kỳ, qua Montana ngày 1-2, rồi Missouri ngày 3-2, trước khi bị không quân Hoa Kỳ bắn rơi vào ngày 4-2 trên vùng lãnh hải ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, lúc đang ở độ cao 18 cây số.

Hải quân Mỹ trục vớt xác chiếc khinh khí cầu. Ảnh: ABC News

Hải quân Mỹ trục vớt xác chiếc khinh khí cầu. Ảnh: ABC News

Vì sao Mỹ phản ứng trễ?

Tất nhiên, phía Mỹ và Canada theo dõi ngay từ đầu. Đến ngày 2-2, Bộ tư lệnh Phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cùng Bộ tư lệnh Phương bắc (USNORTHCOM) ra thông cáo trên Twitter cho biết đã phát hiện, đang theo dõi và giám sát chặt chẽ một khinh khí cầu thám không ở tầm cao trên lục địa Hoa Kỳ. Lưu ý từ ngữ "khí cầu thám không" mà NORAD (và Bộ Quốc phòng Mỹ) sử dụng mang hàm ý "không phải dân sự".

Tuy nhiên, thông cáo của NORAD hôm 2-2 cho thấy tình hình vẫn có vẻ yên ổn: "Tướng Glen VanHerck, tư lệnh NORAD, đánh giá rằng khí cầu không cho thấy bất cứ mối đe dọa quân sự hay vật chất nào với dân chúng dưới đất vào thời điểm này". Thông cáo kết bằng nhận xét "R.A.S" (không có gì để cảnh báo): "Khí cầu hiện di chuyển ở độ cao hơn nhiều so với giao thông hàng không thương mại".

Tất nhiên, tin này được trích dẫn và đăng tải bởi các phương tiện truyền thông Mỹ vốn có nhiều nguồn tin khác. Dân chúng Mỹ và Canada tỏ ra quan tâm. Đến 11h sáng 3-2, đã có đến hơn 750.000 lượt xem mẩu tweet này của NORAD. Một cây bút hành nghề luật sư, có 254.000 người theo dõi, chừng mực hỏi lại NORAD: "Liệu chúng tôi có thể có được một dự báo cho vụ này?". Một nhà báo Canada hưu trí , có 1.900 người theo dõi, cũng hỏi: "Có cảnh báo bay cho khí cầu do thám hay không?".

Chiều 3-2, Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ, chuẩn tướng Pat Ryder, họp báo tái khẳng định những gì NORAD loan báo hôm qua: "Tôi sẽ không có nhiều thông tin mới để cung cấp ngoài việc nói rằng NORAD tiếp tục theo dõi nó chặt chẽ... Tôi có thể nói với các bạn rằng khinh khí cầu tiếp tục di chuyển về phía đông và đang ở trên trung tâm của lục địa Hoa Kỳ. Một lần nữa, chúng tôi đánh giá khinh khí cầu không gây ra mối đe dọa quân sự hoặc vật chất nào với dân chúng trên mặt đất vào thời điểm này, và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và xem xét các lựa chọn".

Chính những đánh giá này đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm thứ hai 5-2 "trưng dụng" để đáp trả: "Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng "khí cầu không gây ra mối đe dọa quân sự hay vật chất nào với dân chúng trên mặt đất". Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ điều đó với Mỹ, nhưng phía Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng vũ lực, đây rõ ràng là một phản ứng thái quá. Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó".

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Phản ứng của Bắc Kinh

Ngày 4-2, khí cầu bị bắn hạ sau khi trôi dạt đến vùng các tiểu bang Carolina. Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã đóng không phận khu vực này trên một diện tích gấp hơn 5 lần không phận bị hạn chế xung quanh thủ đô Washington, D.C., và gần gấp đôi diện tích tiểu bang Massachusetts, nhằm dọn đường cho việc hạ khinh khí cầu trong vùng lãnh hải của Hoa Kỳ trên Đại Tây Dương.

Muốn hay không, vấn đề cũng là xuất phát từ Trung Quốc, và những ồn ào được dịp bùng nổ. Ngày 6-2, Global Times phản pháo bằng một bài viết phản ánh cái nhìn của Bắc Kinh không chỉ về sự cố khinh khí cầu hiện tại, mà hơn thế nữa. Các tác giả cho thấy Bắc Kinh đang ở thế thượng phong khi đưa ra hai nhận xét tóm tắt cục diện: (1) "Sự chân thành của Hoa Kỳ trong việc ổn định các mối quan hệ đang bị thử thách giữa sự cố khí cầu; (2) "Phản ứng thái quá cho thấy sự kém cỏi trong quản lý khủng hoảng".

Báo này cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong đã được chỉ thị gửi công hàm nghiêm khắc tới đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc về việc Hoa Kỳ tấn công bằng vũ lực vào một khí cầu không người lái dân sự của Trung Quốc. Ông Tạ nhất mực nhấn mạnh đây là sự cố bất khả kháng rõ ràng, không cho phép bóp méo hoặc bôi nhọ lập trường của Trung Quốc vì sự cố này. Tuy nhiên theo ông, Mỹ đã bất chấp sự thật, lạm dụng vũ lực quân sự và bắn hạ chiếc khí cầu dân sự chuẩn bị ra khỏi không phận Mỹ - một phản ứng thái quá vi phạm nghiêm trọng tinh thần của luật pháp và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, phản ứng tiếp trong bài báo này vượt ra khỏi khuôn khổ quan hệ Trung - Mỹ, "quan tâm" tới cả chuyện nội bộ nước Mỹ: "Trò hề vẫn tiếp tục ở Mỹ khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa gọi phản ứng của Tổng thống Mỹ Joe Biden là "thất bại" và hỏi tại sao điều đó [bắn hạ khí cầu] không xảy ra sớm hơn, trong khi Đảng Dân chủ ca ngợi "sự lãnh đạo" của Biden".

Các tác giả đề quyết rằng "cả hai đảng dường như không quan tâm đến hậu quả của việc thô bạo bắn hạ một khí cầu dân sự Trung Quốc, đặc biệt là tác động của nó với quan hệ song phương vốn đã căng thẳng". Theo bài báo, chính quyền Biden đã thất bại trong quản lý tâm lý bài Trung Quốc do một số nhân vật diều hâu thúc đẩy, qua đó đang xóa bỏ dư địa để Trung Quốc và Mỹ xử lý tốt hơn những vụ việc như vậy, và điều này có nguy cơ gây ra thêm nhiều sóng gió nữa cho quan hệ song phương.

Trước đó một ngày, bà Mao Ninh, trả lời một câu hỏi của CNN, đã diễn giải chi tiết hơn thông tin từ phía Trung Quốc: "Khí cầu bay qua Mỹ Latin là khí cầu không người lái từ Trung Quốc, có tính chất dân sự và được sử dụng để bay thử nghiệm. Do bị ảnh hưởng thời tiết và khả năng tự điều khiển hạn chế, khí cầu đã đi chệch hướng so với kế hoạch và đi vào không phận của Mỹ".

Khoan nói bên nào phải, trái trong vụ này, nhưng cơ bản không thể không thấy việc các khí tài của Trung Quốc đang thong dong khắp nơi, trên không, trên biển, dưới nước, không thông báo cho các nước trong cuộc, là một điều bất thường. Tâm tư chung này được phóng viên của Sky News nêu ra qua câu hỏi với bà Mao: 

"Thế giới hiện đang đổ dồn sự chú ý vào Trung Quốc như quý vị đã biết sau vụ bắn hạ quả khí cầu. Trung Quốc có nhận ra những sự cố như vậy có thể nguy hiểm ra sao không? Và với suy nghĩ đó, liệu nó có nên tránh leo thang ăn miếng trả miếng, đặc biệt nếu các mảnh vỡ thu thập được cho thấy rằng khí cầu lúc đó đang do thám?". 

Người phát ngôn Mao Ninh không có câu trả lời nào khác điệp khúc cũ: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định sự cố này hoàn toàn xảy ra ngoài ý muốn và là trường hợp bất khả kháng".

Chỉ e là khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, những sự cố như thế này sẽ càng nhiều hơn, và chưa chắc vụ nào cũng sẽ được xử lý êm đẹp, hay ít ra là ít có leo thang, như vụ khinh khí cầu vừa bị bắn hạ.■

Chuyện hậu sự của khí cầu

Cũng trong ngày thứ hai 6-2, tướng Glen VanHerck, tư lệnh NORAD, đã họp báo cho biết USS Carter Hall, một tàu hải quân Hoa Kỳ dưới quyền NORTHCOM đang có mặt tại khu vực khí cầu rơi xuống biển, đã thu thập các mảnh vỡ và phân loại.

Cũng theo tướng VanHerck, một tàu khác của hải quân, chiếc USS Pathfinder, có khả năng tiến hành khảo sát hải dương học, thủy văn, đo độ sâu dưới đáy đại dương, cũng đang khảo sát bằng sonar và các phương tiện khác để lập một bản đồ thể hiện trường mảnh vỡ có kích thước khoảng 1.500 x 1.500m, tức lớn hơn 15 sân bóng đá.

Về phần Trung Quốc, có vẻ để củng cố giải thích đây là một vụ đi lạc vì thời tiết, hôm thứ sáu tuần rồi 4-2, giám đốc Khí tượng quốc gia đã bị cách chức, dù không hề có giải thích công khai cụ thể nào cho thấy vụ cách chức này có liên quan tới khí cầu vừa bị bắn hạ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận