Số phận những hiệu sách huyền thoại của Paris

NGUYÊN KAN 11/03/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Paris vắng bóng khách du lịch, hàng quán đóng cửa. Lệnh giới nghiêm được thực hiện sau 18h, mọi người chủ yếu làm việc tại nhà và được khuyến khích duy trì giãn cách 1m ở nơi công cộng. Tiệm sách vắng bóng người.

Hiệu sách Shakespeare and Company. Ảnh: Nguyên Kan

Mỗi lần lên Paris công tác, nếu còn chút thời gian, thể nào tôi cũng phải ghé qua hiệu sách Shakespeare and Company một chút. Hiệu sách nhỏ 2 tầng này nằm ở góc phố đối diện phía cánh trái của nhà thờ Đức Bà Paris. Tầng 1 bán sách, tầng 2 là nơi khách có thể ngắm nghía những cuốn sách cổ và lưu lại đọc sách.

Hiệu sách do một phụ nữ Mỹ mở hồi đầu thế kỷ 20 và nhanh chóng trở thành điểm đến của Thế hệ lạc lối (Lost generations). Các nhà văn, nhà thơ vĩ đại như Ernest Hemingway, James Joyce, George Bernard Shaw, Gertrude Stein... đều là khách quen của hiệu sách này. 

Trong suốt những năm tháng qua, đây vẫn là chốn ân cần rộng cửa đón tiếp các nhà văn, nghệ sĩ, trí thức. Họ có thể ngủ lại ở tiệm sách, với điều kiện phải đọc một cuốn sách mỗi ngày, giúp việc tại tiệm và viết một trang vào cuốn sổ lưu trữ của chủ tiệm sách. George Whitman, chủ tiệm sách, gọi họ là “cỏ lông chông” (tumbleweed), như ông từng tự miêu tả mình khi xưa, di chuyển từ nơi này tới nơi khác và sáng tác.

Quang cảnh ở Shakespeare and Company trước đại dịch là một chốn “chật ních” khách, bởi đây là một trong những điểm đến nổi tiếng, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Phần lớn khách tham quan đều muốn đến đây, ngắm nghía tiệm sách lịch sử này, thưởng thức một chút không khí đậm chất Paris mà họ từng thấy qua bộ phim nổi tiếng Midnight in Paris.

Tôi chưa từng bước lên tầng 2, vì lúc nào cũng quá nhiều người. Tôi xem sách ở tầng 1, phần lớn là sách tiếng Anh. Bằng cách thần kỳ nào đó, ở đây, chỉ cần cầm một cuốn bất kỳ lên, tôi cũng biết đây sẽ là cuốn mà mình thích.

Lần trở lại này thì khác.

Paris vắng bóng khách du lịch, hàng quán đóng cửa. Lệnh giới nghiêm được thực hiện sau 18h, mọi người chủ yếu làm việc tại nhà và được khuyến khích duy trì giãn cách 1m ở nơi công cộng. Tiệm sách vắng bóng người. Chú mèo Aggie trứ danh của tiệm sách cũng có vẻ buồn. Lần đầu tiên tôi bước lên tầng 2, thảnh thơi tận hưởng không khí tĩnh lặng rất Paris của tiệm sách.

Chú mèo Aggie trứ danh của tiệm sách Shakespeare and Company. Ảnh: Nguyên Kan

Tới lúc này, tôi mới biết tiệm sách Shakespeare and Company đang đứng trên bờ vực phá sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID. Từ đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái, doanh số của hiệu sách sụt giảm tới 80%. Và tiệm sách đã dùng đến gần như toàn bộ tiền tiết kiệm. 

Chủ tiệm sách, Sylvie Whitman - con gái của George Whitman - đã viết thư kêu cứu tới khách hàng của Shakespeare and Company, kêu gọi họ mua sách từ website của tiệm để ủng hộ. 

Trong vòng một tuần sau, họ nhận được hơn 5.000 đơn đặt hàng (so với con số trung bình 100 đơn/tuần) và đóng góp từ nhiều nhà hảo tâm, thậm chí cả từ cựu tổng thống Francois Hollande.

 “...Chúng tôi rất vui mừng thông báo về việc mở đăng ký cho Năm đọc sách 2021, một gói đăng ký hằng năm, theo đó chúng tôi sẽ gửi các bưu kiện sách và quà tặng từ Paris đến bạn trong suốt cả năm. 

Năm tới sẽ đánh dấu bảy thập kỷ kể từ khi cửa hàng sách của chúng tôi mở cửa lần đầu tiên. Ngày nay, vào mỗi buổi sáng, mở những cánh cửa chớp bằng gỗ, vẫn là những cánh cửa cũ và chào đón những độc giả và nhà văn - dù là du khách từ khắp nơi trên thế giới hay những người Paris vẫn có thể đến thăm chúng tôi - luôn khiến chúng tôi cảm thấy như một đặc ân to lớn. Bởi vì, ngoài việc là một hiệu sách, Shakespeare and Company còn là một cộng đồng, một nơi cư trú (theo nghĩa đen), mà tất cả bạn đều là một phần trong đó. Chúng tôi ở đây hôm nay, gần bảy mươi năm sau buổi sáng đầu tiên đó, là nhờ có các bạn. 

Với rất nhiều tình yêu và lòng biết ơn” 

(Trích bức thư của Sylvia Whitman, chủ tiệm sách Shakespeare and Company)

Nhưng không phải tiệm sách nào cũng may mắn như Shakespeare and Company, rất nhiều hiệu sách bán lẻ của tư nhân ở Pháp hay còn gọi là hiệu sách độc lập đã phải đóng cửa hoặc đứng trên bờ vực phá sản. 

Cách Shakespeare and Company không xa, ở ngay đầu đại lộ Saint-Michel là Gibert Jeune, một hiệu sách được thành lập năm 1988, trong chuỗi hiệu sách của Tập đoàn Gibert Joseph. 

Gibert Jeune thông báo họ sẽ đóng cửa hàng hàng đầu của mình ở khu Latin vào cuối tháng 3 này. “Quái vật không còn sống nữa”, một nhân viên bán sách cười buồn nói với phóng viên.

Gibert Jeune là một trong những hiệu sách lớn nhất nước Pháp, là người bạn thân thiết của nhiều học sinh - sinh viên nước Pháp với 80% các đầu sách là sách học. 

Hiệu sách cao 6 tầng, rộng tới 6.500m2 này là một điểm đến không thể thiếu đối với bạn đọc lứa tuổi trẻ em cho tới thanh thiếu niên, nơi các em có thể tìm kiếm những cuốn sách văn học, sách xã hội, tài liệu học tập và sách cũ. Các em có thể tìm thấy những cuốn sách chất lượng bằng 80-90% sách mới, với giá chỉ bằng một chiếc bánh mì baguette, thậm chí thấp hơn. 

Tôi từng mua 6 cuốn sách văn học còn đẹp như mới cho các con với giá 4,5 euro (tương đương 120.000 đồng). Nhưng khi trường học bị phong tỏa, các nhà xuất bản đã cho phép học sinh truy cập vào sách giáo khoa miễn phí và từ khi đại dịch bắt đầu tới nay, học sinh tại Pháp hầu như không còn dùng sách giấy nữa.

Quận trưởng quận 5, nơi có hiệu sách Gibert Jeune, bày tỏ nỗi buồn vô hạn khi biểu tượng mạnh mẽ của văn hóa đọc sách của nước Pháp đã không trụ nổi qua cơn khủng hoảng, mất tới 60% doanh thu do đại dịch. 6 tầng của hiệu sách giờ đã về tay nhà đầu tư khác. Trước đó, tháng 5-2020, Tập đoàn Gibert Joseph đã phải thanh lý ba hiệu sách của họ trên khắp nước Pháp, khi đợt phong tỏa đầu tiên kết thúc.

Dọc theo sông Seine, trước đại dịch, khách du lịch có thể nhìn thấy cả dãy phố nơi những người bán sách dạo mở quầy, nơi họ tìm được vô vàn những cuốn sách cũ. Hình ảnh thơ mộng và đẹp đẽ này đã xuất hiện không biết bao lần trong các tác phẩm điện ảnh. Thế nhưng, khi đại dịch COVID qua đi và nếu khách du lịch lại tấp nập trên các con phố, họ có thể sẽ không còn nhìn thấy cảnh đó nữa.

Tháng 8-2020, nước Pháp tuyên bố đã mất đi 40 tỉ đô từ nền công nghiệp du lịch, cuộc sống của những người bán sách bên bờ sông Seine cũng lao đao khốn đốn khi phần lớn khách hàng của họ là khách du lịch và những người Pháp ngoại tỉnh. 

Callais là một trong 200 người bán sách tại đây. Những người như ông đã nỗ lực để dãy phố sách có lịch sử từ thế kỷ 16 này được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa. Ông mất 80% số khách kể từ khi có đại dịch và từ doanh thu khoảng 2.500 euro/tháng, nay chỉ kiếm được chừng 400 euro, không đủ để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở Paris.

 

 Những tiệm sách cũ danh tiếng bên dòng sông Seine (Ảnh: Wiki)

Paris có thể được xem như thiên đường của những hiệu sách và cho những người yêu sách. Bất kể sự tồn tại của chuỗi bán sách lớn như FNAC, Cultura hay nền tảng trực tuyến Amazon, những hiệu sách độc lập là nét văn hóa độc đáo của thành phố này. 
Mỗi hiệu sách là một nét văn hóa riêng biệt, thể hiện triết lý và gu riêng của người sở hữu tiệm sách. Bước qua cánh cửa tiệm, ta có thể bỏ lại mọi ồn ã nhộn nhịp của thành phố sau lưng, đắm chìm vào thế giới tri thức, thậm chí có thể trò chuyện hàng giờ với người bán sách.

Khu Latin nổi tiếng với các hiệu sách độc lập và là trụ sở của một số nhà xuất bản. Trong những năm gần đây, khu vực này đã dần bị các cửa hàng bán lẻ thực phẩm và các nhãn hiệu thời trang xâm chiếm. Nhiều cư dân coi đây là sự xói mòn bản sắc văn hóa. 

 

 

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Quan sát thương mại, công nghiệp và dịch vụ, năm 2017 thủ đô Paris có 703 hiệu sách, ít hơn 48 hiệu sách so với năm 2014. Riêng khu Latin, nơi tập trung nhiều hiệu sách nhất, người ta tính được cả khu có 200 hiệu sách, so với con số 210 năm 2014.

Như vậy, trong 3 năm đó, khu Latin chỉ mất đi 10 hiệu sách, nhưng trong vòng mấy tháng kể từ tháng 10-2020 cho tới nay, đã có tới 5 hiệu sách nổi tiếng (Boulinier, Picard & Epona, Gibert Jeunes, Mazarine, La Hune) tuyên bố đóng cửa, nhiều cửa hàng bán sách dạo ngừng hoạt động và nhiều hiệu sách khác đang hấp hối.

Năm 2013, Chính phủ Pháp ra lệnh cấm các nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ chuyển sách miễn phí cho khách hàng, nhằm bảo vệ các hiệu sách độc lập trước sự xâm chiếm thị trường của những ông lớn như Amazon. Amazon “chơi” lại họ bằng cách tính giá vận chuyển chỉ 1 cent. Và khả năng vận chuyển, giao hàng cực nhanh của Amazon đánh bại mọi hệ thống trễ nải, ì ạch của Pháp. 

Kể cả khi lệnh phong tỏa kết thúc thì những lo ngại về lây nhiễm, những khuyến cáo về giãn cách xã hội, giờ giới nghiêm cũng ngăn người Paris tận hưởng thói quen “flânerie” (dạo chơi không mục đích), bước vào tiệm sách và lật giở vài trang. 

Chưa kể, thói quen đọc sách của người dân trong mùa dịch cũng bắt đầu thay đổi. Họ chuyển sang đọc sách điện tử nhiều hơn (do chi phí thấp hơn) và mua sách từ các nền tảng thương mại trực tuyến để tránh phải ra ngoài. Chỉ 2 tuần sau đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 3-2020, các nền tảng bán sách trực tuyến tại Pháp đã ghi nhận doanh số bán sách tăng từ 75-200%.

Và trong khi các nền tảng thương mại đang dần xâm chiếm thị trường, các hiệu sách độc lập vẫn chưa chịu dịch chuyển hoặc hành động tương đối đủng đỉnh. Họ có website nhưng vẫn thích bán tại cửa hàng hơn bán trực tuyến, dường như việc tiếp xúc với những cuốn sách giấy và trò chuyện với khách hàng là một phần không thể thiếu trong công việc của họ. Nhưng chẳng phải đấy mới chính là điều làm nên sự kỳ diệu của một tiệm sách hay sao.■

Doanh thu của các nhà xuất bản tại Pháp (tiền bán sách và tiền thu được từ chuyển nhượng quyền) tăng 5% trong năm 2019, tương đương 2,806 triệu euro, so với 2,670 triệu euro năm 2018. Số lượng sách bán ra tăng từ 419 triệu bản năm 2018 lên 435 triệu bản năm 2019, tăng 3,8%. Cục Xuất bản Pháp chưa có con số cụ thể cho năm 2020.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận